RSS Feed for Tăng cường phản biện chính sách năng lượng quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 20:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tăng cường phản biện chính sách năng lượng quốc gia

 - Năm 2011 là năm đầu tiên Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II (nhiệm kỳ 2010 - 2015) và cũng là giai đoạn Việt Nam phải đối mặt với những thách thức từ cuộc khủng hoảng, suy thoái kinh tế toàn cầu. Các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và ngành năng lượng nói riêng gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn cho đầu tư. Do thiếu vốn, hầu hết các dự án năng lượng đình trệ và chậm tiến độ.

 

 

 

 

 

Kiến nghị, phản biện chính sách với Nhà nươc về thách thức năng lượng

Trước những khó khăn của các hội viên trên cả nước, VEA đã tổ chức tìm hiểu tình hình thu xếp nguồn vốn đầu tư, phân tích những tác động của trượt giá lạm phát, rà soát, đánh giá lại Luật Đấu thầu, chính sách tín dụng, làm rõ các nguyên nhân gây nên sự chậm trễ các dự án điện trong Quy hoạch điện (QHĐ) VI, tính toán cung - cầu nguồn than, dầu khí cho nền kinh tế, cũng như các dự án trong QHĐ VII… để từ đó kiến nghị tới Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành đơn giản hóa thủ tục đầu tư, sửa đổi một số điều trong Luật Đấu thầu, áp dụng vay vốn ưu đãi cho tất cả các dự án điện và đặc biệt là chính sách giá năng lượng, cơ chế đặc thù cho ngành Điện, Than, Dầu khí, Năng lượng mới và tái tạo…

Trong nội dung phản biện, kiến nghị với Đảng và Nhà nước, VEA đã đánh giá công tác đầu tư phát triển các dự án năng lượng giai đoạn 2006-2010. Trong giai đoạn này tỷ lệ thực hiện của các dự án nguồn điện so với Quyết định của Chính phủ phê duyệt là rất thấp (khoảng 70%). Còn về lưới điện truyền tải chỉ đạt tỷ lệ khoảng 50% so với yêu cầu.

VEA đã đưa ra những nhận định về những nguyên nhân chậm tiến độ của các dự án điện, than, dầu khí như công tác chuẩn bị đầu tư theo quy định như hiện nay là quá dài; Việc thực hiện hợp đồng EPC bị chậm là do đàm phán giá mua bán điện và điều kiện khởi công công trình; Đối với các dự án nhà máy nhiệt điện, hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế nên phải áp dụng tiêu chuẩn nước ngoài, chủ yếu là tiêu chuẩn Trung Quốc… Trong một số trường hợp, các văn bản pháp lý (Quy chế, Nghị định, Thông tư hướng dẫn, Quyết định) của các cơ quan chức năng trong lĩnh vực đầu tư không đồng bộ, thậm chí trái ngược nhau đã dẫn đến các chủ đầu tư phải mất nhiều thời gian làm lại các thủ tục, hoặc phải chờ xin ý kiến hướng dẫn.

Đối với các dự án lưới điện, tiến độ xây dựng phát triển lưới điện truyền tải bị chậm là do thiếu vốn, giá cả vật tư thiết bị tăng cao, công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, yếu kém trong quản lý dự án, đặc biệt khâu tư vấn và năng lực nhà thầu thi công.

Về các dự án khai thác than, theo quy định chung của Chính phủ về quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước về hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ rất thấp - không vượt quá 3 lần vốn điều lệ của các DN. Đồng thời, cơ chế của nhà nước cũng quy định rất cụ thể các DN chỉ được huy động vốn trong giới hạn nợ phải trả không vượt quá 3 lần vốn điều lệ. Do đó các DN ngành than không vay được vốn đầu tư để tăng sản lượng.

Theo Luật Khoáng sản: nguyên tắc và điều kiện cấp giấy phép khai thác khoáng sản yêu cầu: có vốn chủ sở hữu ít nhất bằng 30% tổng số vốn đầu tư của dự án. Do các dự án phát triển mỏ, đặc biệt là dự án nhóm A, B có tổng mức đầu tư tới hàng nghìn tỷ đồng và thường mỗi mỏ có nhiều dự án khác nhau, trong khi đó lại không linh động điều chỉnh giảm tỉ lệ phần vốn chủ sở hữu hợp lý để có điều kiện triển khai các dự án một cách nhanh nhất.

Còn đối với các dự án dầu khí, thủ tục pháp lý cho phép đầu tư là điều kiện tiên quyết cho công tác thực hiện các dự án dầu khí, nhưng khi thực hiện thì nảy sinh những vấn đề chưa thống nhất về cơ chế, chính sách giữa các cấp, các ngành, các địa phương và chủ đầu tư. Quá trình chuẩn bị nguồn vốn đầu tư và dự báo biến động thị trường ngoại tệ, đây là vấn đề thường gặp khi tiến hành các dự án dầu khí. Do các dự án này cần có vốn đầu tư lớn và thiết bị nhập khẩu nhiều, cho nên chịu sự chi phối bởi biến động tỷ giá đồng ngoại tệ, dẫn đến phải phê duyệt lại tổng mức đầu tư nhiều lần, hoặc điều chỉnh thiết kế để phân kỳ, hay cắt giảm hạng mục, làm chậm tiến độ và ảnh hưởng đến hiệu quả tài chính - xã hội của các dự án. 

VEA cũng đã phân tích, đánh giá về một số chính sách tín dụng đang ảnh hưởng đến công tác huy động vốn, giải ngân cho các dự án năng lượng trong những năm qua và kiến nghị nhiều nội dung lớn nhằm đơn giản hóa thủ tục đầu tư, sửa đổi một số điều trong Luật Đấu thầu, áp dụng vay vốn ưu đãi cho tất cả các dự án điện và đặc biệt là chính sách giá năng lượng, cơ chế đặc thù cho ngành Điện, Than, Dầu khí, năng lượng mới, tái tạo…

Sau khi nhận được ý kiến phản biện trên, ngày 26 tháng 9 năm 2011, truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Văn phòng Chủ tịch nước đã có Công văn số: 805/VPCTN-KTXH ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực của VEA trong việc góp ý kiến vào sự nghiệp phát triển năng lượng quốc gia và đề nghị VEA trao đổi, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tham mưu cho Chính phủ, góp phần từng bước tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng của đất nước.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, VEA đã hội đàm với các chuyên gia, khảo sát, đánh giá tại một số nhà máy nhiệt điện đang vận hành, một số dự án nguồn điện đang thực hiện đầu tư và trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp chế tạo cơ khí năng lượng trong nước.

Trên cơ sở đó, VEA đã đưa ra trước công luận một thông điệp: Cần thiết phải hạn chế các nhà thầu kém chất lượng khi tuyển chọn các tổng thầu EPC và đơn vị cung cấp thiết bị cho các dự án năng lượng; Bên cạnh giá dự thầu, cần chú trọng nhiều hơn đến yếu tố tổng chi phí và chuyển giao công nghệ; Tích cực phát huy hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cuối tháng 11/2011, VEA đã nhận được Công văn của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch nước về việc đóng góp ý kiến cho Đề án “Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2011-2020”. Sau đó, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức một cuộc họp để lấy ý kiến phản biện của các chuyên gia. Chủ tịch VEA đã tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp này.

Trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, Chủ tịch VEA đã phân tích làm rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước ta là “Năng lượng phải luôn được phát triển trước một bước - nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”.

Và để đạt được mục tiêu đề ra, VEA đã đề xuất thực hiện các giải pháp đồng bộ, có cơ chế linh hoạt nhằm thu hút các dòng vốn đầu tư từ xã hội ở trong nước và quốc tế, phát huy tối đa nội lực Việt Nam trong các dự án, có bộ máy điều hành quản lý đủ mạnh, lựa chọn được các nhà thầu có năng lực tài chính tốt, công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, khuyến khích các chuyên gia, các nhà khoa học có tâm huyết hành nghề nghiên cứu đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững ngành Năng lượng của đất nước.

Như chúng ta đã biết, tiềm năng kỹ thuật thủy điện của chúng ta gần như đã hết, sau thủy điện Lai Châu chỉ còn lại tiềm năng các thủy điện nhỏ, cũng là một dạng năng lượng tái tạo tuy không lớn nhưng có địa bàn rộng khắp các vùng miền lãnh thổ. Vì vậy, VEA đã mạnh dạn đề xuất tăng tỷ lệ nguồn năng lượng tái tạo lên mức 8 - 10% vào năm 2020 - thay cho 5% trong QHĐ VII.

Kể từ năm 1975, cách đây 36 năm đất nước ta giành được thống nhất, đến năm 1986 (sau 25 năm) đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, với sự quan tâm đặc biệt của toàn Đảng, toàn dân cho phát triển điện, nhưng công suất nguồn điện đến nay mới chỉ đạt con số 24.000 MW. Trong khi đó, mục tiêu QHĐ VII đề ra là: 75.000 MW vào năm 2020 (có nghĩa là còn 51.000 MW chỉ thực hiện trong 9 năm) - một con số quá lớn trong điều kiện nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

VEA đã nhận định biện pháp vượt khó trước tiên đã được cộng đồng nhìn rõ và ủng hộ nên đã kiến nghị cần phải sớm đưa giá năng lượng, đặc biệt là giá điện theo cơ chế thị trường, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư. Cùng với việc điều chỉnh giá điện, cần phải điều chỉnh giá khí bán cho điện theo biến động của giá dầu; giá than bán cho điện, cũng như các hộ xi măng, giấy, phân bón… ở mức thấp hơn giá xuất khẩu (tối đa là 10%) trong năm 2012.

Bên cạnh đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu khai thác bể than Sông Hồng nhằm giảm áp lực nguồn than nhập khẩu cho sản xuất điện, VEA đã kiến nghị Nhà nước cần sớm chỉ đạo việc hoàn thành và phát triển cơ sở hạ tầng công nghiệp khí trên cả nước. Cần đẩy nhanh công tác nhập khẩu khí hóa lỏng để bù đắp lượng khí thiếu hụt trong nước - năm 2015 đạt 17-21 tỷ m3 và giai đoạn 2016-2020 là 22-29 tỷ m3/năm.

Cũng tại cuộc họp này, trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Đào Việt Trung đã mời Chủ tịch VEA, cùng với một số chuyên gia đầu ngành có tâm huyết với sự nghiệp phát triển đất nước làm  chuyên gia kinh tế - khoa học - kỹ thuật của Chủ tịch nước.

Trực tiếp tư vấn, giúp đỡ hội viên

Trong quá trình hoạt động, VEA đặc biệt quan tâm và chăm lo cho các hội viên của mình, kịp thời tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư xây dựng, quảng bá các sản phẩm, công nghệ thông qua hội chợ triển lãm, hội thảo quốc tế về năng lượng, và đặc biệt là hỗ trợ tư vấn thẩm định các dự án. Năm 2011, Trung tâm Tư vấn Năng lượng (VECC) Cơ quan tư vấn độc lập, thành viên của VEA đã hoàn thành một khối lượng lớn công tác lập và thẩm tra các Hồ sơ dự án năng lượng ở các bước thiết kế bao gồm: Công trình cáp ngầm 110 kV xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc, Nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, Sân phân phối 500 kV Trung tâm điện lực Vũng Áng, Sân phân phối 500kV, 220kV Trung tâm điện lực Long Phú, Nhà máy Thủy điện Trung Sơn, Điện trấu An Giang, Biomass Mộc Châu, Phát triển dự án địa nhiệt và các dự án CDM…

Thông qua các chương trình hội thảo quốc tế, các diễn đàn hợp tác đầu tư, các tổ chức và tập đoàn quốc tế đã đến với VEA để tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư phát triển. VEA đã cung cấp cho các nhà đầu tư nhiều thông tin, giới thiệu tiềm năng, hỗ trợ tư vấn đầu tư, giúp đỡ đàm phán hợp tác… vì vậy nhiều dự án năng lượng lớn của đất nước được triển khai xây dựng trong những năm qua có sự hỗ trợ thiết thực của VEA.

Năm 2011, Ban Kinh tế đã tham gia khảo sát, đánh giá hoạt động của các bộ, ban, ngành đối với doanh nghiệp và rà soát kiến nghị sửa đổi 16 điều luật bất hợp lý gây ảnh hưởng đến hoạt động doanh nghiệp là hội viên của VEA. Bên cạnh đó Ban Kiểm tra đã lấy ý kiến đóng góp từ các hội viên, trình Chủ tịch VEA để ban hành Quy chế kiểm tra nhiệm kỳ 2010 - 2015. Về công tác tuyên truyền, Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có nhiều cố gắng để phát hành ra hàng tháng, đáp ứng nhu cầu thông tin của các hội viên, góp phần tuyên truyền phục vụ sự nghiệp phát triển năng lượng Việt Nam.

Để có thêm những thông tin đa chiều về những công việc VEA đã làm được trong 7 năm qua, cũng như giới thiệu hoạt động của các hội viên; mặt khác để tạo điều kiện cho các uỷ viên BCH Hiệp hội là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc các doanh nghiệp giao lưu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết…  VEA đã xuất bản cuốn Cẩm nang dành cho các nhà quản lý: “Ngôi nhà chung của ngành Năng lượng Việt Nam”. Cuốn cẩm nang được xem như món quà tinh thần quý giá, chứa đựng trong đó bao công sức, trí tuệ, tinh thần lao động quên mình trước sự nghiệp an ninh năng lượng quốc gia của tập thể Thường trực BCH Hiệp hội gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước, đối tác trong nước và quốc tế, uỷ viên BCH Hiệp hội và hội viên…

Mục tiêu hướng tới

Trong năm 2012 và những năm sắp tới, ngành năng lượng Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn và để hỗ trợ thiết thực hơn với các doanh nghiệp là hội viên, VEA đã đề ra những nhiệm vụ trọng tâm như sau:

Một là: Tăng cường mối quan hệ giữa Hiệp hội với các hội.

Hai là: Bám sát hoạt động của các hội viên trên tất cả các lĩnh vực, nắm bắt những khó khăn, trăn trở, qua đó kịp thời động viên, chia sẻ và đặc biệt là kiến nghị tới các cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng kịp thời giải quyết, tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ khó khăn cho hội viên  phát triển.

Ba là: Tổ chức hội nghị, hoặc làm việc trực tiếp với một số hội viên lớn để giúp các hội viên tháo gỡ khó khăn đang gặp phải.

Bốn là: Tiếp tục tổ chức hội thảo và triển lãm về giải pháp than, điện, dầu khí, năng lượng tái tạo và tiếp tục kiến nghị tới Đảng, Nhà nước về vai trò của ngành năng lượng trong mục tiêu trở thành nước công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hình thành cấu trúc hợp lý hiện đại của hệ thống năng lượng Việt Nam phát triển ổn định bền vững.

Để thực hiện tốt các nhiệm vụ trên đây, VEA đề nghị các hội viên có trách nhiệm đóng hội phí hàng năm theo điều lệ quy định. Nhắc nhở các đồng chí trong thường trực, phó chủ tịch, ủy viên họp 6 tháng/1 lần; các ủy viên BCH họp 1 lần/năm theo đúng điều lệ, kêu gọi tất cả các hội viên tham gia đóng góp ý kiến để xây dựng VEA ngày càng vững mạnh.

 

Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

 

 

 

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động