RSS Feed for Giải pháp nào cho PV Drilling vượt khó? | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 20:45
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Giải pháp nào cho PV Drilling vượt khó?

 - Là một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực chuyên ngành hẹp, luôn tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là khoan và các dịch vụ liên quan đến khoan nên hoạt động SXKD của Tổng công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling) chịu tác động trực tiếp từ sự suy giảm của thị trường dầu khí khi tất cả các công ty dầu khí rút ngắn chương trình khoan cắt giảm khối lượng công việc. Các tác động này dẫn đến việc giàn khoan tự nâng của PV Drilling không có đủ việc làm, hoặc chỉ có việc làm ngắn hạn với đơn giá cho thuê thấp, thậm chí thấp hơn giá vốn (hiện đơn giá giảm khoảng 65% so với năm 2014).

Phản biện của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về ngành Dầu khí Quốc gia



Có thể thấy, biến động địa chính trị, tình trạng dư thừa nguồn cung nghiêm trọng cũng như nhu cầu tiêu thụ dầu giảm là những nguyên nhân chính làm giá dầu trên thế giới giảm từ cuối năm 2014, tiếp tục giảm sâu trong năm 2015 và hiện nay vẫn chưa phục hồi ổn định.

Thị trường dịch vụ khoan dầu khí cũng chịu tác động tiêu cực khi các nhà thầu dầu dừng, tạm hoãn triển khai các chương trình khoan khiến cho nhu cầu giàn khoan giảm mạnh; việc cạnh tranh tìm kiếm việc làm giữa các giàn khoan ngày càng trở nên gay gắt hơn, gây áp lực khiến cho giá cho thuê giàn khoan sụt giảm mạnh.

Hiện nay, hiệu suất sử dụng giàn khoan tự nâng tại khu vực Đông Nam Á giảm xuống còn khoảng 54% so với thời kỳ đỉnh cao đầu năm 2014 là gần 100%. Tại Việt Nam, số lượng giàn khoan tự nâng hoạt động trung bình giảm xuống chỉ còn 9 giàn so với trước đây là trên 20 giàn.

Đối với giàn khoan nước sâu, sau khi kết thúc chiến dịch khoan cho Biển Đông POC vào tháng 11/2016, giàn khoan hiện đang chờ việc do Dự án Cá Rồng Đỏ đã bị dừng vô thời hạn, mặc dù PV Drilling đã hoàn tất đàm phán hợp đồng với Repsol Việt Nam. Bên cạnh đó, khối lượng công việc và đơn giá cho thuê của các dịch vụ liên quan đến khoan cũng giảm đáng kể, trên 60% so với năm 2014.

Ngoài các tác động từ khó khăn của thị trường dầu khí, các giàn khoan của PV Drilling còn chịu gánh nặng chi phí khấu hao do tất cả các giàn khoan đều là giàn khoan hiện đại, thuộc thế hệ mới, ít tuổi với khung thời gian khấu hao 20 năm so với thời gian 35-40 năm, thậm chí trên 40 năm của các nhà thầu khoan khác trên thế giới.

Mặc dù Bộ Tài chính đã chấp thuận cho PV Drilling được thay đổi từ phương pháp khấu hao đường thẳng sang phương pháp khấu hao theo giờ hoạt động đối với các giàn khoan phù hợp với đặc thù hoạt động cung ứng và vận hành giàn khoan; nhưng về bản chất, nếu các giàn khoan hoạt động liên tục thì các giàn khoan sẽ được khấu hao hết trong thời gian 20 năm (không có sự khác biệt với khấu hao theo đường thẳng).

Với sự khác biệt lớn về thời gian khấu hao của PV Drilling so với các đối thủ cạnh tranh khác đã làm cho PV Drilling kém cạnh tranh về giá khi tham gia đấu thầu do chi phí khấu hao cao. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn về việc làm hiện nay, làm ảnh hưởng đến kết quả SXKD. Hơn nữa, giàn khoan PV Drilling VI còn số dư nợ vay lớn (hơn 150 triệu USD) nên chịu áp lực về dòng tiền để trả nợ vay và gánh nặng chi phí lãi vay trong điều kiện giá cho thuê giàn khoan ở mức thấp.

Dù sao cũng phải ghi nhận, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, PV Drilling vẫn kiên trì vượt khó. Trong 2 năm vừa qua, PV Drilling đã đưa được các giàn khoan ra nước ngoài phục vụ các chiến dịch khoan tại các nước trong khu vực trong bối cảnh thị trường khoan trong nước không có đủ việc làm và cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ nước ngoài ngay tại sân nhà.

Theo diễn giải của lãnh đạo PV Drilling, đơn giá cho thuê giàn khoan ở nước ngoài tuy có cao hơn một chút so với thị trường trong nước, nhưng mục đích chính là việc đưa các giàn khoan ra nước ngoài hoạt động giúp PV Drilling duy trì hoạt động của các giàn khoan. Việc này nhằm đảm bảo có đủ dòng tiền để trang trải chi phí phát sinh cho các giàn, tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Ngoài ra, việc vươn ra nước ngoài còn giúp tận dụng cơ hội xây dựng thương hiệu nhà thầu khoan Việt Nam trên thị trường quốc tế, gia tăng năng lực cạnh tranh theo đúng chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tuy thị trường nước ngoài đều có những đặc thù riêng của mỗi nước, khó thâm nhập do chính sách bảo hộ, nhưng với mục tiêu mở rộng thị trường ra nước ngoài, năm 2017 PV Drilling đã đưa được 4/6 giàn khoan sở hữu ra nước ngoài hoạt động (giàn PV Drilling I hoạt động tại Thái Lan, giàn PV PV Drilling III và PV Drilling VI hoạt động tại Malaysia và giàn đất liền PV Drilling 11 hoạt động tại Algeria).

Trong suốt 4 năm thử thách của thị trường dầu khí vừa qua, bên cạnh những khó khăn và nỗ lực như kể trên, cần ghi nhận PV Drilling vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh một cách an toàn. Tuy nhiên, để đảm bảo duy trì hoạt động và an toàn tài chính cho những năm kế tiếp khi dự báo thị trường dầu khí vẫn còn khó khăn tiếp diễn, PV Drilling cần nỗ lực tiếp tục triển khai nhiều giải pháp để vượt khó, cụ thể như sau:

Thứ nhất: Giải pháp về hoạt động:

1/ Tích cực tìm kiếm hợp đồng trong nước và nước ngoài nhằm đảm bảo công việc cho các giàn khoan. Đẩy mạnh công tác phát triển ra thị trường nước ngoài đối với các dịch vụ liên quan đến khoan khác nhằm chuẩn bị nền tảng để phát triển trong tương lai.

2/ Duy trì chất lượng dịch vụ cung cấp, đảm bảo hiệu quả, an toàn trong mọi hoạt động.

3/ Tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển các loại hình dịch vụ cốt lõi, thuộc thế mạnh và do PV Drilling tự thực hiện. Đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu các dịch vụ mới nhằm duy trì hoạt động của các đơn vị, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn như hiện nay.

4/ Trong giai đoạn hình thành và phát triển thịnh vượng trước đây (2002 - 2015), PV Drilling có tiếng là một đơn vị của PVN có mô hình gọn nhẹ, hiện đại và hiệu quả. Có thời điểm với quân số chỉ hơn 2.200 CBCNV nhưng họ làm ra hơn 20 ngàn tỷ đồng doanh thu và 2.600 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, nộp NSNN hơn 3.500 tỷ. Tuy nhiên, hiện nay, đứng trước sự đi xuống của thị trường dịch vụ dầu khí, PV Drilling cần linh hoạt hơn, thu gọn hơn nữa cơ cấu, lực lượng nhân sự của bộ máy gián tiếp. Tóm lại là PV Drilling nên cân nhắc tái cơ cấu cho phù hợp với sự thay đổi.

5/ PV Drilling nên tham khảo mô hình phân nhóm của các công ty khoan/ dịch vụ kỹ thuật dầu khí lớn của nước ngoài đã từng có mặt tại Việt Nam như: ENSCO, TransOcean… (cho chuyên ngành giàn khoan), hay Baker Hughes, Schlumberger..(cho chuyên ngành dịch vụ giếng khoan). Cần thấy, đây là những công ty lớn đa quốc gia có dịch vụ liên quan ngành khoan/dịch vụ giếng khoan tương tự và là đối trọng cạnh tranh/đối tác của PV Drilling nên cần học tập các thế mạnh của họ để hoàn thiện cơ cấu hoạt động.

6/ Theo đó, các dịch vụ của PV Drilling nên phân thành hai nhóm chính đó là (1) nhóm dịch vụ cung cấp giàn khoan và (2) nhóm các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan. Riêng dịch vụ cung cấp giàn khoan, không có nhiều biến động ngắn hạn, có thể để các thành viên hay liên doanh của PV Drilling đang là đại diện sở hữu giàn khoan như hiện nay tiếp tục điều hành.

7/ Tuy nhiên, nhóm các dịch vụ kỹ thuật giếng khoan nên phân chia quản lý theo phân vùng, phân nhánh (line manager) hoặc theo sản phẩm dịch vụ. Các phân nhánh này sẽ tự quyết định việc chào giá, doanh thu, lợi nhuận và được quyền chủ động trong việc tuyển dụng theo nhu cầu phát sinh công việc. Gọi là các phân nhánh sẽ hoàn toàn chủ động và chịu trách nhiệm về cân đối chi phí và lợi nhuận (P&L).

8/ Về nhân sự, PV Drilling nên thúc đẩy mạnh mẽ hơn nội địa hóa nguồn nhân lực như đang làm trong năm 2017 vừa qua, theo đó các chức danh sỹ quan cao cấp mà người Việt có thể đảm nhận được. Có rất nhiều chức danh do người nước ngoài nắm hiện nay như vị trí Đốc công chính, Trưởng cơ khí, Trưởng điện/ tự động,... nên có chính sách chuyển đổi sang cho đội ngũ nhân sự người Việt, đi kèm là thay đổi chế độ lương, thưởng linh hoạt, giống các công ty nước ngoài hơn để khuyến khích người lao động trực tiếp.

9/ Về quỹ KHCN, PV Drilling nên tăng cường hơn nữa sử dụng hiệu quả và tập trung quỹ KHCN cho nghiên cứu khoa học, đầu tư thiết bị, công nghệ cao, hiện đại cho các lĩnh vực dịch vụ cốt lõi của mình.

10/ Quản trị chặt chẽ dòng tiền, đảm bảo nguồn vốn cho hoạt động SXKD và đầu tư; tiếp tục nỗ lực thu hồi nợ quá hạn từ PVEP. Đồng thời,

11/ Nâng cao công tác kiểm soát ngân sách và chi phí, đặc biệt là tiếp tục cắt giảm mạnh mẽ chi phí trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu khó khăn.

Thứ hai: Giải pháp về tái cấu trúc:

1/ Nhằm duy trì hoạt động SXKD trong giai đoạn khó khăn và đảm bảo hiệu quả hơn trong cơ cấu tổ chức quản lý, PV Drilling đã triển khai đánh giá toàn diện tình hình hoạt động SXKD cũng như mô hình hoạt động của các đơn vị để lập kế hoạch và triển khai thực hiện tái cấu trúc phù hợp với yêu cầu và tình hình hoạt động trong thời gian tới.

2/ Việc thực hiện công tác tái cấu trúc nhằm phân bổ lại nguồn lực, sáp nhập các đơn vị có hoạt động trùng lặp, hoặc có ít việc làm trong thời gian tới, nâng cao hiệu quả hoạt động.

3/ Theo đó, nên xem xét rút gọn, hoặc giải thể, thoái bớt vốn tại các đơn vị kém hiệu quả và đang cung cấp các dịch vụ mà PV Drilling không chủ động được đầu vào. Hiện nay các đơn vị nên xem xét tái cấu trúc theo hướng thoái bớt vốn (PVD Deepwater, PVD Tubular) hoặc giải thể đó là : PVD-PTI, PVD- Oilstates, nhằm tập trung nguồn lực vào các ưu tiên trọng tâm còn lại.

4/ Thực hiện tái cơ cấu các khoản vay bằng cách giãn thời gian trả nợ vay phù hợp với kế hoạch dòng tiền, đồng thời xem xét xin giảm lãi vay trong giai đoạn khó khăn để giảm áp lực chi phí lãi vay.

5/ Kiến nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giảm tỷ lệ sở hữu vốn Nhà nước tại PV Drilling để tạo cơ hội cho các cổ đông là các Công ty dịch vụ kĩ thuật dầu khí nước ngoài trở thành cổ đông chiến lược, tạo cơ chế linh hoạt trong các hoạt động dịch vụ của PV Drilling, đặc biệt hợp tác đưa các dịch vụ ra nước ngoài. Bên cạnh đó, việc này còn giúp PV Drilling nâng cao nguồn lực tài chính.

6/ Khó khăn của PV Drilling hiện nay, ngoài lý do đến từ khách quan là nhu cầu dịch vụ giảm và tác động của thị trường còn là cơ cấu vốn Nhà nước và các chồng lấn về mặt quản lý Nhà nước thông qua PVN. Dễ thấy là tất cả các phương án nhân sự, quy chế tiền lương, phương án đầu tư kinh doanh… của PV Drilling đều phải được PVN phê chuẩn. Theo góc nhìn quản trị điều hành, gọi là can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp khi họ đã có HĐQT và cổ đông giám sát.

7/ Về mặt này, sẽ làm chậm nhịp độ và tính chủ động của ban lãnh đạo PV Drilling khi ngành nghề cốt lõi của họ là dịch vụ chuyên biệt - cần tính tự quyết rất cao thông qua cổ đông. Vì vậy, thiết nghĩ PV Drilling nên cho triển khai ngay đề án tái cơ cấu đã được phê duyệt để doanh nghiệp hoạt động hiểu quả hơn. Ngoài ra,

8/ Sau khi kiện toàn nhân sự cao cấp ở PV Drilling, PVN cũng nên xem xét sớm thoái bớt vốn để PV Drilling tạo đột phá và chủ động hơn trong các định hướng kinh doanh theo đúng thông lệ kinh tế thị trường.

