RSS Feed for Phỏng vấn Đại sứ Na Uy tại Việt Nam trước thềm ASEAN Wind Energy 2023 | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 24/01/2025 13:29
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phỏng vấn Đại sứ Na Uy tại Việt Nam trước thềm ASEAN Wind Energy 2023

 - ASEAN Wind Energy 2023 [*] dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 30 - 31/10/2023 tại Trung tâm Adora ở TP. Hồ Chí Minh. Nhân dịp này, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Năng lượng Việt Nam về tiềm năng phát triển của ngành điện gió ngoài khơi Việt Nam, cũng như cơ hội hợp tác của các doanh nghiệp Na Uy với các đối tác Việt Nam và ASEAN.
Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII Nhận diện rủi ro tiến độ đầu tư nguồn điện LNG, điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện VIII

Theo tính toán về thời gian đầu tư dự án điện khí, điện gió ngoài khơi: Nếu tính từ lúc có Quy hoạch đến khi có thể vận hành, nhanh nhất cũng mất khoảng 8 năm, thậm chí trên 10 năm, trong khi kinh nghiệm phát triển nguồn điện này ở Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Nhưng theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 (chỉ còn 7 năm), công suất của 2 nguồn điện nêu trên phải đạt 28.400 MW... Vậy giải pháp nào để chúng ta có thể đạt được mục tiêu đã đề ra? Tổng hợp, phân tích và đề xuất giải pháp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Nội lực của PVN trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi Việt Nam Nội lực của PVN trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi Việt Nam

Theo báo cáo của World Bank Group và tư vấn BVG Associates cho thấy: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) hoàn toàn có đầy đủ năng lực để thực hiện toàn bộ công việc liên quan đến ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi (ngoại trừ cung cấp tua bin, cáp ngầm, máy biến áp). Đặc biệt, nhờ vào thế mạnh cơ sở vật chất, thiết bị, nhân lực, PVN có những lợi thế để tiết kiệm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cao hơn cho các dự án điện gió ngoài khơi trong cả vai trò chủ đầu tư và tổng thầu... Tổng hợp của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động hàng hải và ngoài khơi, Na Uy có vị thế lý tưởng để đóng góp vào mục tiêu phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Đại sứ có thể nói gì về những hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Na Uy với Việt Nam trong lĩnh vực này?

Bà Hilde Solbakken: Na Uy hỗ trợ tài chính cho Việt Nam thông qua các cơ chế đa phương trong, đó có Quỹ khí hậu xanh và Quỹ môi trường Toàn cầu. Các doanh nghiệp Na Uy cũng sẵn sàng đầu tư dài hạn và có quy mô ở Việt Nam.

Trên phương diện song phương, Na Uy đang tích cực hỗ trợ Việt Nam xây dựng quy hoạch không gian biển. Nguồn vốn hỗ trợ được thực hiện qua UNDP Việt Nam. Quy hoạch không gian biển là nền tảng quan trọng để phát triển ngành điện gió ngoài khơi, trong đó có cả chuỗi cung ứng.

Na Uy cùng với các nước G7 và Đan Mạch là thành viên của Nhóm đối tác quốc tế trong Thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam. Trong vai trò đối tác JETP, Na Uy đang mong chờ được chung tay cùng Việt Nam và các đối tác quốc tế góp phần vào các nỗ lực chuyển đổi sang năng lượng tái tạo ở Việt Nam.

Một ngành công nghiệp mới như gió ngoài khơi đòi hỏi phải có khung pháp lý mới. Đại sứ quán Na Uy, Cơ quan Thương vụ (Innovation Norway) và các doanh nghiệp Na Uy đang hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế để hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình này.

Chia sẻ chuyên môn và kinh nghiệm cũng là một kênh hỗ trợ của Na Uy. Điều này được thực hiện thông qua các chuyến thăm và trao đổi giữa các cơ quan hoạch định chính sách. Phần lớn kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi đến từ khu vực tư nhân Na Uy. Các công ty của chúng tôi cũng chia sẻ nhiều kiến thức và kinh nghiệm của mình với các đối tác Việt Nam, trong đó có những vấn đề rất cụ thể như: Làm thế nào để xác định các khu vực thích hợp để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi? Phân tích số liệu gió dựa trên kết quả đo lường như thế nào? Phối hợp với các bên liên quan ra sao để quản lý hiệu quả quy hoạch không gian biển đảm bảo cân bằng lợi ích của các bên liên quan tới những khu vực có nhiều mục đích sử dụng?

Na Uy cũng đang chủ trì việc xây dựng Báo cáo chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Báo cáo này sẽ đưa ra bức tranh rõ nét hơn về tiềm năng tạo giá trị của ngành cho Việt Nam ở miền Bắc và miền Nam.

Phỏng vấn Đại sứ Na Uy tại Việt Nam trước thềm ASEAN Wind Energy 2023
Bà Hilde Solbakken - Đại sứ Na Uy tại Việt Nam.

Để tăng cường quan hệ đối tác và xây dựng một lộ trình đầu tư rõ ràng cho các công ty năng lượng Na Uy, theo bà, Việt Nam cần có những hướng hành động gì để thu hút các công ty Na Uy và các doanh nghiệp mạo hiểm đầu tư vào các dự án năng lượng của Việt Nam trong các lĩnh vực điện gió ngoài khơi, sản xuất hydro v.v…?

Bà Hilde Solbakken: Quy hoạch điện VIII mà Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa phê duyệt đã đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió ngoài khơi (6 GW vào năm 2030). Hy vọng, mục tiêu này sẽ mở đường cho các quyết sách quan trọng khác và khung pháp lý cụ thể hơn - là điều mà các công ty quốc tế đang chờ đợi để có thể đầu tư.

Rất nhiều doanh nghiệp Na Uy đang góp mặt trong các dự án điện gió ở Việt Nam, kể cả gió ngoài khơi và trong đất liền.

Equinor là một trong những công ty hàng đầu thế giới về gió ngoài khơi, với công nghệ điện gió nổi tiên tiến vào bậc nhất thế giới. Công ty này đang nỗ lực thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi ở Việt Nam và đã ký Biên bản ghi nhớ với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi trong tương lai.

Mainstream đang thực hiện 3 dự án ở Việt Nam với tổng công suất hơn 2,3 GW, trong đó có trang trại gió lớn nhất Việt Nam ở tỉnh Sóc Trăng.

Scatec hiện đang là công ty đóng vai trò đầu tàu trong ngành năng lượng tái tạo của Việt Nam với các kiến thức chuyên môn về điện mặt trời và gió trên bờ. Scatec hiện đang khai thác trang trại gió ở Đầm Nại và đã ký thỏa thuận hợp tác với công ty MT Energy của Việt Nam để cấp vốn, xây dựng và vận hành các dự án điện mặt trời quy mô lớn.

Trong lĩnh vực hydrogen, Na Uy cam kết phát triển một chuỗi giá trị chặt chẽ cho hydrogen, với lượng phát thải thấp, hoặc không phát thải. Hydrogen, đặc biệt là ammonia và hydrogen xanh lục và xanh lam có tiềm năng rất lớn do tính linh hoạt của nó (nhẹ, chi phí lưu trữ rẻ, tài nguyên không giới hạn). Trong tương lai, nó có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch trong các ngành công nghiệp (như ngành thép) và giao thông vận tải (ví dụ như ngành hàng hải), vì đây là các lĩnh vực khó tìm được giải pháp thay thế khác.

Na Uy có vị thế thuận lợi để tham phát triển thị trường hydrogen. Chúng tôi có các đơn vị cung cấp trên toàn chuỗi giá trị. Tài nguyên thiên nhiên của chúng tôi có thể là cơ sở để sản xuất hydrogen với lượng phát thải thấp, hoặc thậm chí không phát thải. Tuy nhiên, phát triển công nghệ trên toàn bộ chuỗi giá trị là việc làm cần thiết để góp phần giảm chi phí. Bên cạnh đó, hợp tác quốc tế cũng là một trong các yếu tố đảm bảo sự thành công của thị trường hydrogen sạch.

Chúng ta đều biết, Na Uy và Việt Nam có chung những lợi thế địa lý (như đường bờ biển dài và điều kiện gió rất đặc biệt). Vậy, từ góc độ là quốc gia đi đầu trong ngành năng lượng gió, bài học tốt nhất mà Na Uy có thể chia sẻ với Việt Nam là gì trong việc tăng cường chuỗi cung ứng điện gió toàn cầu của Việt Nam và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác công nghệ?

Bà Hilde Solbakken: Với hàng thập kỷ hoạt động trong lĩnh vực dầu khí và hàng hải, Na Uy đã vận dụng những kinh nghiệm này để phát triển các giải pháp kỹ thuật số và công nghệ đẳng cấp thế giới cho ngành điện gió ngoài khơi. Tính bền vững là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động đổi mới của Na Uy - từ cơ sở hạ tầng cảng xanh, tàu dịch vụ chạy bằng hydro, đến robot kiểm tra dưới biển. Na Uy là ngôi nhà của cả một chuỗi giá trị hoàn chỉnh cho ngành điện gió xa bờ.

Việt Nam cũng có nhiều kinh nghiệm lâu năm hoạt động ngoài khơi và có thể sử dụng nguồn nhân lực, công nghệ, dữ liệu đo lường và địa chất, cũng như năng lực thể chế liên quan để phát triển ngành điện gió ngoài khơi. Đây chính là lợi thế của Việt Nam so với các nước khác.

Tôi xin được chia sẻ 3 bài học kinh nghiệm quan trọng của Na Uy trong phát triển điện gió ngoài khơi như sau:

Một là: Vừa học vừa làm. Cách làm là thực hiện theo từng giai đoạn. Bằng cách này, bạn cho mình cơ hội để học hỏi, thích ứng và thay đổi cho phù hợp trong những giai đoạn tiếp theo. Nói cách khác, đừng chờ tới khi có đủ dữ liệu và kiến thức, bởi vì nếu không làm, ta sẽ không thể có được những thứ đó.

Hai là: Đảm bảo sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là giới học thuật, các tổ chức khoa học và khu vực tư nhân.

Ba là: Phát triển chuỗi cung ứng trong nước. Đây là yếu tố quan trọng của ngành điện gió ngoài khơi.

Việt Nam hiện chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc chuẩn bị, phát triển và thực hiện các dự án điện gió ngoài khơi. May mắn là Việt Nam có thể học hỏi những kinh nghiệm này từ Na Uy thông qua hợp tác song phương. Na Uy có đề xuất nào để Việt Nam phát triển khung pháp lý cho quy hoạch không gian biển không?

Bà Hilde Solbakken: Đứng từ góc độ khung pháp lý, việc xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia có ý nghĩa vô cùng quan trọng để đảm bảo lợi ích và quản lý, đồng thời nhiều ngành công nghiệp và các bên liên quan, và để đảm bảo việc sử dụng nguồn lợi biển hiệu quả, bền vững. Đối với ngành điện gió ngoài khơi còn non trẻ, thì quy hoạch không gian biển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Na Uy đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm xây dựng quy hoạch không gian biển trong nhiều chục năm và chúng tôi rất vui được chia sẻ kinh nghiệm của mình với Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này. Chúng tôi hiện đang tài trợ cho một dự án kéo dài ba năm thông qua UNDP, nhằm hỗ trợ xây dựng khung pháp lý và chính sách ở cấp quốc gia, cũng như thí điểm các mô hình quy hoạch không gian biển ở địa phương.

Để có được một quy hoạch không gian biển hiệu quả, cần đặc biệt lưu ý một số yếu tố sau:

Thứ nhất: Quy hoạch phải mang tính bao trùm - tất cả các ngành, cơ quan chính phủ có liên quan (từ trung ương tới địa phương), các tổ chức khoa học và cộng đồng địa phương đều phải tham gia.

Thứ hai: Phải dựa trên hệ sinh thái và cơ sở khoa học vững chắc về môi trường biển và tác động môi trường của các ngành khác nhau.

Thứ ba: Xây dựng quy hoạch phải là một quá trình liên tục đảm bảo việc học hỏi và thích ứng. Sẽ không thể có ngay một hệ thống hoàn hảo, mà chúng ta phải bắt đầu, ứng dụng nó và cải thiện để nó tốt hơn theo thời gian thông qua việc học hỏi và thích nghi.

Sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là cộng đồng địa phương sẽ cực kỳ quan trọng, đảm bảo chia sẻ lợi ích một cách công bằng và bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương có liên quan nhiều đến sự phát triển của các trang trại gió. Bà có thể chia sẻ kinh nghiệm thành công của Na Uy trong việc cân bằng lợi ích cho cộng đồng địa phương và giúp họ được hưởng lợi từ việc phát triển các trang trại gió quy mô lớn?

Bà Hilde Solbakken: Một điều cần cân nhắc khi phát triển các dự án điện gió ngoài khơi là phải làm sao để tránh xung đột với cộng đồng địa phương và các hoạt động kinh tế khác. Chính vì vậy tốt nhất là các dự án điện gió ngoài khơi phải được thực hiện xa bờ. Ngoài ra, quy mô của các dự án điện gió cũng rất quan trọng, vì đầu tư vào diện tích lớn sẽ giúp giảm giá thành. Nếu phát triển gần bờ, hoạt động của các trang trại gió có thể xung đột với hoạt động của các ngành kinh tế biển khác dẫn đến khó xây dựng các trang trại gió có quy mô như kỳ vọng.

Về lợi ích, chuỗi cung ứng cho ngành điện gió ngoài khơi cũng sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế cho cộng đồng địa phương. Vì thế, đối thoại đóng vai trò then chốt, đặc biệt là sự thảo luận giữa chính quyền trung ương và địa phương, cũng như doanh nghiệp ngay từ giai đoạn đầu.

Tạo việc làm là một tác động tích cực quan trọng đối với cộng đồng địa phương. Báo cáo chuỗi cung ứng cho Việt Nam mà Na Uy đang soạn thảo cũng sẽ xác định các cơ hội này. Đào tạo nghề cho các công việc của ngành điện gió tương lai cũng là một lĩnh vực nhiều triển vọng. Các công ty có kế hoạch đầu tư và cộng đồng địa phương sẽ chia sẻ mối quan tâm trong việc đảm bảo lực lượng lao động có tay nghề phù hợp luôn sẵn có tại địa phương.

Na Uy là thành viên của Nhóm Đối tác quốc tế trong thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) với Việt Nam, điều này có ý nghĩa gì đối với hợp tác Na Uy và Việt Nam nói chung, cũng như sự phát triển của ngành năng lượng gió Việt Nam nói riêng, thưa bà?

Bà Hilde Solbakken: Theo tôi, JETP sẽ có những đóng góp rất tích cực cho ngành năng lượng gió của Việt Nam và tôi tin rằng hợp tác Na Uy - Việt Nam sẽ là một phần quan trọng trong đó.

Trong khuôn khổ JETP - Chính phủ Việt Nam và các đối tác quốc tế đang xây dựng một kế hoạch phân bổ nguồn vốn. Gió ngoài khơi có thể sẽ là lĩnh vực ưu tiên trong JETP. JETP giúp tăng cường quan hệ hợp tác và phối hợp giữa các đối tác quốc tế trong ngành năng lượng gió. Điều này có thể thúc đẩy các nỗ lực thực hiện Quy hoạch điện VIII, đồng thời thu hút khu vực tư nhân tham gia vào quá trình thực hiện mục tiêu chung này.

Đóng góp của Na Uy vào JETP được thực hiện thông qua Norfund. Norfund là Quỹ đầu tư của Na Uy dành cho các nước đang phát triển. Norfund đã thành lập riêng một Quỹ Đầu tư Khí hậu, trong đó Việt Nam là quốc gia được ưu tiên. Norfund sẵn sàng đầu tư tới 250 triệu USD vào các dự án điện gió ngoài khơi và các dự án năng lượng khác để hỗ trợ tiến trình triển khai JETP.

Một phần sứ mệnh của Norfund là chú trọng tới việc tạo thêm việc làm mới và cải thiện cuộc sống của người lao động thông qua các khoản đầu tư vào những doanh nghiệp có vai trò thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.

Với những triển vọng và thách thức hiện tại của ngành năng lượng gió đang phát triển của Việt Nam, cũng như sự hiện diện ấn tượng trên thị trường của các công ty Na Uy, bà kỳ vọng gì vào việc tăng cường hợp tác bền vững giữa Na Uy - Việt Nam trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi trong thập kỷ tới, và thông điệp của bà cho ngành năng lượng gió ở Việt Nam, cũng như các nước ASEAN là gì?

Bà Hilde Solbakken: Tôi tin rằng, chúng ta sẽ được chứng kiến sự hợp tác liên tục giữa các công ty Na Uy như: Equinor, Scatec, Mainstream RP và các đối tác Việt Nam. Với nhiều điểm tương đồng trong lịch sử phát triển của ngành dầu khí, các công ty Na Uy và Việt Nam có năng lực rất phù hợp và tương thích.

Tương tự, trong chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi, trình độ kỹ thuật của lực lượng lao động Việt Nam là lợi thế so sánh có thể giúp Việt Nam trở thành nhà sản xuất và xuất khẩu các thiết bị gió ngoài khơi có chất lượng cho thị trường khu vực và thế giới. Tôi hy vọng, chúng ta sẽ thấy được kết quả của những nỗ lực hợp tác này - giữa chính phủ và khối tư nhân, giữa Việt Nam và các đối tác quốc tế để cùng nhau giải quyết những trở ngại trên đường đi.

Na Uy sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam xây dựng và phát triển khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi, bao gồm cả quy hoạch không gian biển.

Theo tôi, một lĩnh vực rất thú vị cần khám phá là khả năng hình thành một thị trường năng lượng chung ở ASEAN trong tương lai. Lào hiện là nước xuất khẩu năng lượng tái tạo trong khu vực và Việt Nam cũng có tham vọng xuất khẩu năng lượng từ gió ngoài khơi.

Ở phía Bắc châu Âu, chúng tôi đã có thị trường năng lượng hoạt động trong nhiều năm, trong đó Na Uy là nhà cung cấp chính và tôi chắc chắn Na Uy sẽ có những kinh nghiệm liên quan để chia sẻ. Chuyển đổi năng lượng xanh là quá trình cần thiết để chống biến đổi khí hậu, vì vậy, tôi xin chúc ngành điện gió ở Việt Nam và các nước ASEAN sẽ thành công rực rỡ trong tương lai.

Xin cảm ơn bà!

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THỰC HIỆN)


[*] ASEAN Wind Energy 2023 - cơ hội giao lưu độc đáo cho các đơn vị vận hành trang trại điện gió, sản xuất tua bin, đầu tư, tài chính, công ty tư vấn, pháp lý, sản xuất vật liệu xây dựng, linh kiện, hậu cần, cảng, cung cấp và vận hành lưới điện, cũng như các đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ gió để kết nối, thiết lập quan hệ kinh doanh lâu dài hàng đầu trên toàn thế giới.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động