Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 7)
16:08 | 20/06/2017
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 1)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 2)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 3)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 4)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 5)
Đã đến lúc chúng ta phải công bằng với thủy điện (Bài 6)
BÀI 7: "NÀNG TIÊN NGỦ TRONG RỪNG"
Việt Nam là quốc gia nghèo về nước
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, mưa nhiều, nắng lắm, độ ẩm cao. Lượng mưa trung bình nhiều năm trên toàn quốc khoảng 1940mm/năm. Việt Nam có hơn 2.360 con sông có chiều dài hơn 10km. Về lý thuyết, Việt Nam là quốc gia "giàu" về nước. Nhưng thực tế, nguồn nước của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào nước ngoài, và phân bổ rất không đều theo không gian và theo thời gian.
Nếu tính bình quân đầu người thì Việt Nam là quốc gia nghèo về nước. Cụ thể như sau.
Theo không gian: Tổng diện tích lưu vực của các con sông khoảng 1.167.000 km2. Trong đó, lưu vực ngoài nước chiếm 72%. Lưu vực trong nước nhỏ (28%), nhưng phân bố không đều: sông Mekong chiếm 57%, sông Hồng - Thái Bình - 16,5%, sông Đồng Nai là 4,2%, các sông lớn còn lại chỉ chiếm từ 0,1 đến 2,9% mỗi sông.
Theo số liệu năm 2009 của Bộ TN&MT, tổng lượng nước mặt của Việt Nam khoảng 830 - 840 tỷ m3/năm. Trong đó có tới 62,6% là nước từ ngoài lãnh thổ (tương đương 520 - 525 tỷ m3/năm). Riêng sông Mekong có tới 90% nguồn nước từ ngoài lãnh thổ, sông Hồng - 50%.
Theo thời gian: Nếu xét trên từng lưu vực sông theo tiêu chuẩn quốc tế, chỉ có 4 con sông có đủ nước, gồm: Mekong; Sê San; Vu Gia - Thu Bồn và sông Gianh.
Theo tiêu chuẩn của Hiệp hội Nước Quốc tế (IWRA), quốc gia được coi là có tài nguyên nước trung bình phải có tổng lượng nước bình quân đầu người trên 10.000 m3/năm. Với dân số hiện nay, bình quân đầu người của Việt Nam mới đạt khoảng 9.000m3/năm, nhưng phần lớn lại phụ thuộc vào nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ.
Như vậy, có thể coi Việt Nam đã là quốc gia "nghèo" về nước.
Việt Nam cũng nghèo về thủy điện
Xây dựng các công trình thủy điện nói chung, và thủy điện lớn nói riêng trong thời gian qua là một biện pháp hữu hiệu nhất để nâng cao hiệu quả sử dụng nước mặt ở Việt Nam.
Tổng dung tích hữu ích của các hồ chứa (tự nhiên và nhân tạo) trên cả nước khoảng 37 tỷ m3, tức là chỉ chứa được khoảng 4,4% lượng nước mặt. Tổng lượng nước mặt được sử dụng hàng năm khoảng 83 tỷ m3 (khoảng 9,9% lượng nước mặt).
Như vậy, tổng cộng chỉ có 14,37% lượng nước (khoảng 120 tỷ m3) được lưu giữ và sử dụng. Số nước còn lại (chiếm 85,63%) tương đương với 715 tỷ m3 đang bị đổ ra biển hàng năm.
Để hạn chế lượng nước đổ phí ra biển, giải pháp duy nhất là xây dựng thêm các hồ chứa nước nhân tạo (hồ thủy điện và hồ thủy lợi). Trong đó, việc xây dựng các hồ thủy điện đương nhiên có lợi ích kép và có hiệu quả rất lớn.
Chính vì vậy, từ những năm 80 của thế kỷ trước, TS. Nguyễn Đình Tranh - nguyên Thứ trưởng Bộ Năng lượng đã ví thủy điện ở Việt Nam như "nàng tiên còn đang ngủ trong rừng", cần phải được đánh thức.
