RSS Feed for Bổ sung dự án Thủy điện Đức Hạnh (Bình Thuận) vào Quy hoạch | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 22/11/2024 14:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bổ sung dự án Thủy điện Đức Hạnh (Bình Thuận) vào Quy hoạch

 - Bộ Công Thương vừa có quyết định phê duyệt bổ sung dự án Thủy điện Đức Hạnh, công suất 22 MW vào Quy hoạch thủy điện nhỏ toàn quốc trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (Quyết định số: 1133/QĐ-BCT, ngày 2/4/2021).


Thủy điện nhỏ - nguồn năng lượng tái tạo quý giá


Theo Quyết định, dự án Thủy điện Đức Hạnh được xây dựng trên bờ trái sông La Ngà (nhánh cấp 1 của sông Đồng Nai; lấy nước từ kênh thủy lợi của Đập Võ Đắt để phát điện) thuộc địa bàn xã Đức Hạnh, huyện Đức Linh, tỉnh Bình Thuận.

Nhiệm vụ của Thủy điện Đức Hạnh theo nhiệm vụ chung của hệ thống thủy lợi Võ Đắt (nhà máy thủy điện kết hợp phát điện lên lưới điện quốc gia phù hợp với chế độ vận hành của công trình thủy lợi Võ Đắt) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Sơ đồ khai thác gồm: Kênh vào - Cống lấy nước nằm bên bờ phải trái sông La Ngà - kênh dẫn (dùng chung cho cả nhiệm vụ thủy lợi và thủy điện) - bể lắng cát - cửa nhận nước - đường ống áp lực - nhà máy thủy điện kiểu hở xả nước trở lại sông Là Ngà.

Các thông số chính của Dự án: Diện tích lưu vực tính đến cống lấy nước Flv = 3.120 km2; mực nước dâng bình thường MNDBT = 101,5 m; mực nước chết MNC = 101,5 m; mực nước hạ lưu nhà máy nhỏ nhất MNHLmin = 77,06 m; công suất lắp máy Nlm = 22 MW và điện lượng trung bình năm E0 = 117,48 triệu kWh.

Bộ Công Thương yêu cầu việc đầu tư xây dựng dự án Thủy điện Đức Hạnh phải đảm bảo phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, sử dụng đất, sử dụng nguồn nước, phát triển điện lực; tuân thủ các quy định hiện hành về xây dựng, Luật Thủy lợi và các quy định khác có liên quan.

Trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư xây dựng và vận hành công trình thủy điện Đức Hạnh, Bộ Công Thương yêu cầu UBND tỉnh Bình Thuận chỉ đạo chủ đầu tư và các cơ quan có liên quan thực hiện các nội dung:

Thứ nhất: Hoàn thiện điều tra, khảo sát bổ sung, đánh giá đầy đủ các điều kiện tự nhiên khu vực dự án (địa hình, địa chất, khí tượng, thủy văn, dân sinh, kinh tế - xã hội,...) để nghiên cứu chuẩn xác quy mô công suất lắp máy Nlm và phương án thiết kế công trình nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, phù hợp với quy mô thiết kế của kênh dẫn chung, đảm bảo công trình vận hành an toàn, ổn định.

Thứ hai: Nghiên cứu phương án thiết kế công trình, tổ chức thi công và vận hành công trình đảm bảo an toàn ổn định và không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của hồ Võ Đắt và hệ thống kênh thủy lợi Võ Đắt đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ ba: Việc quản lý, vận hành công trình phải tuân thủ các quy định chung về quản lý công trình thủy lợi và Quy trình vận hành hồ chứa Võ Đắt, không làm ảnh hưởng đến việc phòng lũ, cấp nước và hoạt động của các công trình thủy lợi phía hạ du.

Thứ tư: Đánh giá kỹ và thực hiện đầy đủ các biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án đối với môi trường - xã hội.

Thứ năm: Thực hiện các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng theo Luật Xây dựng, các Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

Thứ sáu: Tiến độ thực hiện các dự án phải phù hợp với tiến độ xây dựng lưới điện truyền tải trong khu vực./.

PV TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động