Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ II và Phương hướng nhiệm kỳ III
17:44 | 25/06/2016
Phó Tổng thư ký VEA, ông Phan Quốc Tuấn.
Thưa các vị khách quý; quý vị đại biểu,
Bước vào hoạt động nhiệm kỳ II của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (2010 -2015), là thời kỳ ngành năng lượng Việt Nam tăng tốc phát triển và cũng là giai đoạn các đơn vị thành viên lớn của Hiệp hội đứng trước nhiều thách thức to lớn. Đặc biệt là thống pháp lý điều chỉnh phát triển ngành năng lượng của Việt Nam còn thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế; Chưa thiết lập được một cơ quan đầu mối để thống nhất quản lý và điều tiết tổng thể…
Trước khó khăn, thử thách, với quyết tâm và danh dự của những người đã từng tham gia xây dựng phát triển ngành năng lượng, uy tín nghề nghiệp, trách nhiệm đối với ngành và xã hội, tập thể lãnh đạo, cùng cán bộ thường trực Hiệp hội của chúng ta đã đoàn kết, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ, hỗ trợ đắc lực các đơn vị thành viên vượt qua khó khăn, góp phần vào sự nghiệp phát triển năng lượng quốc gia.
PHẦN THỨ NHẤT: KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG NHIỆM KỲ II (2010 - 2015)
Về hoạt động phản biện, kiến nghị
(1) Kiến nghị về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam
Bước vào thực hiện nhiệm vụ của nhiệm kỳ II, trước những thách thức về nguồn vốn đầu tư vào các dự án điện, than, dầu khí, năng lượng mới, tái tạo theo chiến lược phát triển ngành năng lượng Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Bộ Chính trị thông qua và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Hiệp hội chúng ta đã tổ chức hội thảo quốc tế về “Giải pháp huy động nguồn vốn đầu tư phát triển năng lượng Việt Nam”, qua đó để lấy ý kiến của các tập đoàn, các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, các nhà khoa học, các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế… soạn thảo văn bản kiến nghị tới Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ về chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam.
Trong văn bản kiến nghị, Hiệp hội đã phân tích những khó khăn trong công tác huy động vốn cho đầu tư phát triển năng lượng trong những năm qua như: Nguồn huy động trong nước; Nguồn vốn huy động nước ngoài; Thu hút nguồn vốn FDI; Đầu tư theo hình thức BOT…
Nêu lên một số khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng; Phân tích, khẳng định những nguyên nhân thiếu vốn cho đầu tư phát triển và hệ quả tất yếu sẽ xảy ra.
Vậy, làm thế nào để đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển năng lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của nền kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, cũng như phát triển bền vững các doanh nghiệp năng lượng trong thời gian sắp tới? Hiệp hội chúng ta đã có một số kiến nghị như sau:
1. Khẳng định: Giá điện bậc thang được quy định tại Quyết định 2014/QĐ-BCN, ngày 13/6/2007 là nhằm mục đích hỗ trợ người nghèo và khuyến khích các hộ dân sử dụng điện tiết kiệm (tức là 50kWh đầu tiên được bán dưới giá thành sản xuất: 600 VNĐ/kWh). Tuy nhiên, Hiệp hội thấy rằng, sau một thời gian áp dụng trong thực tiễn, bảng giá điện bậc thang đã bộc lộ những bất cập, bởi 50 kWh đầu tiên không chỉ người nghèo, các hộ chính sách được hưởng mà cả người có thu nhập cao, kể cả người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam cũng hưởng lợi từ cơ chế giá này, gây lãng phí, thiệt hại cho ngành điện.
Vì vậy, Hiệp hội chúng ta kiến nghị xoá bỏ giá điện bậc thang và áp dụng 2 loại giá điện:
Thứ nhất là giá điện bao cấp (50kWh đầu tiên, do Nhà nước quy định): Mức giá bao cấp thấp hơn giá thị trường bán cho các hộ nghèo, cận nghèo.
Thứ 2 là giá điện theo thị trường: Là các hộ sử dụng điện có mức sống trung bình trở lên áp dụng giá bán điện theo thị trường (mức giá 7-8 USc/kWh).
2. Kiến nghị việc thành lập 1 tổng công ty quản lý giá điện cho hộ nghèo và giá điện phục vụ công ích xã hội.
3. Để đạt được mục tiêu đặt ra, Hiệp hội đã kiến nghị: kể từ năm 2011, Chính phủ cần phải tăng giá điện ở mức 8 USc/kWh (mức giá này vẫn thấp hơn giá điện trong khu vực, với cơ cấu giá nhiên liệu đầu vào như hiện nay).
4. Đối với năng lượng tái tạo, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho các nhà đầu tư như: giảm giá thuê đất, thuế nhập khẩu thiết bị trong nước chưa sản xuất được, thuế VAT. Bên cạnh đó, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng khung giá năng lượng tái tạo hợp lý với các thành phần: mức giá tối đa EVN có thể mua, giá hỗ trợ của Nhà nước và giá bán phát thải khí nhà kính - theo các chuyên ngành: gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt.
5. Cùng với việc điều chỉnh giá điện, Hiệp hội chúng ta kiến nghị Chính phủ điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu; giá than bán cho điện, cũng như các hộ xi măng, giấy, phân bón… ở mức thấp hơn giá xuất khẩu (tối đa là 10%) kể từ năm 2011.
Sau kiến nghị trên đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và TKV rà soát, tính toán cụ thể giá bán than cho sản xuất điện theo cơ chế thị trường để triển khai áp dụng từ năm 2011. Về giá điện, Chính phủ chỉ đạo Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và EVN nghiên cứu đề xuất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam về 2 phương án giá điện, cũng như giá năng lượng tái tạo kể từ năm 2011.
(2) Kiến nghị giải quyết tiến độ các dự án năng lượng của đất nước
Trước sự chậm trễ của các dự án năng lượng gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống dân sinh, Hiệp hội đã tổ chức hội thảo “Bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án năng lượng của đất nước” để lấy ý kiến tham luận, phản biện của các chủ đầu tư, các nhà thầu, các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia năng lượng…
Sau đó, Hiệp hội chúng ta đã có văn bản kiến gửi đến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.
Nội dung văn bản kiến nghị này đã nhận định về những nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án điện, than, dầu khí như sau:
Về các dự án nguồn điện: Công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định như hiện nay là quá dài. Việc thực hiện hợp đồng EPC bị chậm là do đàm phán giá mua bán điện và điều kiện khởi công công trình.
Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện: hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế nên phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, chủ yếu là tiêu chuẩn Trung Quốc.
Về các dự án lưới điện: Tiến độ xây dựng phát triển lưới điện truyền tải bị chậm là do thiếu vốn, giá cả vật tư thiết bị tăng cao, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khâu tư vấn và năng lực nhà thầu thi công.
Về các dự án khai thác than: Theo Luật Khoáng sản, chủ sở hữu phải có ít nhất 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Do các dự án phát triển mỏ, đặc biệt là dự án nhóm A, B có tổng mức đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng và thường mỗi mỏ có nhiều dự án khác nhau, trong khi đó Nhà nước lại không linh động điều chỉnh giảm tỉ lệ phần vốn chủ sở hữu hợp lý để có điều kiện triển khai các dự án một cách nhanh nhất.
Về các dự án dầu khí: Thủ tục pháp lý cho phép đầu tư là điều kiện tiên quyết cho công tác thực hiện các dự án dầu khí, nhưng khi thực hiện thì nảy sinh những vấn đề chưa thống nhất về cơ chế, chính sách giữa các cấp, các ngành, các địa phương và chủ đầu tư.
Do các dự án về dầu khí cần có vốn đầu tư lớn và thiết bị nhập khẩu nhiều, cho nên chịu sự chi phối bởi biến động tỷ giá đồng ngoại tệ, dẫn đến phải phê duyệt lại tổng mức đầu tư, hoặc điều chỉnh thiết kế để phân kỳ, hay cắt giảm hạng mục, làm chậm tiến độ và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính - xã hội của các dự án.
Từ thực tiễn nêu trên, Hiệp hội chúng ta đã kiến nghị các giải pháp mạnh và linh hoạt, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các dự án nguồn điện, lưới điện; các dự án khai thác than - dầu khí…
Sau khi nhận được Văn bản trên đây, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Công văn ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong việc góp phần phát triển năng lượng quốc gia và đề nghị Hiệp hội trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng của đất nước.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, cũng như làm rõ hơn những ý kiến khác nhau về vấn đề này, Hiệp hội chúng ta đã có các buổi làm việc với Bộ Công Thương, khảo sát, đánh giá tại một số nhà máy nhiệt điện đang vận hành, một số dự án nguồn điện đang thực hiện đầu tư và trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp chế tạo cơ khí năng lượng trong nước.
Trên cơ sở đó, Hiệp hội chúng ta đã đưa ra một số nhận định để làm rõ Ba vấn đề trước công luận:
Một là: Cần thiết phải hạn chế các nhà thầu kém chất lượng khi tuyển chọn các tổng thầu EPC và đơn vị cung cấp thiết bị cho các dự án năng lượng.
Hai là: Bên cạnh giá dự thầu, cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố tổng chi phí và chuyển giao công nghệ.
Ba là: Tích cực phát huy hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.
(3) Đóng góp ý kiến về Đề án: “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020”
Cuối năm 2011, Hiệp hội nhận được đề nghị của Tổng Bí thư và Chủ tịch nước về việc đóng góp ý kiến cho Đề án nêu trên.
Để đạt được mục tiêu đề ra, Hiệp hội đã đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, có cơ chế linh hoạt nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư từ xã hội ở trong nước và quốc tế, phát huy tối đa nội lực Việt Nam trong các dự án, có bộ máy điều hành quản lý đủ mạnh, lựa chọn được các nhà thầu có năng lực tài chính tốt, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại…
Tại cuộc họp này, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam và một số chuyên gia đầu ngành có tâm huyết làm thành viên của Tổ chuyên gia kinh tế - khoa học - kỹ thuật của Chủ tịch nước (kể từ ngày 1 tháng 12 năm 2011).
(4) Kiến nghị tháo gỡ khó khăn cho ngành Than
Ngày 19/5/2012, Chủ tịch Hiệp hội chúng ta đã tham dự buổi Tọa đàm, với chủ đề: “Ngành Than - Khoáng sản Việt Nam với vai trò đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia”. Tham gia buổi tọa đàm có đại diện của Ủy ban Kinh tế Quốc hội, các bộ: Tài chính, Công Thương, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, Tỉnh ủy Quảng Ninh, các chuyên gia kinh tế… Buổi Tọa đàm do Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức tại TP Hạ Long, Quảng Ninh.
Phát biểu tại diễn đàn này, Chủ tịch Hiệp hội của chúng ta đã nêu vấn đề: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch phát triển ngành Than trong 5 năm tới, với các danh mục dự án rất cụ thể (bao gồm: cải tạo mở rộng, nâng công suất 61 dự án mỏ hiện có, đầu tư xây dựng mới 28 dự án mỏ có công suất đến 2 triệu tấn/năm, đưa vào vận hành 6 dự án nguồn điện, thăm dò xong một phần tài nguyên và trữ lượng than sông Hồng)… Nhưng vấn đề là tiền ở đâu và bằng cơ chế, chính sách nào nào để TKV thực thi được các dự án này?
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hiệp hội đã đề nghị: Trong điều kiện giá than bán cho một số hộ trong nước đang ở mức dưới giá thành, chi phí sản xuất tăng, thuế GTGT tăng cao, điều kiện khai thác ngày càng khó khăn… thì Chính phủ cần phải đẩy nhanh thị trường hóa giá than, bên cạnh đó là giảm mức thuế than xuất khẩu từ 20% như hiện nay xuống mức 0%, nhằm tạo ra nguồn vốn cho ngành Than triển khai thực hiện tốt các dự án năng lượng đã được Chính phủ giao nhiệm vụ.
Tại buổi tọa đàm này, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã ghi nhận những ý kiến của Chủ tịch Hiệp hội. Theo đó, với những khó khăn, vướng mắc của ngành Than đã được các cơ quan Quốc hội, Chính phủ quan tâm giải quyết, trên cơ sở đặc thù của ngành Than, cũng như tình hình thực tiễn của đất nước.
(5) Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành Năng lượng Việt Nam
Bước vào năm 2013, để chuẩn bị giúp đỡ, hỗ trợ cho các thành viên, Hiệp hội chúng ta đã có văn bản kiến nghị về việc: “Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho ngành năng lượng Việt Nam”. Trước đó, Hiệp hội đã tổ chức đoàn công tác đi khảo sát thực tế, tìm hiểu về những khó khăn, bất cập, vướng mắc tại một số đơn vị thành viên, của ba tập đoàn: EVN, PVN và TKV.
Trong nội dung văn bản kiến nghị này, Hiệp hội chúng ta đã khẳng định: Vốn đầu tư cho phát triển ngành Than là một vấn đề lớn, trong khi đó điều kiện khai thác hiện nay tại các mỏ lộ thiên đang xuống sâu nên bắt buộc phải tăng khai thác than hầm lò. Để đáp ứng được lượng than 55 triệu tấn vào năm 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng thì phải khai thác được thêm 20 triệu tấn than nguyên khai nữa, như vậy có nghĩa là ngành Than phải xây dựng tối thiểu là 10 mỏ mới với công suất từ 2 - 2,5 triệu/năm, nằm trong tổng số 28 mỏ mới mà Chính phủ đã giao.
Nếu xây hết cả 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ thì vốn cần đầu tư tới hàng chục tỷ USD. Nhưng hiện tại ngành Than đang thiếu vốn trầm trọng do giá than bán cho điện rất thấp (dưới giá thành), sản lượng và giá bán than xuất khẩu giảm, trong đó khi giá thành khai thác tăng cao nên không có lãi và không đủ điều kiện để thực hiện chủ trương đầu tư phát triển.
Hiệp hội chúng ta cho rằng, nếu không có những đột phá mới về cơ chế, chính sách của Nhà nước thì hậu quả đến năm 2020 sẽ không đủ than cung cấp cho hàng chục nhà máy nhiệt điện chạy than nằm trong Quy hoạch điện VII đã được Thủ tướng phê duyệt, chưa nói tới không đủ than phục vụ cho các ngành kinh tế khác…
(6) Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo nâng cấp NMLD Dung Quất
Vào tháng 8/2013, Hiệp hội đã khảo sát thực tế và làm việc với Công ty Lọc - hoá dầu Bình Sơn, Hiệp hội nhận thấy NMLD Dung Quất cần phải được tiến hành nâng cấp mở rộng và thay đổi công nghệ, chú ý về công nghệ hoá dầu. Sau đó, Hiệp hội đã có Văn bản kiến nghị tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Nhận được văn bản kiến nghị này, Chính phủ đã có Văn bản số: 6875/VPCP-KTN, ngày 19/8/2013 giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tham khảo trong quá trình chỉ đạo việc triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển ngành dầu khí nói chung, theo Văn bản kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam.
(7) Kiến nghị phát huy nội lực chế tạo cơ khí Việt Nam trong các dự án điện
Trước thực trạng phần lớn các dự án năng lượng trong nước đều do nhà thầu nước ngoài làm tổng thầu EPC, còn các nhà thầu trong nước lại đứng ngoài cuộc, dẫn đến Việt Nam mất một lượng ngoại tệ lớn, mất khả năng hành nghề của các nhà thầu... Trong khi đó, các nhà thầu trong nước có đủ khả năng (hoặc liên doanh, liên kết) để làm tổng thầu các dự án thì lại không được lựa chọn.
Để hạn chế tình trạng nêu trên, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp cơ khí trong nước có công ăn việc làm, nâng trình độ tay nghề, nâng khả năng trong việc chế tạo các thiết bị cơ khí trong các dự án năng lượng của đất nước, Hiệp hội chúng ta đã có văn bản kiến nghị cho phép các đơn vị cơ khí được tham gia thực hiện một số phần việc xây dựng các dự án nhiệt điện trong Tổng sơ đồ điện VII. Tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gia trong các nhà máy điện than, nhằm tăng nguồn thu cho Nhà nước, giảm nguồn ngoại tệ cho việc nhập thiết bị ở nước ngoài, qua đó giảm nhập siêu.
(8) Đính chính những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn: EVN, PVN, TKV
Cùng với các văn bản kiến nghị, trong năm 2013, Chủ tịch Hiệp hội chúng ta đã có nhiều phản biện, đính chính những thông tin sai lệch trên công luận gây thất thiệt tới ngành năng lượng Việt Nam như: Trước lộ trình tăng giá điện từ 1/8/2013, dư luận có nhiều phản ứng mạnh mẽ, Chủ tịch Hiệp hội đã khẳng định trên công luận rằng: "Cần phải xem ngành Điện là ngành đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước".
(9) Phản biện, đính chính những thông tin sai lệch sau lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa 3 tập đoàn: EVN, PVN, TKV
Đầu tháng 3/2013, ba tập đoàn: EVN, PVN, TKV tổ chức Lễ ký thỏa thuận hợp tác chiến lược. Sau sự kiện này, dư luận lo ngại rằng, liệu đó có phải là tăng thêm “hàm lượng độc quyền” trong lĩnh vực này hay không? Chủ tịch Hiệp hội chúng ta đã khẳng định rằng, có nhiều yếu tố khách quan dẫn đến cuộc hợp tác chiến lược này, nhằm góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Do vậy, sự hợp tác giữa ba tập đoàn là tất yếu khách quan và rất cần thiết.
