RSS Feed for Chính sách giá than của Indonesia và bài học tham khảo cho Việt Nam | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 12/12/2024 20:17
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chính sách giá than của Indonesia và bài học tham khảo cho Việt Nam

 - Trong thị trường than đá thế giới, Indonesia là một trong những quốc gia rất nổi bật. Theo thống kê của BP năm 2019, Indonesia đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu than (với 220,3 MTOE chỉ sau sản lượng xuất khẩu than của Úc), đứng thứ 5 thế giới về trữ lượng (với 37 tỉ tấn, chiếm 3,5% tổng trữ lượng than toàn cầu). Ngoài việc sở hữu nguồn tài nguyên than dồi dào, chất lượng phù hợp với nhu cầu của nhiều nước, trong đó có Việt Nam, vị trí địa lý mang tính chiến lược, Indonesia còn có chính sách quản lý tài nguyên than rất cụ thể, đồng bộ, hợp lý và chặt chẽ. Bài báo này đề cập đến chính sách giá than của Indonesia, từ đó rút ra những bài học tham khảo cho Việt Nam trong vấn đề xác định, quản lý và điều hành giá than.


Đề nghị Ban KTTW, Bộ Công Thương nghiên cứu phản biện Tạp chí Năng lượng Việt Nam


TS. ĐỒNG THỊ BÍCH; Th.S. LÊ THỊ THU HƯỜNG - TRƯỜNG ĐẠI HỌC MỎ - ĐỊA CHẤT

Mặc dù có nguồn tài nguyên than dồi dào nhưng Indonesia xác định phải khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên than, một mặt đảm bảo nguồn cung để đáp ứng nhu cầu trong nước, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của than xuất khẩu, mặt khác giữ vai trò bản lề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, Chính phủ Indonesia có chính sách quản lý than rất chặt chẽ, đồng bộ, trong đó có chính sách giá than. Với tư cách là nước có hoạt động khai thác than và có nhu cầu nhập khẩu than cao, việc tìm hiểu về chính sách giá than của Indonesia - nguồn than nhập khẩu quan trọng của Việt Nam là cần thiết để có thể rút ra những bài học kinh nghiệm trong quản lý và điều hành giá than, cũng như có thể chủ động hơn trong vấn đề đàm phán và ký kết hợp đồng nhập khẩu than từ nước này.

1/ Hệ thống văn bản pháp luật của Indonesia liên quan đến chính sách giá than

Chính sách giá than của Indonesia được quy định bởi các quy định của Chính phủ, Nghị định của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản, Thông tư của Tổng cục trưởng Tổng cục Khoáng sản và Than Indonesia. Các văn bản chính còn hiệu lực tính đến tháng 3 năm 2020 bao gồm:

1/ PerMen 7/2017 - Quy định về cách xác định giá chuẩn của than và khoáng sản kim loại.

2/ PerMen 25/2018 - Sửa đổi một số điều của PerMen 7/2017. 

3/ Nghị định MoEMR số 78K/30/MEM/2019, quy định mức sản lượng than tối thiểu bán cho thị trường nội địa năm 2019.

4/ GR 8/2018 - Quy định giá bán than đáp ứng nhu cầu trong nước.

5/ KepMen 1395/2018 - Hướng dẫn xác định giá bán than cho sản xuất điện, than phục vụ cho lợi ích công cộng.

Căn cứ vào các văn bản này, các đơn vị liên quan sẽ xác định giá than trong từng trường hợp cụ thể: Giá than chuẩn HBA, giá than bán cho các công ty sản xuất điện, các công ty sử dụng than cho mục đích công cộng hay giá than xuất khẩu.

2/ Về quản lý và điều hành giá than

Giá than của Indonesia được quản lý và điều hành theo mô hình sau đây:

 

Hình1: Mô hình điều hành giá than của Indonesia.

Chú thích: I1: Chỉ số than Indonesia; I2: Chỉ số xuất khẩu New Catstle; I3: Chỉ số Global New Catstle; I4: Chỉ số Kalimantan Platts; I5: Chỉ số năng lượng; I6: Chỉ số thị trường của HIS;  HBA: Giá than chuẩn; HBA: Giá than chuẩn ấn định cho điện; HBA1: Giá than chuẩn của tháng trước tháng ký hợp đồng; HBA2: Giá than chuẩn của tháng trước tháng  kí hợp đồng 2 tháng.

Từ mô hình nói trên, có thể thấy Indenesia công bố giá than chuẩn, trên cơ sở đó xác lập cơ chế 2 giá riêng biệt là giá than cho thị trường trong nước (là giá than cho sản xuất điện, cho phục vụ lợi ích cộng đồng) và giá than xuất khẩu. Nội dung dưới đây sẽ trình bày chi tiết về phương pháp xác định giá than chuẩn HBA, giá than cho sản xuất điện và giá than xuất khẩu theo hợp đồng dựa trên HBA.

