RSS Feed for Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 15/10/2024 07:50
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Tại sao Việt Nam cần điện hạt nhân?

 - Trên thế giới đa số các nước lớn, có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, nền kinh tế tăng trưởng cao đều sử dụng điện hạt nhân. Trên bình diện chung toàn cầu, chắc chắn trong 50 năm nữa sẽ chưa có nguồn năng lượng nào khác có thể thay thế hoàn toàn điện hạt nhân trong một chiến lược phát triển bền vững.

Khởi đầu mới của nền công nghiệp điện hạt nhân
Quan điểm của Trung Quốc về điện hạt nhân

1. Điện hạt nhân: Đảm bảo an ninh năng lượng, phát triển bền vững đất nước

Nhu cầu năng lượng nói chung và điện năng nói riêng trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước ngày càng gia tăng. Các nguồn năng lượng truyền thống ở Việt Nam không phải là vô tận đã và sẽ tiến dần đến cạn kiệt. Dự án thủy điện Lai Châu (1200 MW) là dự án thủy điện lớn cuối cùng đã hòa lưới điện quốc gia và sẽ phát điện tổ máy cuối cùng vào tháng 11 năm 2016.

Mặc dù các nguồn năng lượng tái tạo khác như: Năng lượng gió, mặt trời… đã được ưu tiên, quan tâm phát triển nhưng không thể bù đắp vào thiếu hụt điện năng. Dự kiến đến năm 2030 năng lượng gió đạt 6.000 MW chiếm tỷ trọng 2,1% sản lượng điện sản xuất và năng lượng mặt trời đạt 12.000 MW chiếm tỷ trọng 3,3% sản lượng điện sản xuất. Vì vậy Việt Nam sẽ không tránh khỏi phụ thuộc dần vào nguồn năng lượng nhập khẩu và các nhà làm chính sách đã chọn giải pháp tổng hòa tận dụng tối đa nguồn năng lượng trong nước, phát triển năng lượng tái tạo kết hợp nhập khẩu điện, nhập khẩu than, khí đốt ở tỷ trọng thích hợp cùng với việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) là giải pháp tối ưu nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.  

So với các năng lượng truyền thống, điện hạt nhân (ĐHN) là nguồn công suất lớn và ổn định duy nhất không phát thải khí nhà kính. Cũng như bất cứ công nghệ nào khác, muốn phát triển ĐHN nghĩa là phải phát huy ưu điểm và từng bước khắc phục những nhược điểm của nó, đó là phải lựa chọn cộng nghệ hiện đại để nâng cao độ an toàn hạt nhân, loại trừ tai nạn gây rò rỉ phóng xạ vào môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế và làm chủ việc bảo quản xử lý nhiên liệu phóng xạ đã qua sử dụng.

Đối với Việt Nam, việc nghiên cứu xây dựng nhà máy ĐHN dựa trên các ưu điểm sau:

- Đa dạng hóa nguồn năng lượng cung cấp, đảm bảo an ninh năng lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện năng của đất nước, giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhất là khi đã khai thác hầu hết các tiềm năng về thủy điện và nhiên liệu hóa thạch; đảm bảo tính kinh tế khi cạnh tranh với các loại nhiên liệu nhập khẩu.

- Góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường từ các nhiên liệu hóa thạch và có thể tạo tiềm năng thu tài chính từ việc giảm phát thải khí CO2.

- Đẩy mạnh phát triển tiềm lực khoa học kỹ thuật và công nghệ, phát triển cơ sở hạ tầng không chỉ trong ngành năng lượng nguyên tử, ngành điện mà còn thúc đẩy nhiều ngành công nhiệp và kinh tế khác.

- Góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam khi từng bước làm chủ được công nghệ ĐHN.

Tuy nhiên cũng có nhứng khó khăn thách thức đối với quốc gia lần đầu tiên xây dựng nhà máy ĐHN:

- Rào cản tâm lý lo ngại về tính an toàn của nhà máy ĐHN, nên cần có sự đồng thuận của công chúng và các quyết sách mạnh mẽ của Chính phủ.

- Tiềm ẩn rủi ro về an toàn hạt nhân nên cần phải thận trọng lựa chọn công nghệ tiên tiến, an toàn cao nhất và có tính kiểm chứng.

- Cần đảm bảo đầy đủ cơ sở hạ tầng đặc biệt là văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng phát triển đội ngũ chuyên gia về điện hạt nhân cũng như văn hóa an toàn ĐHN.

- Cần nhiều thời gian chuẩn bị dự án do công nghệ phức tạp; vốn đầu tư lớn mặc dù chi phí nhiên liệu thấp, dẫn đến gặp khó khăn trong thu xếp vốn đầu tư.

Cân nhắc so sánh các mặt lợi - hại của từng loại nguồn phát sẽ đưa đến quyết sách cho từng quốc gia có nên phát triển ĐHN hay không. Trên thế giới đa số các nước lớn, có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển, nền kinh tế tăng trưởng cao đều sử dụng ĐHN. Có nhiều nước chưa cần đến ĐHN trong nhiều thập niên tới, nhưng trên bình diện chung toàn thế giới, chắc chắn trong 50 năm nữa sẽ chưa có nguồn năng lượng nào khác có thể thay thế hoàn toàn ĐHN trong một chiến lược phát triển bền vững. 

Thực hiện xây dựng nhà máy ĐHN được đánh dấu bằng Nghị quyết Quốc hội số 41 ngày 25/11/2009 “Cho phép xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên tại Ninh Thuận, dự kiến vận hành tổ máy số 1 vào năm 2020”.

2. Tóm tắt các tiêu chí cơ bản theo Nghị quyết Quốc hội

Cùng với một số yêu cầu khác tương đối phổ biến đối với tất cả các dự án trọng điểm quốc gia cần phải thông qua chủ trương đầu tư tại Quốc Hội, có thể trích lược từ Nghị quyết 41 để nhấn mạnh những tiêu chí đặc thù sau đây:

- Công nghệ chính là công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư.

- Thiết kế công trình theo tiêu chuẩn cấp đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn cao nhất. Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về các tác động của các đứt gãy kiến tạo địa chất, các hiện tượng biến đổi khí hậu, nước biển dâng ở khu vực triển khai dự án.

- Nhà thầu có kinh nghiệm lâu năm trong việc thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân, thuộc quốc gia có tiềm lực cao về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực này, đã thực hiện nhiều dự án nhà máy ĐHN, có khả năng thu xếp tài chính và suất đầu tư hợp lý.

- Từng bước nâng cao tỷ lệ nội địa hoá trong xây dựng và chế tạo thiết bị.

3. Xây dựng điện hạt nhân -  đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước

3.1. Tình hình phát triển điện hạt nhân trên thế giới

Toàn thế giới có 33 Quốc gia và vùng lãnh thổ xây dựng nhà máy ĐHN với 450 lò phản ứng ĐHN đang vận hành với tổng công suất lắp đặt 392.082 MW, trong đó nước Mỹ đứng đầu trên thế giới với 100 lò phản ứng với tổng công suất 100.350MW, tiếp theo là Pháp, Nhật, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada... và 60 lò phản ứng đang xây dựng, Trung Quốc đứng đầu trên thế giới về số lượng lò phản ứng ĐHN đang xây dựng với 20 lò phản ứng với tổng công suất 20.500MW, xếp thứ hai là Nga với 7 lò phản ứng, Ấn Độ với 6 lò phản ứng, Mỹ và Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất cùng đứng thứ 4 đang xây dựng thêm 4 lò phản ứng ….

Mặc dù nước Đức đưa ra kế hoạch từ bỏ ĐHN, tuy nhiên chỉ đóng cửa các lò cũ đã hết hạn vận hành. Tiếp tục duy trì 8 lò phản ứng còn lại (đứng thứ 12/33 nước phát triển ĐHN, tỷ lệ ĐHN chiếm 14,09 % năm 2015), chấp thuận kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng này và vẫn tiếp tục vận hành khai thác cho đến hết tuổi thọ được quy định. Để bù đắp thiếu hụt năng lượng hiện tại và trong tương lai, Đức đã, đang và sẽ phải tăng cường nhập khẩu điện năng từ Pháp (chủ yếu được sản xuất từ nhà máy ĐHN).

Năm 2015 có 10 lò phản ứng ĐHN được hòa vào lưới điện (Trung Quốc: 8; Nga: 1; Hàn Quốc: 1) và Trung Quốc bắt đầu xây dựng thêm 6 tổ máy trong năm này. Từ đầu năm 2016 đến nay có thêm 9 lò phản ứng ĐHN được hòa vào lưới điện (Trung Quốc: 5; Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ đều có thêm 1 lò phản ứng hòa lưới điện).

Loại công nghệ đang được sử dụng chiếm chủ yếu trong các Nhà máy ĐHN trên thế giới là lò áp lực (PWR). Lò áp lực chiếm 64,5% về số lượng và 69,5% về công suất điện. Tiếp theo là lò nước sôi (BWR) chiếm 17,4% về số lượng và 19,3% về công suất điện.

ĐHN đóng góp quan trọng vào tổng sản lượng điện trong từng quốc gia. Đứng đầu là Pháp, năm 2015 ĐHN chiếm tới 76,34 %; thứ hai là Ukraina: 56,49%, Slovakia: 55,9%; Hungary: 52,67%...  Mỹ tuy đứng đầu thế giới về số lượng nhà máy ĐHN nhưng sản lượng ĐHN chỉ đóng góp 19,5% cho sản lượng điện quốc gia, đứng thứ 15 trong số 33 quốc gia.

THỐNG KÊ  CÁC LÒ PHẢN ỨNG  ĐIỆN HẠT NHÂN TRÊN THẾ GIỚI  

(Tính đến 7/9/2016)

 

 

 

 

 

TT

Quốc gia

Đang xây dựng

Đang hoạt động

 Tổng sản lượng ĐHN năm 2015 GW.h

 Tổng sản lượng điện năm 2015 GW.h

Chiếm tỷ lệ %

1

Mỹ

4

100

        797.178,00

    4.087.381,00

   19,50

2

Pháp

1

58

        416.800,00

       546.000,00

   76,34

3

Nhật Bản

2

43

 4.346,49

829.020

0,52

4

Nga

7

36

        195.213,58

    1.049.900,00

   18,59

5

Trung Quốc

20

36

        170.355,00

    5.618.400,00

     3,03

6

Hàn Quốc

3

25

        157.196,00

       495.389,00

   31,73

7

Ấn Độ

5

22

          34.644,45

       980.325,95

     3,53

8

Canada

0

19

          98.374,97

       592.755,75

   16,60

9

Anh

0

15

          63.894,54

       338.690,00

   18,87

10

Ukraina

2

15

          82.300,00

       145.700,00

   56,49

11

Thụy Điển

0

10

          54.347,00

       158.308,00

   34,33

12

Đức

0

8

          86.810,32

       616.199,00

   14,09

13

Bỉ

0

7

          24.571,70

         65.473,95

   37,53

14

Tây Ban Nha

0

7

          54.740,00

       269.143,00

   20,34

15

Cộng hòa Séc

0

6

          25.337,32

         77.880,20

   32,53

16

Đài Loan, TQ

2

6

          35.143,03

       215.378,37

   16,32

17

Thụy sỹ

0

5

          22.100,00

         66.000,00

   33,48

18

Phần Lan

1

4

          22.323,00

         66.160,00

   33,74

19

Slovakia

2

4

          14.083,68

         25.196,00

   55,90

20

Hungary

0

4

          14.955,71

         28.394,17

   52,67

21

Argentina

1

3

            6.519,00

       135.072,00

     4,83

22

Pakistan

3

3

            4.332,70

         98.424,94

     4,40

23

Mexico

0

2

          11.176,54

       164.523,25

     6,79

24

Romania

0

2

          10.695,00

         61.701,00

   17,33

25

Nam Phi

0

2

          10.965,14

       231.665,65

     4,73

26

Brazil

1

2

          14.809,16

       537.467,49

     2,76

27

Bulgaria

0

2

          15.379,00

         49.097,00

   31,32

28

Armenia

0

1

            2.576,00

           7.465,00

   34,51

29

Iran, CH Hồi giáo

0

1

            3.547,00

       279.480,00

     1,27

30

Hà Lan

0

1

            3.861,63

       105.147,00

     3,67

31

Slovenia

0

1

5.371,66

14.133,00

   38,01

32

Belarus

2

0

 

