RSS Feed for Sự cố trong xây dựng, vận hành thủy điện nhỏ: ‘Con sâu làm rầu nồi canh’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:04
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Sự cố trong xây dựng, vận hành thủy điện nhỏ: ‘Con sâu làm rầu nồi canh’

 - Thủy điện nhỏ không phải là nguyên nhân chủ yếu làm mất rừng như chúng ta đã thường nghe khi mỗi mùa mưa bão hàng năm xuất hiện. Tuy nhiên, để xác định chính thức đất rừng bị mất do xây dựng thủy điện nhỏ, nên chăng cần tiến hành khảo sát, thống kê chi tiết toàn bộ diện tích chiếm đất rừng bị mất từ các công trình đã xây dựng, đang thi công và được quy hoạch... nhằm đưa ra con số so sánh để người dân biết và minh oan, trả lại sự công bằng cho thủy điện nhỏ của Việt Nam.


Thủy điện nhỏ Việt Nam: Nhiều nhận định, đánh giá thiếu khách quan

Xây dựng thủy điện làm mất rừng, gây lũ lụt: Đâu là sự thật?


Khi con người thay đổi hiện trạng tự nhiên, ví dụ: Xây một tòa nhà, một con đường, cây cầu, hay một đập dâng nước thì ngoài những hiệu ích do công trình mang lại thì cũng có những tác động tiêu cực đến môi trường, không nhiều thì ít... Vì vậy, bổn phận của chủ đầu tư xây dựng công trình, cũng như các cơ quan chức năng khi cấp giấy phép xây dựng cần cân nhắc hai phương diện đối nghịch với nhau: (i) sự cần thiết và lợi ích mang lại cho con người khi công trình sẽ được xây dựng, và (ii) tác hại trước mắt, cũng như lâu dài của công trình đó nhằm đưa ra quyết định chính xác. Sự cân nhắc tính toán này phải được thực hiện đầy đủ, khoa học và sử dụng các phương pháp phân tích tiên tiến nhất trên cơ sở quyền lợi chung của cộng đồng, quốc gia. Và việc nghiên cứu lập quy hoạch, thiết kế và cấp phép xây dựng các công trình thủy điện nhỏ cũng không ngoại lệ.

Hiện nay trên thế giới, không nơi nào có nguồn thủy năng mà con người không tận dụng khai thác - vì đây là nguồn năng lượng tái tạo và nếu chậm khai thác ngày nào thì lãng phí ngày đó. Trong khi sản lượng điện từ than, dầu mỏ… đang dần cạn kiệt, mà sử dụng loại năng lượng này để phát điện thì gây phát thải nhà kính, ô nhiễm môi trường, do đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện là hướng đi đúng mà cả thế giới đang triển khai.

Khi so sánh khí CO2 do nhà máy thủy điện phát thải với các nguồn điện khác thì rõ ràng thủy điện có ưu điểm hơn cả (xem lượng khí phát thải từ các nguồn phát điện khác nhau nêu ở Bảng 1).

Nguồn điện

CO2                            [g/kWh]

SO2                           [g/kWh]

NOX                 [g/kWh]

Nhiệt điện than - Coal

793,7

800

865,5

Nhiệt điện khí - Gas

413

71

385,9

Năng lượng mặt trời - PV

156,1

341,6

272,5

Điện sinh khối - Wood

40,5

156,1

1137,7

Điện gió - Wind 1500 kW 

16

40,1

33,4

Điện nguyên tử - Nuclear

15,7

34

35,8

Thủy điện - Hydro 3.1 MW

12.5

24.8

41.5

Bảng 1. Phân loại nguồn điện và các loại khí phát thải tương ứng (g/kWh). 

(Nguồn: University of Stuttgart, Institute of Energy Economics and Rational Use of Energy, November 2005, updated July 2007).


Thủy điện hiện nay chiếm từ 15 - 20% tổng sản lượng điện của thế giới và chiếm tới 95% tổng sản lượng năng lượng tái tạo đã được khai thác (sản lượng điện được sản xuất từ thủy điện của nước ta hiện nay đạt khoảng 30% trong tổng sản lượng điện quốc gia). Có thể nêu những nước có sản lượng thủy điện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng sản lượng điện quốc gia như: Na Uy (gần 99%), Iceland (87%), Brazil (86%), New Zealand (75%), Venezuela (70%), Canada (62%).

Về mặt tích cực của thủy điện nói chung, trong đó có thủy điện nhỏ mang lại cho nền kinh tế nước ta là rất lớn, không thể bàn cãi. Các nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ thường không có, hoặc có hồ điều tiết, nhưng với dung tích nhỏ phù hợp với chế độ chạy lưng, hoặc chạy phủ đỉnh trong biểu đồ phát điện của hệ thống, không có nhiệm vụ, hay nói cách khác là không có khả năng chống lũ hoặc giảm lũ hay làm chậm lũ. Tuy nhiên, vấn đề mà chúng tôi muốn bàn là thủy điện nhỏ có những tác động tiêu cực đến môi trường ở mức độ nào, có phải nó là nguyên nhân làm mất rừng, hay gây lũ lụt như dư luận thông qua các phương tiện truyền thông liên tục nhắc đến mỗi khi mùa mưa bão xuất hiện hay không?

Thủy điện nhỏ có phải là thủ phạm phá rừng tự nhiên?

Tổng số diện tích đất đai bị ngập do xây dựng các nhà máy thủy điện (gồm các hệ thống thủy điện lớn, thủy điện vừa và nhỏ) từ 1970 đến nay là 285.000 ha đất các loại, bao gồm cả đất ở, đất nông nghiệp, đất trồng cây, đất có rừng, sông hồ, ao suối… Trong đó, một số công trình thủy điện có diện tích bị ngập rất lớn, điển hình là:

1/ Thủy điện Thác Bà (công suất 108 MW), đưa vào vận hành năm 1971, dung tích toàn bộ của hồ chứa đạt 2.490 triệu m3, làm ngập 16.629 héc ta đất các loại.

2/ Thủy điện Trị An (công suất 400 MW), đưa vào vận hành năm 1989, diện tích lòng hồ rộng 330 km2, dung tích toàn bộ đạt 2.764,7 triệu m3 - là công trình đa mục tiêu (ngoài phát điện còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, điều tiết lũ và đẩy mặn).

3/ Thủy điện Hòa Bình (công suất 1.920 MW), đưa vào vận hành năm 1994, diện tích lòng hồ rộng 208 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa đạt 9,45 tỉ mét khối nước - là công trình đa mục tiêu (ngoài phát điện còn đảm bảo nước cho sinh hoạt, nông nghiệp và điều tiết lũ).

4/ Thủy điện Sơn La (công suất 2.400 MW), có diện tích mặt hồ rộng 224 km2, dung tích toàn bộ hồ chứa đạt 9,26 tỉ mét khối nước, đưa vào vận hành năm 2012 - là công trình sử dụng nước tổng hợp (gồm phát điện, chống lũ, cấp nước cho nông nghiệp và giao thông thủy). Diện tích rừng bị ngập khoảng 2.500 - 3.100 ha (chiếm khoảng 7,02 - 11,2% tổng diện tích đất ngập).

Riêng thủy điện nhỏ có diện tích chiếm đất khá ít. Theo thống kê của Bộ Công Thương, đến nay có 342 công trình thủy điện nhỏ đã xây dựng với tổng công suất đặt là 3.582, 66 MW; 158 dự án đang thi công với quy mô 2.122,75 MW và đang nghiên cứu đầu tư 300 dự án với tổng công suất 3.121,65 MW.

Hiện nay, các dự án thủy điện vừa và nhỏ bình quân chỉ chiếm đất các loại khoảng 1,9ha/1 MW. Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, trong 5 năm (từ 2008 đến 2013), khu vực Tây Nguyên mất đến hơn 130.000 ha rừng (trong số 2,84 triệu ha), trong đó mất hơn 107.400 ha rừng tự nhiên, rừng trồng mất trên 22.200 ha. Như vậy, bình quân mỗi năm khu vực này mất 26.000 ha rừng.

Theo thông tin của Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết, đến tháng 10 năm 2020 trên địa bàn này hiện có 81 thủy điện vừa và nhỏ; tổng diện tích đất bị ảnh hưởng khoảng 4.100 ha, trong đó đất rừng chiếm hơn 1.500 ha (gồm rừng sản xuất hơn 951 ha, rừng phòng hộ hơn 43 ha, rừng đặc dụng hơn 163 ha). Ngoài ra là đất sông suối, đất trồng lúa và đất trồng cây lâu năm, cây hàng năm hơn 1.000 ha.

Như vậy, rừng đặc dụng tại Kon Tum bị mất 163 ha do xây dựng 81 công trình thủy điện nhỏ, chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong tổng số diện tích đất bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, từ năm 2016 đến tháng 5/2020, Thanh tra tỉnh Gia Lai đã tiến hành kiểm tra và kết luận tại 14 Ban quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh và phát hiện diện tích rừng bị mất là 8.538,75 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên là 7.735,90 ha; diện tích rừng trồng là 802,85 ha (Báo Dân trí, Chủ nhật, 22/11/2020 ).

Như vậy, diện tích rừng tự nhiên bị chặt phá tại tỉnh Gia Lai trong khoảng 4 năm rưỡi trở lại đây chiếm gần gấp đôi diện tích đất bị mất khi xây dựng 81 thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh Kon Tum (4.100 ha).

Một con số đáng kinh ngạc mà không phải ai cũng biết. Cả nước tính đến nay số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành và đang xây dựng là 500 dự án với tổng công suất lắp máy vào khoảng khoảng 5.705 MW. Và nếu tính bình quân mỗi MW công suất của thủy điện nhỏ chiếm khoảng 1,9 ha đất các loại thì tổng số 500 dự án thủy điện này làm mất 10.840 ha đất các loại, trong đó có đất rừng. Nếu căn cứ tỷ lệ rừng bị mất tương tự là 4% như  81 công trình thủy điện nhỏ tại tỉnh Kon Tum thì số diện tích đất rừng bị mất do xây dựng 500 công trình thủy điện nhỏ chỉ chiếm 434 ha, một con số rất nhỏ nếu so với diện tích rừng bị mất của tỉnh Gia Lai từ năm 2006 đến tháng 5/2020 là 8.538,75 ha.

Từ những con số này cho thấy, thủy điện nhỏ không phải là nguyên nhân chủ yếu làm mất rừng như chúng ta đã thường nghe khi mỗi mùa mưa bão hàng năm xuất hiện. Tuy nhiên, để xác định chính thức đất rừng bị mất do xây dựng thủy điện nhỏ thì nên chăng Bộ Công Thương cần phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiến hành khảo sát, thống kê chi tiết toàn bộ diện tích chiếm đất rừng bị mất từ các công trình thủy điện nhỏ đã xây dựng, đang thi công và được quy hoạch. Đồng thời, thống kê diện tích đất rừng được chuyển đổi mục đích sử dụng như xây dựng khu kinh tế mới, xây dựng khu chuyên canh, khu nguyên liệu, xây dựng hạ tầng giao thông; bao nhiêu diện tích rừng do dân chặt phá, đốt để làm nương, rẫy; bao nhiêu diện tích rừng do lâm tặc tàn phá v.v... nhằm đưa ra con số so sánh để người dân biết và cũng là minh oan, trả lại sự công bằng cho thủy điện nhỏ.

Những sự cố trong thi công và vận hành thủy điện nhỏ

Tính đến nay, tổng số công trình thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành và đang thi công là 500 dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thi công và vận hành đã xảy ra một số sự cố nghiêm trọng tại một số dự án như sau:

1/ Thủy điện Dakrông 3: Công trình Thủy điện Đakrông 3 do Công ty Cổ phần Thủy điện Trường Sơn (trụ sở tại tỉnh Quảng Bình) làm chủ đầu tư, với công suất 8 MW. Hồ chứa có dung tích 3,4 triệu m3. Sự cố xẩy ra khi công trình xây dựng gần hoàn thành, thì ngày 7/10/2012 bức tường ngăn nước nhằm kiểm tra áp lực đường ống, rò rỉ thân đập và chạy thử liên động thiết bị có tải rơi vào đúng thời điểm mưa lớn kéo dài, nước tràn về làm cho đập chắn của công trình bị vỡ. Thiệt hại ước tính 20 tỷ đồng và làm ảnh hưởng đến tài sản, hoa màu của 13 hộ dân trong lòng hồ khi chưa được đền bù di dời.

2/ Thủy điện Dak Mek 3: Công trình Thủy điện Dak Mek 3 do Công ty Cổ phần Thủy điện Hồng Phát làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 7,5 MW. Công trình đang thi công được khoảng 80%, thì ngày 22/11/2012 xảy ra sự cố khi xe tải va vào bức tường phía thượng lưu dài khoảng 80 m, cao gần 9 m đổ sập, hơn 700 m3 đá, bê tông rơi xuống suối Đak Mek, đè chết người đang lái xe thi công.

Qua kiểm tra và báo cáo của đoàn liên ngành cho thấy, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Thủy điện Hồng Phát đã thi công đập sai so với hồ sơ thiết kế. Cụ thể là đập phải được đổ bê tông liên tục mác 150, nhưng thay vào đó, đơn vị thi công đã cho đổ đất, đá, cát vào trộn với bê tông hỗn hợp, không đạt chất lượng như thiết kế quy định, dẫn đến việc đập chịu lực yếu và sự cố đã xẩy ra. 

3/ Thủy điện Ia Krel 2: Công trình Thủy điện Ia Krel 2 do Công ty Cổ phần Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long Gia Lai làm chủ đầu tư, có công suất thiết kế 5,5 MW. Đập chính có chiều cao lớn nhất là 27 m hoàn thành và bắt đầu tích nước từ đầu tháng 5/2013. Tuy nhiên, trong quá trình tích nước, một đoạn đập Thủy điện Ia Krel 2 đã bị vỡ vào ngày 12/6/2013. Nguyên nhân là do tình hình mưa trên diện rộng và kéo dài trên lưu vực, lưu lượng về lớn làm mực nước hồ tăng nhanh, vượt qua đỉnh đê quây làm vỡ đê quây (đê quây là đập tạm thời quây lại khu vực để thi công công trình, sau khi công trình chính hoàn thành thì phá dỡ đê quây) và kéo theo vỡ một đoạn đập đập chính thủy điện Ia Krel 2. Lỗi này có thể do cơ quan tư vấn thiết kế tính toán lũ thi công sai, hoặc do chủ thầu thi công cao trình đỉnh đê quây không đúng với thiết kế.

Tuy nhiên, sau sự cố đó, trong quá trình triển khai thi công, nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án theo các nội dung đã cam kết. Thậm chí, tiếp theo vào các năm 2013 và 2014, đơn vị thi công đã có hai lần để xảy ra sự cố vỡ đập, tuy không gây thiệt hại về người, song ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân dân trên địa bàn.

Trên cơ sở ý kiến tham gia của các cơ quan chức năng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã thông báo chủ trương thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Thủy điện Ia Krel 2, đồng thời yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xây dựng Bảo Long chấm dứt mọi hoạt động của dự án đầu tư trên và triển khai các bước thủ tục thanh lý dự án theo quy định của pháp luật về thanh lý tài sản, khi dự án đầu tư chấm dứt hoạt động.

Ngày 9/8/2018, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai cho biết, đơn vị đã có văn bản số 1196/SKHDT-DN về việc thu hồi dự án Thủy điện Ia Krel 2 do Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xây dựng Bảo Long làm chủ đầu tư, với lý do vi phạm điểm G, Khoản I, Điều 48, Luật Đầu tư số 67/2014/QH13.

4/ Thủy điện Đăk Kar: Công trình Thủy điện Đăk Kar xây dựng trên suối Đăk Kar, nằm giữa ranh giới huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông và huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Thủy điện Đăk Kar có công suất lắp máy 12 MW, với 2 tổ máy, hồ chứa có dung tích thiết kế 11 triệu m3, khởi công năm 2014, dự kiến hoàn thành năm 2020. Ngày 10/8/2019 vì sự chủ quan của chủ đầu tư, Thủy điện Đắk Kar đang thi công và suýt vỡ đập do sự cố kẹt van khi lũ về quá lớn. Sự cố hai van xả đập số 1 và 2 bị mắc kẹt do lưu lượng nước lớn chảy về kéo theo cây cối và đất đá làm kẹt van xả. Thật may mắn là thảm họa không xảy ra.

Đánh giá về sự cố này là lỗi của con người. Về nguyên tắc thiết kế, trước cửa xả nước (hoặc cửa lấy nước)  bao giờ cũng bố trí lưới chắn rác nhằm ngăn chặn các loại rác chui vào đường ống, do vậy nếu trong hồ sơ thiết kế thiếu điều này thì phía thiết kế sai; còn nếu có bản vẽ thiết kế mà chủ đầu tư không xây dựng thì lỗi thuộc về chủ đầu tư.

5/ Thủy điện Plei Kần: Dự án được triển khai tại xã Tân Cảnh, xã Ngọc Tụ, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô và xã Đăk Kan, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi với công suất thiết kế 17 MW.

Công ty Cổ phần Tấn Phát - chủ đầu tư dự án Thủy điện Plei Kần xác nhận: Thủy điện đang thực hiện tích nước để thử cửa vận hành sau khi lắp đặt và phần cơ của các tổ máy trong thời gian bão số 9 xảy ra. Hậu quả việc tích nước làm mực nước hồ dâng cao hơn mốc đền bù giải phóng mặt bằng 20 cm (không thực hiện theo quy trình tích nước hồ chứa đã được thiêt kế và phê duyệt) ngập công trình giao thông, tài sản và hoa màu của người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Sau khi có thông tin sự việc, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) đã có văn bản yêu cầu Công ty Cổ phần Tấn Phát dừng ngay việc tích nước; đồng thời phải mở cửa van cống dẫn dòng, đưa mực nước hồ chứa về mực nước của lòng sông tự nhiên để giảm thiểu thiệt hại đối với công trình giao thông, tài sản và hoa màu của nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng…

Và ngày 27/10/2020, Sở Công Thương tỉnh Kon Tum đã có văn bản số 1743/SCT-QLNL gửi Công ty Cổ phần Tấn Phát nêu rõ: “Nếu Công ty Cổ phần Tấn Phát tiếp tục tích nước trái quy định, không hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng, thực hiện các công việc trái quy định thì sẽ đề nghị Tổng công ty Điện lực miền Trung không huy động công suất nhà máy; đồng thời báo cáo UBND tỉnh đề nghị Bộ Công Thương thu hồi giấy phép hoạt động điện lực theo quy định pháp luật”.

6/ Thủy điện Thượng Nhật: Công trình thủy điện Thượng Nhật do Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam làm chủ đầu tư, có công suất 11 MW, hiện chưa được các cơ quan chức năng cấp phép để tích nước, nhưng chủ đầu tư đã tự ý tích nước vào hồ. Trong quá trình kiểm tra tại công trình Thủy điện Thượng Nhật, đoàn cán bộ của Bộ Công Thương và Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế đánh giá, chủ đầu tư đã vi phạm hai lỗi: “Không thực hiện quan trắc”; “Vận hành không đúng quy trình vận hành hồ chứa thủy điện đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”. Cuối tháng 10/2020, Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên - Huế có văn bản gửi Tổng công ty Điện lực miền Trung đề nghị không mua điện đối với Nhà máy Thủy điện Thượng Nhật, đến khi thủy điện này được các cơ quan chức năng cho phép tích nước.