2.2.1. Giá than chuẩn (HBA)

HBA (Harga Batubara Acuan) là giá than chuẩn, loại giá này được xác định căn cứ vào chỉ số giá trung bình của tháng trước tương ứng với than có các thông số kỹ thuật sau: Nhiệt lượng (CV) = 6.322 kcal/kg; Độ ẩm 8%; Lưu huỳnh 0,8%; Độ tro:15%. HBA được ban hành vào đầu mỗi tháng bởi Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia. HBA được dùng làm cơ sở để xác định giá bán than cho điện và giá than xuất khẩu theo hợp đồng.

Theo điều 8, Permen 7/2017 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, HBA được xác định dựa trên các chỉ số giá than ban hành bởi các tổ chức khác nhau gồm: Chỉ số than Indonesia; Chỉ số xuất khẩu New Catstle; Chỉ số Global New Catstle; Chỉ số Kalimantan Platts; Chỉ số năng lượng; Chỉ số thị trường của IHS.

Trong thực tế, HBA hàng tháng được xác định dựa trên 4 loại chỉ số là: Chỉ số Kalimantan Platts (5.900 kcal/kg GAR); Chỉ số than Indonesia 1(6.500 kcal/kg GAR); Chỉ số xuất khẩu New Catstle (6.322 kcal/kg GAR); Chỉ số Global New Catstle (6.000 kcal/kg NAR) trọng số của mỗi chỉ số là 25%.

2.2.2. Giá than cho điện

Có thể nói than có vai trò thống trị trong sản xuất điện năng tại Indonesia cả trong hiện tại và tương lai. Theo [9], sản lượng điện từ than của nước này 2019 chiếm tới 63,4%. IEEJ 2018 dự báo, từ 2030 đến 2050, Indonesia sản xuất điện từ than ở mức rất cao cả về sản lượng và tỷ trọng: Năm 2040, sản lượng điện từ than là 472 TWh chiếm 62% tổng sản lượng điện sản xuất, năm 2050 đạt mức cao hơn với 657 TWh tương đương 63,5% tổng sản lượng điện sản xuất. Chính vì xu hướng này, Indonesia đang và sẽ tiếp tục thực hiện chính sách nghĩa vụ cung cấp than cho thị trường nội địa (DMO), chính sách giá than cho điện một cách nghiêm túc, nhằm cung cấp than liên tục, ổn định cho điện với giá cả hợp lý, góp phần đảm bảo phát triển bền vững  nền kinh tế.

Với mục tiêu ưu tiên đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng than trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện và than sử dụng cho mục đích công cộng, giá bán than chuẩn cho sản xuất điện được Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản ấn định theo năm dựa trên chi phí khai thác cơ bản, thuế tài nguyên và lợi nhuận định mức để đảm bảo lợi ích kinh tế tối thiểu cho các công ty khai thác than.

Giá than chuẩn cho điện tương ứng với than có các thông số kỹ thuật sau: Nhiệt lượng (CV) = 6.322 kcal/kg; Độ ẩm 8%; Lưu huỳnh 0,8%; Độ tro 15% tương tự như thông số kỹ thuật của than chuẩn HBA. Giá than chuẩn cho điện được sử dụng để xác định giá cho từng loại than cụ thể (HPBi) trong danh mục 77 loại than của Indonesia tùy theo chất lượng của mỗi loại. HPBi được xác định dựa trên: Giá than chuẩn cho điện, mức chênh lệch của các thông số kỹ thuật chính (nhiệt lượng, độ ẩm, lưu huỳnh và độ tro) của than loại i và than chuẩn. Giá than chuẩn cho điện được xác định dựa trên 2 trường hợp:

+ Nếu HBA > Giá ấn định thì giá than chuẩn cho điện được lấy bằng giá ấn định.

+ Nếu HBA< Giá ấn định thì giá than chuẩn cho điện được lấy bằng HBA.

Năm 2018 - 2019, giá bán than chuẩn cho điện được Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản ấn định là 70 USD/tấn (giá FOB) theo KepMen 1395/2018,  mức giá này giữ nguyên trong năm 2020 (theo Quyết định vào ngày 30/1/2020 của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia).

2.2.3. Giá than xuất khẩu

Indonesia có trữ lượng than chất lượng trung bình và chất lượng thấp dồi dào, chi phí tiền lương cho khai thác than tại Indonesia thấp. Bên cạnh đó, Indonesia được cho là có vị trí địa lý chiến lược đối với các thị trường mới nổi khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ. Do vậy, sản lượng than xuất khẩu hàng năm của Indonesia rất lớn, hầu hết các công ty khai thác đều có hạn ngạch xuất khẩu. Indonesia hướng dẫn các công ty khai thác xác định giá than xuất khẩu dựa trên HBA và chất lượng cụ thể của từng loại than xuất khẩu. Theo PerMen 7/2017 (ngày 11 tháng 1 năm 2017) của Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia quy định như sau:

Giá than xuất khẩu giao ngay cũng được xác định dựa trên giá than chuẩn (tham chiếu) HBA và các thông số kỹ thuật cụ thể của than.

Đối với các hợp đồng giao than có kỳ hạn, giá bán than dài hạn được xác định dựa trên giá chuẩn bình quân trong ba tháng trước đó, công thức tính toán cụ thể là: Bằng 50% HBA trong tháng ký kết hợp đồng + 30% HBA trong tháng trước khi ký hợp đồng + 20% HBA hai tháng trước khi ký hợp đồng.

3/ Những vấn đề cần tham khảo cho Việt Nam

Từ những thông tin cơ bản về việc quản lý và điều hành giá than của Indonesia được phân tích ở trên, có thể rút ra một số điều cần tham khảo cho Việt Nam như sau:

Một  là: Giá than Indonesia được quản lý và điều hành rất chặt chẽ với hệ thống văn bản cụ thể chi tiết được ban hành hàng năm, thậm chí hàng tháng và có thay đổi đáng kể theo từng giai đoạn.

Hai là: Indonesia quản lý và điều hành giá than dựa trên giá than chuẩn - giá này được tính toán hợp lý dựa trên các chỉ số giá đảm bảo tính bình quân cả trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ba là: Việc xác định giá của từng loại than trong danh mục sản phẩm than của Indonesia được hướng dẫn chi tiết dựa trên các thông số kỹ thuật chính của than, công thức tính toán đảm bảo tính khoa học và hợp lý.

Bốn là: Giá than chuẩn được công bố hàng tháng nên việc sử dụng để tính giá than trong nước cũng như xuất khẩu đảm bảo tương ứng với giá than trên thị trường.

Thông qua những vấn đề cần tham khảo từ ngành than Indonesia nói trên, trước bối cảnh phải nhập khẩu than ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu than trong nước, trong thời gian tới Việt Nam cần chú trọng hơn trong một số điểm sau:

Thứ nhất: Xây dựng cơ chế hình thành và vận hành giá than cụ thể, có cơ sở khoa học, có tính khả thi.

Thứ hai: Xác định giá than chuẩn (tham chiếu) để làm căn cứ xác định giá của từng loại than cụ thể dựa trên các thông số kỹ thuật của từng loại than (nhiệt lượng, độ ẩm, độ tro, lưu huỳnh), đồng thời dùng làm căn cứ quan trọng để so sánh với giá than nhập khẩu từ các nước khác.

Thứ ba: Giá than nội địa (giá than cho điện) được xác định dựa trên chi phí khai thác cơ bản, có tính đến lợi nhuận định mức của doanh nghiệp khai thác.

Thứ tư: Cập nhật, theo dõi thường xuyên các quy định cũng như giá chuẩn than nhiệt của Indonesia để chủ động trong đàm phán về giá cũng như đảm bảo tính chặt chẽ trong các hợp đồng nhập than từ nước này, đảm bảo nhập than đúng số lượng, chất lượng, thời gian với giá cả hợp lý, hạn chế rủi ro từ nhập khẩu than./.

Tài liệu tham khảo:

[1]. GR 8/2018 -  Quy định  giá bán than đáp ứng nhu cầu trong nước.

[2]. IEEJ out look 2018- Prospects and challenges until 2050 - Energy, Environment and Economy.

[3]. KepMen 1395/2018 - Hướng dẫn xác định giá bán than cho điện, than phục vụ cho lợi ích công cộng.

[4]. Nghị định Số 23k/30/MEM/2018 của Bộ Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia, ngày 5 tháng 1 năm 2108.

[5]. Nghị định MoEMR số 78K/30/MEM/2019, liên quan đến quyết định  mức tối thiểu bán than cho thị trường nội địa năm 2019.

[6]. PerMen 7/2017 - Quy định về cách xác định giá chuẩn của than và khoáng sản kim loại.

[7]. PerMen 25/2018 - Sửa đổi một số điều của PerMen 7/2017.

[8]. Phan Ngô Tống Hưng, Than Indonesia trong cân bằng năng lượng Việt Nam, Tạp chí Năng lượng Việt Nam Online.

[9]. BP Statistical Review of World Energy 2020.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động