RSS Feed for Từ thực tiễn của hội viên tiếp tục phản biện chính sách với Nhà nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 19:02
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Từ thực tiễn của hội viên tiếp tục phản biện chính sách với Nhà nước

 - Đó là khẳng định của Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), ông Trần Viết Ngãi trong buổi làm việc, tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên trực thuộc: Công ty Cổ phần Thành Long, tại huyện  Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. 

Cơ chế lỗi thời kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp trong nước

Tại buổi làm việc, Công ty Cổ phần Thành Long đã báo cáo về những hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian qua, nêu lên những khó khăn xuất phát từ cơ chế chính sách của Nhà nước và một số kiến nghị VEA hỗ trợ.

Lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam làm việc với Công ty Cổ phần Thành Long

Ông Vũ Thành Long, Chủ tịch HÐQT kiêm Tổng giám đốc cho biết: Trong những năm qua, Công ty Cổ phần Thành Long đã tham gia cung cấp vật tư thiết bị cơ khí đạt tiêu chuẩn quốc tế, với giá thành chỉ bằng một nửa so với nhập ngoại đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng/năm. Các dự án tiêu biểu mà Thành Long đã tham gia như: Thủy điện Yaly, Thủy điện Sơn La, đường dây 500kV Vĩnh Tân - Song Mây, cầu Mỹ Thuận, cầu quay Sông Hàn, nút giao thông nam cầu Chương Dương, cầu Trần Phú (Nha Trang), cầu Tuần (Thành phố Huế), cầu Hiệp Phước, cầu Nguyễn Tri Phương nối dài Thành phố Hồ Chí Minh, cầu An Dương, cầu Lạch Tray, cầu Tiền Cựu (Hải Phòng), cầu Tuyên Quang, cầu Quảng Ninh, cầu Hải Dương, cầu Hoà Bình và đường Hồ Chí Minh vv...

Tại buổi làm việc, ông Vũ Thành Long đã kiến nghị VEA tạo điều kiện hỗ trợ hội viên trong việc cung cấp thông tin về quy hoạch, hình thức kêu gọi đầu tư của các dự án năng lượng (điện, than, dầu khí, năng lượng tái tạo) được đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2011-2020. Hỗ trợ Thành Long tham gia mạnh mẽ vào các dự án: Nhiệt điện Nghi Sơn 2, các dự án nguồn điện khác, cũng như các đường dây 500kV, 220kV. Ðồng thời kiến nghị VEA làm việc trực tiếp, hoặc có văn bản kiến nghị với Chính phủ “khai thông” một số điều trong Luật Ðấu thầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cũng như phát huy tối đa nội lực chế tạo cơ khí trong nước…


Kết luận số: 25-KL/TW, ngày 17/10/2003 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ khí Việt Nam đã chỉ rõ: “Phải coi cơ khí là một ngành công nghiệp nền tảng, có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập tự chủ về kinh tế, củng cố an ninh, quốc phòng góp phần nâng cao đời sống nhân dân”.

Về chính sách và biện pháp thực hiện, Bộ Chính trị nhấn mạnh cần tập trung vào một số nội dung sau: “Tăng cường sự liên kết hợp tác giữa các doanh nghiệp cơ khí trong các ngành kinh tế khác nhau thuộc mọi thành phần kinh tế theo hình thức hợp tác hoá, kết hợp chặt chẽ cơ khí dân sự với cơ khí quốc phòng, ra sức phát huy năng lực công nghiệp cơ khí quốc phòng phục vụ phát triển kinh tế trong thời bình. Khắc phục tình trạng chia cắt, phân tán trong ngành cơ khí hiện nay…”.


Trao đổi với Công ty Cổ phần Thành Long, Chủ tịch VEA khẳng định: Nguyên nhân chính kìm hãm sự phát triển ngành chế tạo cơ khí nước ta trước hết là do cơ chế, cụ thể là một số điều trong Luật Ðấu thầu đã quá lỗi thời, không phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Và nếu chúng ta không nhanh chóng sửa đổi Luật Ðấu thầu, các doanh nghiệp trong nước, cùng với lực lượng kỹ sư, công nhân được đào tạo tay nghề cao của Việt Nam sẽ không thể có cơ hội phát triển. Ðiều đó có nghĩa là: cơ hội phát triển ngành cơ khí, cơ hội thu lợi nhuận và công ăn việc làm của chúng ta chỉ dành cho nước ngoài, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc mà thôi.