Đoàn công tác của Bộ Công Thương đã lập biên bản vi phạm hành chính Thủy điện Thượng Nhật trong lĩnh vực an toàn đập thuỷ điện theo quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP và kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực đối với thuỷ điện này.

Ngày 22/11/2020 Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế đã ký công văn gửi Bộ Công Thương: Đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo Cục Điều tiết Điện lực xem xét thu hồi Giấy phép hoạt động trong lĩnh vực phát điện cấp cho Công ty Cổ phần đầu tư Thủy điện miền Trung Việt Nam (chủ đầu tư Thủy điện Thượng Nhật); Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường xem xét xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập. 

7/ Thuỷ điện Rào Trăng 3: Thuỷ điện Rào Trăng 3  nằm ở thượng nguồn sông Bồ, hạ nguồn sông A Lin đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt năm 2008. Dự án tThuỷ điện Rào Trăng 3 được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế giao cho Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Trường Sơn thực hiện vào tháng 11/2008. Đến năm 2016, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thuỷ điện nhỏ của tỉnh Thừa Thiên Huế với dự án Thuỷ điện Rào Trăng 3, đồng thời chủ đầu tư dự án cũng được thay đổi từ Công ty TNHH tư vấn xây dựng Trường Sơn sang Công ty Thủy điện Rào Trăng 3. Công suất nhà máy Thuỷ điện Rào Trăng 3 là 13 MW và điện lượng trung bình hàng năm là 44,343 triệu kWh, diện tích đất sử dụng là 11,1 ha, trong đó diện tích khu vực lòng hồ là 8,8 ha, còn lại là khu vực nhà máy, tuyến áp lực, tuyến năng lượng và công trình phụ trợ.

Hiện trạng khi sạt lở xẩy ra là công trình đang trong giai đoạn thi công, vào lúc 0 giờ 30 ngày 12/10/2020 đã sạt lở đồi phía sau nhà điều hành thi công, làm sập toàn bộ nhà điều hành và đất đá chảy trôi đến lấp toàn bộ lán trại, làm 17 người mất tích. Ngoài ra, mưa lớn cũng đã gây sạt lở khu vực nhà máy. Đây là sự cố rất đau lòng và các cơ quan chức năng đang điều tra nguyên nhân để làm rõ sai phạm. Tuy nhiên, do các cơn lũ liên tiếp xảy ra tại khu vực miền Trung (trong đó có lưu vực Rào Trăng 3) có thể là một trong những nguyên nhân chính làm cho địa chất vùng này vốn đã yếu sẵn, cộng thêm mưa nhiều ngày dẫn đến sạt lở.

Đánh giá chung về sự cố xảy ra đối với các công trình thủy điện nhỏ nêu trên, có thể nhận thấy con người là tác nhân chính gây ra. Nếu công tác khảo sát, thiết kế đạt yêu cầu, nếu công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng đúng quy định, nếu các chủ đầu tư thực hiện đúng Luật Xây dựng, nếu công tác giám sát của các cơ quan chức năng thực hiện đúng vai trò của mình thì có thể các sự cố đáng tiếc đã không xảy ra, hoặc có xảy ra thì tác hại của nó cũng hạn chế hơn. Và nếu khi xảy ra sự cố, xác định đúng nguyên nhân thì cần áp dụng các chế tài xử phạt nghiêm minh; nếu dự án nào vi phạm (ví dụ khai thác rừng ngoài phạm vi cho phép, tích nước vào hồ gây ngập lụt, xả lũ không theo đúng quy trình đã được phê duyệt v.v..) sẽ bị thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực, hoặc các công ty điện lực địa phương từ chối mua điện của các dự án vi phạm, không phải kiểu xử phạt “để cho tồn tại” thì chắc rằng các chủ đầu tư không dám ngang nhiên vi phạm.

Bảy công trình thủy điện nhỏ nêu trên xẩy ra sự cố trên tổng số 500 công trình đang vận hành và đang xây dựng là tỷ lệ rất nhỏ (chiếm 1,5%). Tuy số lượng sự cố thủy điện nhỏ trong quá trình thi công và vận hành chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng ngoài việc gây ra tổn thất về người và tài sản cho chủ đầu tư, cũng như người dân trong phạm vi tác động của dự án, nó còn làm méo mó hình ảnh về thủy điện nhỏ là phá rừng và nguyên nhân gây lũ lụt.

Thay ​cho lời kết

Năng lượng vừa là mục tiêu, vừa là động lực của quá trình phát triển đất nước, trực tiếp làm tăng mức sống của nhân dân. Mặt khác, năng lượng cũng là động lực thúc đẩy các ngành kinh tế - kỹ thuật - xã hội khác phát triển. Các công trình thủy điện (bao gồm cả thủy điện nhỏ) thời gian qua đã đóng vai trò quyết định trong việc cung cấp nguồn năng lượng tái tạo vừa rẻ, vừa sạch cho nền kinh tế; góp phần tích cực vào việc nâng cao sức cạnh tranh vốn đã rất thấp của các sản phẩm công - nông - lâm nghiệp; là nhân tố quyết định trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên cả nước. Nhờ có thủy điện và chỉ có thủy điện, người dân trong cả nước mới được hưởng giá điện như hiện nay và mức tiêu dùng điện tính trên đầu người ở Việt Nam mới tăng được như vừa qua. Hiện tại EVN đang mua điện từ các nguồn điện với giá tương ứng như sau:

1/ Giá mua điện từ thủy điện bình quân là 1.110 đồng/kWh.

2/ Hiá mua điện gió đối với các dự án trong đất liền là 8,5 Uscent/1kWh, tương đương 2.014 đồng/1kWh và đối với các dự án trên biển là 9,8 Uscent/1kWh, tương đương 2.322 đồng/1kWh.

3/ Giá mua điện mặt trời đối với các dự án vận hành trước ngày 30/6/2019 thì được hưởng mức rất cao là 9,35 Uscent/1kWh, tương đương 2.215 đồng/1kWh và hiện nay Chính phủ đang xem xét giá từ 7,09 đến 7,69 Uscent/kWh, tương đương 1.679 đồng/1kWh -:- 1.822 đồng/1kWh.

4 Giá mua điện từ nhiệt điện than là 1.677,02 đồng/kWh đến 1.896,05 đồng/kWh. 

Để tiếp tục phát triển nguồn năng lượng tái tạo này cần đưa vào quy hoạch những công trình thủy điện nhỏ có điều kiện kinh tế - kỹ thuật và môi trường tối ưu nhất. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý hành vi lợi dụng hạ tầng kỹ thuật công trình thủy điện để chặt, phá rừng, khai thác tài nguyên thiên nhiên trái phép, thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về dịch vụ môi trường rừng. Nếu chủ đầu tư nào vi phạm thì cần xử lý kiên quyết như ý kiến của Bộ Công Thương và chính quyền tỉnh Kon Tum cùng chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế về việc xử lý sai phạm của chủ đầu tư công trình Thủy điện Plei Kần và Thủy điện Thượng Nhật - đó là kiến nghị thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực, hoặc từ chối mua điện từ các dự án vi phạm này.

Nếu thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực, hoặc từ chối mua điện từ các dự án vi phạm thì tương lai chắc chắn không chủ đầu tư nào dám vi phạm để xẩy ra sự cố nữa - vì bỏ tiền ra đầu tư mà không bán được sản phẩm thì đầu tư để làm gì? Chẳng lẽ chúng ta bó tay vì một vài con sâu làm rầu nồi canh “thủy điện nhỏ”, không tiếp tục khai thác nguồn năng lượng tái tạo mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho chúng ta? Chỉ có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương kết hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường thì chắc chắn công cuộc phát triển thủy điện nhỏ mới đi đúng hướng, trả lại sự công bằng và chính danh của thủy điện nhỏ - nguồn năng lượng sạch và tái tạo, thân thiện với môi trường./.

TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HIỆP HỘI NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


 

 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động