Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ cuối]
10:21 | 28/12/2018
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 5]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 6]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 7]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 8]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 9]
KỲ CUỐI: GIẢI PHÁP CUNG CẤP ĐIỆN HIỆU QUẢ CHO NGÀNH NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP
Các yêu cầu đối với người nuôi tôm công nghiệp
Thứ nhất: Tuân thủ việc mở ao, triển khai nuôi trồng theo vùng, khu vực đã được tỉnh, huyện quy hoạch cho sản xuất chuyên canh, tại các nơi được quy hoạch đã có đủ các điều kiện về diện tích ao ươm, ao nuôi; kênh cấp nước sạch, hệ thống thoát nước; đường giao thông và hạ tầng lưới điện 3 pha.
Thứ hai: Cần đầu tư có bài bản ngay từ ban đầu, trong đó xác định loại hình sản xuất: bán thâm canh, thâm canh hay siêu thâm canh, quy cách (ao đất, ao rải bạt,...), số lượng các ao nuôi, tùy theo khả năng về vốn, kinh nghiệm và nhân lực.
Thứ ba: Cần áp dụng các biện pháp công nghệ trong: bơm nước, xử lý, thoát nước; vệ sinh ao ươm, ao nuôi; bố trí và vận hành các máy bơm điện sục ô xy tầng đáy; bố trí các giàn quạt sục ô xy bề mặt, trong đó cần thiết sử dụng các gối đỡ dạng con lăn, giảm lực ma sát; thay đổi lắp đặt đồng trục động cơ điện với trục giàn quạt bằng cách đặt động cơ trên dàn phao nổi đồng mức với dàn phao quạt sục (nếu bố trí che chắn nước ao, nước mưa hợp lý, cách điện theo quy chuẩn và có trang bị đủ các cầu dao, aptomat và tiếp đất chống rò điện thì khi vận hành sẽ luôn an toàn). Người nuôi tôm cũng cần sử dụng loại động cơ có hiệu suất cao, có thương hiệu đảm bảo. Và nếu có điều kiện tài chính, có thể đầu tư thêm tụ bù hạ thế và bộ biến tần để vừa đảm bảo được điện áp để động cơ vận hành hiệu quả, giảm tổn hao, vừa điều khiển được tốc độ quạt phù hợp theo kỳ sinh trưởng của con tôm.
Cùng với các kỹ thuật cần thiết như chọn con giống, chọn nguồn thức ăn, sử dụng thuốc phòng và chữa bệnh cho tôm,... khi thực hiện tốt các yêu cầu về sử dụng điện như trên, cơ hội thành công trong kinh doanh của người nuôi tôm sẽ rất cao.
Các yêu cầu - giải pháp đối với các địa phương
Trước hết: Cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng nuôi tôm công nghiệp, trong đó không chỉ đưa ra định hướng, mà cần thiết kế cụ thể vùng nuôi tôm có đủ các điều kiện về hạ tầng kênh mương nước, giao thông, và đặc biệt là có sẵn hoặc có kế hoạch đầu tư xây dựng lưới điện 3 pha. Các tỉnh trong vùng ĐBSCL cần tổ chức hội thảo, phổ biến kinh nghiệm các mô hình quy hoạch vùng tôm tập trung phù hợp với điều kiện địa lý, thủy văn và cơ sở hạ tầng điện của mình, đồng thời học hỏi kinh nghiệm lập các vùng chuyên canh tôm công nghệ cao (như tại tỉnh Bạc Liêu).
Thứ hai: Phối hợp với EVNSPC và các công ty điện lực địa phương tổ chức, triển khai các chương trình tập huấn, hội thảo, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về việc tuân thủ quy định sản xuất trên vùng đã được quy hoạch; áp dụng các quy định về an toàn điện và công nghệ sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm như nêu ở trên.
Thứ ba: Phối hợp chặt chẽ với ngành điện để tìm và huy động các nguồn vốn, đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước như: Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương bố trí ưu tiên nguồn vốn ngân sách, tranh thủ nguồn vốn ưu đãi từ các tổ chức quốc tế cho đầu tư xây dựng, nâng cấp lưới điện 3 pha tại các vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, đem lại lợi ích hài hòa giữa các bên.
Thứ tư: Tạo điều kiện bố trí đất, giải tỏa mặt bằng và hành lang tuyến để ngành điện triển khai xây dựng, lắp đặt các thiết bị trạm, đường dây trung - hạ áp, phục vụ nuôi tôm tập trung và các nhu cầu sản xuất và đời sống người dân.
Các yêu cầu - giải pháp đối với ngành điện
Thứ nhất: Thực hiện Nghị quyết số 79/QĐ-TTg, ngày 18/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về "Kế hoạch hành động Quốc gia (KHHĐQG) phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025", Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cần thiết cho lập một Đề án về: "Chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng điện 3 pha cho các vùng sản xuất tôm tập trung". Trong đó bao gồm các nội dung:
1/ Phân tích đánh giá các bất cập, khó khăn hiện tại trong cung cấp và sử dụng điện tại các vùng nuôi tôm, tính tự phát, phân tán, thất thường, không theo các vùng quy hoạch nuôi tôm tập trung của người dân sản xuất kinh doanh nghề tôm; đề ra và kiến nghị với địa phương các giải pháp khắc phục.
