RSS Feed for Phát triển các dự án điện hạt nhân mới - Có 13 nước thuộc OECD hướng đến 1 mục tiêu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 21/12/2024 23:26
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phát triển các dự án điện hạt nhân mới - Có 13 nước thuộc OECD hướng đến 1 mục tiêu

 - Mười ba quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia một thỏa thuận hợp tác mang tính đột phá để cùng nhau thực hiện các dự án mở đường cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. Thỏa thuận này sẽ tập hợp các quốc gia có cùng mục tiêu để giải quyết các vấn đề cấp bách trong phát triển năng lượng hạt nhân (như tài chính, sự sẵn sàng của chuỗi cung ứng, xây dựng lực lượng lao động đa dạng và có tay nghề cao).
Các ‘điều kiện cần’ để Việt Nam bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII Các ‘điều kiện cần’ để Việt Nam bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến Dự thảo Quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cùng với đó, ngày 19/8/2024, tại Phiên họp thứ 36, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ, Môi trường Quốc hội nêu quan điểm: “Điện hạt nhân được xem là một phương án quan trọng để đảm bảo an ninh năng lượng và đạt được mục tiêu Net zero vào năm 2050”. Sau khi tham khảo, cân nhắc các thông tin, tài liệu chuyên ngành về xu thế quốc tế, công nghệ, tính kinh tế, nguồn nhân lực và sự cần thiết của điện hạt nhân cho phát triển đất nước trong bối cảnh mới, Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam có một số phân tích, đề xuất, kiến nghị dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Vì sao Việt Nam cần sớm khởi động lại chương trình điện hạt nhân? Vì sao Việt Nam cần sớm khởi động lại chương trình điện hạt nhân?

Tiếp theo phản biện “Các ‘điều kiện cần’ để Việt Nam bổ sung điện hạt nhân vào Quy hoạch điện VIII”, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam [*]. Nội dung được đề cập nhằm trả lời cho câu hỏi: Vì sao Việt Nam cần sớm khởi động lại chương trình điện hạt nhân? Trân trọng gửi tới các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Vai trò điện hạt nhân trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và các kiến nghị cho Việt Nam Vai trò điện hạt nhân trong ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu và các kiến nghị cho Việt Nam

Vấn đề khí nhà kính đã, đang và sẽ tiếp tục gây nên hiện tượng nóng lên toàn cầu, nước biển dâng, biến đổi khí hậu là thách thức lớn của loài người. Tuy nhiên, đang và sẽ có nhiều giải pháp căn cơ (trong đó có giải pháp điện hạt nhân) để cứu hành tinh của chúng ta. Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam có phản biện, kiến nghị dưới đây. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các cơ quan hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc.

Phát triển các dự án điện hạt nhân mới - Có 13 nước thuộc OECD hướng đến 1 mục tiêu
Hình 1: Đại diện các quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia một thỏa thuận hợp tác mang tính đột phá để cùng nhau thực hiện các dự án mở đường cho việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân mới. (Ảnh: NEA).

Thông báo về thỏa thuận hợp tác được đưa ra tại hội nghị “Lộ trình hướng tới năng lượng hạt nhân mới” được Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (NEA) thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) tổ chức ngày 19/9/2024, với việc 13 quốc gia bày tỏ sự quan tâm trong việc chính thức tham gia thỏa thuận, bao gồm: Bulgaria, Canada, Cộng hòa Séc, Pháp, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Romania, Slovenia, Thụy Điển, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Phân tích của NEA nhấn mạnh rằng: Việc đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 trên toàn cầu đòi hỏi phải tăng gấp ba lần công suất lắp đặt điện hạt nhân vào năm 2050. Đây là mục tiêu đầy tham vọng, nhưng không nằm ngoài tầm với và có thể đạt được thông qua sự kết hợp giữa khả năng hoạt động lâu dài của các lò phản ứng hạt nhân quy mô lớn Thế hệ III, các lò phản ứng mới Thế hệ III+, IV và các lò phản ứng mô-đun nhỏ (SMR). Đạt được mục tiêu này sẽ giúp tránh được 87 Gt phát thải cacbon tích lũy trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2050.

Phát triển các dự án điện hạt nhân mới - Có 13 nước thuộc OECD hướng đến 1 mục tiêu
Hình 2: Kịch bản của NEA về tiềm năng của năng lượng hạt nhân trong việc đạt mục tiêu Phát thải ròng bằng 0 toàn cầu. [3]

Với mục tiêu này, việc xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân đã trở thành ưu tiên hàng đầu ở một số quốc gia thành viên OECD và NEA. Tuy nhiên, việc phát triển các dự án điện hạt nhân mới hiện đang phải đối mặt với những thách thức đáng kể do xu hướng giảm công suất điện hạt nhân của thập kỷ trước và bối cảnh chính sách, công nghiệp, quy định pháp lý đang thay đổi.

Hội nghị cấp cao “Lộ trình hướng tới năng lượng hạt nhân mới” với sự tham dự của các quan chức chính phủ cấp cao, giám đốc điều hành các doanh nghiệp được tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các bên và xác định các giải pháp để giải quyết những thách thức trong việc phát triển các dự án xây dựng mới các nhà máy điện hạt nhân ở quy mô, tốc độ cần thiết để đáp ứng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Nếu thực hiện theo xu hướng chính sách hiện nay, công suất điện hạt nhân vào năm 2050 sẽ chỉ đạt mức 479 GW, thấp hơn nhiều so với mục tiêu là 1.160 GW. Khoảng cách về công suất này cần được lấp đầy bằng các quyết định chính sách ngắn hạn thúc đẩy xây dựng các tổ máy năng lượng hạt nhân thế hệ mới trong vòng ba thập kỷ tới.

Phát triển các dự án điện hạt nhân mới - Có 13 nước thuộc OECD hướng đến 1 mục tiêu
Hình 3: Chênh lệch công suất lắp đặt điện hạt nhân trên toàn cầu từ 2020-2050. [3]

Sáng kiến về thỏa thuận hợp tác giữa 13 quốc gia này sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược, hợp tác giữa các chính phủ, doanh nghiệp để thực hiện hiệu quả hơn các mục tiêu xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới và thúc đẩy cam kết tăng gấp 3 lần công suất điện hạt nhân vào năm 2050.

Trường hợp của Nhật Bản:

Với việc là một trong 13 quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc xây dựng thỏa thuận hợp tác, Nhật Bản đang có kế hoạch xây dựng thêm 9 lò phản ứng hạt nhân mới trong thời gian tới. Kế hoạch này là một phần trong chiến lược Chuyển đổi Xanh của Nhật Bản nhằm đạt được mục tiêu trung hòa cacbon vào năm 2050.

Theo đó, Nhật Bản đặt mục tiêu đạt được 20-22% tổng sản lượng điện từ các lò phản ứng hạt nhân vào năm 2030, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu. Quốc gia này sẽ ưu tiên hàng đầu cho vấn đề xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới an toàn. Các lò phản ứng xây dựng mới sẽ sử dụng các công nghệ tiên tiến như: ABWR (của GE Hitachi Nuclear Energy và Toshiba) hay APWR, hoặc SRZ-1200 (của Mitsubishi Heavy Industries) có khả năng an toàn cao hơn và sử dụng các phương pháp giảm thiểu chất thải hạt nhân.

Không chỉ xây dựng các tổ máy điện hạt nhân mới, Nhật Bản còn đẩy mạnh việc tăng công suất phát điện từ năng lượng hạt nhân bằng việc khởi động lại các lò phản ứng đã ngừng hoạt động sau sự cố tại Nhà máy Fukushima Daiichi năm 2011.

Nhật Bản đã ngừng hoạt động tất cả 48 lò phản ứng hạt nhân của mình vào năm 2013 và chuyển sang nhập khẩu khí tự nhiên để thay thế. Năm 2015, Nhật Bản bắt đầu tiến hành khởi động lại các lò phản ứng thông qua quá trình cấp phép bởi Cơ quan Quản lý Hạt nhân (NRA) và có được sự đồng thuận từ cộng đồng địa phương.

NRA đã thiết lập các tiêu chuẩn, quy định mới để đánh giá và cấp phép việc khởi động lại 33 lò phản ứng điện hạt nhân có thể hoạt động. Mặc dù tiến độ khởi động lại các lò phản ứng còn chậm, Nhật Bản đã khởi động lại 12 lò phản ứng với tổng công suất 11.608 MW, trong khi 10 lò khác đang trong quá trình xem xét và 5 lò phản ứng đã được cấp phép cho khởi động lại.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu và phát triển các lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ (SMR) và lò phản ứng hạt nhân nhiệt độ cao thế hệ mới (HTTR). GE Hitachi Nuclear Energy đang phát triển lò phản ứng BWRX-300 dựa trên thiết kế từ lò phản ứng nước sôi của GE với nguyên lý làm mát sử dụng đối lưu tự nhiên và các tính năng an toàn thụ động. BWRX-300 đang được các quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ xem xét đánh giá cấp phép, vận hành vào năm 2028.

Nhật Bản cũng hướng đến năng lượng nhiệt hạch thông qua tham gia vào chương trình nghiên cứu nhiệt hạch quốc tế ITER, cũng như xây dựng lò phản ứng nhiệt hạch JT-60SA của riêng quốc gia này.

Thông cáo chung của các hiệp hội năng lượng hạt nhân thành viên:

Cũng tại hội nghị “Lộ trình hướng tới năng lượng hạt nhân mới”, 10 hiệp hội năng lượng hạt nhân từ các quốc gia đã ban hành một thông cáo kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên OECD đưa ra các kế hoạch rõ ràng cho việc triển khai năng lượng hạt nhân.

Thông cáo được ký bởi Hiệp hội hạt nhân Canada, Nhóm chủ sở hữu Candu Canada, Viện nghiên cứu điện lực Hoa Kỳ (EPRI), Nhóm các nhà công nghiệp năng lượng hạt nhân Pháp (Gifen), Diễn đàn công nghiệp Nguyên tử Nhật Bản, Diễn đàn công nghiệp Nguyên tử Hàn Quốc, Viện Năng lượng Hạt nhân Hoa Kỳ, Hiệp hội Hạt nhân châu Âu (Nucleareurope), Hiệp hội công nghiệp Hạt nhân của Anh và Hiệp hội Hạt nhân Thế giới.

Thông cáo đưa ra ủng hộ việc các quốc gia thành viên OECD đã ký Tuyên bố về tăng gấp ba lần công suất lắp đặt điện hạt nhân vào năm 2050 tại COP28 và kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên đưa ra các kế hoạch, cam kết rõ ràng về triển khai năng lượng hạt nhân cho thị trường và các nhà đầu tư.

Các hiệp hội cũng kêu gọi các quốc gia tối đa hóa việc sử dụng các nhà máy điện hạt nhân hiện có (bao gồm kéo dài thời gian hoạt động của các lò phản ứng, tăng sản lượng và khởi động lại các lò phản ứng đã ngừng hoạt động khi có thể). Khuyến nghị các chính phủ nên hành động để đẩy nhanh việc triển khai các cơ sở hạt nhân mới dựa trên các thiết kế đã được chứng minh và đẩy nhanh quá trình phát triển, trình diễn, triển khai các công nghệ hạt nhân mới (bao gồm các lò phản ứng hạt nhân lớn mới, cũng như các lò phản ứng mô-đun nhỏ và các lò phản ứng mô-đun tiên tiến).

Các hiệp hội đã nêu bật tám lĩnh vực chính đòi hỏi các chính phủ phải hành động để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 năm 2050. Bao gồm:

1. Thúc đẩy các chính sách khuyến khích triển khai công nghệ năng lượng hạt nhân.

2. Đảm bảo khả năng tiếp cận các cơ chế tài chính khí hậu quốc gia và quốc tế cho phát triển điện hạt nhân.

3. Đảm bảo các tổ chức tài chính đa phương đưa năng lượng hạt nhân vào danh mục đầu tư của họ.

4. Cung cấp thông tin rõ ràng cho các nhà đầu tư về các cơ chế tài trợ và thu hồi vốn cho các dự án hạt nhân, đưa năng lượng hạt nhân vào các cơ chế tài chính năng lượng sạch.

5. Tiếp tục nỗ lực tăng cường chuỗi cung ứng nhiên liệu hạt nhân tại các quốc gia thành viên OECD.

6. Đầu tư vào phát triển và đào tạo nguồn nhân lực.

7. Tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu hạt nhân và nỗ lực củng cố chuỗi cung ứng hạt nhân trong các quốc gia thành viên OECD.

8. Mở rộng hợp tác quản lý để đảm bảo cấp phép hiệu quả và triển khai nhanh chóng các công nghệ hạt nhân.

Các hiệp hội cho biết để đạt được mục tiêu tăng gấp ba công suất hạt nhân vào năm 2050 sẽ cần phải mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận tài chính, tăng cường chuỗi cung ứng, đầu tư vào xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển hơn nữa nguồn cung cấp nhiên liệu hạt nhân và các chính sách, quy định hỗ trợ để có thể mở rộng nhanh chóng việc sản xuất năng lượng hạt nhân./.

LƯỢC DỊCH VÀ TỔNG HỢP: PHẠM ĐỨC TRUNG, LÂM VĂN NĂM


Tài liệu tham khảo:

[1] OECD Nuclear Energy Agency. Thirteen countries express interest in signing a co-operative agreement to tackle challenges to nuclear new build. https://www.oecd-nea.org/jcms/pl_96222/thirteen-countries-express-interest-in-signing-a-co-operative-agreement-to-tackle-challenges-to-nuclear-new-build

[2] OECD Nuclear Energy Agency. Roadmaps to New Nuclear 2024. https://www.oecd-nea.org/jcms/pl_87046/roadmaps-to-new-nuclear-2024

[3] OECD Nuclear Energy Agency. Meeting Climate Change Targets: The Role of Nuclear Energy. OECD, 2022.

[4] Nuclear Engineering International. NEA launches nuclear roadmap initiative. https://www.neimagazine.com/news/nea-launches-nuclear-roadmap-initiative/?cf-view

[5] JICC. Overview and outlook of Nuclear Power in the World. Current status of NPPs in Japan.

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động