RSS Feed for Quản lý phát thải, kinh doanh tín chỉ cacbon: Tận dụng cơ hội, chuyển đổi mô hình kinh tế | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 19/04/2024 05:00
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Quản lý phát thải, kinh doanh tín chỉ cacbon: Tận dụng cơ hội, chuyển đổi mô hình kinh tế

 - Bộ TN&MT đang xây dựng Đề án Quản lý phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, quản lý các hoạt động kinh doanh tín chỉ cacbon ra thị trường thế giới, nhằm tạo khuôn khổ thống nhất cho hoạt động này, tận dụng cơ hội chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững.

 


Việt Nam cần tính tới việc giảm phát thải

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, người tham gia khá nhiều hội nghị đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu, cho biết, Việt Nam dù chưa phải đưa ra cam kết về giảm phát thải song trong thời gian tới, sẽ phải có trách nhiệm báo cáo về tình trạng giảm phát thải định lượng, theo xu thế của quốc tế và lộ trình pháp lý mới sẽ hình thành sau Nghị định thư Kyoto (năm 2012).

Dù là nghĩa vụ, song nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, đây cũng là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi mô hình phát triển kinh tế bền vững.

Việc giảm phát thải, kinh doanh tín chỉ cacbon ở Việt Nam có một tiền đề khá sáng sủa.

Theo báo cáo của Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, việc quản lý hoạt động giảm phát thải khí nhà kính được Việt Nam thực hiện từ khá sớm, như xây dựng các thông báo quốc gia về kiểm kê khí nhà kính và ban hành một số văn bản, đề xuất một số biện pháp giảm phát thải.

Từ đầu thế kỷ 21, chúng ta đã xác định cần nâng cao hiệu quả sử dụng, tiết kiệm và bảo tồn năng lượng. Phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo; ứng dụng công nghệ ít phát thải. Quản lý chất thải; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và ứng dụng hiệu quả các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, vật liệu mới trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính…để giảm phát thải khí nhà kính.

Đối với hoạt động kinh doanh tín chỉ cacbon, chúng ta đã ban hành khá nhiều văn bản về cơ chế chính sách đối với dự án đầu tư theo Cơ chế phát triển sạch (CDM), hướng dẫn xây dựng, thẩm định dự án CDM…

Hiện cả nước có 112 dự án CDM được công nhận, với khoảng gần 6,75 triệu chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính. Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số lượng dự án CDM.

Về việc tổ chức thu, quản lý lệ phí bán/chuyển Chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính (CER), chúng ta đã có quyết định, thông tư, Quỹ Bảo vệ môi trường tiếp nhận hồ sơ và thu lệ phí.

Từ năm 2008 đến nay, tổng số lệ phí thu được là 40 tỷ đồng. Việc sử dụng nguồn kinh phí này cũng có quy định cụ thể, sử dụng đúng mục đích, hiệu quả. Cụ thể, chỉ sử dụng nguồn vốn này cho hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu và CDM, hỗ trợ việc xét duyệt tài liệu dự án CDM, quản lý và giám sát thực hiện dự án CDM, trợ giá các sản phẩm của dự án CDM…

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, dự kiến sẽ trình Chính phủ phê duyệt đề án trong tháng 5 này. Nếu chậm trễ thực hiện việc quản lý phát thải và hình thành thị trường mới mẻ này, ta sẽ mất cơ hội.

Đề án đặt ra một số vấn đề cần giải quyết, như đánh giá, phân loại các nguồn phát thải, xây dựng kịch bản phát thải đến năm 2020 và 2030, đánh giá và xây dựng phương án giảm nhẹ khí nhà kính tiềm năng, xây dựng kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia (NAMA)…

Việt Nam cũng cần rà soát, bổ sung các văn bản pháp lý quy định về chế tài trong trường hợp nhà đầu tư xây dựng và thực hiện Dự án CDM không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, bổ sung các quy định, hướng dẫn về kiểm tra, giám sát dự án CDM.

Theo dự thảo, Đề án cần nghiên cứu xây dựng, ban hành các văn bản pháp lý về quản lý và hướng dẫn kinh doanh tín chỉ cacbon ra thị trường thế giới…

Nhật Tân (nguồn: Bộ TN&MT)



 

 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động