2/ Đánh giá nỗ lực và các kết quả thực hiện vừa qua của ngành điện trong đầu tư phát triển/ nâng cấp lưới điện phục vụ nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Trong điều kiện khó khăn, năm 2018 EVNSPC đã huy động được gần 7.450 tỷ đồng để xây dựng lưới điện khu vực miền Nam, đến cuối năm 2018 đã có 100% xã phường, 7,81 triệu hộ - đạt tỷ lệ 99,48% số hộ được cấp điện lưới. Lưới điện cấp cho nuôi tôm tập trung đã được tăng cường đáng kể.
3/ Phân tích kinh tế - kỹ thuật của lợi ích khi sử dụng lưới điện 3 pha so với lưới điện 1 pha trong cấp điện cho các máy bơm, giàn quạt tại ao tôm, từ đó đưa ra khuyến nghị mô hình sử dụng điện hợp lý với từng quy mô nuôi trồng.
4/ Nêu và khẳng định hiệu quả thực sự của các chương trình thí điểm và hỗ trợ người nuôi tôm của EVNSPC về cải tiến công nghệ, sử dụng điện tiết kiệm.
5/ Sự phối hợp giữa các cấp địa phương và ngành điện trong đầu tư xây dựng lưới điện, trong phổ biến, tuyên truyền người dân về an toàn và sử dụng điện hiệu quả trong khu vực nuôi tôm. Từ đó,
6/ Chương trình phối hợp với UBND và các sở ngành địa phương lập/cập nhật danh mục chi tiết các công trình lưới điện 3 pha cần đầu tư trong giai đoạn 2018 - 2020 và giai đoạn 2021 - 2025 tại các vùng đã được quy hoạch nuôi tôm tập trung, xác định nhu cầu vốn đầu tư và phân vùng có trọng điểm, vùng có nhu cầu cấp bách ưu tiên đầu tư; lập kế hoạch triển khai xây dựng các hạng mục trong toàn giai đoạn và trong từng năm kế hoạch.
7/ Đề xuất các giải pháp tìm và huy động nguồn vốn cho đầu tư hạ tầng lưới điện 3 pha, bao gồm vốn đầu tư xây dựng, vốn sửa chữa lớn của EVN các các đơn vị thành viên, hỗ trợ vốn/ứng vốn từ ngân sách địa phương, ứng vốn từ các doanh nghiệp kinh doanh nuôi tôm (ngành điện hoàn trả vốn sau một, hai vụ tôm), v.v...
Thứ hai: Ngành điện cần thiết huy động nguồn lực để triển khai tiếp các thí điểm mô hình hiệu quả về sử dụng động cơ hiệu suất cao, lắp đặt bộ biến tần, tụ bù... nhân rộng các mô hình tiết kiệm điện ra toàn vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Nam.
Thứ ba: EVNSPC và các công ty thành viên cần nghiên cứu, thí điểm thực nghiệm các giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo quy mô doanh nghiệp, hộ gia đình tại khu vực nuôi tôm như: lắp đặt nguồn điện mặt trời áp mái, hoặc nhà máy điện mặt trời quy mô nhỏ vài chục đến vài trăm kW, cấp điện trực tiếp cho các giàn quạt nước và máy bơm. Nếu kết quả khả quan có thể cùng với địa phương phổ biến, nhân rộng mô hình.
Thứ tư: Kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương (Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Tài Chính...) hỗ trợ ngành điện và các địa phương trong bố trí ngân sách, tranh thủ các nguồn vốn tài trợ ưu đãi quốc tế để đầu tư lưới điện 3 pha tại các vùng nuôi tôm CN. Đồng thời kiến nghị các bộ, ngành nghiên cứu hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đối với các thiết bị máy móc trong sản xuất nông nghiệp nói chung và trong nuôi tôm CN nói riêng. Kiến nghị đưa nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển lưới điện cấp cho vùng tôm vào "Đề án phát triển ngành công nghiệp tôm Việt Nam đến năm 2030", do Bộ NN&PTNT đang chủ trì thực hiện.
Với chiến lược xoay trục trong nông nghiệp: Thủy sản - Trái cây - Lúa gạo, các chính sách và giải pháp hỗ trợ người nông dân và nghề nông của Nhà nước đã mang lại những thành quả lớn. Ngày nay đã có nhiều người dân và doanh nghiệp nuôi tôm công nghiệp sản xuất hiệu quả, thu lời tới hàng tỷ đồng/ha/vụ. Thiết nghĩ, khi có sự vào cuộc chung tay, nỗ lực của các cơ quan quản lý Nhà nước từ Trung ương tới địa phương và ngành điện, thực hiện các giải pháp hợp lý trong cung cấp và sử dụng điện, chắc chắn ngành công nghiệp tôm sẽ ngày càng phát triển bền vững, khẳng định vị trí thứ ba thế giới hiện nay về xuất khẩu tôm, tạo sinh kế và ngày càng nâng cao đáng kể đời sống người nông dân.
THS. NGUYỄN ANH TUẤN - THS. HOÀNG DƯƠNG MINH