 

 

33

Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE)

4

0

 

 

 

 

Tổng cộng

60

450

     2.463.947,62

  17.955.870,72

 

 

2. Vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững của đất nước

Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất đối với nhân loại. Biến đổi khí hậu sẽ tác động nghiêm trọng đến sản xuất, đời sống và môi trường trên phạm vi toàn thế giới. Vấn đề biến đổi khí hậu đã, đang và sẽ làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu như năng lượng, nước, lương thực, xã hội, việc làm, ngoại giao, văn hóa, kinh tế, thương mại.

Việt Nam là một trong những nước chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu gây ra những thảm họa như: Nước biển dâng, thay đổi lượng mưa giữa các vùng miền, nhiệt độ trung bình gia tăng, lũ lụt tăng cao, thay đổi hình thế bão, xâm nhập mặn và thiếu nước ngọt… Cùng với nhiều ngành kinh tế khác bị ảnh hưởng thì vấn đề an ninh năng lượng trong giai đoạn tới được coi là vấn đề cấp thiết và đặc biệt quan trọng.

Trong điều kiện có những biến động chính trị, quân sự, an ninh năng lượng lại càng cần được đặc biệt chú ý, chuẩn bị các giải pháp độc lập, đa đạng hóa các nguồn đầu tư, cung cấp năng lượng, tránh lệ thuộc vào một vài quốc gia.

Trong những năm gần đây, ở Việt Nam hiện tượng thời tiết bất thường, cực đoan diễn ra thường xuyên và không theo quy luật, mưa trái mùa, lượng mưa thay đổi, hạn hán, lũ lụt, nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặt tại đồng bằng sông Cửu Long… đã gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống nhân dân.

Trong vòng 10 năm trở lại đây các loại thiên tai đã làm thiệt hại đáng kể về người và tài sản, đã làm chết và mất tích hơn 9.500 người, giá trị thiệt hại về tài sản ước tính chiếm khoảng 1,5% GDP/năm. Những hiện tượng này đã, đang và sẽ tác động mạnh, tàn khốc hơn nữa đến cung cầu năng lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cung cấp năng lượng của ngành than, sản xuất điện, dầu khí và đe dọa mất an ninh năng lượng của đất nước.

Với mong muốn đa dạng hóa nguồn năng lượng và đảm bảo an ninh năng lượng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, ngay trong phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 tại Quyết định 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (điều chỉnh Quy hoạch VII) đã có sự định hướng giữa các nguồn năng lượng. Theo đó, đẩy nhanh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo (thủy điện, điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối, v.v…), từng bước gia tăng tỷ trọng của điện năng sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo trong cơ cấu nguồn điện.

Cụ thể: Tổng công suất các nguồn thủy điện (bao gồm cả thủy điện vừa và nhỏ, thủy điện tích năng) từ gần 17.000 MW hiện nay lên khoảng 27.800 MW vào năm 2030 (thủy điện tích năng 2.400MW). Điện năng sản xuất từ nguồn thủy điện chiếm tỷ trọng khoảng khoảng 15,5% vào năm 2030.

Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng khoảng 6.000 MW vào năm 2030.

Đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng mặt trời, đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 12.000 MW vào năm 2030.  Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 3,3% vào năm 2030.

Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu, đến năm 2025, tổng công suất khoảng 45.800 MW, sản xuất khoảng 220 tỷ kWh điện, chiếm khoảng 55% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 95 triệu tấn than.

Phát triển các nhà máy ĐHN nhằm bảo đảm ổn định cung cấp điện trong tương lai khi nguồn năng lượng sơ cấp trong nước bị cạn kiệt. Cụ thể, đưa tổ máy ĐHN đầu tiên vào vận hành năm 2028; đến năm 2030 nguồn ĐHN có công suất 4.600 MW, sản xuất khoảng 32,5 tỷ kWh chiếm 5,7% sản lượng điện sản xuất.  

Khủng hoảng hạt nhân Fukushima trong thảm họa sóng thần ngày 11/3/2011 đã gây ra nhiều biến động lớn, đòi hỏi ngành công nghiệp ĐHN thế giới phải rút ra các bài học và đề xuất những giải pháp bổ sung thích ứng với yêu cầu mới đặt ra.

Trước tình hình mới rất phức tạp sau vụ Fukushima, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo rà soát các yêu cầu nâng cao an toàn hạt nhân, coi đó là ưu tiên cao nhất cho các dự án điện hạt nhân đầu tiên. Các yếu tố hiệu quả kinh tế, tiến độ dự án, vv... đều quan trọng, nhưng không được phép đặt trên an toàn hạt nhân.

Chính vì vậy công tác thực hiện dự án tại Ninh Thuận, chương trình đào tạo nhân lực, soạn thảo các văn bản quy phạm pháp luật, vv... đều được triển khai đồng bộ và khẩn trương, nhưng với sự đề cao thái độ thận trọng, đảm bảo tối đa yêu cầu an toàn hạt nhân.

Đến nay, Việt Nam đã khẳng định sẽ lựa chọn công nghệ hiện đại nhất thế hệ 3+ của Nga là loại lò AES-2006 (VVER-1200/V491) cho Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và lựa chọn hai loại công nghệ là ATMEA1 và AP1000 được để xem xét tiếp cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 2.

Có nhiều ý kiến lo lắng hoặc phản đối ĐHN, chúng ta thấy rằng nếu chỉ thuần túy phê phán hoặc ủng hộ thì không khó, nhưng phân tích khách quan và xác định đúng nguyên nhân bản chất sự việc thì không dễ. Hơn nữa tham gia trực diện vào một tình huống cụ thể và đưa ra các biện pháp khả thi cho tiến trình giải quyết sự việc thì mới là điều khó hơn và có ý nghĩa nhất.

Để có cách tiếp cận hợp lý, trước hết phải dựa trên cơ sở khoa học và khách quan. Người bình thường có thể không tự đặt ra yêu cầu đó, nhưng nếu là một chuyên gia nhà khoa học hoặc là nhà hoạch định chính sách, và kể cả những người tự nghĩ mình có trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và rộng hơn là với thế giới, thì trước hết phải cố gắng loại bỏ mọi định kiến, mọi bản năng thuần cảm tính. Cơ sở khoa học không phải chỉ liên quan đến phạm trù công nghệ, mà nó phải bao gồm bài toán tối ưu về hiệu quả kinh tế xã hội. Sau đó mới đến các lý do chính trị khác.

Theo Quy hoạch VII điều chỉnh, nếu không đưa được ĐHN vào theo kế hoạch, lúc đó ta sẽ phải tăng cường nguồn than, dầu, khí để chạy nền thay thế nguồn ĐHN vào năm 2030 (4.600 MWe + 2.400 MW thủy điện tích năng sẽ mất đi khi không đạt hiệu quả kinh tế do chưa có ĐHN). Còn các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió và điện mặt trời mặc dù đã nằm trong quy hoạch nhưng là các nguồn điện gián đoạn khó dự báo, rất phụ thuộc vào thời tiết nên không thể thay thế ĐHN được mà chỉ góp phần giảm việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phát điện. Việc phát triển nguồn năng lượng tái tạo sẽ vẫn phải đầu tư các nguồn điện dự phòng, làm tăng giá thành sản xuất điện chung của toàn hệ thống.