(10) KN “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách”
Vào đầu năm 2014, để cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra tại Hội thảo Khoa học “Vốn cho các dự án điện và những vấn đề cấp bách” Hiệp hội đã hoàn thành văn bản gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, các bộ, ngành liên quan.
Trong văn bản này, Hiệp hội đã phân tích, đánh giá về thực trạng nguồn vốn cho các dự án điện theo Quy hoạch Điện VII và nguyên nhân cản trở việc tiếp cận vốn tại các dự án điện. Trên cơ sở đó Hiệp hội đã kiến nghị như sau:
(1) Chính phủ hỗ trợ cho EVN và một số nhà đầu tư khác được vay vốn ODA với lãi suất thấp và bảo lãnh vay vốn các ngân hàng quốc tế như: WB, ADB và các tổ chức tín dụng khác... Chính phủ hỗ trợ huy động các nguồn vốn từ phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn khác. Đặc biệt ưu tiên đủ vốn cho các dự án cấp bách về nguồn và lưới điện để EVN, PVN, TKV có đủ vốn đảm bảo tiến độ các dự án đã và đang triển khai xây dựng cũng như xây dựng các dự án mới từ nay đến năm 2020 và sau năm 2020.
(2) Chính phủ tiếp tục có những chính sách đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho các dự án điện như: được phép cho vay vượt mức hạn chế theo quy định.
(3) Để xây dựng một dự án nhiệt điện: 1.200 MW cần tới 1,8 - 2 tỷ USD, theo đó vốn đối ứng từ là từ 25%-30% thì EVN cần phải có 500-600 triệu USD làm đối ứng, và rất nhiều dự án như vậy kể cả nguồn, lưới điện thì EVN cần nhiều tỷ USD vốn đối ứng để phục vụ cho việc vay đủ vốn thực hiện các dự án, do vậy vấn đề về tài chính của EVN hết sức khó khăn.
Từ văn bản kiến nghị nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã có Văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc "Vốn đầu tư cho các dự án điện của đất nước và những vấn đề cấp bách" theo kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó nêu một số phân tích, đánh giá và kiến nghị về vốn đầu tư, cũng như chính sách đối với các dự án điện.
Về việc này, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong quá trình chỉ đạo thực hiện các dự án nguồn và lưới điện thuộc Quy hoạch điện VII; chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
(12) Đề xuất giải pháp chiến lược về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả
Để cụ thể hóa các vấn đề được nêu ra tại Hội thảo khoa học “Tiết kiệm năng lượng - Những vấn đề cấp bách” do Hiệp hội phối hợp với Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, ngày 26/9/2014, Hiệp hội đã hoàn thành văn bản kiến nghị gửi tới Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBTW Mặt trận Tổ quốc VN....
Từ văn bản kiến nghị nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản phản hồi theo kiến nghị của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam gửi Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Trong đó nêu một số phân tích, đánh giá và kiến nghị giải pháp chiến lược về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải giao Bộ Công Thương nghiên cứu tiếp thu các đề xuất về một số giải pháp nhằm thực hiện tốt việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.
(13) KN hỗ trợ sản xuất vật liệu không nung từ xỉ than nhiệt điện
Trong nhiều năm theo dõi tại các nhà máy nhiệt điện than, Hiệp hội chúng ta nhận thấy rằng lượng tro đáy, tro bay của các nhà máy nhiệt điện thải ra rất lớn; một số nhà máy nhiệt điện đã cho một số doanh nghiệp thu mua để sản xuất vật liệu không nung. Nhưng ở mức độ không lớn và chưa lan toả đến các nhà máy trong cả nước.
Bằng văn bản này, Hiệp hội kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan sớm đề ra các cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các dự án để tận dụng tối đa loại chất thải rắn. Đồng thời kiến nghị với Thủ tướng sớm ban hành về các cơ chế, chính sách cụ thể về vốn đầu tư; về chính sách thuế; ban hành chất lượng các sản phẩm vật liệu không nung, sử dụng nguyên liệu tro đáy, tro bay theo tiêu chuẩn quy định của Nhà nước.
(14) Đóng góp ý kiến tại diễn đàn “Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015”
Hưởng ứng lời kêu gọi của UBMTTQ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước VN và Ngân hàng Thế giới về việc đóng góp ý kiến tại diễn đàn "Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau 2015" - là cơ quan theo dõi quá trình hoạt động, cũng như việc thực hiện quy hoạch các phân ngành năng lượng, Hiệp hội đã phân tích, đánh giá và đề xuất kiến nghị về chủ trương nội địa hoá ngành năng lượng Việt Nam hướng tới mục tiêu theo chủ đề nêu trên...
Ý kiến đóng góp đã nhận định về tình hình phát triển năng lượng Việt Nam trong 30 năm đổi mới. Mặt khác, nêu lên một số thách thức lớn trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng, đồng thời kiến nghị Đảng, Nhà nước, Chính phủ cần có quyết sách mạnh mẽ về phát triển cơ khí chế tạo. Đặc biệt là việc xây dựng các đề án điều chỉnh quy hoạch liên quan đến cơ khí chế tạo hợp lý, không dàn trải, tập trung vào những chuyên ngành mà Việt Nam có thế mạnh, có khả năng vươn lên tầm khu vực và thế giới.
(15) Đóng góp ý kiến về Đề án Thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh VN
Trong năm 2015, Hiệp hội chúng ta đã trực tiếp tham gia nhiều hội nghị, hội thảo khoa học và trực tiếp làm việc với Bộ Công Thương, Cục Điều tiết Điện lực về Đề án thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Với mục tiêu của thị trường bán buôn điện cạnh tranh Việt Nam là đảm bảo an ninh cung cấp điện, thu hút nhà đầu tư; giá điện hợp lý và nâng cao cạnh tranh, đảm bảo minh bạch, công khai, hiệu quả phát triển bền vững... Hiệp hội đã đề xuất nhiều nội dung quan trọng và được các bộ, ngành, cơ quan liên quan đánh giá cao và tiếp thu thực hiện.
(16) Ngoài ra Hiệp hội chúng ta còn tham gia góp ý xây dựng các văn bản về chế độ chính sách theo đề xuất của các bộ, ngành liên quan, vv…
(17) Hoạt động tư vấn dự án năng lượng
Trung tâm Tư vấn Năng lượng - Cơ quan tư vấn của Hiệp hội trong thời gian qua đã hoàn thành một khối lượng lớn công tác Thẩm tra Dự án đầu tư xây dựng, Thẩm tra thiết kế cơ sở, Thẩm tra Dự án đầu tư, Thẩm định Tổng mức đầu tư, Thẩm tra thiết kế kỹ thuật - tổng dự toán… cho các công trình: Cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc; Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2; Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; Sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Vũng Áng; Sân phân phối 500kV, 220kV Trung tâm Điện lực Long Phú; Nhà máy Thủy điện Trung Sơn; Nhà máy Điện trấu An Giang, Biomass Mộc Châu, Nhà máy phong điện Phú Quý vv…
(18) Tổ chức triển lãm, hội chợ về năng lượng và hợp tác quốc tế
Trong nhiệm kỳ qua, Hiệp hội đã chỉ đạo tổ chức thành công các Hội chợ Triển lãm Quốc tế về phát triển Năng lượng Việt Nam. Sự kiện này đã thu hút các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tham gia trưng bày các sản phẩm, giới thiệu những tiến bộ khoa học - công nghệ mới của ngành năng lượng…
Hợp tác quốc tế: Thông qua các chương trình hội thảo quốc tế, các diễn đàn hợp tác đầu tư, các tổ chức và các tập đoàn quốc tế đã đến với Hiệp hội chúng ta để tìm kiếm các cơ hội hợp tác đầu tư phát triển. Hiệp hội đã cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin về tiềm năng, hỗ trợ tư vấn đầu tư, giúp đỡ đàm phán hợp tác… vì vậy nhiều dự án năng lượng lớn của đất nước được triển khai xây dựng trong những năm qua có sự hỗ trợ thiết thực của Hiệp hội.
Thông qua các chương trình công tác của Hiệp hội, nhiều thành viên đã được đến một số nước trên thế giới để tham quan, học tập, tiếp thu các thành tựu về khoa học - kỹ thuật, cũng như hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ.
(19) Công tác tuyên truyền
Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam Online, bằng ý thức, trách nhiệm, sự quan tâm đến chiến lược phát triển ngành Năng lượng Việt Nam đã luôn cố gắng để thực hiện tốt công tác tuyên truyền trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của các phân ngành năng lượng... Mặt khác, trong những năm qua, Tòa soạn đã thực hiện nhiều bài phản biện, kiến nghị về cơ chế, chính sách, nhằm tạo điều kiện cho ngành Năng lượng Việt Nam phát triển; kịp thời đính chính những thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành Năng lượng Việt Nam. Những thông tin đa chiều trên Năng lượng Việt Nam được bạn đọc ghi nhận, đánh giá cao.
