RSS Feed for Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 02/01/2025 00:47
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam

 - Sáng ngày 16/3/2023, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương và Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội phối hợp tổ chức hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”. Hội thảo với mục đích tạo ra diễn đàn đối thoại, trao đổi giữa các cơ quan bộ, ban, ngành với các tổ chức, chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, đề xuất cơ chế, chính sách liên quan cho Việt Nam trong phát triển điện gió ngoài khơi.
Hiện trạng điện gió ngoài khơi và định hướng phát triển tại Việt Nam Hiện trạng điện gió ngoài khơi và định hướng phát triển tại Việt Nam

Điện gió ngoài khơi - nguồn điện xanh thế hệ mới có lịch sử phát triển khoảng 30 năm gần đây tại các nước Đan Mạch, Anh, Đức, Trung Quốc, Mỹ. Sau Hội nghị Thượng đỉnh Cop 26 năm 2021 (tại Anh) trên thế giới đã hình thành liên minh các quốc gia điện gió ngoài khơi (GOWA). Xu hướng phát triển điện gió ngoài khơi trên thế giới đang gia tăng mạnh, hiện tại là 57 GW và có thể đạt 500 GW lắp đặt vào năm 2040, 1.000 GW vào năm 2050. Việt Nam có tiềm năng kinh tế kỹ thuật điện gió ngoài khơi trên 600 GW, đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm phát triển, đầu tư các dự án. Để phát triển bền vững ngành điện gió ngoài khơi, cần sớm có nghiên cứu xây dựng cơ sở pháp lý thúc đẩy điện gió ngoài khơi (luật, chiến lược quốc gia về điện gió ngoài khơi và các văn bản chính sách liên quan...).

Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động của Việt Nam Điện gió ngoài khơi: Tiềm năng, thách thức và kế hoạch hành động của Việt Nam

Việt Nam đã cam kết với quốc tế giảm phát thải khí carbonic về không (Net-zero) vào năm 2050. Các nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi dự tính sẽ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tồng nguồn phát điện vào năm 2045 (theo Dự thảo Quy hoạch điện VIII). Phát triển điện gió ngoài khơi, ngoài việc khai thác tiềm năng to lớn về năng lượng còn đảm bảo thực hiện tầm nhìn phát triển kinh tế biển... Phân tích của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

Trong những thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hàng năm khoảng 7%, dẫn đến sự gia tăng đáng kể về lượng năng lượng tiêu thụ cũng như lượng khí thải CO2 liên quan.

Điều quan trọng đối với Việt Nam hiện nay là khả năng tách rời mức tiêu thụ năng lượng và tốc độ phát triển kinh tế, đồng thời chuyển đổi cấu trúc ngành năng lượng quốc gia thành một hệ thống năng lượng bền vững hơn thông qua việc đầu tư vào năng lượng tái tạo.

Theo đánh giá, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi như: Đường bờ biển dài, nguồn gió dồi dào và vùng đáy biển tương đối nông, phù hợp cho việc dựng hệ thống móng cố định. Việt Nam cũng có chuỗi cung ứng được thiết lập tốt, có thể sử dụng gần như ngay lập tức, hoặc chuyển đổi nhanh chóng để hỗ trợ thực hiện nhiều công đoạn trong quá trình xây dựng, hoặc thiết lập hệ thống hạ tầng cần thiết khi phát triển và xây dựng một trang trại gió ngoài khơi.

Với khả năng cung cấp một lượng điện sạch khổng lồ với mức giá hấp dẫn, đồng thời tạo ra nhiều việc làm mới và thu hút đầu tư, điện gió ngoài khơi sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu năng lượng tương lai của Việt Nam.

Kinh nghiệm quốc tế và gợi ý chính sách phát triển điện gió ngoài khơi Việt Nam
Hội thảo “Thúc đẩy phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam: Kinh nghiệm quốc tế và các gợi ý chính sách”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hiển - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết: Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng và cơ hội để phát triển năng lượng gió. Cùng với năng lực và kinh nghiệm xây dựng các công trình ngoài khơi, các công trình biển và hệ thống logistics phụ trợ của ngành dầu khí hiện nay, Việt Nam có thể phát huy tốt nội lực để phát triển ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi gắn với chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistic trong những năm tới.

Tính đến cuối năm 2021, tổng công suất đăng ký đầu tư điện gió ngoài khơi tại Việt Nam khoảng 154 GW.

Dự thảo Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu sẽ phát triển khoảng 16.121 MW điện gió trên bờ và gần bờ và khoảng 7.000 MW điện gió ngoài khơi vào năm 2030. Đến năm 2045, công suất đặt điện gió ngoài khơi dự kiến đạt khoảng 64.500 MW.

Tuy vậy, bài toán lớn mà ngành điện gió ngoài khơi tại Việt Nam phải đối mặt, bao gồm: Tính chất phức tạp về kỹ thuật, công nghệ; nguồn vốn lớn và dài hạn. Đồng thời, nhiều vấn đề cần phải làm rõ như: Quy hoạch, cơ chế, chính sách đầu tư xây dựng, quy định cho thuê, cấp phép, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy định vận hành, cơ chế giá điện và hợp đồng mua bán điện và các quy định về vận hành hệ thống điện, hệ thống cảng biển, phát triển chuỗi cung ứng…

Qua theo dõi công tác triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho thấy: Việc thể chế hóa và cụ thể hóa yêu cầu xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ và đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi nêu tại Nghị quyết được các cấp có thẩm quyền triển khai còn chậm, kết quả còn hạn chế.

Cụ thể: Quy hoạch điện VIII và quy hoạch không gian biển vẫn đang trong quá trình xây dựng và chưa được ban hành. Việc giao vùng biển để thực hiện khảo sát, phục vụ phát triển điện gió ngoài khơi chưa được quy định cụ thể tại văn bản pháp luật.

Các quy định về hình thức lựa chọn nhà đầu tư hiện nay chưa điều chỉnh được đối với các dự án nhà náy điện gió ngoài khơi. Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực và các văn bản hướng dẫn khác chưa bao quát được dự án điện gió ngoài khơi.

Lộ trình xây dựng và ban hành cơ chế chính sách giá, khung giá cũng đang gặp khó khăn và bất cập; còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho điện gió ngoài khơi…

Phát biểu tại hội thảo, Đại sứ Đan Mạch Nicolai Prytz cho biết: Điện gió ngoài khơi là cơ hội kép tuyệt vời cho Việt Nam. Một cơ hội để cung cấp một nguồn năng lượng xanh và có chi phí hiệu quả cho sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước, đồng thời hỗ trợ Việt Nam đạt được cam kết tại COP26 đối với mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Là một trong những quốc gia ủng hộ mạnh mẽ và lâu dài việc Việt Nam chuyển đổi sang ngành năng lượng xanh và bền vững, Đan Mạch mong đợi Chính phủ Việt Nam sớm ban hành khung pháp lý rõ ràng và nhất quán, điều cần thiết cho sự phát triển của ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi, bắt đầu bằng việc phê duyệt Quy hoạch điện VIII và quyền khảo sát ngoài khơi độc quyền.

Đan Mạch là quốc gia tiên phong và dẫn đầu thế giới về năng lượng gió ngoài khơi, kể từ năm 1991 khi quốc gia này vận hành trang trại năng lượng gió ngoài khơi đầu tiên trên thế giới. Ngày nay, Đan Mạch cũng đang đi đầu trong việc cắt giảm chi phí sản xuất để biến điện gió ngoài khơi thành một trong những loại năng lượng tái tạo cạnh tranh nhất. Điều này rất quan trọng và là động lực to lớn, tạo đà cho sự phát triển và mở rộng ngành công nghiệp điện gió của Việt Nam.

Một trong những khuyến nghị chính trong Báo cáo ‘Lộ trình phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam' của Cục Năng lượng Đan Mạch và Ngân hàng Thế giới là Chính phủ Việt Nam nên cho phép triển khai một vài dự án thí điểm trên quy mô lớn theo giai đoạn để kích hoạt ngành công nghiệp này. Hiện tại là thời điểm chín muồi để Chính phủ có các hành động mạnh mẽ nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển 7 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 như đề ra trong dự thảo Quy hoạch điện VIII.

Ông Henrik Scheinemann, đồng Giám đốc Điều hành của Tập đoàn Copenhagen Offshore Partners (COP) bổ sung: Điều quan trọng là Việt Nam nên tập trung vào việc khởi động ngành năng lượng tái tạo, một ngành công nghiệp đã được chứng minh là có hiệu quả cao, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các thị trường đã phát triển và có thành tích tốt để chọn cho mình một mô hình điện phù hợp với nhu cầu và kỹ năng của đất nước.

Có thể thấy rõ, Việt Nam có khả năng và sẽ thành lập ngành công nghiệp này. Giờ là lúc thúc đẩy, cho phép thực hiện các dự án thí điểm và ban hành khung pháp lý rõ ràng, cũng như tạo điều kiện để các nhà đầu tư phát triển dự án, chia sẻ kinh nghiệm nhằm xây dựng chuỗi cung ứng địa phương và giải quyết cơn khát năng lượng xanh ngày càng tăng của Việt Nam.

Tập đoàn CIP cam kết hỗ trợ Việt Nam trên hành trình lâu dài này.

Với việc chuyển đổi xanh của ngành năng lượng hiện đang là một trong những ưu tiên, cũng như nhu cầu hàng đầu, hội thảo lần này đã nhận được rất nhiều sự quan tâm và thảo luận tích cực từ các nhà hoạch định chính sách Việt Nam, các nhà quản lý, chuyên gia trong và ngoài nước cùng giới học thuật, truyền thông.

Chương trình hội thảo bao gồm 5 báo cáo chính từ các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học quốc tế có kinh nghiệm. Các báo cáo chính đã tập trung phân tích, trình bày tổng quan quá trình phát triển trên toàn cầu và những điều kiện cần để khởi động các dự án đầu tiên của Việt Nam, cũng như kinh nghiệm phát triển điện gió ngoài khơi tại một số nước, như: Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan... Các cơ chế thí điểm, cơ chế đặc biệt cho các dự án phát triển điện gió ngoài khơi và gợi ý chính sách cho Việt Nam, khai thác nguồn tài nguyên này để bảo đảm an ninh năng lượng và giảm phát thải.

Bên cạnh các báo cáo chính, hội thảo còn có phiên trao đổi, thảo luận để đại diện các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp và đại biểu trao đổi kinh nghiệm liên quan đến những thách thức, cũng như cơ hội lớn cho phát triển ngành điện gió ngoài khơi của Việt Nam. Cụ thể là gợi ý, đề xuất các cơ chế cấp phép cho hoạt động khảo sát điện gió ngoài khơi hiện nay, cũng như trong thời gian tới và cơ chế lựa chọn các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi.../.

BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động