RSS Feed for Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 8] | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ hai 23/12/2024 18:06
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 8]

 - Hiện nay, nguồn vốn đầu tư rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lưới điện 3 pha đảm bảo cấp điện cho các khu vực nuôi tôm công nghiệp là rất lớn. Do đó Công ty Điện lực Cà Mau kiến nghị Nhà nước, Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho khu vực nuôi tôm. Đưa nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp của Tỉnh vào Đề án phát triển ngành tôm quốc gia Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 1]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 2]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 3]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 4]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 5]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 6]
Điện cho phát triển thủy sản ở ĐBSCL: Hiện trạng và giải pháp [Kỳ 7]

KỲ 8: CÔNG TY ĐIỆN LỰC CÀ MAU: KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CẤP ĐIỆN CHO NUÔI TÔM CÔNG NGHIỆP

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Cà Mau được cấp điện thông qua 01 trạm biến áp 220kV (250MVA+125MVA) và 9 trạm biến áp 110kV do Công ty Lưới điện Cao thế miền Nam quản lý vận hành bao gồm: Trạm 110kV Cà Mau (2x63MVA), An Xuyên (2x40MVA), Cái Nước (40MVA), Tân Hưng Tây (40MVA), Ngọc Hiển (40MVA), Đầm Dơi (2x25MVA), Trần Văn Thời (40MVA), Khánh An (63MVA), Sông Đốc (40MVA) với tổng dung lượng 479MVA.

Tổng số phát tuyến trung thế: 42 phát tuyến từ 09 trạm 110kV trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Trên địa bàn tỉnh hiện có 01 trạm 220kV Cà Mau 2 cung cấp cho lưới điện 110kV của tỉnh. Nhìn chung với kết cấu lưới 220kV, 110kV hiện tại và chuẩn bị triển khai trong thời gian tới sẽ đảm bảo cung cấp điện tin cậy và ổn định cho tỉnh Cà Mau.

Hiện tại, các huyện chưa có trạm 110kV gồm: Ngọc Hiển, Thới Bình, U Minh, các huyện này được cấp điện từ các phát tuyến 22kV của các trạm 110kV trong khu vực.

Trong năm 2017 và 07 tháng đầu năm 2018, Công ty Điện lực Cà Mau đã đảm bảo cung cấp điện an toàn và liên tục cho khách hàng trên địa bàn để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, không điều hòa tiết giảm phụ tải.

evn spc hoan thien he thong dien phuc vu nuoi tom tai tay nam bo

 

Giai đoạn 2016 - 2020, EVN SPC sẽ đầu tư 2.294 tỷ đồng để phục vụ nhu cầu nuôi tôm
tại khu vực Tây Nam bộ

Hiện nay, tổng số hộ sử dụng điện nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến tháng 7 năm 2018 là 10.938 hộ, trong đó: trạm công cộng là 9.996 hộ, trạm chuyên dùng 942 hộ.

Điện thương phẩm khách hàng nuôi tôm: Điện thương phẩm thực hiện năm 2017 đạt 1.241,034 triệu kWh, tăng 8,37% so với thực hiện cùng kỳ, đạt 104,29% so với kế hoạch giao (1.190 triệu kWh). Trong đó điện thương phẩm khách hàng nuôi tôm năm 2017 là 127,56 triệu kWh, chiếm tỷ trọng là 84,83% sản lượng điện thương phẩm thành phần Nông - Lâm - Thủy sản và chiếm 10,28% trên tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh Cà Mau.

Điện thương phẩm thực hiện 07 tháng đầu năm 2018 đạt 807,313 triệu kWh, tăng 12,497% so với thực hiện cùng kỳ, đạt 60,25% so với kế hoạch giao (1.340 triệu kWh). Trong đó điện thương phẩm khách hàng nuôi tôm 07 tháng đầu năm 2018 là 104,01 triệu kWh, chiếm tỷ trọng là 89,62% sản lượng điện thương phẩm thành phần Nông - Lâm - Thủy sản và chiếm 12,88% trên tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh Cà Mau.

Khối lượng đường dây cấp điện cho nuôi tôm: Đường dây trung thế 1.206,4km (trong đó: 01 pha 849,3km, 03 pha 357,1 km); Đường dây hạ thế 1.632,3km (trong đó: 01 pha 1.397,2km, 03 pha 179,3 km).  Dung lượng máy biến áp cấp điện cho phụ tải nuôi tôm 169.841 kVA, trong đó trạm công cộng 134.411 kVA/2.415 trạm; trạm chuyên dùng 35.430 kVA/901 trạm.

Tình hình triển khai đầu tư lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp

Công ty Điện lực Cà Mau đã thực hiện đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện hiện hữu tại một số khu vực bức xúc nhằm đáp ứng một phần nhu cầu của người dân. Mặt khác, để đáp ứng nhu cầu điện sản xuất cho các hộ dân nuôi tôm công nghiệp tự phát trên địa bàn tỉnh Cà Mau, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho khu vực, ngành điện và địa phương đã phối hợp thực hiện đầu tư như sau:

Trong giai đoạn 2012-2014, Tổng công ty Điện lực miền Nam đã thực hiện đầu tư nâng cấp và phát triển lưới điện để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của nhân dân nuôi tôm công nghiệp bằng nguồn vốn ứng tỉnh với giá trị 85 tỷ đồng với khối lượng đầu tư là: 142,4km đường dây trung thế, 221,4km đường dây hạ thế và 22.733 kVA dung lượng trạm biến áp.

Dự án án cải tạo, nâng cấp và phát triển lưới điện thuộc Chương trình hỗ trợ cải cách chính sách ngành điện lần 3 (DPL3) vay vốn WB thực hiện trong năm 2015 và hoàn tất đưa vào sử dụng trong quý I/2016. Tổng mức đầu tư là 216 tỷ đồng, trong đó vay WB là 6,98 triệu USD với khối lượng thực hiện hoàn thành là: 257km đường dây trung thế, 471km đường dây hạ thế và 24.728 kVA dung lượng trạm biến áp.

Năm 2015, Công ty Điện lực Cà Mau đã giành 17,338 tỷ đồng bằng vốn KHCB Tổng công ty phân bổ để đầu tư cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn với khối lượng là: 31,704km đường dây trung thế; 83,276km đường dây hạ thế và 3.705 kVA dung lượng trạm biến áp.

Năm 2016, Công ty Điện lực Cà Mau đã giành 20,092 tỷ đồng vốn KHCB Tổng công ty phân bổ để đầu tư cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn với khối lượng là: 26,5km đường dây trung thế; 27,55km đường dây hạ thế và 4.395 kVA dung lượng trạm biến áp, trong đó có những vùng nuôi tôm thuộc các huyện Cái Nước, Phú Tân, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Trần Văn Thời. Tạo điều kiện cho nhân dân các khu vực trên mở rộng và phát triển mới thêm diện tích nuôi trồng.

Năm 2017, Công ty Điện lực Cà Mau đã giành 19,778 tỷ đồng vốn KHCB Tổng công ty phân bổ để đầu tư cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn với khối lượng là: 25,129km đường dây trung thế; 18,563km đường dây hạ thế và 1.550kVA dung lượng trạm biến áp. Ngoài ra Công ty cũng tăng cường công suất cho 75 trạm quá tải với dung lượng 5.325kVA.

Ngoài ra, trong kế hoạch điều chỉnh 6 tháng cuối năm 2017 Công ty Điện lực Cà Mau được Tổng công ty cấp thêm vốn khoảng 20 tỷ để triển khai cải tạo lưới điện từ 1 pha lên 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp, trước mắt Công ty thực hiện cải tạo lưới điện cho các khu nuôi tôm tập trung như: Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Úc, Công ty Cổ phần Thủy sản N.G Việt Nam (7,5ha), tuyến Công ty Cổ phần Thủy sản Agritech, tuyến Sông Đốc – Mỹ Bình, tăng cường các trạm có hộ dân nuôi tôm đấu vào lưới công cộng gây sụt áp, quá tải. Khối lượng đầu tư 50,9km đường dây trung thế, 30km đường dây hạ thế, lắp mới và tăng cường 83trạm/4.260kVA.

