Kỳ vọng gì sau khi A0 tách khỏi EVN, chuyển về Bộ Công Thương?
10:27 | 21/08/2024
Chuyển dịch năng lượng của Việt Nam - Dưới góc nhìn chỉ số ETI và quy hoạch phát triển
Trong bài báo dưới đây, chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam nêu các Chỉ số chuyển dịch năng lượng (ETI) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đánh giá, cùng với các phân tích, nhận định mức độ sẵn sàng cho chuyển dịch năng lượng của Việt Nam dưới góc nhìn chiến lược. Sau đó là một số nhận định về thách thức trong chuyển dịch năng lượng dưới góc độ quy hoạch phát triển. Rất mong nhận được sự chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý và bạn đọc. |
Việt Nam cần pin lưu trữ điện, nhưng chưa đủ tiền (?)
Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) vừa tổ chức tham vấn kỹ thuật, thông báo kết quả một số nghiên cứu về pin lưu trữ trong hệ thống điện Việt Nam. Những kết quả này cho thấy: Hệ thống điện của chúng ta đã cần có pin lưu trữ (BESS) cả ở mức doanh nghiệp cung cấp điện năng lượng tái tạo, lẫn mức lưới điện quốc gia. Tạp chí Năng lượng Việt Nam tóm tắt nội dung tham vấn kỹ thuật dưới đây để bạn đọc cùng tham khảo. |
NSMO là cơ quan điều độ hệ thống điện quốc gia, điều hành giao dịch thị trường điện lực theo quy định tại Luật Điện lực và pháp luật liên quan. Với vốn điều lệ là 776 tỷ đồng, NMSO tiếp nhận nguyên trạng A0 từ EVN (bao gồm cơ sở vật chất, bộ máy quản lý trên cơ sở tiếp tục bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của A0 vào các vị trí lãnh đạo tương ứng của NSMO).
Việc chuyển giao đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình tái cấu trúc, phát triển của EVN, là bước ngoặt, tiến trình cải cách và phát triển của ngành Điện lực Việt Nam.
Từ trước đến nay, nhiều quan điểm đều cho rằng: A0 trực thuộc EVN thì chẳng khác gì “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, ưu ái doanh nghiệp trong ngành và không minh bạch trong huy động nguồn điện. Do vậy, tách A0 ra khỏi EVN để thành lập NSMO được kỳ vọng sẽ giúp thị trường điện minh bạch hơn. Từ nay, người dân và các doanh nghiệp hy vọng công tác vận hành hệ thống điện, thị trường điện của NSMO sẽ đảm bảo tính minh bạch, không chịu tác động của EVN như là một bên tham gia có đặc quyền.
Mặt khác, EVN sẽ không còn phải mang tiếng “độc quyền” trong con mắt của các doanh nghiệp tham gia thị trường điện và khách hàng sử dụng điện.
Liệu có bước đột phá về cung, cầu và giá điện?
Nhiệm vụ vận hành hệ thống điện thuộc NSMO vẫn như A0 trước đây - đó là đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, cung cấp đủ điện phục vụ nhu cầu phụ tải của nền kinh tế và sinh hoạt của người dân.
Với 30 năm kinh nghiệm vận hành hệ thống điện (A0 thành lập ngày 11/4/1994), có thể khẳng định và tin tưởng NSMO sẽ hoàn thành tốt vai trò vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả. Tuy nhiên, vận hành thị trường điện như thế nào thì chúng ta cần chờ xem.
Đến thời điểm hiện nay, thị trường bán buôn điện nước ta đã được triển khai giữa các tổng công ty phân phối và một số nhà máy điện trong nội bộ của EVN, chiếm tỷ lệ 37% nguồn điện toàn hệ thống. Việc mua, bán điện trực tiếp của các tổng công ty điện lực từ các nhà máy chỉ chiếm tỉ lệ rất nhỏ (5-10%) với giá dựa trên giá hạch toán nội bộ và phân bổ chi phí, chứ chưa phải được chào mua, bán trên thị trường điện. Vì vậy, quy định về thị trường chưa đáp ứng được yêu cầu minh bạch trong hoạt động thị trường điện với xã hội.
Sau khi SNMO vận hành, EVN sẽ không còn giữ vai trò là nhà mua điện duy nhất, không còn độc quyền vận hành hệ thống. Các nguồn điện sẽ được huy động trên cơ sở chào giá cạnh tranh, công khai, minh bạch để tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có lợi cho người tiêu dùng.
Nghị định 80/NĐ-CP về Cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 30/7/2024 cho ta thấy tương lai gần thị trường sẽ xuất hiện “người mua” mới (ngoài EVN) - đó là các “khách hàng sử dụng điện lớn” (tiêu thụ từ 200.000 kWh/năm) và “đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được khách hàng sử dụng điện lớn ủy quyền mua điện từ các tổng công ty điện lực”. Đây mới là bước đầu có thêm người bán và người mua trên thị trường.
Khi nói đến thị trường nói chung, trong đó có thị trường điện, chúng ta đều hiểu rằng, sẽ có nhiều người bán và người mua. Nhưng bên bán (các nhà máy điện) đã “đủ hàng” để cung cấp cho bên mua (khách hàng sử dụng điện) lựa chọn?
Tại Điều 51 (Mục 1): Thị trường điện cạnh tranh, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (phiên bản tháng 8/2024) nêu nguyên tắc hoạt động:
1. Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các đối tượng tham gia thị trường điện cạnh tranh.
2. Tôn trọng quyền được tự chọn đối tác và hình thức giao dịch của các đối tượng mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
3. Nhà nước điều tiết hoạt động của thị trường điện cạnh tranh nhằm bảo đảm phát triển hệ thống điện bền vững, đáp ứng yêu cầu cung cấp điện an toàn, ổn định, hiệu quả.
Nguyên tắc và mục tiêu là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, thực tế triển khai đầu tư các loại hình nguồn điện cho thấy, từ nay đến năm 2030 Việt Nam sẽ “khan hiếm nguồn hàng”, nên người bán, người mua không có nhiều lựa chọn.
Năm 2023 đã xảy ra sự cố thiếu điện ở miền Bắc, nên Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương xây dựng đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) để tải điện từ miền Trung ra miền Bắc. Để đảm bảo đủ điện cung cấp cho hệ thống từ nay đến năm 2030 cần thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm xuất khẩu, điện mặt trời mái nhà hiện hữu) tăng gần như gấp đôi so với công suất hiện nay.
Một đặc điểm quan trọng trong Quy hoạch điện VIII là phát triển mới 22.400 MW điện LNG, 6.000 MW điện gió ngoài khơi - loại hình nguồn điện lần đầu tiên dự kiến được xây dựng ở nước ta. Vì là loại hình mới, không có kinh nghiệm, nên đến thời điểm hiện tại chúng ta vẫn chưa triển khai lựa chọn chủ đầu tư cho các dự án nguồn điện này, do vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách v.v...
Còn với loại hình thủy điện tích năng, mặc dù chúng ta có kinh nghiệm rất phong phú trong công tác xây dựng và vận hành thủy điện (đang xây dựng Thủy điện Tích năng Bác Ái, công suất 1.200 MW, khả năng năm 2029 mới đưa vào vận hành, chậm 1 năm so với tiến độ đã đề ra), thế nhưng dự án Thủy điện Tích năng Phước Hòa công suất 1.200 MW, dự kiến đưa vào vận hành năm 2030 hiện vẫn chưa có chủ đầu tư. Điều đó có nghĩa là, cả với loại hình nguồn điện mới, hay loại hình nguồn điện quen thuộc, thì khả năng đưa các dự án này vào vận hành năm 2030 đang là một câu hỏi lớn. Nếu nguồn cung không đủ, thì thị trường điện sẽ hoạt động ra sao?
Ngoài ra, giá điện vẫn đang được sự quan tâm rất lớn đối với khách hàng sử dụng điện. Người tiêu dùng điện mong muốn có giá điện hợp lý, minh bạch và đang kỳ vọng NSMO sẽ đem đến cho người dùng điện sự thay đổi này.
Đối với giá điện và các dịch vụ về điện được nêu tại Điều 76, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (phiên bản tháng 8/2024) nêu:
1. Giá bán lẻ điện:
a) Giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
b) Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện. Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định khung giá bán lẻ điện bình quân.
c) Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện bình quân trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.
2. Giá bán buôn điện:
a) Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp lập khung giá bán buôn điện; trình tự, thủ tục phê duyệt khung giá bán buôn điện do đơn vị điện lực có liên quan xây dựng.
b) Giá bán buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận, nhưng không được vượt quá khung giá bán buôn điện đã được phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành phương pháp xác định giá bán buôn điện; trình tự, thủ tục kiểm tra giá bán buôn điện.
c) Trường hợp chưa thỏa thuận được về giá bán buôn điện, bên bán điện và bên mua điện có quyền thỏa thuận mức giá tạm thời để áp dụng cho đến khi thỏa thuận được mức giá chính thức.
Qua Điều 76, giá điện và các dịch vụ về điện (Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi) cho thấy giá điện vẫn chưa thể hoàn toàn thực hiện theo cơ chế thị trường.
Lời kết:
Việc tách A0 ra khỏi EVN, thành NSMO và chuyển về Bộ Công Thương không chỉ thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ đối với ngành điện, mà còn là quá trình phát triển tất yếu phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước ta. NSMO trực thuộc Bộ Công Thương sẽ đảm bảo sự minh bạch trong điều hành hệ thống điện và thị trường điện, là bước tiến quan trọng trong phát triển thị trường cạnh tranh.
Tuy nhiên, để NSMO hoàn thành tốt vai trò của mình, chúng ta cần cân đối cung, cầu - nghĩa là cần tạo điều kiện về pháp lý để huy động các nguồn đầu tư, có đủ nguồn điện tham gia thị trường, đáp ứng đủ nhu cầu cho người tiêu dùng./.
TS. NGUYỄN HUY HOẠCH - HỘI ĐỒNG KHOA HỌC TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
- Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (phiên bản tháng 8/2024 - Bộ Công Thương).
- Quy hoạch điện VIII.