Ngoài ra, một số hạn chế của điện gió và mặt trời là chiếm diện tích đất lớn và trong điều kiện thời tiết của Việt Nam, các dạng nguồn này sẽ có hệ số công suất thấp, giá thành sản xuất cao (khoảng 11,2  US Cent/kWh cho dự án điện mặt trời nối lưới và khoảng 13,44 US Cent/kWh cho dự án điện mặt trời lắp trên mái nhà; giá điện gió hiện tại 7,8 US Cent/kWh, dự kiến tăng lên 10,4 US Cent/kW/h), kỹ thuật khai thác phức tạp, đòi hỏi công nghệ cao, chi phí vận hành bảo dưỡng cao và không thể phát để ổn định công suất nền được.

Để đảm bảo an ninh cung ứng điện vào năm 2030 cần phải nhập khẩu thêm 15 triệu tấn than cho phát điện, nâng tổng số than nhập khẩu lên 100 triệu tấn/năm. Lượng than, LNG nhập khẩu sẽ càng tăng cao vào những giai đoạn sau, đây là áp lực lớn đến khả năng tìm nguồn cung ứng, đè nặng lên hệ thống hạ tầng và bảo vệ môi trường.

Thực chất xu hướng tăng nhiệt điện than là đi ngược lại với mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Tỷ trọng phát triển nhiệt điện than quá lớn sẽ vi phạm công ước chung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), không thực hiện được lộ trình giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030 mà trong đó các dự án năng lượng chiếm 87,6% .

Tùy theo khả năng của từng vùng, từng quốc gia, họ có thể quy hoạch một tỉ lệ phối hợp hài hòa các nguồn năng lượng khác nhau. Việt Nam đã tính đến mọi nguồn năng lượng có thể, nhưng mỗi loại đều có mặt trái và đều đã từng bị các dư luận khác nhau phê phán, bao gồm cả thủy điện, than và dầu khí.

Nếu loại bỏ một nguồn nào trong số đó cũng đều phạm một sai lầm nhất định.

Tương tự như vậy, không thể không đưa ĐHN vào một cuộc đọ sức công bằng. Bất kỳ sự áp đặt nào không đủ khách quan hợp lý sẽ chỉ đưa nền kinh tế năng lượng của đất nước đến chỗ mất cân bằng.

Dù phải vượt qua những chặng đường có lúc quanh co, khúc khuỷu, xu hướng phát triển tối ưu sẽ được thực tế làm sáng tỏ và công nhận. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn khi các chuyên gia và các nhà hoạch định chính sách không chờ đợi sự việc bị đưa đẩy một cách tự phát, mà chủ động tham mưu, hướng dẫn cho quá trình phát triển tích cực và hiệu quả.

Ngày 05/8/2016 lò phản ứng số 6 nhà máy ĐHN Novovoronezh của Nga đã đấu nối, hòa lưới điện quốc gia Liên bang Nga; tổ máy có công suất 1.114 MWe sử dụng công nghệ AES-2006 (VVER-1200), đây là thế hệ lò 3+ do Liên bang Nga thiết kế, chế tạo và được IAEA cũng như các chuyên gia ĐHN quốc tế đánh giá cao. Công nghệ này cũng đã được Việt Nam lựa chọn cho nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và sự kiện trên đã minh chứng về tính kiểm chứng, đáp ứng mọi yêu cầu Quốc hội đề ra tại Nghị quyết 41.

Các chuyên gia về năng lượng nói chung và ĐHN nói riêng luôn mong muốn được bàn bạc, đóng góp các ý kiến cho ngành năng lượng quốc gia. Chỉ mong là một khi đã rõ con đường đi rồi, thì chúng ta cần có quyết tâm, lãnh đạo có quyết đoán, huy động trí tuệ của các nhà khoa học, các nhà quản lý và sự ủng hộ của toàn dân, chúng ta sẽ thành công trong việc xây dựng nhà máy ĐHN, tiến tới mục tiêu làm chủ công nghệ - yếu tố góp phần góp đảm bảo an ninh năng lượng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. 

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. www.iaea.org/ PRIS.

2. Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18/3/2016  Quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến 2030.

3. Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011  Quyết định phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu.

4. Các bài viết phổ biến trên Nangluongvietnam Online của TS. Võ Văn Thuận, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học và Kỹ thuật Hạt nhân - Chuyên gia điện hạt nhân.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động