Năm 2018, Công ty Điện lực Cà Mau đã giành 35,570 tỷ đồng vốn KHCB Tổng công ty phân bổ để đầu tư cải tạo nâng cấp và phát triển lưới điện trên địa bàn với khối lượng là: 39,01km đường dây trung thế; 78,33km đường dây hạ thế và 5.586kVA dung lượng trạm biến áp trong đó cải tạo lưới điện từ 1 pha lên 3 pha phục vụ nuôi tôm công nghiệp với khối lượng là: 18,75km đường dây trung thế; 25,07km đường dây hạ thế và 3.215kVA dung lượng trạm biến áp với số vốn đầu tư là 12,28 tỷ đồng.

Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản đến 2020, có xét đến 2030

Tỉnh Cà Mau có điều kiện tự nhiên rất lý tưởng, đặc biệt có ba mặt giáp biển, với hệ thống sông ngòi chằng chịt, chịu sự ảnh hưởng của chế độ nhật triều không đều ở biển Tây và bán nhật triều không đều ở biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi tôm phát triển, nhất là nghề nuôi tôm thâm canh (trước đây gọi là nuôi tôm công nghiệp).

Tuy nhiên, qua thực tế đúc kết từ thực tiễn sản xuất cũng như theo dự báo về các điều kiện phát triển như ảnh hưởng của diễn biến tình hình dịch bệnh, môi trường, biến đổi thời tiết, khí hậu, tình hình nuôi sẽ gặp nhiều bất lợi. Do vậy tỷ lệ thành công ước chỉ đạt khoảng 70% vào năm 2018 và 80% vào năm 2020. Như vậy, sản lượng thực tế ước đạt: Năm 2018 khoảng 95.480 tấn (thâm canh đạt 85.400, siêu thâm canh đạt 10.080 tấn). Năm 2020 khoảng 184.400 tấn (thâm canh đạt 134.40000, siêu thâm canh đạt 50.000 tấn), chiếm 76,83% chỉ tiêu về sản lượng theo kế hoạch.

Các đề xuất, kiến nghị

Thứ nhất, Nhà nước cần có quy hoạch, xây dựng đề án, định hướng nuôi tôm công nghiệp cho phù hợp với từng vùng, từng khu vực; xác định những nơi có điều kiện, ưu thế để khuyến cáo, tuyên truyền, hướng dẫn người dân phát triển mô hình nuôi tôm công nghiệp; tạo ra hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất. Ðồng thời có kế hoạch, chương trình, ưu tiên đầu tư xây dựng lưới điện để đảm cung cấp cho các vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung.

Thứ hai, một khâu quan trọng nữa là công tác tập huấn, chuyển giao, hướng dẫn, tiếp thu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật phải luôn được chú trọng và tăng cường; ngành chuyên môn và chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ, tìm biện pháp hữu hiệu triển khai, chuyển giao các giải pháp ứng dụng khoa học - kỹ thuật đến người nuôi tôm; cần quan tâm tổ chức “các lớp học tại hiện trường”, có mô hình cụ thể, người nuôi tôm công nghiệp phải nắm vững và tuân thủ những khâu kỹ thuật trong sản xuất.

Thứ ba, các ngân hàng quan tâm đầu tư cho người nuôi tôm vay vốn nhằm tạo động lực cho nuôi tôm công nghiệp phát triển.

Thứ tư, các nhà cung cấp thiết bị tiết kiệm điện cần có cơ chế chính sách hỗ trợ về mặt kỹ thuật và về giá thành để người nuôi tôm có thể dễ dàng tiếp cận và sử dụng nhằm tiết kiệm được điện năng sử dụng.

Thứ năm, về đầu tư lưới điện: Hiện nay, nguồn vốn đầu tư rất khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lưới điện 3 pha đảm bảo cấp điện cho các khu vực nuôi tôm công nghiệp là rất lớn. Do đó Công ty Điện lực Cà Mau kiến nghị đến Nhà nước, Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn đầu tư phát triển cho khu vực nuôi tôm. Đưa nhu cầu vốn đầu tư phát triển lưới điện phục vụ nuôi tôm công nghiệp của Tỉnh vào Đề án phát triển ngành tôm quốc gia Việt Nam giai đoạn 2016-2020.

TIẾN SỸ - TRẦN VŨ

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động