Thứ ba: Giải pháp về khấu hao:

Như trình bày ở trên, khung thời gian khấu hao cho giàn khoan của các công ty khoan trên thế giới nằm trong khoảng 35 - 40 năm, thậm chí trên 40 năm trong khi thời gian khấu hao các giàn khoan PV Drilling đang sử dụng chỉ có 20 năm. Trên thế giới có trên 50% các giàn khoan đang hoạt động có tuổi thọ trung bình 38,2 năm.

Ngoài ra, thời gian giàn khoan có thể cung cấp dịch vụ không chỉ phụ thuộc vào tuổi của giàn khoan mà còn phụ thuộc vào việc tuân thủ các quy định về bảo trì, bảo dưỡng. Các giàn khoan của PV Drilling hiện đang thực hiện và tuân thủ nghiêm ngặt chế độ và các quy định về bảo trì, bảo dưỡng giàn khoan, luôn đảm bảo hoạt động an toàn, hiệu quả.

Vì vậy, PV Drilling cần kiến nghị các cơ quan chức năng cho phép áp dụng thời gian khấu hao giàn khoan tương thích với các nhà thầu khoan khác nhằm đảm bảo phù hợp với thời gian hoạt động hữu ích của các giàn khoan. Việc thay đổi phương thức khấu hao sẽ giúp cho PV Drilling gia tăng năng lực tranh với các đối thủ nước ngoài, hỗ trợ giải quyết phần nào các khó khăn PV Drilling đang phải đối mặt.

Thứ tư: Giải pháp về chính sách/chế độ:

Thị trường dầu khí hiện đang rất khó khăn, công việc khan hiếm. Tuy nhiên, tại Việt Nam, Nhà nước chưa có chính sách bảo hộ cho các doanh nghiệp dịch vụ dầu khí trong nước, đặc biệt là ngành đặc thù như PV Drilling, ngoài các hoạt động khoan thăm dò còn là xác lập chủ quyền và an ninh biển đảo.

Theo đó, cần ưu tiên sử dụng các dịch vụ trong nước như các nước trong khu vực nên PV Drilling phải cạnh tranh khốc liệt với các nhà thầu khoan nước ngoài ngay trên sân nhà. Một số thay đổi trong chính sách ưu tiên sử dụng dịch vụ trong ngành gần đây cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến PV Drilling.

Việc triển khai phát triển các dịch vụ ra nước ngoài để giảm sự phụ thuộc vào thị trường nội địa của PV Drilling trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do các nước trong khu vực đang bảo hộ mạnh mẽ nhà thầu trong nước, đặc biệt cho ngành công nghiệp dầu khí, điển hình là Malaysia và Indonesia.

Vì vậy, PV Drilling nên kiến nghị các bộ, ban, ngành xem xét một số cơ chế/chính sách đặc thù để có thể phát huy hết năng lực và vai trò của nhà thầu khoan duy nhất tại Việt Nam như:

1/ Ưu tiên PV Drilling cung cấp dịch vụ cho các công tác khoan và dịch vụ khoan phục vụ công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Mục tiêu là khi giàn khoan của PV Drilling chưa có đủ việc làm thì không cho phép nhà thầu mang giàn khoan của công ty nước ngoài vào Việt Nam làm việc, phù hợp với chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam.

2/ Xây dựng hàng rào kỹ thuật/hàng rào thuế quan tương tự các nước trong khu vực (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Myanmar,...) nhằm tạo ưu thế cho các công ty dịch vụ kỹ thuật dầu khí trong nước, đồng thời tăng nguồn thu cho Ngân sách Nhà nước.

3/ Cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác đấu thầu dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng khoan dầu khí theo hướng áp dụng quy định của Luật Dầu khí thay vì Luật Đấu thầu để tạo thuận lợi nhất định cho PV Drilling khi tham gia đấu thầu trong nước.

4/ Xem xét sửa đổi các chính sách hỗ trợ nội địa hóa dịch vụ tiện ren (như cấm nhập khẩu ống thép cắt ren sẵn) nhằm tạo ưu thế cho các sản phẩm ống thép tiện ren trong nước để khai thác nguồn lực hiện có của các nhà máy tiện ren của PV Drilling (như Vietubes, PVD Offshore, PVD Tech, PVD-Oil States) về ống ren và phụ kiện, thực hiện đúng chủ trương nội địa hóa đối với thị trường này.

Với việc nỗ lực thực hiện các giải pháp nêu trên, chúng tôi tin rằng, PV Drilling sẽ tự tin vượt qua được khó khăn và chuẩn bị sẵn sẵng cho sự phát triển trong tương lai khi thị trường dầu khí phục hồi.

NGUYỄN LÊ MINH - MAI VĂN THẮNG


Chú thích: Trong bài có sử dụng một số thông tin của PVD

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động