(20) Thành lập các đơn vị thành viên và phát triển thành viên mới
- Ngày 14 tháng 5 năm 2014, Hiệp hội đã quyết định thành lập Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Năng lượng Việt Nam.
- Ngày 1/10/2015, Hiệp hội đã tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh.
- Từ những hiệu quả thiết thực trong việc giúp các thành viên phát triển sản xuất, kinh doanh, trong 5 năm qua Hiệp hội chúng ta đã kết nạp thêm gần 100 thành viên mới là các tổ chức, các tập đoàn, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng ở trong nước và kết nạp thêm một số thành viên liên kết là các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực năng lượng.
(21) Nhiệm kỳ 2010-2015, Hiệp hội tiếp tục xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các bộ, ngành, các địa phương và các tổ chức, hiệp hội chuyên ngành, các tập đoàn, tổng công ty, các đơn vị thành viên và các cơ quan thông tin đại chúng... chính vì vậy, trong các hoạt động Hiệp hội chúng ta luôn nhận được sự đồng thuận cao và thuận lợi.
PHẦN THỨ HAI: Đánh giá kết quả Nhiệm kỳ II và bài học kinh nghiệm
1. Đạt được kết quả to lớn trên đây, ngoài sự nỗ lực vươn lên của thường trực BCHTW Hiệp hội, còn có sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trên cả nước; Sự giúp đỡ nhiệt thành và có hiệu quả của tất cả các tập thể, các cá nhân trong Hiệp hội.
2. Mặc dù hoạt động trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng Hiệp hội đã thực hiện có hiệu quả việc hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, bảo vệ quyền lợi chung của các thành viên.
3. Hiệp hội đã thực sự trở thành cầu nối giữa cộng đồng các doanh nghiệp ngành năng lượng với các cơ quan quản lý Nhà nước; Phản ánh một cách khách quan, đề xuất những giải pháp thích hợp và nhiều ý kiến đã được chấp thuận, tạo điều kiện, môi trường kinh doanh thuận lợi cho các đơn vị thành viên.
4. Hiệp hội chúng ta đã thực sự là người đại diện cho ngành Năng lượng Việt Nam trên trường quốc tế trong quan hệ hợp tác với các tổ chức cùng ngành trên thế giới.
5. Hiệp hội chúng ta đã thực hiện nghiêm túc các quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý Hội theo các quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP, ngày 21/4/2010 của Chính phủ; thực hiện nghiêm túc các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động của Hiệp hội cũng như Điều lệ Hiệp hội.
6. Với những thành tích đạt được trong quá trình hoạt động, Hiệp hội chúng ta đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động.
PHẦN THỨ BA: MỘT SỐ KHÓ KHĂN
1. Nhận thức của các cơ quan quản lý Nhà nước về vị trí, vai trò của Hiệp hội trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế còn hạn chế, do đó chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho Hiệp hội hoạt động.
2. Một số thành viên chưa thấy hết được tầm quan trọng của Hiệp hội, chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc Nghị quyết. Do vậy, mặc dù tập trung đông đảo các DN, với đầy đủ các phân ngành năng lượng, nhưng chưa thực sự tạo được sức mạnh tổng hợp. Một số thành viên không nộp đầy đủ hội phí hàng năm.
3. Bộ máy, cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động còn quá khó khăn.
PHẦN THỨ TƯ: PHƯƠNG HƯỚNG NHIỆM VỤ NHIỆM KỲ III (2016-2021)
1. Trong phương hướng hoạt động nhiệm kỳ III (2015-2021), Hiệp hội Năng lượng Việt Nam sẽ bám sát hoạt động của các đơn vị thành viên trên tất cả các lĩnh vực: Quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, sản xuất, truyền tải, phân phối, kinh doanh, thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, tồn trữ, xuất nhập khẩu năng lượng… Để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các các đơn vị thành viên, kịp thời động viên, chia sẻ và đặc biệt là kiến nghị tháo gỡ những rào cản gây ảnh hưởng đến sự phát triển đi lên của các thành viên.
2. Đề xuất với Đảng, Nhà nước, Chính phủ về việc xác định tiềm năng các nguồn năng lượng (thủy điện, điện mặt trời, điện gió, dầu khí, than, sinh khối, địa nhiệt...) từ đó xác định đầu tư bằng công nghệ nào; nguồn vốn ở đâu; ai làm và tổ chức thực hiện như thế nào. Đặc biệt là xác định trữ lượng nguồn tài nguyên than ở khu vực Đông Bắc, Quảng Ninh, Đồng bằng sông Hồng, trên cơ sở đó đề ra chiến lược phát triển ngành than trong tương lai.
3. Đối với ngành Dầu khí, sẽ đề xuất việc đầu tư công nghệ tiên tiến, nhân tài và có thể mời thêm tư vấn nước ngoài để tìm kiếm, thăm dò xác định tiềm năng, trữ lượng dầu khí ở khu vực Biển Đông nói chung và thềm lục địa Việt Nam nói riêng ở độ sâu dưới 1000m.
4. Kiến nghị Chính phủ cho phép tiếp tục triển khai đầu tư các dự án thủy điện vừa và nhỏ đáp ứng các yêu cầu kinh tế - kỹ thuật - môi trường (đã bị loại bỏ trước đây).
5. Hiệp hội sẽ kiến nghị việc khẩn trương triển khai các dự án thủy điện tích năng và các dự án thủy điện cột nước thấp.
6. Phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội thảo khoa học chính sách phát triển ngành năng lượng, các hội thảo về năng lượng tái tạo...
7. Hội đồng Khoa học Năng lượng nghiên cứu và tư vấn một số vấn đề theo yêu cầu của thường trực Hiệp hội, đặc biệt là các nội dung về quy hoạch phát triển và cơ chế chính sách năng lượng; Thị trường năng lượng; Công nghệ điện hạt nhân và vấn đề an toàn; Sử dụng hiệu quả nguồn thuỷ điện; Vấn đề môi trường trong hoạt động năng lượng…
8. Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển nguồn năng lượng mới, tái tạo...
9. Hỗ trợ và phối hợp với các tập đoàn: PVN, EVN, TKV... triển khai công tác chuẩn bị đầu tư các dự án nguồn điện như: lập báo cáo đầu tư, dự án đầu tư xây dựng công trình, thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và thẩm định các hồ sơ thiết kế các giai đoạn...
10. Tiếp tục chương trình đi tìm hiểu tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn: EVN, PVN, TKV và một số đơn vị thành viên khác để kịp thời đề xuất với Chính phủ, các cơ quan Nhà nước giải quyết những khó khăn, vướng mắc giúp thành viên thực hiện tốt kế hoạch được giao.
11. Tổ chức hội nghị, hoặc làm việc trực tiếp với một số thành viên lớn để giúp các thành viên đang gặp khó khăn. Quan tâm nhiều hơn đến các thành viên là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
12. Tập trung tìm hiểu sâu về thực hiện một số cơ chế, chính sách trong thi hành Luật Doanh nghiệp mới, Luật Đấu thầu, vấn đề trượt giá trong xây dựng, công tác di dân giải phóng mặt bằng các dự án công trình năng lượng, chính sách thuế xuất nhập khẩu vật tư, nguyên liệu, thiết bị điện và vấn đề ưu đãi đầu tư v.v...
13. Trong nhiệm kỳ tới, chủ trương của Hiệp hội là sẽ đi sâu vào thực tế cuộc sống của ngành Năng lượng Việt Nam để hành động kịp thời giúp đỡ các đơn vị thành viên phát triển bền vững.
14. Kiến nghị về quy hoạch cả về tổng thể và các chuyên ngành điện, than, dầu khí... để đề xuất, đổi mới thể chế hóa chính sách, cơ chế cho các đơn vị thành viên.
15. Đề xuất với Chính phủ về Chiến lược phát triển bền vững của ngành Năng lượng Việt Nam tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xác định vai trò, trách nhiệm của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam trong mục tiêu, chiến lược phát triển.
16. Lãnh đạo, chỉ đạo tốt Hội thủy điện vừa và nhỏ - Năng lượng xanh, tạo sự lan tỏa cho đầu tư nhiều dự án mới.
17. Tạp chí Năng lượng Việt Nam sẽ bám sát hơn các đơn vị thành viên để nắm bắt, kịp thời phản ánh các thông tin, chủ yếu đánh giá, nâng cao thành tích, hiệu quả công tác. Đồng thời có những đề xuất kiến nghị, phản biện kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các thành viên; kịp thời đính chính những thông tin sai lệch gây ảnh hưởng đến hoạt động ngành năng lượng của Việt Nam.
18. Mở rộng hợp tác quốc tế và kết nạp nhiều thành viên mới.
29. Tổ chức hội nghị BCH các khu vực và các thành viên trên cả nước.
20. Đẩy mạnh công tác thi đua khen thưởng trong toàn Hiệp hội.
Xin trân trọng cảm ơn các đồng chí đã chú ý lắng nghe!