Khởi động đánh giá tiềm năng điện mặt trời tại Việt Nam
15:44 | 14/09/2017
Quy hoạch điện mặt trời quốc gia: Chỉ lập 1 lần duy nhất
Quy định giá điện mặt trời Việt Nam trong 20 năm tới
Ngày 14/9, tại Hà Nội, đã diễn ra hội thảo khởi động “Đánh giá tiềm năng phát triển dự án điện mặt trời nối lưới quốc gia tại Việt Nam tới năm 2020, tầm nhìn 2030”. Hội thảo là một hoạt động trong khuôn khổ dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả năng lượng (4E) do Tổ chức Hợp tác Phát triển GIZ hợp tác với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương triển khai dưới sự ủy quyền của Bộ Hợp tác Kinh tế và Phát triển Liên bang Đức (BMZ).
Bà Sonia Lioret, Trưởng dự án Năng lượng tái tạo và Hiệu quả Năng lượng của GIZ.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Sonia Lioret cho biết: năm 2017, tổng công suất lắp đặt của điện mặt trời trên toàn thế giới tăng 30%, tại Trung Quốc, tổng công suất này tăng gấp đôi.
“Phát triển điện mặt trời là xu hướng và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới”, bà Sonia Lioret khẳng định.
Bà Sonia Lioret nhận định: Việt Nam có tài nguyên điện mặt trời khá dồi dào. Bức xạ mặt trời ở mức tương đương với các nước trong khu vực, bao gồm những thị trường điện mặt trời đang phát triển như: Trung Quốc, Thái Lan và Philippin, cũng như những thị trường đã rất phát triển như: Ý, Tây Ban Nha.
Theo bà Sonia Lioret, tiềm năng phát triển và đầu tư của điện mặt trời trong các khu thương mại và công nghiệp của Việt Nam là rất lớn. Các chỉ số đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 5-6% hàng năm.
“Năng lượng mặt trời có thể là giải pháp đối với nhu cầu năng lượng đang ngày càng tăng ở Việt Nam”, theo bà Sonia Lioret.
Việc khởi động quá trình đánh giá tiềm năng điện mặt trời là một bước quan trọng để phát triển điện mặt trời tại Việt Nam. Quá trình này sẽ giúp xác định được danh sách các dự án điện mặt trời đến năm 2020 và các vùng thuận lợi để phát triển cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030 và các tiêu chí để phát triển dự án. Quá trình đánh giá cũng sẽ đem lại những thông tin chuyên sâu về tiềm năng điện mặt trời và thực trạng phát triển hiện nay tại Việt Nam.
Theo bà Sonia Lioret, thực tế cho thấy, các nhà đầu tư đã không đợi đến khi chính phủ công bố mức giá mua điện, họ đã xác định các khu vực tiềm năng để xây dự án từ rất sớm. Vì vậy, điều quan trọng là không chỉ tìm hiểu về tiềm năng mà còn tìm hiểu về hoạt động đầu tư đang diễn ra, để có thể lập quy hoạch một cách hiệu quả nhất.
Việc đánh giá tiềm năng quốc gia điện mặt trời ở Việt Nam sẽ giúp đưa ra cách tiếp cận và con đường phát triển điện mặt trời của Việt Nam. Phát triển ở đâu, ở đâu nên phát triển trước, quy mô thế nào, là những câu hỏi mà chúng ta cần phải đặt ra.
GIZ là tổ chức hợp tác phát triển Đức, từ năm 2009, đã hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành năng lượng. Nước Đức có kinh nghiệm lâu năm về phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng mặt trời, GIZ có thể chia sẻ những kinh nghiệm về sự thành công, và cả sự thất bại.
"Tổng công suất lắp đặt điện mặt trời ở Đức hiện đứng thứ ba trên thế giới, và nước Đức có thể là một ví dụ để Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình phát triển điện mặt trời", bà Sonia Lioret nói.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Năng lượng tái tạo, Viện Năng lượng (Bộ Công Thương).
Tại hội thảo, các chuyên gia của Trung tâm Năng lượng Tái tạo - Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) đã trình bày các tham luận: Phương pháp luận về quy hoạch lưới điện hiện nay cho điện mặt trời và những hạn chế; Kết quả tính toán tiềm năng sơ bộ của điện mặt trời và các bước tiếp theo; Đánh giá tác động môi trường và xã hội của dự án điện mặt trời.
Chuyên gia quốc tế về năng lượng tái tạo Masson.
Bên cạnh đó, các chuyên gia quốc tế cũng đã trình bày các tham luận về kinh nghiệm về quy hoạch năng lượng mặt trời; xu hướng phát triển điện mặt trời trên thế giới...
MAI THẮNG