RSS Feed for Thực hư chuyện lỗ lớn của Dự án Alumin Tân Rai thế nào? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 00:39
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thực hư chuyện lỗ lớn của Dự án Alumin Tân Rai thế nào?

 - Hiện nay, dư luận hết sức quan tâm về hiệu quả kinh tế của Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng (hay còn gọi là Dự án Alumin Tân Rai) - là 1 trong 2 dự án thí điểm lần đầu tiên xây dựng ở Việt Nam. Có ý kiến còn cho rằng, Dự án không những không có hiệu quả mà bị lỗ lớn, lên tới hàng chục, thậm chí đến trăm triệu đô la mỗi năm. Vậy thực hư thế nào? Tạp chí Năng lượng Việt Nam/ NangluongVietnam.vn giới thiệu bài phân tích, đánh giá, nhận định của PGS,TS. Nguyễn Cảnh Nam (Vinacomin)...

LIÊN QUAN

>> Cận cảnh tổ hợp bauxite tại Lâm Đồng
>> Thông tin về dự án bauxite Nhân Cơ
>> Bùn đỏ là nguyên liệu sản xuất thép và vật liệu xây dựng
>> Khai thác bôxit Tây Nguyên: Cần xây dựng tuyến đường sắt
>> Đề xuất mô hình và bộ chỉ tiêu phát triển bền vững ngành Than Việt Nam (Kỳ 1)
>> Đề xuất mô hình và bộ chỉ tiêu phát triển bền vững ngành Than Việt Nam (Kỳ 2)

CÙNG TÁC GIẢ

>> Giải pháp thực hiện Quy hoạch phát triển ngành Than đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế

 

Dự án là bước đi ban đầu trong việc thực hiện quy hoạch phát triển đồng bộ một ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và sau nhôm cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nói chung và hiệu quả kinh tế nói riêng của Dự án phải được xem xét tổng thể, toàn diện, đầy đủ trong bối cảnh đó chứ không được cắt khúc, chia đoạn ra để đánh giá.

PGS,TS. NGUYỄN CẢNH NAM

Dự án Tổ hợp bauxit - nhôm Lâm Đồng có công suất thiết kế giai đoạn 1 là 650.000 tấn alumin/năm. Dự án gồm các công trình: Khai thác mỏ bô xít; Nhà máy tuyển quặng bô xít; Tổ hợp Nhà máy alumin (gồm nhà máy nhiệt điện than, nhà máy khí hóa than và nhà máy alumin).

Tổ hợp Nhà máy alumin do nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) thực hiện xây dựng theo hình thức hợp đồng EPC, trên cơ sở trúng thầu đấu thầu quốc tế rộng rãi, còn lại các công trình khác do chủ đầu tư và các nhà thầu trong nước thực hiện.

Đến nay, toàn bộ tổ hợp đã hoàn thành đi vào hoạt động, riêng nhà máy alumin đang trong quá trình chạy thử, dự kiến cuối quý II/2013 sẽ tiến hành chạy đồng bộ các chỉ tiêu để bàn giao đưa nhà máy vào sản xuất.

Tính đến 4/2013 Tổ hợp đã sản xuất được trên 265.000 tấn quặng tinh bô xít, 28.600 tấn alumin và 16.700 tấn hydrate (là sản phẩm đưa vào nung để ra alumin). Về chất lượng sản phẩm alumin cơ bản đã đạt chất lượng theo yêu cầu của hợp đồng (hàm lượng AL2O3 > 98,6%,).

Về giá trị thực hiện đầu tư: Tính đến tháng 4/2013 tổng giá trị đã thực hiện của toàn bộ dự án đạt khoảng 11.612 tỷ đồng, tổng giá trị đã giải ngân đạt khoảng 11.125 tỷ đồng.

Về tiêu thụ sản phẩm: Hiện tại, Tập đoàn CN Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã ký hợp đồng nguyên tắc tiêu thụ sản phẩm alumina với Công ty Marubeni (Nhật Bản), với Công ty HH Nhôm Vân Nam (Trung Quốc). Ngoài ra các công ty của Thụy Sỹ, Hàn Quốc, Chalco Trading (Trung Quốc), Anh quốc, Malaysia... cũng quan tâm xem xét mua alumin của Việt Nam. Ngày 25/5/2013 Vinacomin đã xuất lô hàng alumin đầu tiên là 15 ngàn tấn cho khách hàng Thụy Sĩ.

Có thể nói việc tiêu thụ sản phẩm alumin hoàn toàn không có vấn đề gì đáng lo ngại như dư luận lên tiếng.

Hiệu quả kinh tế của Dự án

Theo kết quả tính toán cập nhật mới nhất của Vinacomin, tổng mức đầu tư (TMĐT) điều chỉnh (tháng 3/2013) là 15.117,8 tỷ đồng, tăng hơn 33% so với TMĐT được duyệt hồi tháng 9/2009. Nếu tính theo USD thì TMĐT điều chỉnh là 719,9 triệu USD (tỉ giá 21.000đ/USD), chênh lệch  là 49,5 triệu USD, tương đương tăng 7,38% so với TMĐT được duyệt năm 2009. Chủ yếu do các nguyên nhân: tăng chi phí đền bù GPMB, tỷ giá tăng, lãi vay tăng, trượt giá,...

Kết quả tính toán lại hiệu quả kinh tế của Dự án cho thấy, dự án vẫn có hiệu quả, tuy có thấp hơn kết quả tính toán hồi tháng 9/2009, thời gian hoàn vốn là 12 năm.

Luận bàn

(1) Tại sao hiệu quả kinh tế của Dự án giảm so với kết quả tính toán trước đây?

Nguyên nhân chủ yếu là do giá alumin giảm, trong khi chi phí đầu tư tăng như đã nêu trên. Chúng ta biết rằng, hiện nay đang trong thời kỳ suy giảm kinh tế, nên nhu cầu tiêu thụ nhiều loại hàng hóa bị suy giảm mạnh, trong đó có nhôm và alumin, kéo theo giá của chúng bị giảm. Ngay như giá than xuất khẩu - là mặt hàng chủ đạo của Tập đoàn Vinacomin, cũng bị giảm tới 30% so với cuối năm 2011. Vì vậy, lợi nhuận của sản xuất than năm 2012 của Tập đoàn Vinacomin cũng chỉ bằng 1/3 năm 2011.

Ngoài ra, do chưa hiểu rõ bản chất chỉ tiêu Tỉ suất sinh lời nội bộ của Dự án (hay còn gọi là Tỉ suất sinh lời của vốn đầu tư - ký hiệu là IRR) và Lãi suất vay nên nhiều ý kiến cho rằng hiệu quả của Dự án quá thấp (với hàm ý rằng Dự án bị lỗ) khi so sánh IRR với lãi suất vay.

Ví dụ, kết quả tính toán lại IRR của Dự án này tại thời điểm tháng 3/2013 là 8,21% (kết quả tính toán hồi 9/2009 là 12,5%), trong khi lãi suất vay hiện nay tại các ngân hàng vào khoảng 13-14%/năm.

Ở đây có vấn đề là IRR là chỉ tiêu biểu thị mức lãi suất thực của dự án, tức là mức lãi suất không bao gồm tỉ lệ lạm phát trong đó, trong khi lãi suất vay ngân hàng là mức lãi suất bao gồm cả tỉ lệ lạm phát trong đó.

Để cho dễ hiểu, có thể ví IRR như tiền lương thực tế (đã loại trừ yếu tố lạm phát hoặc mất giá của đồng tiền) và lãi suất vay ngân hàng như là tiền lương danh nghĩa (bao gồm cả yếu tố lạm phát). Do vậy, để so sánh được 2 chỉ tiêu này phải đưa chúng về cùng mặt bằng giá.

Thông thường lãi suất thực được xác định theo công thức sau: Rt = [(1+ R­d)/(1+ f)] -1; trong đó: Rt là lãi suất thực, Rd là lãi suất danh nghĩa và f là tỉ lệ lạm phát. Ví dụ với mức lạm phát 6,8% thì trong trường hợp nêu trên lãi suất thực của lãi suất ngân hàng là Rt = [(1+ 0,14)/(1+0,068)] – 1 = 6,74%.

Như vậy, khi so sánh IRR = 8,21% với lãi suất thực của lãi vay ngân hàng (sau khi trừ yếu tố lạm phát) Rt = 6,74% thì IRR cao hơn hẳn.

(2) Tại sao có ý kiến cho rằng Dự án bị lỗ tới hàng chục, thậm chí lên tới trăm triệu đô la mỗi năm?

Qua tìm hiểu, xem xét cho thấy, một trong những nguyên nhân chính là do người ta tính toán dựa trên những thông tin chưa chuẩn xác, hoặc sai so với quy định hiện hành của Nhà nước.

Ví dụ thứ nhất, thuế suất thuế xuất khẩu người ta đang lấy theo mức áp đặt trước đây lên tới 20% do chưa hiểu đúng Luật Thuế xuất khẩu. Trên thực tế, theo Nghị quyết số 295/2007/NQ-UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 12, ngày 28/9/2007 ban hành Biểu thuế xuất khẩu theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất đối với từng nhóm hàng; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục nhóm hàng chịu thuế và khung thuế suất ưu đãi đối với từng nhóm hàng thì sản phẩm alumin là sản phẩm chế biến từ quặng bô xít chưa có trong Biểu thuế xuất khẩu, mà mới chỉ có quặng nhôm mã số 2600 với khung thuế suất thuế xuất khẩu từ 0 - 20%. Trên cơ sở đó, trong Biểu thuế xuất khẩu kèm theo Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính quy định quặng nhôm và tinh quặng nhôm mã số 2606 có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 20%. Nhưng trước đây người ta coi sản phẩm alumin là sản phẩm quặng bô xít nên đã áp đặt mức thuế xuất khẩu của quặng bô xít là 20% cho alumin.

Hiện nay, theo Thông tư số 193/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế áp dụng từ ngày 01/01/2013 đã bổ sung sản phẩm ô xýt nhôm (tức alumin - sản phẩm chế biến từ quặng bô xít) mã số 2818 có thuế suất thuế xuất khẩu là 0%.

Qua đó cho thấy: (i) Ý kiến cho rằng, vì Dự án alumin bị lỗ nên Bộ Tài chính điều chỉnh thuế suất thuế xuất khẩu của alumin từ 20% xuống 0% là không đúng; Bộ Tài chính chỉ bổ sung thêm mặt hàng alumin hiện chưa có trong Biểu thuế xuất khẩu hiện hành mà thôi; (ii) Việc coi alumin là sản phẩm quặng hoặc tinh quặng bô xít là không đúng, vì rằng hàm lượng Al2O3 trong quặng bô xít nguyên khai bình quân khoảng 38% - 39% và trong tinh quặng bô xít (sau tuyển) khoảng 48-49%, trong khi trong alumin tối thiểu là 98,6%. Để được sản phẩm alumin có hàm lượng Al2O3 cao như vậy như trên đã nêu đã phải bỏ ra 720 triệu USD để thực hiện Dự án; (iii) Do áp đặt mức thuế xuất khẩu 20% nên với mức giá alumin hiện hành chi phí thuế xuất khẩu tính vào Dự án khoảng 65 USD/tấn, tương đương 42 triệu USD/năm.

Chúng ta đã tính thuế tài nguyên cho Dự án quá mức quy định khoảng 22,5 triệu USD.

Ví dụ thứ hai, thuế tài nguyên người ta tính theo sản phẩm được áp đặt trước đây là alumin cũng do chưa hiểu đúng Luật Thuế tài nguyên. Thực tế là:

(a) Luật Thuế Tài nguyên (2009) tại “Điều 7. Thuế suất” quy định Nhóm, loại tài nguyên ở số thứ tự 7 là khoáng sản nhôm, bô-xít. Như vậy sản phẩm alumin không phải là đối tượng chịu thế tài nguyên.

(b) Tại khoản 3, Điều 5 Luật Thuế Tài nguyên quy định là:“Đối với tài nguyên khai thác không bán ra mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên tính trên một đơn vị sản phẩm”. Trong Thông tư số 05/2010/BTC ngày 23/7/2010 của Bộ Tài chính cũng nhắc lại quy định đó.

(c) Tại quy định trích dẫn trên đây phải được hiểu là: “Đối với tài nguyên khai thác (tức là quặng bô xít) không bán ra mà đưa vào sản xuất sản phẩm khác (tức là alumin) nếu không trực tiếp xác định được số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng thực tế khai thác thì sản lượng tài nguyên (tức là quặng bô xít) tính thuế được xác định căn cứ vào sản lượng sản phẩm (tức là alumin) sản xuất trong kỳ tính thuế và định mức sử dụng tài nguyên (tức là quặng bô xít) tính trên một đơn vị sản phẩm (tức là alumin)”.

(d) Nhưng người ta lại hiểu rằng “đối tượng tính thuế tài nguyên là alumin, và vì vậy thuế tài nguyên được tính với mức thuế suất là 12% theo giá bán sản phẩm alumin và khối lượng tính là khối lượng sản phẩm là alumin”. Nên thuế tài nguyên được tính bằng 39 USD/tấn alumin, tức là khoảng 25,4 triệu USD/năm.

(e) Trong khi theo đúng quy định đối tượng tính thuế tài nguyên là quặng bô xít thì giá tính thuế tài nguyên là 140.000 đ/tấn quặng nguyên khai (lấy theo quyết định số 04/2013/QĐ-UBND ngày 06/2/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng). Như vậy, thuế tài nguyên cho 1 tấn alumin sẽ là: 12% x 140.000đ x 5,5 (định mức tiêu hao quặng bô xít trên 1 tấn alumin) = 92,4 ngàn đ/tấn = 4,4 USD/tấn tương đương 2,86 triệu USD/năm.

Qua đó cho thấy người ta tính thuế tài nguyên cho Dự án quá mức quy định khoảng 22,5 triệu USD.

Chỉ mới với 2 ví dụ nêu trên cho thấy người ta đã tính thừa tiền thuế so với mức quy định khoảng 65 triệu USD/năm. Đó chính là một trong những nguyên nhân đưa đến kết quả tính toán Dự án bị lỗ hàng chục đến trăm triệu đô la/năm.

(3) Tiềm năng nâng cao hiệu quả của Dự án:

a. Giá bán alumin tăng: Như trên đã nêu, hiện nay do tác động của suy giảm kinh tế thế giới nên giá alumin giảm và hiện đang ở mức thấp. Trong quá khứ, đã có lúc giá alumin đạt trên 500 USD/tấn. Khi kinh tế phục hồi (và nhất định sẽ là như vậy) thì giá alumin chắc chắn sẽ tăng lên. Theo dự báo của một số tổ chức chuyên ngành thì giá alumin giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tăng lên đến 448 USD/tấn; bình quân cả giai đoạn 379USD/tấn, không kể yếu tố tăng giá do lạm phát. Rõ ràng khi đó hiệu quả kinh tế của Dự án sẽ tăng.

b. Giảm chi phí khấu hao và các chi phí cố định trên 1 tấn alumin: Như trên đã nêu Dự án alumin Tân Rai là dự án lần đầu tiên xây dựng tại Việt Nam và là một trong hai dự án thí điểm với công suất giai đoạn 1 là 650 ngàn tấn alumin /năm, mới chỉ bằng ½ công suất kinh tế.

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp bô xít đã được duyệt năm 2007 tại Quyết định 167/2007/QĐ-TTg, thì giai đoạn 2 sẽ nâng công suất thêm 650 ngàn tấn/năm. Mặc dù mới chỉ giai đoạn 1 nhưng nhiều hạng mục công trình phục vụ cho cả giai đoạn 2 đã được xây dựng như nhà máy tuyển quặng, nhà máy điện, nhà máy khí hóa than, mặt bằng, hồ cung cấp nước, các công trình phụ trợ và ngoài hàng rào. Hơn nữa, nhiều khoản chi phí ban đầu như đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, thuê chuyên gia nước ngoài vv... đã thực hiện trong giai đoạn 1. Do vậy mà tổng vốn đầu tư cao, kéo theo suất đầu tư tăng cao, lên đến hơn 1.150 USD/tấn công suất. Sau này khi đủ điều kiện thực hiện giai đoạn 2, công suất Dự án sẽ tăng thêm 650 ngàn tấn/năm (bằng công suất giai đoạn 1), nhưng tổng vốn đầu tư theo ước tính tối đa chỉ bằng 3/5 tổng mức đầu tư giai đoạn 1 và thời gian xây dựng sẽ nhanh hơn nhiều.

Như vậy, khi đó suất đầu tư của toàn bộ Nhà máy (cả 2 giai đoạn) tối đa chỉ bằng 80% của giai đoạn 1, tức chỉ vào khoảng 923 USD/tấn. Với thời gian khấu hao bình quân 11 năm thì chi phí khấu hao sau giai đoạn 2 sẽ giảm được hơn 20 USD/tấn alumin.

Ngoài ra, nhiều khoản chi phí cố định khác trên 1 tấn alumin cũng sẽ giảm tương ứng với tỉ lệ công suất tăng thêm.

c. Giảm chi phí do tăng hệ số thu hồi quặng tinh của nhà máy tuyển: Nhà máy tuyển quặng bô xít do liên danh các nhà thầu trong nước thực hiện theo hình thức EPC. Vì là lần đầu tiên thực hiện nên chưa có kinh nghiệm, do vậy hệ số thu hồi tinh quặng mới chỉ đạt khoảng 48-50%, quá thấp so với các nhà máy tuyển ở nước ngoài có hệ số thu hồi trên 65%, thậm chí trên 70%. Dự kiến, trong thời gian tới, khi nhà máy alumin đi vào hoạt động ổn định, sẽ tìm cách nâng hệ số thu hồi quặng tinh của nhà máy tuyển lên 58-60%, tức sẽ tăng thêm so với hiện nay khoảng 10%. Như vậy, khi đó cùng một sản lượng quặng nguyên khai nhưng sản lượng tinh quặng sẽ tăng thêm 20% so với mức sản lượng tinh quặng thu được hiện nay.

Với kết quả đó, hàng năm sẽ giảm được 20% chi phí khai thác, 20% chi phí giải phóng mặt bằng (do giảm được 20% diện tích huy động vào khai thác, tương ứng khoảng 15 ha/năm), 20% chi phí hoàn thổ và hoàn nguyên môi trường, 20% chi phí vận chuyển quặng nguyên khai từ khai trường về nhà máy tuyển và một lượng đáng kể chi phí sàng tuyển (do hệ số thu hồi tăng thêm) cùng các chi phí khác có liên quan.

Về lâu dài tiếp tục nghiên cứu nâng mức thu hồi quặng tinh lên 65%-70% thì hiệu quả của Dự án càng được nâng cao hơn.

d. Tiết kiệm các chi phí sản xuất và quản lý: Sau khi nhà máy đi vào hoạt động ổn định cùng với quá trình hoàn thiện tổ chức, quản lý, hợp lý hóa sản xuất và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật sẽ giảm tiêu hao các loại nguyên, vật liệu, nhiên liệu, động lực, giảm các chi phí quản lý, chi phí sản xuất, vv... nhờ đó sẽ nâng cao hiệu quả kinh tế của Dự án.

Sau đây là một số ví dụ điển hình trong nhiều tiềm năng giảm chi phí:

- Mô hình tổ chức quản lý sản xuất 3 cấp: công ty - xí nghiệp - phân xưởng của Công ty Nhôm Lâm Đồng hiện nay là mô hình xây dựng cho công ty nhôm có quy mô lớn, bao gồm cả nhà máy điện phân nhôm. Khi đi vào hoạt động, chừng nào chưa mở rộng công suất nhà máy alumin và chưa có nhà máy điện phân nhôm thì phải sắp xếp lại mô hình tổ chức quản lý nêu trên cho phù hợp theo hướng tinh gọn nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và giảm chi phí.

- Giảm chi phí xây dựng các khoang chứa bùn đỏ: Do chưa có kinh nghiệm và do áp lực của dư luận nên 2 khoang chứa bùn đỏ đầu tiên đã được xây dựng hiện nay theo đánh giá của các chuyên gia chuyên ngành là chắc chắn quá mức cần thiết; chính vì vậy làm cho chi phí xây dựng tăng thêm 238,5 tỷ đồng. Rút kinh nghiệm đó, các khoang chứa tiếp theo trong tương lai sẽ chỉ xây dựng đáp ứng đúng yêu cầu an toàn cần thiết và nâng cao thể tích chứa bùn đỏ để giảm chi phí đầu tư.

- Giảm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng ở các khu vực khai thác: Hiện nay chi phí đến bù giải phóng mặt bằng ở các khu vực khai thác đang tính cho thời hạn thu hồi 50 năm. Trên thực tế, các khu vực khai thác sau khi khai thác xong quặng bô xít sẽ ngay lập tức được hoàn thổ và hoàn nguyên môi trường, chỉ sau khoảng 3 năm là hoàn thành và trả lại đất. Như vậy, cần có cơ chế chính sách hợp lý để sử dụng đất có hiệu quả và giảm chi phí đền bù cho Dự án.

- Giảm chi phí xây dựng hồ chứa quặng đuôi từ nhà máy tuyển: Hiện nay đã xây dựng hồ chứa này đáp ứng nhu cầu chứa quặng đuôi trong một số năm của nhà máy tuyển quặng. Sẽ tìm cách vận hành hợp lý hồ chứa này theo hướng sử dụng tuần hoàn, tức là sau một thời gian nhất định sẽ nạo vét quặng đuôi đưa đi đổ vào khu vực đã khai thác vừa để hoàn thổ, vừa để hồ tiếp tục tiếp nhận quặng đuôi của nhà máy tuyển. Như vậy, sẽ tiết kiệm được chi phí xây dựng hồ mới, tiết kiệm được chi phí hoàn thổ.

e. Giảm chi phí vận tải, chi phí đóng bao: Hiện nay, hiệu quả kinh tế của Dự án đang tính cho trường hợp toàn bộ sản phẩm alumin trong cả đời Dự án đều xuất khẩu. Do đó chi phí vận chuyển alumin đến cảng bằng ô tô rất cao (khoảng 24 USD/tấn), kèm theo chi phí đóng bao, chi phí bốc rót lên tàu, chi phí hao hụt, vv... Song, trong tương lai để đáp ứng nhu cầu nhôm trong nước (hiện đang phải nhập khẩu với giá trị lên tới hàng tỷ đô la/năm) và để xây dựng, phát triển đồng bộ ngành công nghiệp bô xít - nhôm nhằm nâng cao giá trị gia tăng và hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất định phải xây dựng nhà máy điện phân nhôm tại khu vực nhà máy alumin.

Trong Quy hoạch đã được phê duyệt và Dự thảo Quy hoạch điều chỉnh phát triển công nghiệp bô xít - nhôm đã dự kiến xây dựng 2 nhà máy điện phân nhôm với tổng công suất 1,2 triệu tấn/năm. Hiện tại, đã có một số nhà đầu tư trong và ngoài nước đang triển khai lập dự án đầu tư xây dựng nhà máy điện phân nhôm. Khi có nhà máy điện phân nhôm cạnh nhà máy alumin thì sẽ giảm được các chi phí vận tải, đóng bao, bốc rót, hao hụt, vv... nhờ đó hiệu quả của Dự án sẽ tăng lên.

Theo dự báo của một số tổ chức chuyên ngành thì giá alumin giai đoạn từ nay đến năm 2030 sẽ tăng lên đến 448 USD/tấn; bình quân cả giai đoạn 379USD/tấn, không kể yếu tố tăng giá do lạm phát. Rõ ràng khi đó hiệu quả kinh tế của Dự án sẽ tăng.

Thay lời kết

Dự án alumin Tân Rai là 1 trong 2 dự án thí điểm lần đầu tiên xây dựng ở nước ta, thực hiện giai đoạn 1 với công suất bằng ½ công suất kinh tế và đi vào hoạt động trong bối cảnh kinh tế đang trong thời kỳ suy thoái. Dự án là bước đi ban đầu trong việc thực hiện quy hoạch phát triển đồng bộ một ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm và sau nhôm cùng các ngành công nghiệp hỗ trợ. Do vậy, việc đánh giá hiệu quả nói chung và hiệu quả kinh tế nói riêng của Dự án phải được xem xét tổng thể, toàn diện, đầy đủ trong bối cảnh đó chứ không được cắt khúc, chia đoạn ra để đánh giá.

Qua những phân tích trên đây cho thấy tiềm năng để nâng cao hiệu quả kinh tế của Dự án alumin Tân Rai bao gồm tiềm năng trong ngắn hạn và trong dài hạn là rất lớn. Dự án chắc chắn có hiệu quả kinh tế cao khi khai thác, phát huy được các tiềm năng nêu trên. Vấn đề cơ bản hiện nay là sớm đưa Nhà máy alumin Tân Rai đi vào hoạt động ổn định và nỗ lực thúc đẩy thực hiện các bước tiếp theo của chiến lược phát triển ngành công nghiệp bô xít - alumin - nhôm đã đề ra trong Quy hoạch. 

NangluongVietnam.vn

Đầu đề bài viết do BBT đặt lại. Nguyên văn đầu đề của tác giả: "Bàn về hiệu quả  Dự án Tổ hợp bô xít - nhôm Lâm Đồng"

(Không được sao chép thông tin từ bài viết này khi chưa có sự đồng ý của tác giả và Toà soạn NangluongVietnam)

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Nước mắt bao giờ cũng mặn...
Trung Quốc: Bạn hay thù của nước Mỹ?
Nước cờ khôn ngoan, bản lĩnh của Nhật ở châu Á
Vận mệnh quốc gia và lòng tự trọng...
Cảnh báo nguy hiểm và thông điệp của Việt Nam

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động