RSS Feed for Mục tiêu của VN đến năm 2020 đạt 1.000MW điện mặt trời là khả thi | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 03/11/2024 22:25
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Mục tiêu của VN đến năm 2020 đạt 1.000MW điện mặt trời là khả thi

 - Với việc được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ như: giá FiT (giá mua điện), cơ chế bù trừ điện năng, chứng chỉ xanh và cơ chế về thuế, đồng thời giá sản xuất thiết bị, chi phí lắp đặt các thiết bị ngày càng giảm đã tạo điều kiện cho điện mặt trời ở châu Âu nói chung và Đức nói riêng phát triển. Chuyên gia năng lượng mặt trời của Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) Gaetan Masson đã trao đổi với chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam xung quanh vấn đề lập quy hoạch, đánh giá tiềm năng, thuê đất, những cơ chế hỗ trợ của chính phủ, vai trò của địa phương… trong việc phát triển các dự án điện mặt trời. Đặc biệt, với Việt Nam, ông lưu ý, nên tập trung phát triển trước tiên các dự án điện mặt trời ở mặt đất. Sau khi đã có kinh nghiệm thì mới phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Đây là con đường mà Trung Quốc đang đi.

Khởi động đánh giá tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam
Quy hoạch điện mặt trời quốc gia: Chỉ lập 1 lần duy nhất
Quy định giá điện mặt trời Việt Nam trong 20 năm tới

Gaetan Masson - Chuyên gia năng lượng tái tạo. Là nhà sáng lập Công ty Becquerel Institute chuyên  tư vấn phát triển các dự án năng lượng mặt trời. Ông làm việc ở khắp nơi trên thế giới, như châu Âu, châu Á và Mỹ. 

Ông có thể cho biết hiện nay tại Liên bang Đức, việc tổ chức đánh giá tiềm năng điện mặt trời do ai đảm nhận và nguồn kinh phí từ đâu? Việc xây dựng quy hoạch dài hạn, kế hoạch phát triển điện mặt trời được Đức thực hiện như thế nào và cơ quan nào thực hiện, phê duyệt?

Ông Masson: Phần lớn các quyết định đánh giá tiềm năng điện mặt trời tại Đức đều do cơ quan Chính phủ tiến hành, với sự hỗ trợ của các viện nghiên cứu, đơn vị tư vấn độc lập. Nguồn kinh phí phần lớn đều là ngân sách nhà nước; quyết định cuối cùng là của các nhà chính trị, các nhà hoạch định chính sách, bởi phần lớn những mục tiêu về phát triển điện mặt trời đều liên quan chặt chẽ đến biến đổi khí hậu, mục tiêu giảm phát thải khí CO2. Từ những mục tiêu này, chính phủ mới đưa ra mục tiêu quy hoạch năng lượng tái tạo và trong đó có mục tiêu phát triển điện mặt trời.

Vậy còn vấn đề xây dựng quy hoạch dài hạn, kế hoạch phát triển điện mặt trời ở Đức được tổ chức như thế nào và cơ quan nào làm, phê duyệt? Phạm vi đầu tư các dự án phát triển năng lượng tái tạo nói chung và đặc biệt là điện mặt trời nối lưới, không nối lưới tại Đức hiện nay thế nào, thưa ông?

Ông Masson: Trước hết là Ủy ban châu Âu sẽ đưa ra một mục tiêu chung, sau đó các chính phủ thành viên mới triển khai thực hiện quy hoạch điện mặt trời của nước mình.

Hiện nay, phần lớn các dự án điện mặt trời ở châu Âu đều là điện mặt trời nối lưới, các dự án không nối lưới thường là các dự án nhỏ và tất cả các dự án này đều là tư nhân đầu tư.

Ở Đức, tất cả các tài trợ, đầu tư cho điện mặt trời là từ khu vực dân dụng (người tiêu dùng điện), hoặc là từ tư nhân chứ không có tiền của nhà nước.

Trên thế giới, trung bình khoảng 65% các dự án điện mặt trời trên mái nhà (công suất nhỏ) và 35% là điện mặt trời trên mặt đất. Nhưng ở châu Âu thì ngược lại, 65% điện mặt trời trên mặt đất và một lượng nhỏ điện mặt trời trên mái nhà.

Ông có thể cho biết, vai trò năng lượng tái tạo/ mặt trời trong tiêu thụ năng lượng chung ở Đức hiện nay thế nào? Tổng công suất, tỷ trọng? Định hướng phát triển?

Ông Masson: Hiện nay, ở Đức, tỷ lệ điện mặt trời chiếm 7%, năng lượng tái tạo chiếm hơn 20% tổng lượng điện quốc dân của Đức. Còn ở châu Âu nói chung thì điện mặt trời chiếm 4% tổng sản lượng điện và điện từ nguồn năng lượng tái tạo chiếm 25%.

Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời ở Đức hiện nay là 42GW, ở châu Âu 110GW. Cơ cấu năng lượng ở các nước châu Âu, trong các nguồn năng lượng tái tạo thì điện gió được lắp đặt nhiều nhất từ năm 2000 trở lại đây, công suất lắp đặt của điện gió là 150GW. Còn các nguồn năng lượng khác như: dầu khí, gas, điện than… tăng không đáng kể. Bởi nhu cầu điện ở các nước châu Âu gần đây gần như không tăng.

Ông nhìn nhận thế nào về vai trò của địa phương trong việc xây dựng các dự án điện mặt trời và xin ông chia sẻ về vấn đề đất cho các dự án điện tái tạo ở Đức nói riêng và châu Âu nói chung?

Ông Masson: Chính quyền địa phương có vai trò khá hạn chế trong việc xây dựng các dự án điện mặt trời, họ đóng vai trò chủ yếu trong các dự án điện mặt trời trên mái nhà, ví dụ như đề ra các quy định về sử dụng đất, các quy định chung về lắp đặt điện mặt trời…

Điện mặt trời có hai thị phần lớn là điện mặt trời trên mặt đất và điện mặt trời trên mái nhà. Vai trò chủ yếu của Chính quyền địa phương là ở các hoạt động giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của người dân về vai trò của điện mặt trời, vốn được thực hiện ở các tỉnh. Về  vấn đề thuê đất cho việc phát triển các dự án điện mặt trời, ở châu Âu có quy định rất nghiêm ngặt về sử dụng đất. Họ quy định rất rõ ràng từ đất cho du lịch, đất cho nông nghiệp, đất cho năng lượng tái tạo… Vì vậy, tất cả các bên phải cạnh tranh với nhau và rất khó để có các dự án điện mặt trời lớn tầm 1GW.

Bên cạnh đó, ở châu Âu, họ áp dụng một mức giới hạn công suất cho các dự án điện mặt trời mặt đất. Ví dụ như các dự án phải dưới mức 12 MW.

Về thời gian thuê đất cho các dự án điện mặt trời, ở các nước châu Âu, xin thuê đất cho các dự án điện mặt trời thường trong khoảng 20-25 năm, vì sau thời gian này, thiết bị không còn tác dụng như trước, hiệu suất sử dụng sẽ giảm dần...

Các nước châu Âu cũng ưu đãi các dự án điện mặt trời trên mái nhà. Các dự án này do chính quyền địa phương quản lý, vì đất đai ngày càng hạn hẹp, dân cư thì ngày càng đông, vì vậy họ không muốn dùng đất để cho các dự án điện mặt trời quy mô lớn khá tốn đất.

Ở châu Âu, bình quân 1 MW điện mặt trời sẽ sử dụng 1,25 - 1,3ha đất (nếu là đất bằng phẳng), còn là 1,4ha - 1,5ha (nếu là đất đồi núi).

Ngoài các dự án điện mặt trời trên mặt đất và mái nhà như ông vừa đề cập, ở châu Âu có chủ trương phát triển các dự án điện mặt trời trên hồ nước hay không?

