RSS Feed for Ngành Than trước khó khăn, thách thức lớn | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 00:11
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Ngành Than trước khó khăn, thách thức lớn

 - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) là một trong ba tập đoàn kinh tế mạnh cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nhưng đến nay với nhiều lý do khác nhau, ngành than đang đứng trước những thách thức to lớn, khó vượt qua được để tiếp tục giữ vững vị thế của mình.

>> 'Chính sách giá năng lượng thiếu sự cân đối và tương quan hợp lý'
>> PVN, EVN và TKV ký thỏa thuận hợp tác chiến lược
>> Bảy nhóm giải pháp phát triển ngành Than năm 2013
>> Ngành Dầu khí Việt Nam trước thách thức an ninh năng lượng quốc gia

 

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Chồng chất khó khăn và thách thức lớn

Trong nhiều thập niên qua, ngành than đã từng bước phát triển đi lên, đạt được rất nhiều thành tích to lớn, luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao. Năm 1996, ngành than được Nhà nước phong tặng phần thưởng cao quý Huân chương Sao Vàng. Năm 2005, ngành than tiếp tục được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (Vinacomin) là một trong ba tập đoàn kinh tế mạnh cùng với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Điện lực Việt Nam có nhiệm vụ đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia nhưng đến nay với nhiều lý do khác nhau ngành than đang đứng trước những thách thức to lớn, khó vượt qua được để tiếp tục giữ vững vị thế của mình.

Năm 2013, nền kinh tế thế giới suy thoái, kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, tuy vậy, lãnh đạo, cán bộ, công nhân viên ngành than đã tìm nhiều biện pháp để vượt qua những khó khăn để đảm bảo sản lượng khai thác không bị sụt giảm so với năm trước. Năm 2013, dự kiến khai thác được 40 triệu tấn, trong đó than xuất khẩu dự kiến đạt được 13 triệu .

Tuy đạt được những thành tích nêu trên, nhưng các khó khăn và thách thức của Vinacomin còn rất lớn. Một số, đồng chí lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đại diện Ủy ban (UB) Kinh tế, UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Hội đồng Khoa học Công nghệ mỏ đã nhiều lần xuống thăm và làm việc, tổ chức các cuộc hội thảo về vấn đề năng lượng để tìm cách tháo gỡ cho ngành than. Năm 2012, VEA tổ chức đi khảo sát các đơn vị thành viên của Vinacomin tại Quảng Ninh và vùng Đông Bắc đã thấy được rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong ngành. VEA đã có kiến nghị lên Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ để có những chủ trương, chính sách, cơ chế tháo gỡ cho ngành than. Tuy nhiên, đến nay những khó khăn bất cập của ngành vẫn còn hiện hữu, nếu kéo dài tình trạng này thì ngành than khó bứt phá lên được để đảm bảo nhiệm vụ được Đảng và Chính phủ giao.

 

Hiện nay, giá than trong nước vẫn còn thấp hơn giá thành, đặc biệt là giá bán cho điện, tuy Nhà nước đã tăng giá than bán cho điện lên 2 lần nhưng cũng chỉ đạt từ 70% đến 83% so với giá thành. Ngoài giá bán than cho điện thì giá bán cho các nơi tiêu thụ khác như xi măng, hóa chất, sắt thép, vật liệu xây dựng… cũng đều thấp hơn giá thành. Điều đó dẫn đến ngành than sẽ bị lỗ hàng chục nghìn tỉ đồng.

Về than xuất khẩu, năm 2013, dự kiến xuất khẩu được 13 triệu tấn nhưng giá than xuất khẩu lại rất thấp, chỉ đạt được khoảng 70USD/tấn. Khác với các năm trước đây, đối tác lớn nhập than của Việt Nam là Trung Quốc đã không còn nhập loại than chất lượng thấp như: than cám 6B, 7B… mà yêu cầu nhập than tốt như than cám 2, than cám 3... Như vậy, xuất khẩu than năm nay may mắn thì dừng ở mức hòa vốn, hoàn toàn không có lãi để bù cho lỗ than bán trong nước như trước. Bất cập còn ở chỗ theo quy định của pháp lệnh giá, giá than phải được vận hành theo cơ chế thị trường, đặc biệt Chính phủ đã cho phép thị trường hóa giá than trong nước từ cuối năm 2009, riêng giá than cho điện đảm bảo đến 2010 thực hiện theo cơ chế thị trường (Thông báo số 244/TB/VPCP ngày 11/8/2009).

Thứ hai là điều kiện khai thác của ngành than ngày càng khó khăn do các mỏ lộ thiên đã cạn kiệt, chỉ còn lại 2 mỏ Na Dương và Khánh Hòa. Cũng cần nói thêm, than mỏ Na Dương có tỷ lệ lưu huỳnh cao chỉ phục vụ cho Nhà máy Nhiệt điện Na Dương chứ không thể xuất, bán đi đâu được. Còn mỏ Khánh Hòa thì sản lượng, trữ lượng lại quá thấp, chưa kể đến việc đòi hỏi hệ số bóc đất đá cao hơn, theo tính toán, bình quân phải bóc trên 11m3 đất đá mới lấy được 1 tấn than, cung đường vận chuyển đất đá cũng xa. Số còn lại là hầm lò, điều kiện khai thác vô cùng khó khăn đã xuống mức khai thác -400 đến -500m, áp lực mỏ lớn, nguy cơ bục nước, cháy, nổ, sập lò cao hơn.

Một khó khăn khác nữa, đó là ngành than đang chịu chồng chất rất nhiều loại phí và thuế làm trở ngại việc hoạch toán giá thành. Trong điều kiện sản lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giảm, giá bán than thấp và giá xuất khẩu giảm như đã nói ở trên thì ngược lại các chính sách thuế, phí đối với ngành than ngày càng tăng cao. Ví dụ ngoài các loại thế như GTGT, thu nhập doanh nghiệp, tiền thuế đất… ngành than còn chịu thuế tài nguyên môi trường (TNMT) như hầm lò tăng lên 5%, lộ thiên tăng từ 5 lên 7%, còn mới đây là việc tăng thuế xuất khẩu từ 10% lên 13%.

Ngoài ra, là một loạt các lệ phí như: cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác, hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, phí bảo vệ môi trường tăng từ 6.000 lên 10.000 đồng cho than nguyên khai, bổ sung thêm thuế bảo vệ môi trường 20.000 đồng/tấn, tiền cấp quyền khai thác, phí nước thải v.v...

Một số bất cập của việc thu tiền, cấp quyền khai thác áp dụng theo quy định của Luật Khoáng sản như: trùng lặp với thuế tài nguyên theo quy định của Luật thuế Tài nguyên, doanh nghiệp vừa phải hoàn trả chi phí điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và chi phí thăm dò khoáng sản lại vừa phải cấp quyền khai thác khoáng sản nhằm dùng để điều tra cơ bản địa chất.

Với các quy định hiện hành, trên thực tế đang biến quy định “đấu giá cấp quyền khai thác khoáng sản” của Luật Khoáng sản trở thành “đấu giá, mua mỏ”. Điều đó đi ngược yêu cầu của Luật Khoáng sản là “khai thác khoáng sản phải lấy hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường làm tiêu chuẩn cơ bản để quyết định đầu tư”. Vinacomin ước tính, chỉ riêng đối với tài nguyên than (sản lượng Q= 3 tỉ tấn) thì phải nộp hàng chục ngàn tỉ đồng/lần. Điều đó đồng nghĩa với việc đẩy Vinacomin đến bờ vực phá sản.

Những hệ lụy đó tác động đến hàng vạn con người. Vinacomin có khoảng 140 ngàn lao động, trong đó tại khu vực Quảng Ninh có 110 ngàn lao động. Nếu tình hình khai thác sản xuất kinh doanh than bị giảm sút thì số lao động lớn nhất gồm khoảng 110 nghìn người có khả năng mất việc làm, giảm thu nhập kéo theo đó là 460 nghìn người gồm vợ con, gia đình họ đi theo cũng bị ảnh hưởng.

Điều kiện lao động của công nhân ngành than đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với công nhân khai thác hầm lò. Điều kiện khắc nghiệt, thường xuyên tiềm ẩn các nguy cơ, rủi ro đến tính mạng. Hiện nay, đa số các mỏ hầm lò đã xuống ở độ sâu 400-500m đòi hỏi người lao động phải làm việc với cường độ cao, cũng như chịu đựng với môi trường khắc nghiệt. Hằng năm việc đào lò để lấy than có tổng chiều dài lên tới 320km, tỷ lệ khai thác lộ thiên đến nay còn rất ít. Trong đó có một số mỏ như Mạo Khê, Dương Huy có khí metal (CH4, CO2) rất nguy hiểm và độc hại. Mặc dù, ngành than đã có nhiều biện pháp khắc phục hạn chế các loại khí này trong khai thác hầm lò nhưng không thể đảm bảo triệt để được. Điều này dẫn tới năng suất lao động của công nhân không cao, dẫn tới thu nhập của họ không những bị giảm, nhiều công nhân đã phải nghỉ việc.

Báo cáo gần đây của Vinacomin cho thấy, lương của lao động tại Vinacomin giảm, nhiều bộ phận phải cắt giảm lao động, trừ thợ lò. Ước tính, 6 tháng đầu năm 2013, thu nhập của người lao động ngành than giảm 5% so với năm 2012 và chỉ bằng 85% năm 2011. Cụ thể, một công nhân hầm lò mức lương trung bình hiện nay đạt 7 - 8 triệu đồng/tháng là không thể bù đắp sức lao động bỏ ra, chưa nói đến việc họ phải nuôi gia đình, vợ con.

Cần giải pháp đồng bộ, cấp bách cho ngành Than

Nhiều lần VEA và Vinacomin gửi văn bản lên Nhà nước, Chính phủ đề nghị hỗ trợ cho công nhân làm than một số chế độ đề bù đắp sức lao động của họ bỏ ra như phụ cấp độc hại, thâm niên… tuy nhiên, những vấn đề này chưa được giải quyết. Tuổi về hưu đúng chế độ của Vinacomin đã đề xuất thời gian làm việc là 25 năm đóng bảo hiểm chứ không phải 30 năm theo quy định và tuổi hưu là 50 năm nhưng đến nay vẫn chưa có câu trả lời. Vấn đề tiền lương, đặc biệt là công nhân hầm lò bình quân mỗi tháng chỉ đạt được 7 đến 8 triệu đồng/người. Với mức lương đó, không đủ bù đắp sức lao động của họ, chưa nói tới những người ăn theo.

Năm 2012 đã có 1.500 công nhân thợ lò bỏ việc. Trước đây việc tuyển công nhân thợ lò là ở các tỉnh khu vực miền Bắc thì nay việc tuyển thợ lò phải đi xa vào tận miền Trung, Tây Nguyên nhưng vẫn không tuyển được. Với tình trạng thu nhập như hiện nay, nhiều công nhân chỉ làm 1 thời gian ngắn rồi bỏ đi nơi khác, vì vậy luôn thiếu công nhân hầm lò và tổn thất lớn về chi phí đào tạo, tuyển dụng. Đây là một thực trạng rất nan giải đáng báo động.

Điều kiện lao động của công nhân ngành than đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với công nhân khai thác hầm lò... Tuy nhiên, mức lương lại không đủ bù đắp được sức lao động của họ

Bên cạnh đó, việc cơ giới hóa đồng bộ của ngành than hiện nay vẫn còn thấp, đặc biệt là khâu cơ giới hóa trong việc khai thác than cần phải được cải thiện thì năng suất lao động sẽ được tăng lên. Ngoài khai thác than, Vinacomin còn xây dựng và vận hành một số nhà máy phát điện chạy than chủ yếu là sử dụng than xấu. Các nhà máy như: Na Dương, Khánh Hòa, Cẩm Phả, Mạo Khê… hàng năm đã cung cấp một sản lượng điện lớn cho lưới điện quốc gia với tổng công suất gần 2.500 MW. Nhưng hiện nay việc bán điện của Vinacomin cho EVN đang ở mức giá thấp, do vậy việc kinh doanh điện lỗ hàng năm lên hàng chục ngàn tỷ đồng càng tăng thêm khó khăn cho Vinacomin.

Để bù đắp cho những khó khăn hiện tại Vinacomin đang tập trung xây dựng, khai thác khoáng sản bauxite ở Tây Nguyên. Vinacomin đã có rất nhiều cố gắng để đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng cho việc khai thác được hàng ngàn tấn bauxite để xuất khẩu. Trong dự án này có rất nhiều ý kiến phản biện khác khau nhưng Chính phủ và các bộ, ngành đánh giá đây là một dự án lớn, có nhiều triển vọng. Hy vọng rằng đây là bài toán bù đắp một phần những khó khăn hiện tại của Vinacomin.

Theo Quyết định của Chính phủ từ năm 2011 đến 2015, Vinacomin phải đảm bảo sản xuất được 55 triệu tấn than sạch, xây dựng được thêm 28 mỏ mới, mở rộng 61 mỏ cũ. Đó là một nhiệm vụ hết sức nặng nề.

Đồng thời theo quy hoạch của tổng sơ đồ điện VII thì ngành than từ nay đến năm 2020 phải sản xuất được 76 triệu tấn than sạch phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện sử dụng than. Điều đó đồng nghĩa với việc, hiện nay ngành than chỉ mới khai thác được 40 triệu tấn thì trong ít năm nữa phải có được thêm 36 triệu tấn than sạch. Vấn đề nhập khẩu than phải được đặt ra và có kế hoạch triển khai ngay từ bây giờ.

Nếu xây dựng được 28 mỏ mới, bình quân sản lượng mỗi mỏ là 2 triệu tấn/năm thì ta sẽ được trên 50 triệu tấn/năm. Nhưng điều này khó thực hiện được vì việc xây dựng một mỏ mới như vậy, cần ít nhất 6 - 7 năm với số vốn đầu tư 300-400 triệu USD mà 28 mỏ thì cần số vốn khoảng 10 tỉ USD. Còn mở rộng thêm 61 mỏ cũ thì sẽ tăng sản lượng mỗi mỏ bình quân từ 500 nghìn đến 1 triệu tấn/năm. Đáp ứng yêu cầu này thì mỗi mỏ cũng cần khoảng 3-4 nghìn tỉ. Đấy là những con số được chi tiết hóa trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho ngành than năm 2011.

Ngành than hiện tại còn lỗ, không có tiền để tái đầu tư phát triển các dự án khai thác than chưa nói đến xây dựng các nhà máy phát điện, trong tổng sơ đồ điện VII thì Vinacomin được Chính phủ giao xây dựng 6 dự án phát điện với tổng công suất 6.520 MW (Hải Phòng 3, Quỳnh Lập, Na Dương...). Nếu ngành than hoàn thành được những nhiệm vụ nêu trên thì mới có thể tạo ra được một sản lượng than để cung cấp, đáp ứng nhu cầu của tổng sơ đồ điện VII.

Theo đó, Vinacomin không thể giải quyết được hết mọi vấn đề. Cần phải có sự chung tay, giúp sức của cả hệ thống chính trị. Nếu những kiến nghị nêu trên được thực hiện thì sẽ có những đột phá mới giúp cho ngành Than tháo gỡ khó khăn hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.

Vấn đề đặt ra là muốn tháo gỡ thì giá than phải bán theo giá thị trường. Mặt khác, ngành than phải tìm mọi cách tăng cường hàm lượng xuất khẩu, đẩy mạnh tiêu thụ lượng than có nhiệt lượng thấp và đầu tư cơ giới hóa đẩy mạnh năng suất, người lao động hầm lò được quan tâm, chăm lo hơn nữa như Vinacomin và VEA đã từng kiến nghị. Chính phủ hỗ trợ bằng nhiều cách như phát hành trái phiếu, vốn ODA hoặc các nguồn vốn khác để ngành than đầu tư xây dựng các mỏ than mới, mở rộng các mỏ than cũ, phát triển các nhà máy nhiệt điện mà Chính phủ giao cho trong tổng sơ đồ điện 7 đến năm 2020 là than phải đáp ứng 80 triệu tấn.

Ngoài ra, Chính phủ cùng các bộ, ngành cho phép giảm các loại thuế, phí. Đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tạo mọi điều kiện thuận lợi cấp đầy đủ giấy phép theo chủ trương của Chính phủ để ngành than triểu khai, mở rộng, thăm dò khai thác.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Vũ khí và lối đánh Việt Nam: Một góc nhìn gần
Vì sao trong 'ồn ào' Thủ tướng Hun Sen im lặng?

"Một chuyến thăm lịch sử, một tầm nhìn chiến lược"
Nhiều người Trung Quốc vẫn ủng hộ 'kẻ thụt két quốc gia'
Abenomics: "Canh bạc" không chỉ của Nhật Bản
Sự yên bình 'khó hiểu' ở thủ đô Bình Nhưỡng
Chính sách kinh tế Lý Khắc Cường và sức ép chính trị

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động