Một góc nhìn khác về việc điều chỉnh giá điện 2019
06:47 | 25/03/2019
So sánh giá năng lượng của Việt Nam với các nước trên thế giới
Theo quy hoạch điện VII điều chỉnh các dự án nguồn điện công suất lớn chủ yếu là nhiệt điện than, cơ bản thực hiện theo hình thức BOT. Tuy nhiên, đến nay, gần như các dự án đều chưa được triển khai. Do các dự án BOT có quá trình chuẩn bị đầu tư kéo dài, liên quan tới nhiều bộ, ngành, hợp đồng phức tạp nên các năm tiếp theo nếu không đàm phán xây dựng được thì sẽ gây rủi ro cao cho ngành điện.
Các dự án nguồn điện của Việt Nam chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản vẫn là giá cả chưa hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, do đó, không khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân bỏ vốn vào các dự án nguồn điện, hay áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Giá cả không hấp dẫn cũng làm ảnh hưởng tới các lựa chọn nguồn cung ứng trong thị trường điện cạnh tranh, do các cơ chế chào giá chỉ tập trung đạt các chỉ tiêu giá thấp…
Vậy câu hỏi đặt ra là: Thiếu điện, chất lượng cuộc sống thấp, giá điện rẻ, hay đủ điện, chất lượng cuộc sống cao, giá điện cao?
TS. Nguyễn Thành Sơn - Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã có bài phân tích: Hậu quả sẽ thế nào, nếu Việt Nam không điều chỉnh giá điện? Tôi rất tâm đắc với bài viết, bởi đã giúp cho công chúng hiểu về việc tăng giá điện là việc làm cần thiết, tuy nhiên tôi cũng muốn bổ sung thêm một số lợi ích của việc TĂNG GIÁ ĐIỆN dưới một góc nhìn khác, là giải pháp cốt lõi, căn cơ có tính lâu dài để đảm bảo an ninh năng lượng cho nền kinh tế.
Việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, đảm bảo nguyên tắc giá điện được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thu nhập của người dân trong từng thời kỳ.
Khi giá điện tăng lên sẽ giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi trong việc đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững đó là:
1/ Giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong những năm tiếp theo nhiệt điện than vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong tỷ trọng nguồn điện quốc gia. Việc tăng giá điện sẽ giúp các nhà quản lý trong quá trình đầu tư xây dựng mới các nhà máy điện đốt than có điều kiện làm tốt công tác bảo vệ môi trường từ cảng trung chuyển than, đến kho chứa, bãi thải xỉ… và lựa chọn công nghệ tiên tiến, công suất cao, sử dụng than nhập mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Cụ thể nên sử dụng công nghệ trên siêu tới hạn (Ultra Super Critical - USC). Cùng sản lượng điện phát ra, lò hơi USC tiêu thụ lượng than ít hơn khoảng 10% so với lò hơi siêu tới hạn (Super Critical - SC). Khi giá than tăng cao, lò hơi USC sẽ đem lại lợi ích đáng kể. Do giảm lượng than tiêu thụ trên cùng một đơn vị phát điện, nhà máy sử dụng thông số hơi USC hàng năm phát thải bụi, NOx, SO2, CO2 và khối lượng tro xỉ sẽ thấp hơn so với nhà máy SC trong khi vẫn đảm bảo công suất phát điện và khối lượng tro xỉ sẽ giảm trung bình từ 32% khi sử dụng than nội địa xuống còn khoảng 6% khi sử dụng than nhập. Đây là một trong những ưu điểm nổi trội của USC và là một trong những công nghệ than sạch, đang được các nước phát triển ưu tiên áp dụng.
Mặt khác, việc tăng giá điện cũng giúp chủ sở hữu các nhà máy nhiệt điện cũ có điều kiện cải tạo, nâng cấp nhà máy để đáp ứng các tiêu chí về môi trường.
2/ Giảm tải và dần tiến tới xóa bỏ việc cung cấp ngân sách Nhà nước cho các chương trình dự án liên quan tới hiệu quả và tiết kiệm năng lượng.
Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNLTK-HQ) giai đoạn 2019 - 2030 gồm bốn dự án thành phần với nhiều mục tiêu cụ thể: giảm từ 8% đến 10% tổng tiêu thụ năng lượng thương mại toàn quốc, giảm tối thiểu 8% suất tiêu hao năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng và đặt mục tiêu tiết kiệm năng lượng (TKNL) trong khối doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2019-2030. Tổng nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia SDNLTK-HQ giai đoạn 2019-2030 dự kiến khoảng 1.800 tỷ đồng. Việc tăng giá điện sẽ là động lực thúc đẩy cho các doanh nghiệp nghiên cứu giảm thiểu thất thoát và lãng phí trong cung cấp và sử dụng năng lượng tại tất cả các lĩnh vực. Nhanh chóng triển khai các nội dung liên quan tới Chương trình Quản lý phụ tải (DSM) và Đáp ứng phụ tải (DR) cũng như lưới điện thông minh (smart grid).
3/ Giải quyết vấn đề bảo lãnh của Chính phủ.
Với giá điện hấp dẫn sẽ tạo điều kiện thu hút và sử dụng nguồn tài chính của cá nhân, doanh nghiệp với vai trò nhà đầu tư vào các dự án nguồn điện, do đó sẽ giảm bớt chi ngân sách của Nhà nước; Hạn chế tối đa việc Chính phủ bảo lãnh vay nợ cho doanh nghiệp để thực hiện dự án.
4/ Tăng hiệu quả kinh tế các dự án, đảm bảo thu hồi vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay các dự án năng lượng, đặc biệt là các dự án năng lượng tái tạo.
5/ Tăng năng xuất sản xuất và cạnh tranh của các ngành kinh tế, đặc biệt đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện thị trường năng lượng Việt Nam (điện, than, dầu khí), điều đó sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng...
Từ các phân tích trên và qua bài viết của TS. Nguyễn Thành Sơn chúng tôi mong muốn rằng, các phương tiện truyền thông luôn có các thông tin đa chiều xoay quanh vấn đề tăng giá điện. Tuy nhiên, EVN cần tiếp tục minh bạch hóa giá thành sản xuất kinh doanh điện, các yếu tố cấu thành giá điện để có cơ sở thuyết minh, giải trình cho người dân hiểu và chia sẻ, đồng thuận.
LÃ HỒNG KỲ - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM