Tái khởi động, hay ngừng hẳn nhà máy điện hạt nhân Nhật Bản?
06:04 | 28/05/2012
|
Tín hiệu mở đầu
Thảm hoạ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, tháng 3/2011, do thiên tai động đất và sóng thần khủng khiếp đã giáng xuống nền công nghiệp hạt nhân Nhật một đòn chí mạng, tất cả 54 lò phản ứng năng lượng cho đến đầu tháng 5/2012 đã hoàn toàn ngừng hoạt động.
Quả là một sự kiện có một không hai trong lịch sử phát triển các dân tộc trên thế giới. Ngay cả thảm hoạ Chernobyl, dù độ ô nhiễm phóng xạ nặng nề hơn, nhưng tác hại về mặt kinh tế xã hội không lớn đến vậy, nó đã không đóng băng, dù có thể là nhất thời, cả một nền công nghiệp điện hạt nhân của một đất nước.
Với sự cố Fukushima, toàn bộ các tổ máy điện hạt nhân phải đắp chăn chờ đợi, nước Nhật bỗng rơi vào sự thiếu hụt 30% nguồn điện năng. Dĩ nhiên, quốc gia hùng cường bậc nhì ba về kinh tế thế giới này có khả năng huy động sức mạnh tài lực đầu tư cho các ngành công nghiệp điện khác, chủ yếu là nhiệt điện, nhưng vẫn không thể đáp ứng nổi nhu cầu của khoảng 130 triệu người dân Nhật trong mùa hè này.
Số phận của nền công nghiệp điện năng Nhật Bản, nhu cầu cuộc sống của một dân tộc, sinh mệnh chính trị của các đảng phái ở đất nước này… đang đứng trước những thách thức nặng nề và một câu hỏi lớn lao: tái khởi động hay ngừng hẳn các nhà máy điện hạt nhân?
Trong bối cảnh đó, Hội đồng thị trấn Oi thuộc tỉnh Fukui, miền trung Nhật Bản, thông qua với sự nhất trí cao, tỷ lệ 11/12, chấp nhận đề xuất của chính phủ trung ương Nhật về việc tái khởi động của lò phản ứng số 3 và số 4 của nhà máy điện hạt nhân nằm trong địa phận của họ.
Sự kiện nói trên đúng là một tín hiệu đầu tiên báo hiệu một khả năng đảo chiều mang tính lịch sử đối với nền công nghiệp hạt nhân của đất nước Mặt Trời Mọc.
Con đường gập ghềnh
Động thái của Hội đồng thị trấn Oi và tiếp theo sau là động tác của ông thị trưởng Shinobu Tokioka, thông báo lên cấp trên quyết định của mình chấp nhận cho khởi động lại các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân, đã tạo cơ hội cho chính phủ trung ương Nhật đi đến quyết định ấn nút hay không cho hai lò phản ứng đầu tiên và có thể đi bước tiếp theo đặt chân trên con đường làm sống lại nền công nghiệp hạt nhân Nhật.
Tuy vậy, tín hiệu phát ra từ Hội đồng thị trấn Oi chỉ là điều cần nhưng chưa đủ. Con đường trước mắt còn nhiều chướng ngại to lớn, còn lắm chông gai cản trở, thậm chí đến mức khó thể vượt qua.
Điều quan trọng nhất là sự đồng thuận lớn của đông đảo người dân đang sống trong thời khắc mà thảm hoạ hạt nhân Fukushima quá lớn, quá kinh khủng vừa mới xảy ra, chưa đủ thời gian để nguôi ngoai.
Chúng ta có thể phân tích, nhìn thấy bức tranh tổng quát qua kết quả thăm dò ý kiến của Nhật báo Yomiuri đối với 13 vị lãnh đạo cấp tỉnh, huyện và 21 thành phố, thị trấn (hầu hết các địa phương có đặt nhà máy điện hạt nhân) trong tháng này, sau khi tất cả các lò phản ứng hạt nhân đóng cửa.
Trong 34 vị được hỏi ý kiến này, kết quả phân bổ như sau:
- Số nhà lãnh đạo chính quyền địa phương ủng hộ tái khởi động điện hạt nhân: 6.
Họ đại diện cho 3 vùng (Tomari, Kariwa, Mihama) và 3 thị trấn (Oi, Takahama, Genkai). Những lý do để họ chấp nhận sự tái khởi động nhà máy điện hạt nhân có sắc thái riêng.
Chẳng hạn, vị đại diện của vùng Tomari cho rằng: Trường hợp xảy ra ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1, dù là có lỗi của con người. Nhưng “nhà máy điện hạt nhân Tomari ở chỗ chúng tôi đã thiết lập các biện pháp an toàn đầy đủ".
Vị đại diện vùng Kariwa dè dặt hơn:"Mọi người mong chờ các nhà máy điện hạt nhân cung cấp điện kèm theo các điều kiện tiên quyết bảo đảm an toàn".
Còn vị lãnh đạo thị trấn Oi đang nổi tiếng nói điều gì? Ông Tokioka nói:"Thị trấn của chúng tôi từ lâu đã hỗ trợ chính sách hạt nhân quốc gia và từ lâu đã sống chung với các nhà máy điện hạt nhân". Ông nhấn mạnh thêm: "Vẫn cần phải có sự nhất trí của dân chúng về sự cần thiết của loại điện năng này và đối với việc khởi động lại các lò phản ứng”.
- Số nhà lãnh đạo chính quyền địa phương không chấp thuận tái khởi động điện hạt nhân: 5.
Họ là những quan chức đứng đầu các thị trấn: Tomioka, Tokai, Ishinomaki, Futaba và Heita. Sự từ chối chấp nhận khởi động nhà máy điện hạt nhân cũng ở những mức độ khác nhau.
Trong đó, hai vị tỏ ra dứt khoát: việc từ chối chấp nhận khởi động lại lò phản ứng hạt nhân là "vô điều kiện". Ba vị còn lại thì nhấn mạnh rằng việc từ chối là chỉ trong thời điểm hiện tại, trong đó một vị còn bảo lưu: "Chúng tôi sẽ quyết định sau khi tự chúng tôi tiến hành thanh tra các biện pháp của nhà máy (Hamaoka) phòng chống động đất và sóng thần "
- Số quan chức đầu một địa phương chưa tỏ thái độ: 23.
Như vậy, đại bộ phận quan chức địa phương chưa bày tỏ chính kiến. Họ nói rằng “họ đang theo dõi thêm sự diễn biến tình hình liên quan đến việc khởi động lại nhà máy điện hạt nhân ở Oi, đặc biệt là tập hợp ý kiến dân cư ở địa phương mình”.
Toàn bộ tình hình nói trên, rõ ràng, phản ảnh tâm trạng chưa ổn định trong các tầng lớp nhân dân nước Nhật sau sự kiện kinh hoàng Fukushima. Con đường phía trước của cuộc trường chinh vực dậy nền công nghệ điện hạt nhân của nước Nhật còn nhiều thác ghềnh và lắm chông gai.
Trọng trách lịch sử
Tình hình nói trên đặt ra trước chính phủ trung ương Nhật một trọng trách lịch sử to lớn đối với dân tộc, đất nước mình và đòi hỏi ở họ sự quyết đoán cao nhất.
Cũng có thể nhìn thấy chủ trương và hành động của Chính phủ Nhật đương quyền đang hướng về việc tái khởi động hai lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Oi. Vượt qua cửa ải đầu tiên đó, họ mới có thể từng bước vực dậy nền công nghiệp hạt nhân Nhật đang đóng băng hoàn toàn hiện nay.
Vì hơn ai hết, chính phủ này đã hiểu rất rõ những cản trở lớn lao cho sự phục hồi và phát triển kinh tế đất nước sau “trận đại hồng thuỷ” kinh hoàng vừa qua và những khó khăn thiếu thốn mà người dân nước này đang và sẽ chịu đựng một khi sự đóng băng nền công nghiệp điện hạt nhân tiếp tục kéo dài và mạng lưới điện quốc gia cứ thiếu hụt 30%.
Hơn thế nữa, không hiểu chính phủ hiện nay và cả các chính phủ nối tiếp sau này có phép thần nào để giải bài toán hóc búa, tìm nguồn điện nào thay thế nhiệm vụ chiến lược đã giao cho điện hạt nhân - đến năm 2050 đóng góp 50% vào tổng điện năng quốc gia.
Ngoài ra, còn những bài toán nan giải khác nữa: giá điện tăng cao sẽ đổ xuống đầu người dân, an ninh năng lượng quốc gia bị đe doạ (sự phụ thuộc gần như 100% nguồn cung cấp khổng lồ than, dầu khí nước ngoài…), các cam kết về môi trường (khí phát thải nhà kính…) bị vi phạm.
Vì vậy, Chính phủ Nhật đang tích cực thuyết phục các nhân vật chủ chốt ở các tỉnh có nhà máy điện hạt nhân Oi và vùng phụ cận còn tỏ thái độ chống lại hoặc làm trì hoãn việc tái khởi động nhà máy này. Và tranh thủ sự đồng tình của những người dân thường nữa. Hiện vẫn còn trên 50% số người được thăm dò nói “không” với “tái khởi động”.
Nhưng, mặt khác, như lời của Thủ tướng Noda nói với hãng truyền thông quốc gia NHK vào Thứ Năm tuần trước, chính phủ đang tiến đến một quyết định về việc tái khởi động hay không nhà máy điện hạt nhân Oi. Ông nói: “Thời gian đưa ra quyết định đã gần rồi”.
Đồng hồ thời gian đang đếm ngược. Nước Nhật, người dân Nhật đang chờ đợi. Thế giới cũng đang chờ đợi.
Trần Minh (Nguồn: Vietnamnet)