RSS Feed for Phát triển thủy điện: Chúng ta chưa làm tốt khâu quy hoạch | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 13:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển thủy điện: Chúng ta chưa làm tốt khâu quy hoạch

 - Tại Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9/2013, trả lời câu hỏi của báo chí về việc chấn chỉnh công tác quy hoạch và việc xử lý trách nhiệm của người phê duyệt quy hoạch một số công trình thủy điện đang tạm dừng thi công, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, khi làm quy hoạch đánh giá đúng thực trạng đã khó, nhưng không khó bằng việc phải xác định được xu hướng phát triển, dự báo trong tương lai. Và với nước ta thì điều đó lúc nào cũng khó.

>> Sẽ cho phép một số dự án điện vào diện 'khẩn cấp’
>> Yêu cầu rà soát quy hoạch thủy điện trên sông Đồng Nai
>> Quy hoạch năng lượng tổng thể - Cơ sở khoa học, pháp lý cho quy hoạch các phân ngành năng lượng

Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam

NGUYỄN TÂM

Hiện nay Chính phủ đã loại khỏi quy hoạch 405 dự án thủy điện và cũng không đưa 172 dự án thủy điện nhỏ vào quy hoạch. Cùng đó, Bộ Công Thương đã kiến nghị sau năm 2015 tiếp tục tạm dừng thi công và không cho phép đầu tư khoảng 117 dự án thủy điện. Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, quy hoạch là câu chuyện rất quan trọng đối với các quốc gia. Khi làm quy hoạch đánh giá đúng thực trạng đã khó, nhưng không khó bằng việc phải xác định được xu hướng phát triển, dự báo trong tương lai. Và với nước ta thì điều đó lúc nào cũng khó.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, việc phải rà soát quy hoạch như hiện nay cũng vì lý do đó. Chúng ta phải xem quy hoạch đó có phù hợp không. Lúc lập quy hoạch, đã dự đoán đúng chưa, quy hoạch đó đã phù hợp chưa. Thực tế, nước ta có rất nhiều quy hoạch, nhưng khi dự trù nguồn lực thì không rõ và không khả thi, nên phải rà soát, phải điều chỉnh. Trách nhiệm của những người làm quy hoạch không tốt thì phải xem xét. Nếu khả năng dự báo kém thì không còn cách nào khác phải nâng cao. Còn nếu xét trong quy hoạch đó có những điều không bình thường vì lợi ích này, hay lợi ích khác thì phải có biện pháp xử lý.

Người phát ngôn của Chính phủ cũng cho rằng, với những công trình đã đưa vào quy hoạch mà bị loại ra, đó là chuyện rất bình thường. Công tác rà soát đương nhiên có loại ra và có đưa vào. Những công trình đang làm dở mà do quy hoạch sai mà để lại hậu quả thì điều đầu tiên là phải khắc phục hậu quả đó. Phải thận trọng xem xét lý do quy hoạch sai là do khách quan hay chủ quan, do năng lực hay tiêu cực, để tiến tới xử lý đúng theo quy định của pháp luật và theo các quy định trong quản lý công trình hiện nay.

Về trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong khi thẩm định quy hoạch các công trình thủy điện, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, hiện nay quá trình tư vấn và thẩm định đã cho phép xã hội hóa, các doanh nghiệp được cấp phép tư vấn và thẩm định thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Trước thắc mắc của phóng viên rằng, Bộ Công Thương đã tiếp thu văn bản chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải như thế nào về thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Bộ trưởng Vũ Đức Đam tái khẳng định, quan điểm đầu tiên của Chính phủ đối với các dự án thủy điện là phải đảm bảo an toàn, tái định cư ổn định, công tác môi trường, sau đó mới tính đến hiệu quả đầu tư.

Đối với thủy điện Đồng Nai 6 và 6A, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài Nguyên và Môi trường phải báo cáo đánh giá tác động môi trường và có ý kiến khách quan, trung thực, không chịu bất kỳ ảnh hưởng, sức ép nào. Và hiện Bộ này đã có báo cáo, phân tích và kiến nghị xem xét lại dự án này. Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương không chỉ dừng lại ở mức xem xét dự án mà có thể đưa 2 dự án thủy điện này ra khỏi quy hoạch. Chính phủ làm rất công khai và không chịu bất cứ sức ép nào. Nếu dự án đáp ứng đầy đủ tiêu chí thì tiến hành, còn không thì cương quyết không triển khai.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Ý định khó đoán của Trung Quốc và dấu hỏi về sách Mỹ
Vinashin trở về với 'vạch xuất phát'
Những siêu dự án quân sự bí mật của Trung Quốc
Châu Á "phiên bản" 2013 và châu Á thời khủng hoảng
Trung Quốc thay đổi học thuyết phiên bản "made in China"
Sau cuộc 'tán tỉnh chính trị' Campuchia ngả về Trung Quốc
Nga quyết định cải tổ không quân nhằm tránh thảm họa

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động