RSS Feed for Khi Dầu khí Việt Nam đối diện thách thức ở vùng nước sâu, xa bờ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 18:34
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Khi Dầu khí Việt Nam đối diện thách thức ở vùng nước sâu, xa bờ

 - Trong giai đoạn tới, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần tập trung thăm dò mở rộng, tận thăm dò tại các lô/mỏ đang khai thác, có hạ tầng hoàn chỉnh; cần có đột phá về đối tượng thăm dò, tìm ra các đối tượng mới trong khu vực truyền thống; tiếp tục bám sát, chuẩn bị điều kiện, tranh thủ thời cơ thuận lợi triển khai các hoạt động thăm dò tại khu vực nước sâu, xa bờ.

Vì sao các công ty dầu khí cần xem xét lại mô hình hoạt động cơ bản?
 



Trong năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đối diện với thách thức lớn khi giá dầu thế giới biến động (trung bình giảm 7 USD/thùng so với năm 2018), điều kiện triển khai các dự án ở khu vực nước sâu, xa bờ diễn biến phức tạp, rủi ro địa chất cao, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, cũng như kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này.

Đặc biệt, công tác tìm kiếm, thăm dò dầu khí đang đối diện với các thách thức lớn khi một số khu vực truyền thống nước nông đã được tìm kiếm thăm dò khá tỉ mỉ với các phát hiện đa số quy mô nhỏ, các cấu tạo còn lại không lớn và các đối tượng mới như bẫy địa tầng, bẫy phi cấu tạo có rủi ro cao. Tiềm năng dầu khí còn lại chủ yếu tập trung ở khu vực nước sâu, xa bờ, đòi hỏi công nghệ cao, chi phí lớn nên gặp khó khăn trong việc thu hút, ký hợp đồng dầu khí mới trong khi nguồn vốn trong nước còn hạn chế, vướng mắc nhiều thủ tục. Các điều khoản của hợp đồng chia sản phẩm (PSC) mới không thu hút đầu tư trong bối cảnh tiềm năng dầu khí còn lại không được hấp dẫn như trước...

Đối diện với các thách thức, PVN đã bám sát diễn biến giá dầu thô; rà soát sản lượng khai thác của từng mỏ, chi phí sản xuất của từng giếng, tối ưu chương trình khai thác; đẩy mạnh công tác tái cơ cấu, nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Với quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, với phương châm bản lĩnh vững vàng, hành động quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, PVN đã từng bước vượt qua thách thức, về đích sớm nhiều chỉ tiêu kế hoạch năm 2019.

Cụ thể, PVN đã về đích trước 2 tháng 4 chỉ tiêu quan trọng gồm: Gia tăng trữ lượng dầu khí, tổng doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước và lợi nhuận sau thuế hợp nhất.

Đến ngày 10/12/2019, PVN đã “cán đích” kế hoạch khai thác dầu trong nước đạt 10,43 triệu tấn, chính thức đưa tổng sản lượng khai thác dầu năm 2019 đạt 12,36 triệu tấn, về đích trước 21 ngày kế hoạch khai thác dầu năm 2019 được Chính phủ giao. 

Liên doanh Việt - Nga (Vietsovpetro) cho biết: Chỉ tiêu sản lượng khai thác dầu, khí thiên nhiên Lô 09 - 1 về đích sớm 1,5 tháng. Việc đưa 2 công trình khai thác dầu khí quan trọng vào hoạt động (giàn CTC1-WHP mỏ Cá Tầm và BK-20), có ý nghĩa quan trọng trong việc chặn đà suy giảm sản lượng dầu khai thác như hiện nay. Đặc biệt, ghi dấu ấn về mở rộng hoạt động của Vietsovpetro ra các lô dầu khí ngoài Lô 09-1; tối ưu chi phí thiết kế, xây dựng và vận hành giàn mini BK nhằm phát triển các mỏ nhỏ, mỏ cận biên.

Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) công bố về đích sớm kế hoạch sản lượng khai thác năm 2019 vào 8 giờ 6 phút ngày 19/12/2019. Một số lô/dự án của PVEP đã về đích sớm kế hoạch khai thác năm 2019 như: Lô 05-1a (Đại Hùng) đã hoàn thành kế hoạch khai thác từ 23/8/2019; Lô 15-1 hoàn thành kế hoạch khai thác từ 7/11/2019; Lô 433a/416b tại Algeria đã hoàn thành kế hoạch khai thác vào ngày 6/12/2019…    

Công ty Điều hành Dầu khí Biển Đông cho biết: Đã hoàn thành kế hoạch khai thác condensate vào 5 giờ sáng ngày 17/10/2019, về đích sớm 75 ngày; hoàn thành kế hoạch khai thác khí vào 22 giờ ngày 11/12/2019, về đích sớm 20 ngày.    

 


Trong giai đoạn 2020 - 2025, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xác định tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò tài nguyên dầu khí ở trong nước, đồng thời tìm kiếm cơ hội thăm dò, khai thác dầu khí ở nước ngoài (trên cơ sở đảm bảo hiệu quả kinh tế, có trọng tâm, trọng điểm). Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, khuyến khích các đối tác thuộc mọi thành phần kinh tế ở trong nước tham gia vào các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí; nghiên cứu tìm kiếm, thăm dò các dạng hydrocarbon phi truyền thống (khí than, khí nông, khí đá phiến, hydrat khí...). Mặt khác, tăng cường nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ chủ quyền biển.

Mục tiêu cụ thể là tập trung đẩy mạnh tận thăm dò các khu vực đang khai thác ở trong nước nhằm tận dụng cơ sở hạ tầng và duy trì sản lượng khai thác. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, tìm kiếm, thăm dò nhằm gia tăng trữ lượng, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên dầu khí ở trong nước. Tiếp tục đầu tư tìm kiếm, thăm dò, khai thác ở khu vực nước sâu, xa bờ khi điều kiện thuận lợi. Tăng cường ứng dụng công nghệ mới, hiện đại trong nghiên cứu, tìm kiếm, thăm dò các bẫy chứa phi truyền thống, tối ưu việc khoan đan dày, lựa chọn đối tượng nứt vỉa thủy lực, áp dụng các công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu.

Cùng với đó, PVN tiếp tục tìm kiếm, đánh giá cơ hội mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác ra nước ngoài, tập trung vào các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Đông Nam Á, Liên bang Nga, Trung Đông...

Tại Hội thảo “Rà soát, định hướng điều chỉnh Chiến lược thăm dò, khai thác dầu khí”, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã yêu cầu các đơn vị mạnh dạn đột phá về tư duy trong đánh giá tiềm năng dầu khí, tư duy về quản lý hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí, áp dụng công nghệ tiên tiến khả thi đối với các phát hiện mới, đặc biệt là việc phát triển các mỏ nhỏ/cận biên.

Công tác thăm dò tập trung vào việc thăm dò mở rộng, tận thăm dò tại các lô/mỏ đang khai thác, có hạ tầng hoàn chỉnh; cần có đột phá về đối tượng thăm dò, tìm ra các đối tượng mới trong khu vực truyền thống; tiếp tục bám sát, chuẩn bị điều kiện, tranh thủ thời cơ thuận lợi triển khai các hoạt động thăm dò tại khu vực nước sâu, xa bờ.

Song song với đẩy mạnh công tác thăm dò, tận thăm dò cần phải thúc đẩy quyết liệt hơn nữa trong triển khai nghiên cứu, thử nghiệm các công nghệ nâng cao hệ số thu hồi dầu và đưa vào ứng dụng có hiệu quả và coi đây là nhiệm vụ định hướng chính Chiến lược thăm dò khai thác cho thời gian tới. Đẩy mạnh số hóa/chuyển đổi số, ứng dụng các giải pháp công nghệ: IoT, trí tuệ nhân tại (AI), dữ liệu lớn (big data), khoa học dữ liệu (data science)… để tối ưu hóa hoạt động, tiết giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực thăm dò, khai thác.

Xây dựng chính sách mới trong việc thu hút và đào tạo các chuyên gia, cán bộ quản trị, chuyên môn giỏi, đảm bảo bộ máy tinh gọn, hiệu quả nhằm giảm thiểu rủi ro, tăng hiệu quả đầu tư vào lĩnh vực thăm dò khai thác… Đề án tái cơ cấu lĩnh vực thăm dò khai thác cần bám sát, đồng bộ với Chiến lược thăm dò khai thác dầu khí.

Trước các yếu tố không thuận lợi, các chuyên gia cho rằng: PVN cần kiến nghị cơ chế tạo nguồn vốn và cơ chế khấu trừ chi phí (write off) đối với hoạt động khoan thăm dò/thẩm lượng, cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư đặc biệt cho các khu vực tiềm năng dầu khí hạn chế.

Đối với khu vực nước sâu, xa bờ có tiềm năng lớn cần có giải pháp cụ thể để có thể triển khai thực địa, góp phần đảm bảo gia tăng trữ lượng bù cho sản lượng đã khai thác. Bên cạnh đó, Quỹ Tìm kiếm Thăm dò có vai trò quan trọng trong thúc đẩy công tác điều tra cơ bản và tìm kiếm thăm dò, vì vậy cần tiếp tục duy trì, tăng thêm nguồn trích lập, mở rộng đối tượng sử dụng Quỹ này. Ngoài ra, việc xây dựng chiến lược phát triển khai thác đồng bộ cũng góp phần thu hút và tìm kiếm nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí.

VIỆT HÀ

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động