Kiến nghị của VEA được chuyển đến các bộ liên quan xem xét xử lý
07:21 | 07/12/2021
Kiến nghị giải pháp phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) vừa có văn bản gửi: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các bộ liên quan, với nội dung “đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam”. |
Trước đó, ngày 25/11/2021, VEA đã có văn bản số 124/HHNL-BC gửi: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ; các bộ liên quan, với nội dung “đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm bảo đảm phát triển bền vững ngành năng lượng Việt Nam”.
Trong văn bản, VEA đã nêu lên những vấn đề kiến nghị của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dầu khí Việt Nam và các đơn vị khác về các dự án chậm tiến độ trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến nay chưa được khắc phục, hầu hết các dự án chậm trên 10 năm.
Ngoài ra, Luật Dầu khí được ban hành lần đầu vào năm 1993, sửa đổi năm 2000 và 2008, đến nay có một số điểm không còn phù hợp với thực tế và pháp luật có liên quan khác.
Bên cạnh đó là chính sách phát triển nhiệt điện và giá năng lượng; phát triển năng lượng tái tạo; việc cung cấp than và khí đốt; thu xếp vốn cho các dự án điện trong Quy hoạch điện VIII…
Theo đó, VEA kiến nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành liên quan xem xét giải quyết một số vấn đề:
1. Cần có các giải pháp tích cực để giải quyết dứt điểm các dự án trong Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) nay chuyển sang Quy hoạch điện VIII, bị kéo dài nhiều năm, để sớm đưa vào vận hành trước năm 2030, hạn chế chuyển sang sau năm 2030.
2. Đảm bảo đủ vốn cho các dự án năng lượng là vấn đề vô cùng quan trọng, do đó các dự án thiếu vốn cần được tháo gỡ. Cần có các cơ chế đặc thù cho các dự án năng lượng trọng điểm, như: Bảo lãnh Chính phủ, vay vốn nước ngoài, mở rộng thị trường, bỏ các rào cản, cần có tầm nhìn xa… để triệt để khắc phục tình trạng thiếu vốn.
3. Mạnh dạn cấp phép đầu tư đối với các dự án đã thấy rõ hiệu quả, như điện gió ngoài khơi (ThangLong Wind v.v...); quy hoạch các dự án LNG phù hợp với các phụ tải tập trung, ở khu vực gần cảng biển để thuận lợi cho nhập khẩu LNG, tránh phát sinh đầu tư thêm các đường dây truyền tải.
4. Về quy hoạch, kể cả quy hoạch năng lượng truyền thống và năng lượng tái tạo, ngoài việc giải quyết các dự án còn lại của Quy hoạch điện VII (điều chỉnh), những dự án trong Quy hoạch điện VIII cần phải sắp xếp ưu tiên theo các vùng phụ tải tập trung để tránh xây dựng các đường dây truyền tải, gây tốn kém cho Nhà nước, nhất là điện mặt trời mặt đất.
5. Về giá điện và giá năng lượng, theo Quy hoạch điện VIII cần xây dựng cơ chế giá điện và năng lượng sát với thị trường nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia vào thị trường năng lượng một cách tích cực và hiệu quả.
6. Vai trò của các bộ, ngành, nhất là Bộ Công Thương trực tiếp chỉ đạo ngành điện và ngành năng lượng, cần phải sát sao để tham mưu cho Chính phủ và Trung ương tìm giải pháp tích cực giải quyết khó khăn cho các dự án điện và năng lượng.
7. Về trách nhiệm quản lý chỉ đạo từ cấp trên đến cấp dưới, từng tổ chức cá nhân, từ các ban quản lý, nhà thầu, chủ đầu tư thực hiện các dự án điện, năng lượng từ nay tới năm 2030 và sau năm 2030 cập nhật tiến độ triển khai dứt điểm vướng mắc ở đâu về cái gì, việc gì, báo cáo lên các cấp có thẩm quyền để khắc phục nhanh chóng không để ùn ứ gây chậm tiến độ, giải quyết dứt điểm để dự án đầu tư hoàn thành đúng kế hoạch./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM