Nhiệt điện Vân Phong 1 sau hơn 10 năm "chuẩn bị đầu tư"
07:36 | 29/11/2017
Hậu Giang sốt ruột với dự án BOT Nhiệt điện sông Hậu 2
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Tạm kết)
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Kỳ 11]
Dự án Nhiệt điện Vân Phong 1 được Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) đề xuất đầu tư từ năm 2006, với công suất 2.640 MW, chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có vốn đầu tư trên 2 tỷ USD (sau này được điều chỉnh lên 2,58 tỷ USD). Năm 2009, Chính phủ đã chấp thuận để dự án được triển khai theo hình thức BOT.
Tuy nhiên, do nhiều vướng mắc, trong đó có đàm phán hợp đồng BOT, nên thời hạn triển khai dự án liên tục được gia hạn.
Mặt khác, dự án dự kiến xây dựng trên diện tích hơn 514,79 ha (bao gồm 178,4 ha nhà máy, bãi xỉ 68 ha, nhà ở chuyên 3,4 ha và diện tích mặt nước 265 ha). Quy mô đất sử dụng lớn nên công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Cũng chính vì quy mô sử dụng đất lớn, nên việc đất để hoang kéo dài khiến người dân và chính quyền tỉnh Khánh Hòa vô cùng sốt ruột.
Nguồn tin của Tạp chí Năng lượng Việt Nam cho biết: Trước khi được cấp chứng nhận đầu tư, nhằm đảm bảo tính khả thi, tính hiệu quả của dự án, Bộ Công Thương đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vào ngày 9/10/2017. Theo đó diện tích sử dụng đất đã được điều chỉnh phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
Về tổng vốn đầu tư dự án, ngày 7/3/2017, EVN đã báo cáo kết quả đàm phán hợp đồng mua bán điện, bao gồm giá điện của dự án và tổng vốn đầu tư dự án là 2,346 tỷ USD. Đến tháng 4, Bộ Công Thương đã ban hành công văn chấp thuận giá điện này của dự án.
Theo Bộ Công Thương, tại hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng vốn đầu tư của dự án là 2,581 tỷ USD (tương đương mức tổng vốn đầu tư tạo thành giá điện của dự án và cộng 10% dự phòng). Tổng vốn đầu tư của dự án theo hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là phù hợp với tính toán giá điện và kết quả đàm phán bộ hợp đồng BOT.
Về Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phê duyệt báo cáo này của dự án này từ tháng 3/2015. Theo quy định, chủ dự án phải lập lại báo cáo khi không triển khai dự án trong 24 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt báo cáo. Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sumitomo bổ sung Quyết định phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường để đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Cùng với ý kiến của Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cho rằng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần yêu cầu nhà đầu tư và các đơn vị liên quan nghiên cứu, bổ sung một số nội dung của dự án này. Đặc biệt là báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 được lập từ năm 2011 nên hồ sơ dự án cần được rà soát, cập nhật các nội dung theo quy định tại Điều 53 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13. Trong đó cần đảm bảo phù hợp các quy định của Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, do dự án được lập và phê duyệt từ năm 2011 nên Bộ Xây dựng đã đề nghị cập nhật các quy định hiện hành về chế độ, chính sách của Nhà nước, các văn bản pháp luật liên quan của dự án; rà soát để chuẩn xác lại định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất vốn đầu tư đảm bảo tuân thủ các quy định tại Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM