Giải pháp môi trường trong khai thác than ở Quảng Ninh
13:26 | 29/11/2016
Tiếp tục kiểm soát môi trường ở các nhà máy nhiệt điện than
Bắt đầu giám sát môi trường tại Nhiệt điện Quảng Ninh
NGUYỄN THỊ HUỆ, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh
Nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, Quảng Ninh đã xây dựng triển khai nhiều quy hoạch có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Ninh đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020; Quy hoạch vùng cấm hoạt động khai thác khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khai thác khoáng sản (HĐKTKS) trên địa bàn.
Theo đó, duy trì 5 khu vực cấm và 4 khu vực hạn chế hoạt động khoáng sản than, đồng thời bổ sung thêm 17 khu vực khoanh định cấm HĐKTKS với tổng diện tích trên 181.000 ha, khoanh định 3 khu vực tạm thời cấm HĐKTKS, tổng diện tích gần 40.000 ha. Những khu vực cấm và tạm thời cấm HĐKTKS này phù hợp với Luật khoáng sản.
Đồng thời, tỉnh cũng triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp, giải tỏa bến bãi chế biến, tiêu thụ than trái phép và quy hoạch đường vận chuyển, cảng bến xuất than.
Nguy cơ ô nhiễm môi trường từ khai thác than
Quảng Ninh có vùng khai thác, chế biến tiêu thụ than với phạm vi rộng, trải dài từ Đông Triều, Uông Bí, Hoành Bồ, Hạ Long và Cẩm Phả, gồm 24 mỏ lộ thiên và 49 mỏ hầm lò. Tuy nhiên, trong quá trình khai thác than - khoáng sản, con người cũng đã và đang trực tiếp làm thay đổi môi trường xung quanh, phá vỡ cân bằng của tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, những biến đổi địa hình và cảnh quan diễn ra chủ yếu ở khu vực khai thác lộ thiên. Các bãi đổ thải tạo nên những quả đồi ở Cọc Sáu cao 280 m, nam Đèo Nai có độ cao 200 m, đông Cao Sơn cao 250 m, Đông Bắc Bàng Nâu cao 150 m và Núi Béo cao 240 m… Bãi thải thường có sườn dốc tới 350 m. Nhiều moong khai thác lộ thiên tạo nên địa hình âm có độ sâu từ 50 - 150 m dưới mực nước biển trung bình (các mỏ Cọc Sáu, Hà Tu, Núi Béo…). Đất đai khu vực khai thác mỏ thường bị bóc đi lớp đất màu, dễ bị xói mòn, nên không thuận lợi cho việc tái phủ xanh rừng, làm cho nhiều loại động vật quý hiếm trong khu vực phải di cư hoặc bị tiêu diệt.
Bên cạnh đó, nước thải công nghiệp của ngành than thải ra gây ô nhiễm nguồn nước mặt, ảnh hưởng đến hệ thống sông suối, hồ vùng ven biển. Đối với nguồn nước ngầm, do đào moong và khai thác đã làm suy thoái, cạn kiệt, nguồn nước ô nhiễm các tầng chứa nước ngọt như một số hồ thủy lợi ở vùng Đông Triều bị chua hóa làm ảnh hưởng đến chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Mặt khác, môi trường không khí các khu vực khai thác khoáng sản bị ô nhiễm do bụi, khí độc, khí nổ và tiếng ồn, đặc biệt tại khu vực Cẩm Phả, Uông Bí, Mạo Khê và các phường Hà Khánh, Hà Lầm, Hà Trung, Hà Tu, Hà Phong - TP. Hạ Long. Hàm lượng bụi tại các khu vực khai thác, chế biến than đều vượt tiêu chuẩn cho phép (TCCP) từ 1,2 - 5,2 lần; tại khu dân cư lân cận vượt TCCP 3,3 lần.
Một số giải pháp BVMT trong khai thác than
Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp áp dụng sản xuất thân thiện với môi trường. Mặt khác, các doanh nghiệp cần tuân thủ và thực hiện nghiêm túc các quy định về BVMT; xây dựng và thực thi chiến lược kinh doanh thân thiện với môi trường; đổi mới công nghệ, cải tiến thiết bị khai thác than nhằm tăng năng suất lao động và BVMT.
Đối với các mỏ than khai thác lộ thiên, cần đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng các loại thiết bị có công suất lớn, phù hợp với quy mô, điều kiện của từng mỏ, như lựa chọn máy khoan xoay đập thủy lực có đường kính khoan 160 mm, máy xúc cơ hay thủy lực gầu ngược có dung tích 15 m3, sử dụng xe ô tô tự đổ trọng tải loại 50 - 110 tấn.
Đối với các mỏ khai thác hầm lò, sử dụng sơ đồ công nghệ cơ giới hóa đồng bộ khấu than theo hướng dốc, áp dụng cho những vỉa dày trung bình, dốc đứng, vỉa ổn định theo đường phương và hướng dốc với công suất lò chợ 0,2-0,5 triệu tấn/năm. Sử dụng cột thủy lực đơn cùng khoan nổ mìn hoặc máy khấu liên hợp trong các vỉa than dày 2,5 m, độ dốc 35º, công suất lò chợ 150 - 300 nghìn tấn/năm.
Đồng thời, phải thường xuyên sửa chữa, cải tạo các hệ thống đê đập chắn đất đá thải hiện có và xây dựng mới các đê đập chắn đất đá thải, đảm bảo hạn chế tối đa sự trôi lấp đất đá thải làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đặc biệt, cần tiến hành cải tạo đất, trồng cây gây rừng tại các khu vực đã kết thúc đổ thải.
Cùng với việc hoàn thiện công tác đánh giá tác động môi trường, các đơn vị sản xuất kinh doanh than phải quan tâm đến công tác cải tạo, phục hồi môi trường nhằm thực thi các quy định về ký quỹ. Tại các khai trường mỏ thuộc dạng biến đổi lớn, cải tạo thành các hồ chứa nước và tái tạo hệ sinh thái dưới nước, vùng xung quanh bờ; hoặc cải tạo các moong khai thác cũ thành hồ chứa nước phục vụ cho hoạt động công nghiệp (khai thác hầm lò, công tác sàng tuyển than... hoặc sinh hoạt của nhân dân). Với các khai trường mỏ thuộc dạng có biến đổi, cải tạo thành đất xây dựng khu công nghiệp, định cư, canh tác, trồng rừng hoặc cây công nghiệp, công trình phúc lợi như công viên cây xanh, du lịch...
NangluongVietnam Online