RSS Feed for Có thể điều chỉnh lại tiến độ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 05/11/2024 11:18
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Có thể điều chỉnh lại tiến độ Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

 - Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường vừa gửi tới Quốc hội báo cáo giám sát về một số dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, các vấn đề liên quan như: địa điểm, tiến độ xây dựng, vấn đề nhân lực, độ an toàn… của nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận được đặc biệt quan tâm.

 

 

>> IAEA sẽ hợp tác giúp đỡ Việt Nam về điện hạt nhân
>> Phát triển điện hạt nhân - Việt Nam luôn coi trọng hợp tác với IAEA
>> Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ an toàn "gần như tuyệt đối"
>> Phát triển hạ tầng công nghiệp quốc gia phục vụ điện hạt nhân

 

Triển lãm quốc tế Điện hạt nhân 2012

Cụ thể, báo cáo này nhận định: đây là dự án điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam có quy mô lớn và công nghệ rất phức tạp, trong khi đó nguồn nhân lực của Việt Nam còn thiếu cả về số lượng và kinh nghiệm; hệ thống văn bản pháp quy đang xây dựng, trong đó quy định rõ các công việc cần tiến hành, các yêu cầu cụ thể về nguồn lực và thời gian cho từng bước thực hiện.

“Việc thực hiện các quy định này có thể dẫn đến phải điều chỉnh lại tiến độ tổng thể của dự án cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất”, báo cáo nhấn mạnh.

Uỷ ban Khoa học công nghệ và môi trường kiến nghị Chính phủ chỉ đạo bộ Công thương, các bộ, ngành liên quan sớm triển khai lựa chọn địa điểm xây dựng nhà máy đảm bảo phòng, tránh, giảm nhẹ tác động của sóng thần có thể xảy ra; thực hiện các công việc cần thiết để đảm bảo tiến độ khởi công xây dựng công trình với công nghệ đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất.

Trước đó, trong báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia (gồm ba dự án: điện hạt nhân Ninh Thuận, thuỷ điện Sơn La và thuỷ điện Lai Châu), Chính phủ cũng thừa nhận “có thể phải điều chỉnh lại tiến độ tổng thể của dự án điện hạt nhân cho phù hợp nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả cao nhất; sau khi nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố, Chính phủ sẽ báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội xem xét, quyết định”.

Về tiến độ của hai nhà máy, báo cáo cho biết, dự kiến đến tháng 3/2013 sẽ hoàn thành hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, còn dự án Ninh Thuận 2 là tháng 8/2013. Tuy nhiên, đối với nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, báo cáo cũng nói rằng: công tác quan trắc khí tượng, hải văn chưa được triển khai thực hiện nên có khả năng ảnh hưởng chậm tiến độ. Nguyên nhân do thủ tục tạm ứng phía Nga chậm, tư vấn chậm trễ trong việc lập và trình một số phương án kỹ thuật.

Đối với tiến độ một số hạng mục đáng chú ý, báo cáo cho hay: dự án trung tâm Quan hệ công chúng về điện hạt nhân sẽ được hoàn thành vào quý 2 năm sau; khu quản lý vận hành và dự án di dân tái định cư sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2014; các dự án đường giao thông, điện, nước phục vụ thi công dự kiến hoàn thành trước quý 4/2017, trước khi nhà thầu EPC tiến hành san gạt mặt bằng, xây dựng cảng.

Hiện nay các bộ Khoa học và công nghệ, bộ Tài nguyên và môi trường, bộ Xây dựng, bộ Kế hoạch và đầu tư đang nghiên cứu để triển khai thực hiện nghiên cứu, đánh giá trữ lượng và khả năng khai thác urani trong nước, quy hoạch, kế hoạch để xây dựng khu vực xử lý chất thải hạt nhân...

Báo cáo giám sát cũng lưu ý, sau sự cố Fukushima Nhật Bản, các nước trên thế giới đang tiến hành điều chỉnh chính sách năng lượng, trong đó có điện hạt nhân. “Sự cố trên cũng nhắc nhở chúng ta trong việc đặt an toàn hạt nhân lên cao nhất, kể cả công nghệ, quy trình quản lý và vận hành nhà máy điện hạt nhân. Khâu khảo sát, lựa chọn địa điểm, chuẩn bị xây dựng đóng vai trò quan trọng. Các báo cáo khảo sát phải đánh giá được đầy đủ những tác động và dự báo những hậu quả xấu nhất có thể xảy ra, đồng thời đưa ra phương án cụ thể để phòng ngừa và ứng phó với sự cố... 

Liên quan đến dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, mới đây, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Đại diện thường trực Việt Nam bên cạnh Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Nguyễn Thiệp đã trình thư ủy nhiệm lên ông Yukiya Amano, Tổng giám đốc IAEA.

Tổng giám đốc IAEA Amano bày tỏ ấn tượng về những nỗ lực và tiến bộ của Việt Nam thời gian qua trong lĩnh vực ứng dụng phát triển năng lượng hạt nhân cũng như hợp tác chặt chẽ với IAEA trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chuẩn bị khung pháp lý và đào tạo nhân lực để đảm bảo các yêu cầu chặt chẽ khi đi vào triển khai điện hạt nhân.

Tổng giám đốc Amano khẳng định, IAEA sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ và giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này, nhất là vấn đề an toàn và an ninh hạt nhân, với những kinh nghiệm quốc tế quý báu rút ra sau sự cố Fukushima, giúp Việt Nam duy trì tăng trưởng kinh tế, đồng thời đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Chủ trương phát triển ĐHN của Việt Nam đã được Quốc hội thông qua tháng 10-2009; đến tháng 5-2010, Thủ tướng đã ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước Dự án ĐHN Ninh Thuận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban. Theo lộ trình, dự kiến Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014 và đưa vào khai thác năm 2020.

Địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.

Hai nhà máy của dự án với công suất trên 4.000 MW, phù hợp với công nghệ và thế hệ lò được chọn; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 2.000 MW; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khoảng 2.000 MW. Tổng mức đầu tư dự toán của dự án này khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm lập dự án vào quý IV năm 2008.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Bạc Hy Lai và Lưu Chí Quân bị khai trừ khỏi đảng
"Xung đột trên Biển Đông: không còn là nguy cơ tiềm ẩn"
Người Mỹ bầu tổng thống như thế nào?

www.nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động