Ông Masson: Việc phát triển điện mặt trời trên hồ nước tại các nước châu Âu mới đang ở mức thí điểm do một số thách thức về kỹ thuật, bảo trì…. Tuy nhiên, trên thế giới, đã có một số dự án tại châu Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản được triển khai thí điểm.

Ông đánh giá thế nào về hướng phát triển điện mặt trời hiện nay trên thế giới? Với châu Âu, chính sách hỗ trợ phát triển các dự án điện mặt trời được thực hiện như thế nào, thưa ông?

Một xu thế chủ đạo hiện này là chi phí sản xuất điện mặt trời có xu hướng giảm mạnh, một số nơi chỉ còn 3USDcents/1kWh. Xu thế này đã tạo điều kiện cho ngành công nghiệp điện mặt trời phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, cũng cần chú ý rằng, mức giá nói trên là đối với vùng có bức xạ mặt trời cao. Tại nhiều nước, điện mặt trời hiện đã có thể cạnh tranh với điện gas, điện hạt nhân, hay điện sinh khối. Còn dạng năng lượng được coi là rẻ hơn điện mặt trời hiện nay là điện than, tuy nhiên không phải nước nào cũng có mức giá điện than thấp hơn điện mặt trời.

Có thể kể đến một số yếu tố góp phần vào việc giảm giá các dự án điện mặt trời như: chi phí thiết bị, cụ thể là sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời giảm, chi phí lắp đặt, chi phí tài chính đều giảm (lãi suất vay vốn giảm).

Bên cạnh đó, một xu thế nữa là các nhà hoạch định chính sách châu Âu nhận thức rõ ràng về tiềm năng điện mặt trời. Trước đây họ chỉ nghĩ điện mặt trời có tiềm năng phát triển, nhưng hiện nay nhận thức này thay đổi rất nhiều - họ nhận thức rằng, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo đầu tiên có thể phát triển được và tiềm năng phát triển rất lớn cho đến năm 2050.

Các chính sách hỗ trợ về phát triển điện mặt trời tại châu Âu bao gồm: giá FiT (giá mua điện), giá FIT premium (giá FIT cộng một khoản phụ thêm) thông qua đấu thầu, cơ chế bù trừ điện năng (công tơ hai chiều), khuyến khích tự tiêu thụ, chứng chỉ xanh thúc đẩy điện mặt trời phát triển và cơ chế về thuế và trợ giá.

Tùy các nước khác nhau, nhưng phần lớn các nước muốn phát triển điện mặt trời trên mặt đất thì họ áp dụng cơ chế đấu thầu, khi nhà đầu tư đưa ra giá thấp nhất thì sẽ thắng thầu và hưởng các cơ chế ưu đãi của chính phủ đã được ấn định. Phương pháp này được sử dụng rất phổ biến tại châu Âu. Ví dụ, giá điện mặt trời ở Đức hiện nay là khoảng 8 USDcents/1kWh.

Theo Quy hoạch điện 7 (hiệu chỉnh) của Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 hệ thống điện Việt Nam cần gần 1.000 MW và 2030 khoảng 12.000 MW điện mặt trời. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có bất kỳ dự án điện PV nối lưới nào được đưa vào vận hành. Với tư cách một chuyên gia quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực quy hoạch PV, ông có nhận xét, đánh giá gì về mục tiêu này?

Ông Masson: Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2020 là có 1.000 MW điện mặt trời, theo tôi là khả thi. Còn mục tiêu đến năm 2030 là 12.000 MW, con số này hơi khiêm tốn, tôi cho rằng Việt Nam có thể đạt được mục tiêu cao hơn nữa (20.000 MW), bởi nhu cầu điện của Việt Nam đang tăng cao.

Trong tương lai tới, để phát triển điện mặt trời thành công, theo kinh nghiệm của chúng tôi, Việt Nam nên trước tiên tập trung phát triển các dự án điện mặt trời ở mặt đất. Sau khi đã có kinh nghiệm thì mới phát triển điện mặt trời trên mái nhà. Đây cùng là con đường mà Trung Quốc đang đi.

Cảm ơn ông!

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động