RSS Feed for Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [2] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 03/11/2024 22:38
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [2]

 - Nhờ giá dầu thấp, nên mặc dù các dự báo về tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2015 - 2020 cho các nước Đông Nam Á đã được điều chỉnh hạ thấp so với dự báo cuối năm 2014 xuống còn dưới 5,3 %, nhưng phần lớn các nền kinh tế nhập khẩu dầu ròng ở khu vực này vẫn giữ được mức gia tăng GDP của mình cao hơn so với các nước khác trên thế giới. Tóm lại, các nước ở Đông Nam Á nhập khẩu dầu ròng hưởng lợi từ giá dầu rẻ với mức độ khác nhau.

Đông Nam Á đối phó giá dầu thấp và kiến nghị cho Việt Nam [1]

KỲ 2: CÁC QUỐC GIA NHẬP KHẨU DẦU RÒNG

TS. TRẦN NGỌC TOẢN [*]

Indonesia

Là một nước đông dân, trình độ dân trí và mức độ phát triển kinh tế ở các địa phương rất khác nhau nên tác động của giá dầu thấp đối với từng vùng, từng ngành kinh tế cụ thể cũng rất khác nhau.

Đối với những đảo có công nghiệp khai thác dầu khí phát triển thì tác động tiêu cực của giá dầu thấp rất rõ vì nguồn thu ngân sách không chỉ của chính phủ mà cả của địa phương cũng giảm mạnh, ảnh hưởng đến tốc độ và quy mô đầu tư cho các công trình công ích, các cơ sở hạ tầng, nhiều đề án bị giãn tiến độ, hoặc bị hủy bỏ. Do vậy, tỷ lệ thất nghiệp tăng đột ngột, các công ty, hoặc hộ dịch vụ cho các hoạt động dầu khí - nhất là dịch vụ đời sống mất khách hàng, lợi thế hấp dẫn đầu tư nước ngoài vào địa phương suy yếu. Hệ lụy là đời sống cư dân khó khăn do thu nhập thấp càng tạo môi trường thuận lợi cho các thế lực hồi giáo cực đoan hoạt động, tạo ra nhiều biến động xã hội phức tạp.

Đối với các địa phương có các ngành sản xuất hàng hóa tiêu dùng, xuất khẩu tiêu thụ nhiều năng lượng lại hưởng lợi nhờ giá thành sản phẩm giảm tỷ lệ với mức suy giảm giá nhiên liệu trên thị trường, giúp giá thành thấp, có sức cạnh tranh cao hơn trước.

Theo Financial Times, nhờ giá dầu rẻ, Indonesia từ nhiều năm nay tuy không còn là nước thành viên đầy đủ của OPEC đã tiết kiệm được 8 tỷ USD tiền nhập khẩu xăng và đã giảm được 1/3 số tiền trợ cấp nhiên liệu cho người dân theo chính sách năng lượng nội địa. Số tiền nói trên đã giúp gia tăng 1,1% GDP năm 2014 và năm 2015  là 1,5-2%. Lạm phát tính đến cuối năm 2014 đã giảm từ 8% xuống còn 1,5%.

Hội Dầu khí Indonesia cho biết, các tổ chức dầu khí Indonesia phải giảm chi phí đầu tư đến 20%/ năm trong giai đoạn giá dầu thấp dưới mức 40 USD/thùng, riêng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Pertamina có thế cắt giảm vốn đầu tư đến một nửa do thiếu ngân sách.

"Cũng do giá dầu xuống thấp nên đầu tư nước ngoài vào các đề án dầu khí biển, nhất là biển sâu ở Indonesia cũng bị giảm. Năm 2014, thu nhập từ thuế dầu khí chỉ chiếm 14,4% ngân sách quốc gia trong lúc trợ cấp cho ngành điện và xăng dầu chiếm đến 20%", theo thông tin từ Tổ chức tình báo địa - chính trị Stratfor.

Tuy nhiên, cả trong trường hợp nếu thu nhập của chính phủ từ nguồn dầu khí năm 2015 giảm đi một nửa thì việc giảm, hay loại bỏ trợ giá năng lượng vẫn giúp cho nước này có tiền để có thể tăng chi phí cho các dịch vụ xã hội và xây dựng cơ sở hạ tầng như đã dự kiến trong kế hoạch nhà nước.

Các giải pháp đối phó với hiệu ứng tiêu cực từ giá dầu thấp của Pertamina cũng tương tự như nội dung của các công ty dầu khí khác. Điều đáng lưu ý là chính phủ Indonesia đã 2 lần thay đổi luật dầu khí theo hướng dứt khoát chuyển Pertamina sang thành một tập đoàn sản xuất, kinh doanh bình thường, bình đẳng với các tập đoàn kinh tế khác, không còn làm một số chức năng quản lý nhà nước trong các hoạt động dầu khí. Theo đó, mọi đề án, công trình được nhận thông qua đấu thầu công khai, minh bạch như các công ty dầu khí tư nhân trong nước và nước ngoài, được tự chủ sử dụng vốn đầu tư của chính phủ và nộp thuế, nộp ngân sách nhà nước theo quy định của luật pháp, không có các ưu đãi gắn với tính chất độc quyền của một doanh nghiệp quốc doanh như trước khủng hoảng giá dầu.

Giải pháp này có lẽ đã góp phần to lớn trong việc đấu tranh xóa bỏ tình trạng tham nhũng nặng nề trong ngành dầu khí Indonesia trước kia.

Thái  Lan

Thái Lan là nước áp dụng chế độ hợp đồng tô nhượng dầu khí với các công ty nước ngoài và là nước nhập khẩu năng lượng lớn nhất ở Đông Nam Á nên được hưởng lợi nhiều nhất nhờ giá dầu rẻ. Nguồn thu từ công nghiệp khai thác dầu khí nội địa chỉ chiếm 3,5%GDP (2014) và nước này chỉ phải chi khoảng 15% GDP cho nhập khẩu dầu mỏ trong năm 2015 - mặc dù khối lượng dầu thô nhập khẩu tăng 5,5% so với năm 2014.

Chính phủ Thái Lan vẫn duy trì chương trình trợ cấp giá nhiên liệu cho các hộ nghèo vì khối lượng tiền trợ cấp này không còn đáng kể, ít ảnh hưởng đến ngân sách.

Theo Stratfor, ngành năng lượng Thái Lan dựa chủ yếu vào khí đốt, trong đó 70% là từ nguồn nhập khẩu từ Myanmar bằng đường ống nên giá tương đối cao. Do đó Thái Lan đẩy mạnh phát triển công nghiệp khí đốt nội địa kết hợp với nhập khẩu LNG.

Kể từ tháng 9/2009, lần đầu tiên trong tháng 1/2015 lạm phát ở Thái Lan đã có giá trị âm, GDP tăng được 0,5 điểm, chủ yếu là do giá dầu rẻ.

Tương lai của ngành dầu khí thượng nguồn của Thái Lan không có nhiều thuận lợi vì trữ lượng tài nguyên dầu khí nội địa không lớn, diện tích các bể trầm tích ở biển và trên đất liền hạn chế và các mỏ đang khai thác đang dần chuyển sang giai đoạn cạn kiệt. Vì thế chiến lược dầu khí Thái Lan hướng sang phát triển công nghiệp lọc - hóa dầu với mục tiêu đưa Thái Lan thành một trung tâm cung cấp, phân phối nhiên liệu và nguyên liệu từ dầu khí cho khu vực (giống như mô hình của Singapore).

Để giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong nước, Thái Lan chủ trương đầu tư đưa các nhà máy lọc - hóa dầu ra nước ngoài. Trong nhiều năm nay, PTT Thái Lan chú trọng đến các nguồn tài nguyên dầu khí phi truyền thống và bước đầu tham gia vào ngành công nghiệp năng lượng xanh, tái tạo. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài của PTT (mua tài sản dầu khí ở nước ngoài, góp vốn đầu tư, tự khai thác, hoặc hợp tác với các công ty dầu khí khác khai thác một số mỏ, vv…) với quy mô nhỏ và hướng vào các đối tượng ít rủi ro - nhất là rủi ro chính trị, an ninh.

Myanmar

Mặc dù từ 1963 trở về trước, tài nguyên dầu khí Myanmar nằm trong tay nước ngoài và là nước có thùng dầu xuất khẩu đầu tiên trên thế giới (từ 1853) nhưng trữ lượng phát hiện trong nước chỉ chủ yếu trên đất liền, hoạt động dầu khí biển chỉ mới bắt đầu gần đây nên không lớn.

Tuy nhiên, ngành dầu khí đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí năm 2013 chiếm 40% trong tổng giá trị xuất khẩu.

Về mặt nhà nước, để giảm tác động tiêu cực của giá dầu thấp Myanmar đề ra các biện pháp quản lý sau:

1/ Ưu tiên đáp ứng nhu cầu nội địa.

2/ Xây dựng chiến lược phát triển năng lượng bền vững.

3/ Áp dụng chính sách sử dụng rộng rãi năng lượng tái sinh, năng lượng mới và sử dụng năng lượng hiệu quả, tiết kiệm cũng như sử dụng năng lượng thay thế cho dân sinh (household).

4/ Sử dụng nguồn thu từ các phát hiện dầu khí phục vụ cho lợi ích toàn dân một cách có hiệu quả, công bằng giữa các bang và cho phép kinh tế tư nhân tham gia nhiều hơn vào ngành năng lượng.

5/ Về đối ngoại, Myanmar sẽ giảm xuất khẩu khí đốt cho Thái Lan và tăng nguồn thu thông qua phí dẫn dầu khí bằng đường ống quá cảnh Myanmar - Trung Quốc.

Philippine, Singapore, Lào, Campuchia

Philippine cũng là nước hưởng lợi lớn từ giá dầu rẻ, đặc biệt là chính phủ nước này không còn phải trợ giá năng lượng, mặc dù các đề án dầu khí bị giảm đầu tư.

Theo ANZ Research, giá dầu rẻ sẽ giúp giảm lạm phát trong năm 2015 đến 3%, tạo cơ hội cho ngân hàng trung ương của nước này dễ dàng triển khai thực hiện chính sách tiền tệ và cho phép chính phủ gia tăng thu nhập thông qua đẩy mạnh vận tải bằng đường sắt dùng động cơ điện.

Sản lượng dầu khí hiện nay của Philippine không đáng kể so với nhu cầu. Chủ trương hợp tác với Trung Quốc thăm dò - khai thác dầu khí biển, nhưng không có thông tin về giữ được quyển chủ quyền nước chủ nhà theo Luật quốc tế biển nên được dư luận bàn cải nhiều xung quanh chủ đề này - vì điều đó có nghĩa là chấp nhận các vùng trên thềm lục địa không tranh chấp thành vùng tranh chấp với Trung Quốc.

Chi phí năng lượng với giá rẻ cũng có tác động tích cực đối với các nước nhập khẩu xăng dầu hoàn toàn như: Singapore, Lào, Campuchia. (Đón đọc kỳ tới)

[*] TS. Trần Ngọc Toản hiện đang tham gia công tác tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Công nghệ cao (Đại học Duy Tân Đà nẵng) và Hội đồng Phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam.

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

Tài liệu tham khảo:

[1].Trần Ngọc Toản: Ngành dầu khí làm gì khi giá dầu thấp (Năng lượng Việt Nam số 133+134,tháng 6+7/2016, trang 17-20).

[2] Trần Ngọc Toản: Đối phó với giá dầu thấp - Kinh nghiệm của Petronas và Petrobras (Năng lượng Việt Nam số 140-141,tháng 1+2/2017, trang 16-19).

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động