Nhiều quốc đảo biến mất
Tuần báo Courrier International đã giới thiệu bức thư của chuyên gia về rủi ro của Liên hợp quốc Robert Templer viết về tương lai quần đảo Maldives và các quần đảo Thái Bình Dương “sắp chìm trong nước biển” hoặc không thể sinh sống được nữa. Bức thư dài, tỉ mỉ kèm theo bản đồ dự báo thảm họa và những hệ quả địa chính trị đầy bất trắc.
Chuyên gia Robert Templer cho biết: Thượng Hải, New York, Mumbai, Singapore, TP. Hồ Chí Minh là những những thành phố sẽ bị nước biển phủ ngập một vài thập niên sau Maldives. Maldives không tránh được số phận này vì nhiệt độ trên trái đất tiếp tục gia tăng.
Chỉ trong năm 2017, hai tỷ tấn băng đá ở Nam Cực tan thành nước. Trong khi tại Trung Quốc, trong vòng 10 năm, 28.000 con sông bị khô cạn. Hệ quả đầu tiên là canh tác giảm năng suất, còn các đảo quốc như Maldives trong Ấn Độ Dương, hay một số đảo quốc như Solomon, Fiji, Kiribati, Marshall, Tonga ở Nam Thái Bình Dương sẽ biến mất trong một tương lai gần ngay trong thế kỷ 21 này.
Công ước biển của Liên hợp quốc năm 1982 quy định biên giới trên biển dựa vào lãnh thổ và thềm lục địa. Khi đảo bị ngập thì lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế cũng bị thu hẹp theo. Nếu nỗ lực ngăn chặn trái đất tăng nhiệt độ dưới 2°C vào cuối thế kỷ được bắt đầu trong năm 2019, thì cần giảm 10% lượng khí thải CO2 mỗi năm và cần 3.000 tỷ euro (3.300 tỷ USD) để thực hiện. Số tiền tuy khổng lồ, nhưng vẫn còn thấp hơn so với con số 5.000 tỷ USD hỗ trợ hàng năm cho ngành dầu thô và năng lượng hóa thạch nói chung.
Nguy cơ từ giá dầu
Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế tại Mỹ nhận định việc giá dầu tăng do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông “không đáng lo trong ngắn hạn”, nhưng sẽ gây hậu quả tiêu cực cho nền kinh tế thế giới về dài hạn.
Sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 14/9 vào các cơ sở dầu mỏ quan trọng của Saudi Arabia khiến sản lượng dầu của nước này giảm một nửa, giá dầu Brent đã tăng hơn 15% chỉ trong một ngày và vượt mức 70 USD/thùng. Kể từ đó, giá dầu đã bình ổn hơn và kết thúc tuần giao dịch ngày 20/9 ở quanh mức 65 USD/thùng. Khu vực Trung Đông càng nóng hơn khi Mỹ và Saudi Arabia cáo buộc Iran đã thực hiện các vụ tấn công này.
Cuộc tấn công trên đã khiến thị trường chao đảo và xuất hiện những nghi ngại về triển vọng nguồn cung dầu cho toàn cầu, cũng như tác động của nó đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Tờ Wall Street Journal dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế cho biết các cuộc tấn công mới nhất nhằm vào các cơ sở sản xuất dầu của Saudi Arabia không tác động trực tiếp nhiều tới nền kinh tế Mỹ, song có thể khiến giá xăng tăng cao hơn và gia tăng áp lực tới tăng trưởng toàn cầu.
Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, việc giá dầu tăng kỷ lục xảy ra vào thời điểm kinh tế thế giới đang bên bờ vực suy thoái. Mặc dù mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc tăng giá sẽ kéo dài bao lâu, song diễn biến này sẽ làm chậm nhu cầu trên toàn cầu và làm xói mòn niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng vốn đã bị sa sút trong bối cảnh tranh chấp thương mại Mỹ - Trung.
Cú sốc giá dầu xảy đến trong bối cảnh có một loạt dấu hiệu cảnh báo đối với kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, theo hãng tin này, tác động từ việc giá dầu tăng sẽ khác nhau trên toàn thế giới. Các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ sẽ chứng kiến thu nhập doanh nghiệp và thu nhập quốc gia gia tăng, trong khi các quốc gia tiêu thụ sẽ gánh thêm chi phí. Điều này có thể dẫn đến lạm phát và làm giảm nhu cầu. Do lạm phát không phải là mối quan tâm trước mắt trong nền kinh tế toàn cầu, mối lo ngại lớn hơn là tác động của cú sốc giá đối với nhu cầu toàn cầu vốn đang yếu đi.
Mặc dù vậy, một số nhà phân tích đã chỉ ra giữa bối cảnh kinh tế thế giới “hạ nhiệt” và tình trạng dôi dư nguồn cung, khả năng giá dầu đạt ngưỡng 100 USD/thùng tính đến hiện tại vẫn là khá thấp.
Ông Harry Tchilinguirian, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng BNP Paribas, giải thích về bản chất, các nền kinh tế thế giới được chuẩn bị tốt hơn để đối phó các cú sốc giá dầu so với những năm 70 của thế kỷ trước. Khi đó, một loạt biến động địa chính trị tại Trung Đông đã khiến giá dầu thô tăng vọt chỉ sau vài tháng và khiến nhiều nền kinh tế phát triển “gục ngã”.
NGUỒN: TTXVN