RSS Feed for Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 4) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 23/11/2024 06:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 4)

 - Theo chúng tôi, Việt Nam cần cân nhắc việc đầu tư thăm dò, khai thác dầu ở nước ngoài. Do nhiều nguyên nhân, các dự án đầu tư vào các mỏ dầu ở nước ngoài của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) có chi phí cao và rủi ro lớn. Trong khi đó, các mỏ dầu khí ở Biển Đông - ngay trên "sân nhà" thì chúng ta lại phải liên doanh đầu tư và phân chia sản phẩm với nước ngoài.

Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 1)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 2)
Dầu khí Việt Nam: Hiện trạng và thách thức phát triển (Bài 3)

BÀI 4: ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN THƯỢNG NGUỒN, HẠ NGUỒN

Một là: Phát triển thượng nguồn (đẩy mạnh công tác điều tra, thăm dò, khai thác tại Biển Đông)

Thứ nhất: Nguồn bổ sung trữ lượng dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam rất hạn chế, có nhiều rủi ro và nhạy cảm về chính trị. Trong tương lai, dầu mỏ và khí thiên nhiên của Việt Nam chỉ có thể được phát hiện ở vùng biển nước sâu, xa bờ ngoài Biển Đông (vùng đặc quyền kinh tế). Các dự báo về tiềm năng dầu khí ngoài thềm lục địa, cũng như ngoài Biển Đông còn rất khác biệt.

Theo EIA, tính đến 2/2013, ngoài Biển Đông (không tính Vịnh Thái Lan) ước có khoảng 11,3 tỉ thùng dầu và 190 nghìn tỷ feet khối khí tự nhiên đã được xác định do các nước đang sở hữu. Cụ thể như sau:

Quốc gia

Trữ lượng dầu thô (tỷ thùng)

Trữ lượng khí tự nhiên (nghìn tỷ feet khối)

Malaysia

5,0

80

Việt Nam

3,0

20

Brunei

1,5

15

Trung Quốc

1,3

15

Indonesia

0,3

55

Philippines

0,2

4

Thái Lan

-

1

 

Công ty tư vấn Wood Mackenzie đưa ra dự báo chỉ có khoảng 2,5 tỷ thùng quy dầu. Tập đoàn CNOOC (Trung Quốc) ước tính có khoảng 125 tỷ thùng dầu và 500 nghìn tỷ feet khối khí thiên nhiên nằm trong khu vực chưa được phát hiện.

Theo Cục tình báo Năng lượng Hoa Kỳ, tiềm năng dầu khí ngoài Biển Đông giao động khá lớn (7,6 lần) trong khoảng 28 ÷ 213 tỷ thùng, thấp hơn so với dự tính của Trung Quốc. Theo BP Statistical Revew, tiềm năng dầu khí ở Biển Đông đứng thứ 3 trên thế giới (sau Ả Rập Xê Út và Venezuela), đủ dùng cho Trung Quốc trong vòng 60 năm, vv...

Thứ hai: Theo chúng tôi, cần phải cân nhắc việc đầu tư thăm dò, khai thác dầu ở nước ngoài. Do nhiều nguyên nhân, các dự án đầu tư vào các mỏ dầu ở nước ngoài của PVN hiệu quả không cao, chi phí cao và rủi ro lớn. Trong khi đó, các mỏ dầu khí ở Biển Đông ngay trên "sân nhà" thì PVN lại phải liên doanh đầu tư và phân chia sản phẩm với nước ngoài.

Thứ ba: Hoàn thiện công nghệ thăm dò, khai thác dầu - khí trong tầng đá gốc và trong diệp thạch (đá cháy).

Thứ tư: Tiến tới làm chủ hoàn toàn các công nghệ tiên tiến của thế giới trong điều tra, khảo sát, thăm dò và khai thác dầu khí ngoài vùng nước sâu.

Hai là: Phát triển hạ nguồn

Thứ nhất: Về cơ sở kỹ thuật. Không xây dựng thêm các dự án lọc - hóa dầu ở Việt Nam (vì hiện nay cũng như trong tương lai, năng lực lọc - hóa dầu trong khu vực và trên thế giới đang dư thừa). Công tác khai thác dầu khí ở Biển Đông ngày càng phải xa bờ. Việc xuất khẩu dầu thô ngay sau khai thác được từ ngoài biển và nhập khẩu sản phẩm đã qua chế biến có hiệu quả hơn nhiều so với đưa dầu thô từ ngoài biển vào chế biến trong bờ.

Mặt khác, chỉ ưu tiên xây dựng các đường ống dẫn khí vào bờ để cấp cho các dự án điện. Cạnh đó là hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật của thị trường xăng dầu. Nâng cao năng lực tiếp nhận của các cảng nhập khẩu xăng dầu; mở rộng hệ thống kho chứa; bổ sung phương tiện vận tải chuyên dụng; tăng cường đầu tư cho khâu phòng chống cháy, nổ và đảm bảo an toàn trong vận chuyển, lưu giữ, sử dụng xăng, dầu, khí.

Thứ hai: Về quy hoạch phát triển. Phải chấm dứt tư duy nhập khẩu dầu thô về Việt Nam để chế biến vì vừa không hiệu quả vừa gây ô nhiễm môi trường. Cần nâng cao hiệu quả sử dụng xăng dầu trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Cần tính đến trong quy hoạch phát triển ngành năng lượng, tăng cường sử dụng khí hóa lỏng nhập khẩu.

Thứ ba: Về cơ chế, chính sách. Vì xăng dầu là sản phẩm chiến lược, Nhà nước chỉ đầu tư xây dựng và quản lý kho xăng, dầu dự trữ quốc gia. Hiện nay, Việt Nam hầu như không có dự trữ quốc gia về sản phẩm xăng dầu. Đối với nền kinh tế và quốc phòng của chúng ta, mức dự trữ quốc gia cần đạt mức dự phòng trên 30 ngày.

Vì xăng dầu (cũng như điện năng) là đầu vào của tất cả các ngành kinh tế khác, Nhà nước cần sớm thị trường hóa triệt để các sản phẩm xăng dầu. Về bản chất, ở Việt Nam hiện vẫn chưa hình thành thị trường xăng dầu vì trên thực tế các hệ thống bán lẻ chỉ là những cửa hàng "một giá" mặc dù giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động liên tục. Thủ tục điều tiết phức tạp, có độ trễ lớn đã làm cho thị trường bị méo mó.

Thực chất, độc quyền Nhà nước trong kinh doanh xăng dầu đã được chuyển sang độc quyền của 2 doanh nghiệp lớn là Petrolimex, và PV Oil.

Việc duy trì các cơ chế định giá về xăng dầu đã tạo tâm lý ỷ lại của cả bên bán và bên mua, thủ tiêu tính cạnh tranh của thị trường. Nhiều văn bản pháp quy về thuế nhập khẩu, quỹ bình ổn giá thiếu thực tế, khó áp dụng. Cơ chế đăng ký - phê duyệt giá thực chất là cơ chế xin - cho vẫn đang tồn tại. Việc các đầu mối chuyển vốn, chuyển giá sang các đại lý thông qua các hình thức chiết khấu không được kiểm soát.

Tiếp đến là cần chấm dứt nạn đầu cơ tích trữ, buôn lậu qua biên giới hiện vẫn đang tồn tại (cơ chế tạm nhập - tái xuất vẫn đang bị lợi dụng).

Cần hoàn thiện chính sách thuế. Thuế nhập khẩu định trên giá CIF, trong khi giá nhập khẩu biến động nhanh dẫn đến ngân sách không chủ động về nguồn thu.

Thứ tư: Sớm thiết lập thị trường có kỳ hạn cho sản phẩm xăng dầu và khí. Sự thiếu vắng thị trường kỳ hạn đang kìm hãm việc ứng dụng các công cụ phòng tránh rủi ro trên thị trường. Hiện tượng các doanh nghiệp đầu mối không chịu nhập khi giá dầu thế giới đang tăng chưa có chế tài xử lý. Hạn ngạch nhập khẩu tối thiểu và cố định không phát huy tác dụng, thị trường xăng dầu thường xuyên bị "sốt".

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động