RSS Feed for Kiến nghị giải quyết việc làm cho lực lượng quản lý dự án thuỷ điện, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 19:15
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Kiến nghị giải quyết việc làm cho lực lượng quản lý dự án thuỷ điện, sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ

 - Nội dung văn bản:

 


 

 

HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

……………………

Số: 63 /CV-NLVN

V/v: Kiến nghị 2 phương án

giải quyết việc làm cho lực lượng

quản lý dự án thuỷ điện, sau khi đã

hoàn thành nhiệm vụ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

-----------------------                  

           Hà Nội, ngày 14 tháng 6 năm 2009

 

 

 

 


                                   

                 Kính gửi:  - Ban Bí thư Trung ương Đảng

                    - Thủ tướng Chính phủ

 

 

 

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) xin gửi tới Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ lời chào trân trọng!

 

Từ ngày 1 đến 11 tháng 6 năm 2009, VEA đã tổ chức chuyến khảo sát, tìm hiểu thực tế tại các dự án thuỷ điện ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên, làm việc với các ban quản lý dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các nhà thầu xây dựng, lắp máy... Sau khi tổng hợp ý kiến của các ban quản lý dự án và các chuyên gia, các nhà khoa học trong đoàn công tác, VEA xin báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ một số vấn đề như sau:

 

I. Về Cơ chế quản lý dự án xây dựng các nhà máy thuỷ điện theo Quyết định 797 và 400 của Thủ tướng Chính phủ

 

 1. Ưu điểm:

 

- Đây là một chủ trương sáng suốt, một bước đột phá về cơ chế quản lý trong việc triển khai các dự án thuỷ điện. Tác động của 2 quyết định này đã tạo ra cơ chế quản lý linh hoạt, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, nâng cao chất lượng công trình, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của các lực lượng quản lý, xây dựng, lắp máy trên công trường, cũng như các bộ, ngành và các địa phương đối với các dự án xây dựng các nhà máy thuỷ điện.

 

- Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức tổng thầu xây lắp do các tổ hợp hình thành từ các tổng công ty xây dựng, lắp máy, chế tạo cơ khí trong nước có năng lực và kinh nghiệm để thực hiện các dự án là yếu tố quan trọng để thực hiện thành công các dự án thuỷ điện. Do được phép không tổ chức đấu thầu nên đã rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư sớm đưa dự án vào khởi công, đồng thời giảm được tổng dự toán của các dự án đến 5% và nâng cao trách nhiệm của EVN, phát huy nội lực của các đơn vị quản lý, thiết kế, thi công, chế tạo thiết bị ở trong nước.

- Có thể triển khai trước các hạng mục công trình thuộc giai đoạn chuẩn bị xây dựng như: đường công vụ, điện, nước thi công, thông tin liên lạc, nhà ở và nhà làm việc của các đơn vị trên công trường. Công tác giải phóng mặt bằng, rà phá bom, mìn và tái định cư được giao cho cấp tỉnh thực hiện đã đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND tỉnh góp phần vào thành công của dự án. Theo đánh giá chung, Quyết định 797 và 400 ra đời đã rút ngắn được thời gian xây dựng các dự án từ 1 đến 2 năm.

 

- Góp phần nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, từ chủ đầu tư, tư vấn thiết kế đến nhà thầu đều có cơ hội để phát huy năng lực của mình. Qua thực hiện các dự án thuỷ điện ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và trong cả nước đã đi đến khẳng định là: nhiều nhà thầu có thể đảm đương được công việc của tổng thầu; Có cơ hội mua sắm thêm máy móc thiết bị thi công, tăng cường và nâng cao năng lực, tích luỹ kinh nghiệm của đội ngũ cán bộ công nhân viên, để có cơ sở vươn ra đấu thầu quốc tế.

 

2. Những tồn tại:

 

- Việc thi công tiến hành không đồng bộ giữa các khâu đã gây ảnh hưởng đến tiến độ chung của dự án. Đặc biệt, do việc cho phép vừa thiết kế vừa thi công và cùng một lúc khởi công đồng loạt nhiều dự án nên lực lượng tư vấn đã quá tải, nhiều dự án thường xuyên không cung cấp kịp thời bản vẽ thi công, công nhân phải chờ việc, mặt khác việc thiết kế lựa chọn đơn hàng vật tư thiết bị chậm nên nhiều dự án chậm tiến độ.

 

- Do cơ chế chỉ định thầu, nên trong việc thoả thuận đơn giá định mức giữa chủ đầu tư và các nhà thầu, kể cả giữa các cơ quan quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn.

 

- Việc nghiệm thu thanh toán khối lượng theo tổng dự toán thường gặp nhiều vướng mắc, vì tổng dự toán được lập trên cơ sở thiết kế kỹ thuật được duyệt, nhưng trên thực tế do thời gian gấp, thiết kế kỹ thuật, biện pháp thi công duyệt chậm nên nhiều dự án việc lập tổng dự toán cũng duyệt chậm đã ảnh hưởng rất lớn đến công tác thanh toán cho nhà thầu. Trong thi công có nhiều việc chưa lường hết được khả năng thực tế hiện có (thiết bị thi công, cầu trục thi công phục vụ công tác xây lắp, cung cấp điện, trạm nghiền, phụ gia…).

 

- Một vấn đề cần nhấn mạnh là các dự án triển khai trong 2 năm 2007-2008, trong tình hình khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát                              tăng cao đã đẩy giá vật tư, vật liệu xây dựng tăng quá cao, làm chủ đầu tư và các nhà thầu đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn.

 

- Sau nhiều năm thực hiện các tổng sơ đồ phát triển điện lực do Chính phủ phê duyệt, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tập trung triển khai xây dựng các dự án thủy điện, nhiệt điện, nhiều dự án đã hoàn thành góp phần đáng kể bổ sung công suất phát điện hàng năm đã đáp ứng sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và đáp ứng cung cấp điện an toàn và liên tục, đấy là sự nỗ lực rất lớn và đáng trân trọng.

 

- Do đẩy mạnh khai thác các nguồn thủy điện trong nhiều năm qua, vì vậy các dự án thủy điện đang ngày càng cạn kiệt, đến khoảng năm 2012 thì các dự án thủy điện có công suất từ 20 MW trở lên sẽ được xây dựng hết. Mặt khác, do cùng một lúc EVN phải tập trung triển khai nhiều dự án thủy điện nên đã hình thành hàng chục ban quản lý dự án để chỉ đạo kịp thời các dự án đó, mỗi ban quản lý dự án có từ 150 đến 250 cán bộ công nhân viên. Như vậy có hàng ngàn cán bộ quản lý, kỹ sư, kỹ thuật giỏi hiện đang làm việc trong các ban quản lý dự án thuộc EVN.

 

- Qua tìm hiểu và làm việc với nhiều ban quản lý dự án, thì đến nay sau khi công việc đã vơi dần, anh em cán bộ công nhân viên rất lo lắng, đến một vài năm nữa hết các dự án thủy điện thì họ sẽ làm gì, đi về đâu? Đây là tâm tư, sự lo lắng của đội ngũ cán bộ công nhân viên, các dự án thủy điện. Ở đây, VEA chỉ đề cập đến các ban quản lý dự án thuỷ điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, còn các tập đoàn, các tổng công ty, các công ty khác có các dự án thủy điện thì tình hình chung cũng như vậy.

 

II. Để giải quyết hậu quả trên, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam xin kính trình Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ một số phương án như sau:

 

1. Phương án 1

 

1.1. Để tiếp tục sử dụng lực lượng lao động có trình độ và kinh nghiệm quản lý này, đề nghị cho thành lập các công ty cổ phần quản lý, vận hành các dự án (trước đây EVN đã có chủ trương triển khai các tổ chức này), như vậy sẽ tận dụng được một số cán bộ công nhân viên của các ban quản lý dự án thuỷ điện.

 

1.2. Quy mô của các công ty quản lý, vận hành này sẽ tùy thuộc vào  địa bàn, tùy thuộc các dự án mà các ban quản lý dự án đang chỉ đạo để giao nhiệm vụ (quy mô mỗi công ty từ 500 MW đến 1.000 MW).

 

1.3. Những ban quản lý dự án nào gần hết nhiệm vụ, ví dụ như: Ban quản lý dự án thuỷ điện 4 (đóng trên địa bàn tỉnh Gia Lai) đang quản lý các dự án thuỷ điện: Sê San 3, Plâykrông, Sê San 4, trong năm 2009 sẽ hoàn thành dự án đó, vì vậy cho thành lập công ty cổ phần để quản lý các dự án này, với quy mô công suất khoảng 1.000MW.

 

Hoặc như Ban quản lý thuỷ điện 5, hiện đang quản lý các dự án: Buôn Kuốp, Buôn Tua Srah và Srê Pôk 3, các dự án này sẽ kết thúc chậm nhất vào năm 2010, vậy nên cũng cho thành lập công ty cổ phần để quản lý các dự án nêu trên.

 

Lần lượt các ban quản lý dự án thuỷ điện thuộc EVN, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, không triển khai thêm các dự án thuỷ điện khác sẽ lần lượt cho thành lập các công ty cổ phần.

 

2.     Phương án 2

 

Các nhà máy thuỷ điện hiện nay phần lớn đã được tự động hoá, nên lượng cán bộ quản lý vận hành cũng không nhiều, do vậy các ban quản lý dự án chỉ đưa được một số cán bộ công nhân viên vào làm việc trong các công ty cổ phần. Vậy số cán bộ công nhân viên còn lại sẽ làm gì?

 

2.1. Ngoài các dự án thuỷ điện đang được đầu tư xây dựng theo tổng sơ đồ 6 và tổng sơ đồ 7 sắp tới, chúng ta sẽ xây dựng nhiều dự án nhiệt điện than, khí, kể cả nhà máy điện nguyên tử sau này. Hiện tại theo khảo sát của VEA, trong 13 dự án nhiệt điện chạy than có công suất 13.800MW, Chính phủ vừa giao cho các tập đoàn, các tổng công ty thực hiện.

 

2.2. Số cán bộ công nhân viên của hàng chục ban quản lý dự án thuỷ điện của EVN do EVN sắp xếp, kể cả đưa sang quản lý các dự án nhiệt điện.

 

Sau khi EVN sắp xếp, số cán bộ công nhân viên quản lý dự án thì có thể chuyển sang các Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, bởi vì các tập đoàn này đang triển khai các dự án nhiệt điện chạy than và đang rất thiếu nhiều cán bộ quản lý dự án.

 

Lực lượng cán bộ, kỹ sư quản lý các dự án thuỷ điện đã lăn lộn hàng chục năm nay, đã tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm có thể đưa sang quản lý các dự án nhiệt điện. Với dự án nhiệt điện có khác so với thuỷ điện ở một số khâu (như công nghệ lò hơi và một số khâu khác, chúng ta sẽ đào tạo và bổ sung cán bộ thiếu ở khâu đó).

 

Từ những vấn đề đề cập trên đây, kính đề nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ có chủ trương để tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng như các tập đoàn, các tổng công ty khác có kế hoạch sắp xếp từ bây giờ.

 

Kính mong Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo.

 

Xin trân trọng cảm ơn!


Nơi  nhận:

-         Như kính gửi

-         PTT TT Nguyễn Sinh Hùng

-         PTT Hoàng Trung Hải

-         BT Bộ Công Thương

-         BT Bộ Nội vụ

-         Các đơn vị thành viên

-         Lưu VP.

TM. HIỆP HỘI

NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chủ tịch

 

Đã ký

 

Trần Viết Ngãi

 

nangluong.mastercms.org/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động