RSS Feed for Chưa có gì để thay thế nhiệt điện than trên toàn cầu | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 06/11/2024 03:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chưa có gì để thay thế nhiệt điện than trên toàn cầu

 - Năng lượng tái tạo trên toàn cầu mặc dù được đầu tư ngày một lớn, nhưng sản lượng điện phát ra thấp. Xét về mặt kỹ thuật, để hệ thống điện vận hành ổn định, tỷ trọng của phong điện và quang điện không nên cao hơn 25%. Đức là quốc gia có công suất quang điện công nghệ PV lớn nhất, nhưng tỷ trọng quang điện trong tổng sản lượng điện cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn 5% (năm 2014). Còn ở Việt Nam, việc thay thế nhiệt điện than bằng điện gió và điện mặt trời là khó khả thi về mặt kinh tế... Nhân dịp Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng nghiệm thu hoàn thành đưa vào sử dụng dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Tạp chí Năng lượng Việt Nam giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Thành Sơn để làm rõ thêm vai trò nhiệt điện than trong cơ cấu nguồn điện của các quốc gia trên thế giới và Việt Nam.

Vì sao điện gió chưa thể thay thế nhiệt điện than?
Vì sao tổ chức quốc tế lớn nhất thế giới đề cao vai trò thủy điện nhỏ?
Phản đối Việt Nam phát triển nhiệt điện than là một sai lầm [Tạm kết]

Nhiệt điện than trên thế giới và ở Việt Nam

Cách đây 40 năm, khi Việt Nam (VN) gia nhập Hội đồng Tương trợ kinh tế COMECON (hay còn được gọi tắt theo tiếng Nga là ‘SEV’), thế giới (TG) đã có tiêu chuẩn tổng quát về 5 sản phẩm chủ yếu tính trên đầu người để đánh giá một quốc gia bắt đầu hết đói nghèo. Đó là: 500kg lương thực, 500kg dầu, 500kg thép, 500kg than, 500kWh điện. Khi đó, 3 nước thành viên: Việt Nam, Cu Ba, Mông Cổ được coi là quốc gia hạng hai của COMECON.

Căn cứ vào 5 tiêu chuẩn đó, hiện nay VN cũng mới chỉ đạt được 2 tiêu chuẩn cách đây gần nửa thế kỷ của TG là lương thực và điện năng. 3 sản phẩm còn lại (dầu mỏ, thép, và than) chỉ có thể đạt được thông qua nhập khẩu.

Năm 2017, nền kinh tế toàn cầu sử dụng khoảng 8 tỷ tấn than (bình quân đầu người 1,06 tấn than/người. Trong khi đó, mức sử dụng than của nền kinh tế Việt Nam là 54,6 triệu tấn (= khai thác trong nước + nhập khẩu - xuất khẩu). Bình quân 0,575 tấn/người, trong đó, than nhập khẩu chiếm khoảng 27% (14,5 triệu tấn).

Trong tổng tiêu dùng than của VN năm 2017, than dùng cho lò hơi (phát điện) gần 38 triệu tấn, chiếm gần 70%. Như vậy, mặc dù phải nhập khẩu tới gần 30%, mức sử dụng than cho phát điện của VN tương đương với mức bình quân chung của TG. Điều này cho thấy việc sử dụng than để phát điện phục vụ cho nền kinh tế của VN hiện nay và trong tương lai là một điều bình thường. Ngoài ra, VN nên tranh thủ nhập khẩu nguồn tài nguyên khoáng sản vốn có hạn (than đá, than mỡ) của các nước khác, nhất là của các nước trong khu vực và gần VN như Trung Quốc (than lò coke, than lò cao), Indonesia (than lò hơi), Úc (than lò hơi, lò quay, lò cao, lò coke), Nga (than lò hơi, lò quay, lò coke).

Trong lĩnh vực dùng than phát điện, VN đang ở vị trí rất khiêm tốn. Theo số liệu của IEA, tính đến năm 2014: VN xếp thứ 22 trên TG về tổng công suất nhiệt điện chạy than (trong khi VN xếp thứ 15 về dân số); tỷ trọng nhiệt điện than trong tổng công suất phát điện của VN chỉ chiếm 26,3%, trong khi mức bình quân của TG là 36%; tỷ trọng nhiệt điện than của VN so với TG chỉ chiếm 0,3% (trong khi dân số chiếm tỷ trọng 1,2%, gấp 4 lần). Cụ thể xem bảng sau:

Bảng 1: Tỷ trọng công suất nhiệt điện chạy than của các nước

No

Công suất phát điện của các nước

Công suất nhiệt điện chạy than, GW

Tổng công suất điện, GW

Tỷ trọng nhiệt điện chạy than, %

Tỷ trọng nhiệt điện than trên TG, %

 

Tổng TG

1900.00

5250.00

36%

100.0%

1

Trung Quốc

915.00

1360.00

67%

48.2%

2

Mỹ

322.50

1039.00

31%

17.0%

3

Ấn Độ

165.00

208.10

79%

8.7%

4

Đức

54.00

153.20

35%

2.8%

5

Nga

49.00

223.00

22%

2.6%

6

Nhật

41.75

287.00

15%

2.2%

7

Nam Phi

38.40

44.26

87%

2.0%

8

Ba Lan

32.20

33.36

97%

1.7%

9

Úc

28.10

59.13

48%

1.5%

10

Hàn Quốc

26.90

84.66

32%

1.4%

11

Ucraina

24.80

54.88

45%

1.3%

12

Indonesia

22.90

39.99

57%

1.2%

13

Anh

18.40

94.35

20%

1.0%

14

Đài Loan

17.70

41.80

42%

0.9%

15

Thổ

13.80

49.52

28%

0.7%

16

Kazakhstan

11.50

18.73

61%

0.6%

17

Ý

11.30

122.30

9%

0.6%

18

Tây Ba Nha

11.00

101.70

11%

0.6%

19

Sec

9.40

18.30

51%

0.5%

20

Canada

9.20

136.90

7%

0.5%

21

Malaysia

7.90

25.39

31%

0.4%

22

Việt Nam

6.00

26.30

23%

0.3%

23

Pháp

5.80

124.30

5%

0.3%

24

Thái Lan

5.70

32.60

17%

0.3%

25

Philippines

5.60

16.36

34%

0.3%

26

Israel

4.90

15.33

32%

0.3%

27

Brazil

3.40

113.70

3%

0.2%

28

Pakistan

0.09

22.30

0.4%

0.0%

Nguồn: Lars Schernikau, Economics of the International Coal Trade, 2016

Bảng trên còn cho thấy, một số nước phát triển như Nhật, Hàn Quốc mặc dù không có ngành khai thác than trong nước nhưng cũng xếp thứ 6 và thứ 10 trên TG về công suất nhiệt điện chạy than.

Mức tiêu dùng các nguồn năng lượng sơ cấp (than, dầu, khí, uranium) của TG sẽ tăng liên tục từ 8,12 tỷ TOE (tấn dầu quy đổi) vào năm 1990 lên 17,455 tỷ TOE vào năm 2035. Xem đồ thị sau:

Tổng mức tiêu dùng năng lượng sơ cấp của thế giới, tỷ toe

Nếu tính theo mức tiêu dùng các nguồn năng lượng sơ cấp năm 2013 (là 12,73 tỷ TOE như trên), thời gian loài người còn khai thác được các nguồn năng lượng như trong bảng sau.

Bảng 2: Thời gian tồn tại của các nguồn năng lượng hóa thạch

Các nguồn NL hóa thạch

Thời gian tồn tại, năm

Tính theo trữ lượng

Tính theo tiềm năng

Than nâu

265

4436

Than đá

96

2552

Khí thiên nhiên

58

244

Uranium

52

132

Dầu mỏ

20

245

Nguồn: IEA, Energy Outlook 2014

Nếu tính theo sản lượng năm 2013 của TG là 7,2 tỷ tấn than, thời gian tồn tại của ngành than ở các nước như sau:

No

Các nước

Sản lượng 2013, tr.t

Trữ lượng Reserve, tr.t

Tiềm năng Resources, tr.t

Thời gian khai thác, năm

Tính theo tiềm năng

Tính theo trữ lượng

1

Mỹ

823

223,435

6,457,573

8,118

271

2

Trung Quốc

3,533

120,697

5,344,649

1,547

34

3

India

565

81,897

175,656

456

145

4

Nga

279

69,634

2,624,612

9,657

250

5

Australia

409

62,095

1,536,666

3,909

152

6

Ủcraina

83

32,039

49,006

976

386

7

Kazakhstan

115

25,605

123,090

1,293

223

8

Ba Lan

77

15,890

162,581

2,318

206

9

Indonesia

430

13,511

91,285

244

31

10

Nam Phi

256

9,863

203,667

834

39

11

Colombia

86

4,881

9,928

172

57

12

Các nước khác

544

29,453

906,287

1,720

54

 

Tổng cộng

7,200

689,000

17,685,000

2,552

96

Nguồn: Nguồn: Lars Schernikau, Economics of the International Coal Trade, 2016

Trong bảng trên, VN nằm trong số các nước khác. Thời gian tồn tại của ngành than VN tính theo trữ lượng và mức khai thác năm 2014 là 33 năm, tức chưa bằng 1/3 mức bình quân của TG. Nếu tính theo tiềm năng của bể than đồng bằng sông Hồng - thời gian tồn tại khoảng 800 năm (cũng chưa bằng 1/3 mức binh quân của TG).

Mức độ đầu tư nhiệt điện than trên thế giới

Theo số liệu tổng hợp của IEA, trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2035, mức độ đầu tư cho các công nghệ phát điện được tổng hợp như trong bảng sau:

Bảng 3: Mức đầu tư cho phát điện trên TG giai đoạn 2014-2035

Công nghệ phát điện

Tổng mức đầu tư, tỷ $

Công suất tăng thêm, GW

Suất đầu tư, tr.$/MW

Công suất đặt năm 2035, GW

Sản lượng điện 2035, Twh

Tổng

9553

5660

1.7

9750

36910

Nhiệt điện than

1528

1070

1.4

2500

12120

Nhiệt điện khí

1054

1270

0.8

2450

8300

Nhiệt điện dầu

52

90

0.6

290

560

Điện nguyên tử

1061

300

3.5

580

4290

Thủy điện

1507

2930

2.0

3930

11640

Điện sinh khối

639

Phong điện

1989

Quang điện

1276

Các dạng khác

447

Nguồn: Lars Schernikau, Economics of the International Coal Trade, 2016

Bảng trên cho thấy những vấn đề tham khảo rất có ý nghĩa đối với Việt Nam:

1/ Tổng công suất nhiệt điện chạy than sẽ tăng từ 1900 GW năm 2014 (xem bảng trên) sẽ tăng lên 2500 GW vào năm 2035. Theo đó, tổng công suất các nhà máy nhiệt điện chạy than lạc hậu bị loại 450 GW, và tổng công suất nhiệt điện chạy than tăng lên 1070 GW.

2/ Tổng mức đầu tư cho phát điện của TG là 9.553 tỷ $, tổng công suất phát tăng thêm là 5.660 GW. Trong đó, đầu tư cho nhiệt điện chạy than là 1.528 tỷ $.

3/ Suất đầu tư bình quân của ngành điện thế giới: 1,7 triệu $/MW, trong đó, suất đầu tư của nhiệt điện than 1,4 triệu $/MW. Suất đầu tư cao nhất là của điện nguyên tử.

4/ Vốn đầu tư cho nhiệt điện chạy than chỉ chiếm 16%, công suất tăng thêm chiếm 17%, nhưng sản lượng của nhiệt điện than chiếm 33%.

Các nguồn điện "sạch" còn đắt và có quy mô nhỏ

Mặc dù được đầu tư ngày một lớn, hiện trạng chung của phong điện và quang điện trên thế giới (cũng tương tự như thủy điện truyền thống) là công suất lắp đặt cao, nhưng sản lượng điện phát ra thấp. Hay nói cách khác, số giờ vận hành của các nguồn điện sạch này chỉ bằng dưới 50% so với của nhiệt điện hóa thạch.

Bảng trên cũng cho thấy, mức độ phát triển các nguồn điện tái tạo, mới, và sạch (gồm thủy điện, phong điện, quang điện và các dạng khác) đến năm 2035 trên thế giới rất lớn, chiếm tới 61% tổng vốn đầu tư cho các nguồn điện. Tuy nhiên, tỷ trọng trong cân bằng điện của các nguồn này vẫn rất kiêm tốn. Nếu không tính nguồn thủy điện truyền thống, tỷ trọng của các nguồn điện sạch (phong điện, quang điện, điện sinh khối và các dạng khác) qua các năm như sau: 2005: 3%; 2010: 4%; 2015: 6%; 2030: 4%.

Xét về mặt kỹ thuật, để hệ thống điện vận hành ổn định, tỷ trọng của phong điện và quang điện không nên cao hơn 25%. Đức là quốc gia có công suất quang điện công nghệ PV lớn nhất (khoảng 38GW, chiếm 25%), nhưng tỷ trọng quang điện năm 2014 trong tổng sản lượng điện của Đức cũng chỉ ở mức rất khiêm tốn 5%. Tổng công suất PV của Mỹ (lớn tiếng nhất) năm 2015 cũng chỉ 25GW, chiếm tỷ trọng 2,4% về công suất và <1% về sản lượng.

Việc thay thế nhiệt điện than bằng điện gió và điện mặt trời ở VN còn khó khả thi về mặt kinh tế. Trên đất liền, để thay thế 1.000MW công suất nhiệt điện chạy than (tương đương với cụm nhiệt điện Phả Lại), VN phải xây dựng khoảng 1.500 cột gió loại có công suất 2MW. Còn ở ngài khơi, cũng phải xây dựng tới 1.000 cột gió loại 3MW.

Trêm TG, chi phí phát của phong điện bình quân (Levelized Cost of Electricity LCOE) trên đất liền khoảng 70÷80 U$/MWh, ngoài khơi (do khó xây dựng)- 190÷200 U$/MWh. Suất đầu tư của quang điện đang có xu hướng giảm rất nhanh, từ 76.000 $/kW vào năm 1977 xuống còn 2000÷3000 $/kW vào giai đoạn các năm 2000÷2008, và giảm còn 300 $/kW vào năm 2015. Vì vậy, dự kiến LCOE của quang điện đến 2020, chỉ còn khoàng 125 $/MWh.

Với mức giá điện cao như vậy, các ngành kinh tế sử dụng nhiều điện của VN đều không thể cạnh tranh được. Ngoài ra, vì không thể kiểm soát được lượng nước mưa, tốc độ gió và sự bao phủ của mây, nên hệ thống điện cần phải đầu tư thêm các nguồn nhiệt điện khác (chạy than, hay nguyên tử) với một lượng công suất đủ lớn để bù đắp sản lượng cho thủy điện (khi không có mưa), phong điện (khi tắt gió) và cho quang điện (vào ban đêm).

Nhiệt điện chạy than đang ngày một "sạch" hơn và hiệu quả hơn

Trên TG, tại thời điểm giá dầu như hiện nay, chi phí biên ngắn hạn của nhiệt điện than thấp hơn của nhiệt điện chạy khí 40%. Ở VN, giá thành nhiệt điện chạy than chỉ bằng 50% nhiệt điện chạy khí. Xu hướng chung giá thành nhiệt điện khí ở VN sẽ tăng.

Về mức độ gây ô nhiễm: từ những năm 1980, công nghệ sạch sử dụng than (Clean Coal Technology- CCT) trên TG đã bắt đầu phát triển theo nhiều hướng: cải tiến quy trình đốt than trong lò hơi, cải tiến qui trình phát điện trong tổ máy.

Ở Việt Nam, toàn bộ các nhà máy nhiệt điện chạy than của TKV (Na Dương, Cao Ngạn, Sơn Động, Đông Triều, Cẩm Phả, Nông Sơn, Tân Rai, Nhân Cơ) đều được triển khai với lò hơi kiểu "tầng sôi tuần hoàn" (CFB). Loại lò này có nhiều ưu việt về môi trường:

1/ Có nhiệt độ cháy của than trong buồng đốt được thiết kế ở mức khoảng 850÷900 độ C, cho phép giảm đáng kể lượng phát thải khí NOx.

2/ Đốt được mọi loại than và đốt được than kèm đá vôi để khử lưu huỳnh, cho phép giảm tới 90÷95% lượng phát thải SOx.

3/ Thời gian tuần hoàn của hạt than trong buồng đốt có thể được thiết kế kéo dài, để giảm thành phần "carbon không cháy hết" trong tro bay và xỉ đáy lò xuống mức dưới 2÷5%, cho phép sử dụng tro xỉ để làm phụ gia cho xi măng.

Tuy nhiên, cũng cần vạch rõ, do nhiều bất cập (kể cả tiêu cực) từ phía chủ đầu tư, các dự án nhiệt điện chạy than của TKV đều không tận dụng được những điểm mạnh của lò hơi CFB.

Các lò hơi trong các nhà máy nhiệt điện than của EVN, và PVN thường có công suất lớn và được thiết kế đốt than phun (PC), với các thông số hơi cận tới hạn. Những lò loại này có mức phát thải bình quân trên 1000 gCO2/kWh và có hiệu suất tối đa chỉ 30%. Các dự án nhiệt điện than mới của EVN, TKV, và kể cả của tư nhân thường được thiết kế với thông số hơi siêu tới hạn (supercritical), trên siêu tới hạn (ultra-supercritical), và trên siêu tới hạn cải tiến (advanced ultra-supercritical). Các dự án mới có lượng phát thải chỉ khoảng 700÷830 gCO2/kWh, và có hiệu suất 40÷8%.

Mức tiêu hao than bình quân trên TG cũng đã giảm từ 370 gram/kWh (năm 2000) xuống còn 321gam/kWh (năm 2014). Nói cách khác, hiệu suất sử dụng than của lò hơi đã tăng lên tới 13% trong thời gian 2000÷2014.

Tóm lại: trên thế giới cũng như ở Việt Nam, nhiệt điện chạy than vẫn còn phải tiếp tục đóng vai trò không thể thiếu và cũng không dễ thay thế, ít nhất là trong tương lai đến năm 2035.

TS. NGUYỄN THÀNH SƠN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động