Ông Vũ Thành Long đưa ra dẫn chứng: Bằng nội lực của chính mình, năm 2009 Công ty Cổ phần Thành Long đã mua Nhà máy Cán thép Việt - Nga (thuộc Tổng công ty Vinafco) nhượng lại cho Tập đoàn Vinakansai đổi tên thành Công ty Cổ phần Cán thép Thành Long. Sau khi tiếp quản Nhà máy Cán thép của Tập đoàn Vinakansai, Thành Long đã đổi mới bổ sung thêm các thiết bị dây chuyền công nghệ hiện đại của Italia để sản xuất các sản phẩm cơ khí phục vụ cho các dự án xây dựng công nghiệp, năng lượng, với tổng công suất 150.000 tấn /năm, doanh thu lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm, nộp ngân sách cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng /năm... Nhưng tại sao khi tham gia đấu thầu một số dự án, chủ đầu tư vẫn cho rằng Thành Long thiếu năng lực? Ðấy là những nghịch lý của Luật Ðấu thầu hiện nay.

Tư vấn chiến lược cho hội viên, lên tiếng về chính sách với Nhà nước

Tại buổi làm việc, các chuyên gia trong đoàn công tác của VEA đã phát biểu đóng góp ý kiến nhằm tìm ra giải pháp phát triển các sản phẩm cơ khí của Thành Long bằng những bước đi trước mắt cũng như lâu dài, với mục tiêu là đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp.

Sau khi tiếp thu các ý kiến tại buổi làm việc, Chủ tịch VEA kết luận rằng: Việc đầu tư khoa học - công nghệ tiên tiến nhất của thế giới hiện nay để chế tạo, sản xuất các thiết bị cơ khí phục vụ nhu cầu của nền kinh tế đất nước nói chung và ngành năng lượng nói riêng của Thành Long là bước đột phá và tầm nhìn chiến lược.

Chủ tịch VEA cho biết: Với tinh thần trách nhiệm cao trước hội viên, VEA sẽ có trách nhiệm làm việc với cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành liên quan, tiếp tục nghiên cứu, tổng hợp các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học để kiến nghị tới các cơ quan: Ðảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về việc sửa đổi Quy chế đấu thầu, lấy các yêu cầu về năng lực của nhà thầu dựa trên cơ sở khoa học - công nghệ, năng lực sản xuất, năng lực tài chính mạnh, chất lượng thiết bị tốt chứ không phải lựa chọn hồ sơ “năng lực ảo” như trong thời gian qua.

VEA sẽ hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn về các dự án năng lượng trên cơ sở: hiệu quả kinh tế, tác động môi trường, tác động xã hội, tính phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của đất nước… Bên cạnh đó là hỗ trợ tham gia đấu thầu, tìm kiếm cơ hội được chỉ định thầu các dự án năng lượng trong thời gian tới.

Ðể đón trước thời cơ mới về mục tiêu ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối…) trong Quy hoạch điện VII đến năm 2020 tỷ lệ điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng này sẽ tăng lên 4,5% tổng điện năng sản xuất và năm 2030 đạt 6% - Chủ tịch VEA đã đề nghị Công ty Cổ phần Thành Long triển khai ngay việc nghiên cứu chế tạo cột thép, cánh quạt tua bin gió phục vụ cho các dự án điện gió sẽ đầu tư trong các giai đoạn quy hoạch sắp tới.

Ðồng thời giao nhiệm vụ cho Hội đồng Khoa học Năng lượng, Trung tâm Tư vấn Năng lượng hỗ trợ, tư vấn cho Công ty Cổ phần Thành Long về các lĩnh vực liên quan. Giao Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trung tâm Thông tin Năng lượng hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá sâu rộng về các sản phẩm cơ khí của Thành Long đến với ngành năng lượng trên cả nước, cùng như các ngành kinh tế - xã hội khác.

Với năng lực máy móc thi công và đội ngũ nhân lực hùng hậu, cùng với uy tín doanh nghiệp đã được hun đúc trong nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Thành Long đã được giao nhiệm vụ tham gia thực hiện các dự án trọng điểm của Quốc gia và các dự án cấp bách của Chính phủ. Gần đây nhất, Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ tham gia xây dựng Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Phát huy nội lực của một doanh nghiệp Việt Nam, Thành Long hiện đang tiến hành các thủ tục để làm chủ đầu tư đường ray vào ga Lạc Đạo (Văn Lâm - Hưng Yên). Các cơ quan quản lý đã xem xét và ủng hộ dự án này, vì đây là một trong những dự án đầu tiên của cả nước khi một doanh nghiệp chủ động lập dự án đầu tư đường sắt.


NangluongVietnam

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động