Theo tính toán, tiềm năng lý thuyết nguồn thủy điện Việt Nam khoảng 300 tỷ kWh/năm, trong đó miền Bắc chiếm 60%, miền Trung 27%, miền Nam 13%.
Như vậy, tiềm năng xây dựng các công trình thủy điện của Việt Nam không những không đồng đều, mà còn tỷ lệ nghịch với việc phân bổ lưu lượng nước trong tự nhiên. Vì vậy, trên thực tế, tổng công suất các nhà máy thủy điện của Việt Nam chỉ đạt khoảng 26.000MW, và tổng sản lượng thủy điện chỉ tương đương 100 tỷ kWh/năm.
Hay nói cách khác, Việt Nam cũng không phải là quốc gia "giàu" về thủy điện.
Thủy điện vừa và nhỏ không phải là thủ phạm chiếm rừng
Theo số liệu năm 2012 của Bộ TN&MT, tổng diện tích đất được quy hoạch để xây dựng hơn 1.000 công trình hồ thủy điện vừa và nhỏ là 109.569 ha, trong đó diện tích rừng chỉ chiếm 32.373ha. Cũng theo số liệu của Bộ TN&MT, diện tích rừng thực tế đã được chuyển đổi sang xây dựng các hồ thủy điện là 19.792ha. Trong đó, khu vực Tây Nguyên chiếm 41,2%, Bắc Trung Bộ chiếm 22,9%. Các tỉnh có diện tích rừng bị chuyển đổi nhiều hơn 1.000ha gồm: Đăk Nông, Lai Châu, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Nghệ An.
Trong khi đó, chỉ riêng vùng Tây Nguyên, trong tổng số 2,84 triệu ha rừng, tính đến năm 2013 đã bị mất 230.000ha (gồm 104.000ha rừng tự nhiên và 22.200ha rừng trồng). Tức là diện tích rừng bị mất chỉ riêng ở Tây Nguyên đã lớn hơn 11 lần so với tổng diện tích rừng chuyển đổi sang xây dựng thủy điện trên toàn quốc.
Hay nói cách khác, thủy điện không phải là nguyên nhân chủ yếu làm mất rừng trên Tây Nguyên.
Trong khi đó, theo đánh giá của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) ở Việt Nam, chỉ tính trong vòng có 5 năm, các tỉnh Tây Nguyên đã cấp phép đầu tư cho hơn 700 dự án trên đất lâm nghiệp, với tổng diện tích gần 216.000ha (tức là gấp 11 lần so với tổng diện rừng chuyển đổi sang xây dựng thủy điện trên toàn quốc).
Hay nói cách khác, thủ phạm chính phá rừng Tây Nguyên không phải ở... Hà Nội, mà chính là ở Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Thay cho lời kết
Các công trình thủy điện thời gian qua đã đóng vai trò rất quyết định trong việc cung cấp nguồn năng lượng vừa rẻ, vừa sạch cho nền kinh tế; góp phần tích cực vào việc nâng cao sức cạnh tranh vốn đã rất thấp của các sản phẩm công - nông - lâm nghiệp; là nhân tố quyết định trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của người dân trên cả nước.
Nhờ có thủy điện và chỉ có thủy điện, người dân trong cả nước mới được hưởng giá điện như hiện nay, và mức tiêu dùng điện tính trên đầu người ở Việt Nam mới tăng được như vừa qua.
Những người làm quản lý cần đánh giá khách quan, và cần phải nhìn nhận thủy điện một cách khoa học.
Việt Nam đã, đang là một quốc gia nghèo, cần phải học tập các nước để khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên là nước một cách triệt để nhất, và không nên cứ để "nàng tiên ngủ tiếp ở trong rừng".
TS. NGUYỄN THÀNH SƠN, HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
http://cem.gov.vn/Portals/0/Bao%20cao/Chuong%201.pdf
(Khi sao chép, trích dẫn nội dung, số liệu từ bài viết này phải ghi rõ "nguồn", hoặc "theo": TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM)