RSS Feed for Thông tin mới nhất về tiềm năng điện tái tạo Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 10:46
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thông tin mới nhất về tiềm năng điện tái tạo Việt Nam

 - Theo một báo cáo nghiên cứu, đánh giá mới nhất của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA), tiềm năng về các nguồn năng lượng tái tạo của Việt Nam là khá lớn, trong đó, tiềm năng các nguồn thủy điện (khoảng 26.500 MW và có thể phát triển thêm hơn 200 dự án); Tiềm năng các nguồn điện gió (khoảng trên 100 nghìn MW); Tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối (khoảng 60 triệu TOE). Bên cạnh đó là số giờ nắng trung bình hàng năm của Việt Nam khoảng 1.500 giờ tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và lên đến 2.700 giờ tại các tỉnh Nam Trung bộ.

Rào cản nào đang kìm hãm phát triển NLTT Việt Nam?

1. Tiềm năng các nguồn thủy điện

Theo quy hoạch bậc thang thủy điện các doàng sông lớn và quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tại các địa phương đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt, Việt Nam có thể phát triển 1.279 dự án thủy điện với tổng công suất khoảng 26.500 MW. Trong đó có 1.164 dự án thủy điện nhỏ (công suất ≤ 30MW), với tổng công suất lắp máy 7745 MW; 72 dự án thủy điện vừa (công suất lớn hơn 30MW đến 100MW) và 43 dự án thủy điện lớn (công suất lớn hơn 100MW), với tổng công suất lắp máy 14.583 MW.

Ngoài ra, theo báo cáo của VEA, Việt Nam còn có tiềm năng phát triển thêm hơn 200 dự án, chủ yếu là thủy điện nhỏ, với tổng công suất trên 400MW. Với tiềm năng này, VEA cho rằng, nếu khai thác hết, các nhà máy thủy điện của Việt Nam hàng năm có thể sản xuất khoảng 95 - 100 tỷ kWh; trong đó nguồn thủy điện vừa và nhỏ khoảng 35 - 40 tỷ kWh.

Một số địa phương có tiềm năng thủy điện lớn (chỉ tính thủy điện vừa và nhỏ) là Lào Cai, Quảng Nam có thể phát triển trên 1.000 MW; nhiều tỉnh có thể phát triển 500 - 800MW: Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Nghệ An, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng.

2. Tiềm năng các nguồn điện gió

Báo cáo của VEA cho biết, các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh cao nguyên của Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió; ước tính điện gió trên đất liền có thể phát triển khoảng 40 - 50 nghìn MW công suất điện gió. Nếu tính thêm tiềm năng điện gió ngoài khơi, Việt Nam có thể phát triển khoảng trên 100 nghìn MW công suất điện gió.

Bộ Công Thương đã phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió một số địa phương; theo đó, dự kiến đến năm 2030: Cà Mau có thể phát triển 3.607 MW; Bình Thuận - 2.500 MW; Ninh Thuận - 1.409 MW; Trà Vinh - 1.608 MW; Sóc Trăng - 1.470 MW...

3. Tiềm năng các nguồn điện mặt trời

Theo phân tích của VEA, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm; số giờ nắng trung bình hàng năm khoảng 1.500 giờ tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng và lên đến 2.700 giờ tại các tỉnh Nam Trung bộ. Mật độ năng lượng mặt trời biến đổi trong khoảng 3.000 đến 5.000 kCal/m2.ngày.

Nhiều địa phương và các doanh nghiệp đã nghiên cứu đẩy mạnh phát triển các dự án điện mặt trời. Trong đó, EVN và các đơn vị thành viên đang triển khai các bước Quy hoạch và chuẩn bị đầu tư 23 dự án, tổng công suất khoảng 3.100MW, chủ yếu phát triển trên các mặt hồ của thủy điện.

Tại Bình Định, có hơn 20 nhà đầu tư đăng ký đầu tư các dự án điện mặt trời. Tuy nhiên, đến nay UBND Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 01 dự án, công suất 64MW; thống nhất cho chủ trương khảo sát, nghiên cứu lập dự án đầu tư đối với 02 dự án...

4. Tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối

Theo VEA, năng lượng sinh khối là các dạng năng lượng có nguồn gốc từ các chất hữu cơ, như: gỗ, sản phẩm nông nghiệp, chất thải hữu cơ, chất thải rắn đô thị, tảo và các loài thực vật khác.

Theo tổng hợp của VEA, tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam bao gồm:

1/ Củi gỗ: Chất đốt có nguồn gốc từ gỗ, được khai thác từ rừng, cây công nghiệp lâu năm, cây ăn quả và cây trồng phân tán, phế thải gỗ của các nhà máy chế biến gỗ,... Năng lượng từ nguồn gỗ củi của Việt Nam hiện nay khoảng 32 triệu tấn, tương đươn 11,6 triệu TOE (tấn dầu tương đương).

2/ Phế thải từ cây nông nghiệp: Bao gồm phế thải nông nghiệp sau thu hoạch như rơm rạ, ngọn và lá mía, thân và lá ngô, thân cây sắn, v.v..., và phế thải sau chế biến công - nông nghiệp, như trấu, bã mía, vỏ lạc, vỏ hạt cà phê,... Tổng nguồn phế thải nông nghiệp của Việt Nam khoảng 80 triệu tấn, tương đương 17,6 triệu TOE.

3/ Chất thải chăn nuôi: Chất thải chăn nuôi (phân gia súc) có thể được sử dụng để sản xuất khí sinh học. Sản lượng khí sinh học có thể thu hồi từ chăn nuôi khoảng 11,3 tỷ m3/năm.

4/ Rác thải: Rác thải có thể sử dụng cho mục đích năng lượng gồm rác hữu cơ, thải từ sinh hoạt tại đô thị và nông thôn; rác thải từ các cơ sở sản xuất, cơ sở thương mại, các cơ quan,… Khả năng thu hồi năng lượng từ rác thải hữu cơ khoảng 0,82 triệu TOE.

5/ Các nguồn chất thải hữu cơ: (Mật đường, dầu ăn đã sử dụng và mỡ cá da trơn) có thể được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất nhiên liệu sinh học. Khả năng thu hồi năng lượng từ các chất hữu cơ này hiện nay khoảng 0,8 triệu TOE.

6/ Tổng hợp tiềm năng năng lượng sinh khối của Việt Nam: Tiềm năng nguồn năng lượng sinh khối của Việt Nam hiện nay khoảng 60 triệu TOE. 

TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động