RSS Feed for Nhiều thành tựu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 06:21
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Nhiều thành tựu trong ứng dụng năng lượng nguyên tử

 - Ngày 16/10, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả giai đoạn 2006-2015 thực hiện Chiến lược ứng dụng năng lượng nguyên tử (NLNT) vì mục đích hòa bình đến năm 2020.

Sớm hoàn thiện hệ thống văn bản phục vụ ĐHN Ninh Thuận

Toàn cảnh hội nghị

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Chu Ngọc Anh cho biết: Trong giai đoạn qua, việc ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ và chuẩn bị cho phát triển điện hạt nhân. Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức và quản lý, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế chính sách và hợp tác quốc tế đã được đẩy mạnh.

Cụ thể, về phát triển điện hạt nhân, Bộ KH&CN đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ĐHN giai đoạn đến năm 2020, nhằm phát triển đồng bộ, toàn diện cơ sở hạ tầng điện hạt nhân quốc gia phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và thực tiễn Việt Nam, đáp ứng yêu cầu triển khai Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đảm bảo an toàn, an ninh, hiệu quả. Theo báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hồ sơ phê duyệt địa điểm và Dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 đã cơ bản hoàn thành và trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Về nghiên cứu, ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ, đã tổ chức nghiên cứu, thực hiện nhiều đề tài, nhiệm vụ khoa học các cấp, đầu tư trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và đã thu được nhiều kết quả có giá trị khoa học và thực tiễn trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực y học hạt nhân, xạ trị, chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp đột biến và các ứng dụng kỹ thuật hạt nhân khác trong các lĩnh vực công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Nhiều kết quả đã được đánh giá cao trong nước, quốc tế và được IAEA ghi nhận.

Theo báo cáo của Bộ Khoa học Công nhệ, trong giai đoạn 2006-2015, việc nghiên cứu, ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đạt được một số kết quả khả quan.

Trong lĩnh vực công nghiệp, đã chế tạo, thử nghiệm thành công các thiết bị đo trong ngành công nghiệp than, thiết bị phân tích nhanh trong ngành công nghiệp xi măng, máy chụp X quang công nghiệp, thiết bị quan trắc cảnh báo sớm phóng xạ môi trường…

Bên cạnh đó, công nghệ bức xạ đã được ứng dụng thành công và mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Việt Nam. Đi đầu là Trung tâm Nghiên cứu và triển khai công nghệ bức xạ (VINAGAMMA) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú,...với doanh thu từ ứng dụng công nghệ bức xạ lên tới hàng trăm tỷ đồng hàng năm. Ứng dụng công nghệ bức xạ còn được ứng dụng để sản xuất chế phẩm polymer tan trong nước, chịu mặn và chịu nhiệt độ cao phục vụ cho ngành công nghiệp dầu khí.

Phát triển kỹ thuật đánh dấu trong khảo sát mỏ dầu, nghiên cứu sử dụng thêm các chất đánh dấu hoá học, chất đánh dấu tự nhiên bên cạnh chất đánh dấu phóng xạ, phát triển công nghệ đánh dấu pha khí trong mỏ, xây dựng các phương pháp đánh dấu đa pha cho công nghệ khảo sát chẩn đoán các quá trình công nghiệp. Trung tâm Ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong công nghiệp (CANTI) thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã thắng thầu quốc tế trong dịch vụ kỹ thuật đánh dấu cho công nghiệp dầu khí của Cô-oét và Các Tiểu Vương quốc Ả Rập.

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ chiếu xạ thanh trùng thủy hải sản, bảo quản nông sản, hoa quả, thuốc đông nam dược, dụng cụ y tế phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo thiết bị chiếu xạ Co-60 và đã cử chuyên gia sang hỗ trợ cho Cuba trong việc triển khai dự án khôi phục thiết bị chiếu xạ.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, tính đến 2013, đã có trên 50 giống cây trồng nông nghiệp được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ gây đột biến, bao gồm các giống lúa, đậu tương, bưởi,…riêng đậu tương có tới trên 50% diện tích được trồng là các giống được tạo ra bằng phương pháp chiếu xạ, giống lúa đột biến VND-95-20 là giống chủ lực để xuất khẩu đã chiếm 30% trên tổng số 1 triệu ha đất canh tác tại Đồng bằng Sông Cửu Long, giống lúa đột biến DT10 được tạo ra trong những năm 1990 và từ đó đến nay đã tạo ra tổng giá trị thu nhập lên đến 3 tỷ USD, tăng thêm 537,6 triệu USD so với việc sử dụng các giống cũ, giống Khang Dân đột biến đã được tạo ra và nhanh chóng trở thành một giống quan trong trong sản xuất lúa gạo của Việt Nam.

Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống, được trao Giải thưởng thành tựu xuất sắc về đột biến tạo giống cho Viện Di truyền nông nghiệp và GS.TSKH. Trần Duy Quý và 2 giải thưởng về thành tựu trong lĩnh vực đột biến tạo giống cho tập thể Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Miền Nam và Trung tâm hạt nhân thành phố Hồ Chí Minh, và cho 2 cá nhân của Sở KH&CN Sóc Trăng (Hồ Công Cua và Trần Tấn Phương) đã đạt được các thành tích trong lĩnh vực đột biến tạo giống.

Một số lĩnh vực khác như: điện quang, y học hạt nhân, xạ trị cũng đã đạt được một số kết quả nổi bật…

NangluongVietnam.vn

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động