Làm rõ vấn đề đăng ký kinh doanh điện mặt trời mái nhà công suất nhỏ
06:59 | 12/03/2022
Tiếp theo phản biện: Lắp điện mặt trời mái nhà có phải đăng ký kinh doanh? Tiếp theo bài báo: “Lắp điện mặt trời mái nhà có phải đăng ký kinh doanh?”, Tạp chí Năng lượng Việt Nam vừa có văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn cụ thể đối với các trường hợp: Các hộ gia đình, cá nhân đầu tư điện mặt trời mái nhà có công suất nhỏ, rất nhỏ với mục đích để tự dùng là chính. |
Lắp điện mặt trời mái nhà có phải đăng ký kinh doanh? Sau khi Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam được ban hành thay thế Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017, việc lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lại trở nên sôi động hơn. |
Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi EVN và Tạp chí Năng lượng Việt Nam. |
Cụ thể văn bản trích dẫn tại Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/20211 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định về hộ kinh doanh:
“1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc các thành viên hộ gia đình đăng ký thành lập và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh của hộ. Trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì ủy quyền cho một thành viên làm đại diện hộ kinh doanh. Cá nhân đăng ký hộ kinh doanh, người được các thành viên hộ gia đình ủy quyền làm đại diện hộ kinh doanh là chủ hộ kinh doanh.
2. Hộ gia đình sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, kinh doanh thời vụ, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký hộ kinh doanh, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.”
Đồng thời, văn bản cũng hướng dẫn xác định trường hợp không phải đăng ký hộ kinh doanh được quy định tại Khoản 2 Điều 79 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP, cần phải xem xét các nội dung:
- Việc ghi ngành, nghề kinh doanh của hộ kinh doanh thực hiện theo quy định tại Điều 89 Nghị định số 01/2021/NĐ-CP. Theo Khoản 2 Điều này, “Hộ kinh doanh được quyền kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phải bảo đảm đáp ứng các điều kiện đó trong suốt quá trình hoạt động. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của hộ kinh doanh thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.”
- Theo Khoản 2 Điều 65 Luật Điện lực và Điểm e Khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực thì Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện. Tại Khoản 5 Điều 2 Nghị định số 98/2017/NĐ-CP ngày 18/8/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương có nhiệm vụ hướng dẫn ngành nghề kinh doanh có điều kiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ theo quy định của pháp luật.
- Mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quy định.
Nhận xét của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam về văn bản hướng dẫn thực hiện thủ tục đăng ký kinh doanh điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) đối với hộ gia đình và cá nhân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
Thứ nhất: Ngày 9/9/2020 Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 21/2020/TT-BCT quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động điện lực. Đối với trường hợp miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực tại Khoản 2 Điều 3 nêu rõ: “Phát điện có công suất lắp đặt đến 1 MW để bán điện cho tổ chức cá nhân khác”.
Như vậy, toàn bộ các hộ gia đình, cá nhân lắp đặt ĐMTMN có công suất dưới 1 MW đều nằm trong diện được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, và có thể hiểu là không phải là ngành nghề kinh doanh có điều kiện (là một điều kiện trong việc miễn trừ đăng ký hộ kinh doanh).
Thứ hai: Bộ Kế hoạch và Đầu tư có lưu ý phải xem xét đến nội dung để được miễn trừ đăng ký hộ kinh doanh: “Mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương do Ủy ban nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương quy định” . Do đó, có thể ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hoặc các địa phương khác có quy định về thu nhập thấp khác nhau, do đó việc miễn trừ không phải đăng ký hộ kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân ở các địa phương cũng có thể khác nhau.
Ví dụ: Tỉnh A (vùng nông thôn) có quy định thu nhập thấp là 1,5 triệu đồng/tháng tương đương 18 triệu/năm, anh Hồng có đăng ký lắp ĐMTMN với mục đích tự dùng, còn dư bán lại cho EVN trong cả năm doanh thu được 15 triệu (nhỏ hơn mức thu nhập thấp) nên không phải đăng ký kinh doanh.
Khu vực thành thị của tỉnh A quy định thu nhập thấp là 2 triệu đồng/tháng tương đương 24 triệu/năm, anh Tiến có đăng ký lắp ĐMTMN với mục đích tự dùng, còn dư bán lại cho EVN trong cả năm doanh thu được 20 triệu (nhỏ hơn mức thu nhập thấp) nên cũng không phải đăng ký kinh doanh.
Như vậy, các hộ gia đình, cá nhân lắp ĐMTMN có công suất từ 1 kW đến 1 MW tùy theo quy định về thu nhập thấp của UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ được hướng dẫn về đăng ký hộ kinh doanh khác nhau. Trong các hộ phải đăng ký kinh doanh nếu có doanh thu 100 triệu đồng trở xuống thì thuộc trường hợp không phải nộp thuế GTGT và không phải nộp thuế TNCN theo quy định pháp luật về thuế GTGT và thuế TNCN (Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ Tài chính).
Kiến nghị: Để thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, kiến nghị EVN chỉ đạo các ban chức năng căn cứ vào mức thu nhập thấp của từng địa phương, tính toán cụ thể đối với các trường hợp được miễn và phải đăng ký hộ kinh doanh, không gộp tất cả nhóm lại yêu cầu đăng ký kinh doanh như thời gian vừa qua./.
LÃ HỒNG KỲ - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM