Phát triển thuỷ điện và vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
02:00 | 30/06/2012
Vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia
Với 2.360 dòng sông là điều kiện để nước ta phát triển thủy điện. Hiện nay, cả nước có 75 công trình thủy điện lớn và khoảng trên 470 công trình thủy điện nhỏ, với công suất từ 1.000 đến 3.000 MW. Trong đó, sông Đồng Nai dẫn đầu về số công trình thủy điện lớn 17/75 công trình (22,6% tổng số công trình trên toàn quốc).
Thủy điện đóng vai trò quan trọng cho an ninh năng lượng quốc gia. Theo sơ đồ điện VII và 9 nhóm giải pháp về phát triển thủy điện được Chính phủ phê duyệt đến năm 2020, nâng tổng công suất thủy điện đạt 17.400 MW, chiếm 23,1% trên tổng số 75.000MW tổng nguồn điện năng Quốc gia.
Theo đó, nguồn lực thủy điện được khai thác tập trung ở các hệ thống sông Đà 6.800MW, Đồng Nai 3.000 MW, Sê San 2.000MW, Lô Gâm 1.600MW, Vu Gia - Thu Bồn 1.500 MW, Mã - Chu 760MW, sông Cả 480MW, sông Hương 280MW, sông Ba Hạ 550MW, và tiềm năng thủy điện nhỏ có tổng công suất khoảng 3.000MW.
Tuy nhiên, việc phát triển thủy điện tràn lan thời gian qua đã bộc lộ những bất ổn, hậu quả xấu. Theo các chuyên gia, những bất cập đang dần lộ rõ trong công tác quản lý xây dựng và vận hành các công trình thủy điện.
Thực tế, sau khoảng thời gian phát triển thủy điện ở nước ta làm nảy sinh những vấn đề như: Mất rừng, suy thoái đa dạng sinh học, mất đất sản xuất làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, thay đổi chế độ dòng chảy của các dòng sông… và một số nhà máy thủy điện không thực hiện được vai trò cắt lũ vào mùa mưa, điều tiết nước vào mùa khô đã khiến các nhà khoa học phải nhìn nhận lại vấn đề phát triển thủy điện.
Theo các chuyên gia, hơn 90% công trình thủy điện trên cả nước chưa thể đảm nhận nhiệm vụ điều tiết lũ vào mùa mưa và điều tiết nước cho vùng hạ du vào mùa khô hạn. Ngoài ra, chất lượng của các công trình thủy điện cũng cần phải được xem xét lại.
Kết quả khảo sát thông tin và phỏng vấn của nhóm nghiên cứu của Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đối với các Ban Quản lý rừng đặc dụng cho thấy, có tới 47 khu rừng đặc dụng đã hoặc có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thủy điện, với khoảng 119 dự án thủy điện lớn, nhỏ được quy hoạch trong hoặc xung quanh các rừng đặc dụng này. Tại các khu rừng đặc dụng có dự án thủy điện, mật độ phân bố dự án thủy điện khá cao. Tính trung bình, mỗi vườn quốc gia, khu bảo tồn phải “cõng” khoảng 2,5 dự án thủy điện, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên (gần 51%).
Đồng chí Lê Phước Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng: Trong quá trình xây dựng và vận hành các nhà máy thủy điện, nhiều vấn đề phức tạp nảy sinh không được giải quyết thấu đáo trên cơ sở các căn cứ khoa học vững chắc sẽ để lại nhiều hậu quả xấu về môi trường sinh thái, ảnh hưởng tính nguyên vẹn của các dòng sông.
Tình trạng ngập lụt vùng hạ du do thủy điện xả lũ; vấn đề an toàn đập; công tác tái định cư, hậu tái định cư, nhân dân thiếu đất sản xuất, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao, hạ tầng tái định cư chưa tính đến yếu tố phù hợp với đời sống, phong tục và bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhiều hộ dân đã bỏ khu tái định cư, phá rừng làm nhà, làm rẫy. Thủy điện chưa làm tốt chức năng điều tiết lũ, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt vào mùa khô và gần đây nhất là sự cố rò rỉ nước tại thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 làm cho chính quyền và nhân dân hết sức lo lắng.
TS Đào Trọng Hưng, thành viên Ban Thường vụ Mạng lưới sông ngòi Việt Nam thừa nhận: Phát triển thủy điện đã làm mất rừng, ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học, mất đất sản xuất, xói mòn, bồi lắng lòng hồ. Trong đó, mạng lưới sông ngòi bị thay đổi thủy văn, mất nước vùng hạ lưu, chia nước lưu vực, biến dạng địa mạo ven bờ vùng cửa sông, gây địa chấn - động đất, tác động xấu đến hệ sinh thái thủy vực và ô nhiễm nguồn nước.
Theo TS Hưng, phát triển thủy điện còn gây ảnh hưởng đến bảo tồn đa dạng sinh học. Nhiều khu bảo tồn thiên nhiên như Cát Tiên còn có tới 6 dự án, Hoàng Liên có 6 dự án, khu bảo tồn Sông Tranh có 7 dự án... đã ảnh hưởng liên hoàn đến sinh cảnh các loài quý hiếm cả trên cạn và dưới nước và các hành lang bảo tồn.; hay việc xả nước của các công trình thủy điện đã gây lũ lụt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, như: hồ Dầu Tiếng (Tây Ninh) khi lũ lớn có thể phải xả 2.800m3/s, nhưng mới xả khoảng 600m3/s thì đã gây lụt lớn ở hạ du.
Năm 2010, hồ Kẻ Gỗ xả khoảng 500m3/s đã gây ngập lớn cho Quốc lộ 1, trong khi nếu có lũ rất lớn thì hồ phải xả 1.500m3/s. Do thiếu những quy định đầy đủ và cụ thể cho vận hành hồ chứa như vậy, nên khó phân định trách nhiệm khi xảy ra những thiệt hại ở hạ du do xả lũ. Hay như Thủy điện Sông Tranh 2 làm mất đất lúa nước, đất rừng trồng, đất nương rẫy, cây công nghiệp, vườn nhà, đất màu ven sông suối, đất ao cá, và đất bãi chăn gia súc, gia cầm....
Rõ ràng, phát triển thủy điện là cần thiết. Đó là nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Trong bối cảnh các nguồn năng lượng hóa thạch (than, dầu mỏ...) đang cạn dần, các nhà máy điện hạt nhân tiềm ẩn nguy cơ thiếu an toàn, người ta đặc biệt chú trọng đến các nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có thủy điện. Tuy nhiên, phát triển thủy điện thế nào cho hiệu quả, phát triển đảm bảo tính bền vững là vấn đề đang rất cần phải bàn đến.
Cần phát triển thủy điện bền vững
Theo đánh giá của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) về Quy hoạch điện VI năm 2009 nhận định rằng, rủi ro tới đa dạng sinh học là rất trầm trọng vì các đập thủy điện đều nằm gần các vùng đa dạng sinh học cao và nhạy cảm. Nhiều khu rừng đặc dụng được xác định có mức độ rủi ro cao về đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài nguy cấp và có tầm quan trọng toàn cầu như: Hổ, voi (Quảng Nam), tê giác, bò tót (Cát Tiên), sao la (Huế, Hà Tĩnh)... Trong khi đó, theo đánh giá môi trường chiến lược cho Quy hoạch điện VII, chỉ tính riêng diện tích rừng bị mất do xây dựng đường truyền tải điện đã lên tới 14.000 ha, các hệ sinh thái ở 39 khu vực có đa dạng sinh học cao và 59 khu vực bảo tồn có nguy cơ bị phá vỡ và bị chia cắt hệ sinh thái.
Do vậy, để đảm bảo mục tiêu phát triển thủy điện hài hòa với bảo tồn đa dạng sinh học bền vững, cần cải thiện quy trình ra quyết định, bằng cách tăng cường sự phối kết hợp giữa các bên liên quan, cũng như nâng cao chất lượng trong sự tham gia của các bên liên quan. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức về vai trò của đa dạng sinh học, năng lực quản lý bảo tồn, nâng cao chất lượng thực hiện các đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược song hành với việc lập quy hoạch.
Có thể nói, với nhu cầu năng lượng ngày càng tăng như hiện nay thì sản xuất năng lượng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội còn cần đến nhiều nước hơn nữa và thủy điện có lẽ vẫn được duy trì ở vị trí đứng đầu để sản xuất năng lượng.
Thế nên, kiểm soát chặt chẽ tác động của việc xây dựng các công trình thủy điện thông qua các chỉ số kỹ thuật, cũng như các báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi xây dựng các công trình này là tối cần thiết và không được buông lỏng.
Để phát triển thủy điện một cách bền vững, theo các chuyên gia, cần phải minh bạch thông tin; phát triển thủy điện cần phải có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ quá trình quy hoạch, thiết kế, xây dựng đến vận hành công trình.
Các bộ, ngành phê duyệt tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ thi công thủy điện phải theo quy định của Nhà nước, lập quy trình và tiến hành kiểm tra an toàn hồ đập; đánh giá mức độ rủi ro khi tích nước và có biện pháp ứng phó. Chủ đầu tư các công trình đập thủy điện phải đảm bảo có qui trình tích nước, xã lũ an toàn, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó thiên tai khi xảy ra sự cố.
Theo đó, kế hoạch phát triển thủy điện cần được các cấp ra quyết định xem xét lại một cách thận trọng, hạn chế sự phát triển thuỷ điện tràn lan - giảm thiểu những tác động tiêu cực cho môi trường, sinh thái của dòng sông, văn hóa các cộng đồng ven sông, sinh kế của người dân thế hệ hôm nay và mai sau. Việc phát triển thủy điện cần phải bền vững vì lợi ích của tất cả, có sự tham gia thực sự của các bên liên quan, cộng đồng ảnh hưởng trong quá trình từ quy hoạch đến vận hàng.
Đối với các công trình đang và sẽ ra đời – cơ chế chia sẻ lợi ích một cách công bằng giữa nhà đầu tư - cộng đồng trong suốt quá trình vận hành công trình, không để sự cố, thảm họa xảy ra. Khi thiết kế và thi công công trình thủy điện cần phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu khi xác định cấp công trình, tính toán kỹ thuật công trình; duy trì và phục hồi rừng đầu nguồn.
Phải có kịch bản liên quan đến các sự cố đập và các phương án phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại cho cộng đồng liên quan trong phạm vi ảnh hưởng của đập. Thông tin về phát triển thuỷ điện, về an toàn đập và các vấn đề liên quan cần minh bạch, công khai đối với tất cả các bên liên quan (cộng đồng, các nhà khoa học, các phương tiện thông tin đại chúng...). Việc phát triển thủy điện cần phải đặc biệt chú ý đến chính sách tái định cư cho người dân bị di dời, nơi ở mới phải thỏa mãn các nhu cầu về cả văn hóa tinh thần và vật chất...
Xét theo đúng quy trình lập quy hoạch thì quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch sử dụng đất phải được thống nhất trước, sau đó quy hoạch các ngành cụ thể, trong đó có quy hoạch thủy điện mới được phát triển, lấy đó làm cơ sở. Bên cạnh đó, với thủy điện là một ngành thuộc lĩnh vực kết cấu hạ tầng, quy hoạch phải mang tính ổn định lâu dài và có tính ràng buộc cao.
Việt Hà (Nguồn: CPV)