RSS Feed for Chiến sự Ukraine và cấm vận Nga, thị trường năng lượng thế giới ‘rung lắc’ | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 20/04/2024 08:03
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Chiến sự Ukraine và cấm vận Nga, thị trường năng lượng thế giới ‘rung lắc’

 - Trong khi khủng hoảng năng lượng chưa chấm dứt thì xung đột lại diễn ra tại Ukraine khiến giá năng lượng tăng cao, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, gây “rung lắc” nền kinh tế toàn cầu.
Cơn sốt tăng giá nhiên liệu và lo ngại về khủng hoảng năng lượng Cơn sốt tăng giá nhiên liệu và lo ngại về khủng hoảng năng lượng

Tổng hợp, phân tích dưới đây của chuyên gia Tạp chí Năng lượng Việt Nam đề cập đến cơn sốt giá năng lượng vào nửa sau năm 2021 trên toàn cầu, bắt nguồn từ Đông Bắc Á và châu Âu. Qua đó, nêu rõ nguyên nhân, tác động kinh tế - xã hội và môi trường, dự báo sự tăng giá sắp tới, đồng thời gợi mở định hướng các giải pháp ứng phó phù hợp nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội của mỗi nước, khu vực.


Lịch sử từ thời Chiến tranh Lạnh:

Trong khi Mỹ và phương Tây cố gắp hợp tác làm suy yếu kinh tế Nga thì có một thứ lại làm suy yếu sự đoàn kết đó. Đó là mạng lưới các nước châu Âu, đặc biệt là Đức phải phụ thuộc vào Nga để xuất khẩu năng lượng, đặc biệt là khí đốt tự nhiên.

Từ lâu, Mỹ suy đoán Nga sẵn sàng sử dụng thương mại để trói tay các quốc gia khác - mối quan tâm có từ những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh. Ví dụ, cuối những năm 1950 và 1960, khi Liên Xô và Mỹ tranh giành quyền bá chủ thời hậu chiến, thì mỗi bên đều cố gắng gây ảnh hưởng đến các quốc gia không chính thức liên kết với một trong hai siêu cường. Một số nhà phân tích Mỹ đã cảnh báo về một “cuộc tấn công kinh tế của Liên Xô”. Điều này bao gồm những nỗ lực của Liên Xô nhằm sử dụng các thỏa thuận thương mại thuận lợi và hỗ trợ kinh tế khác cho các nước thuộc Hiệp ước Warsaw và các mục tiêu trung lập như Phần Lan, CH Ả Rập Thống nhất và Ấn Độ theo cách tạo ra sự phụ thuộc lâu dài vào Moscow.

Các nhà phân tích khác không đồng ý và cho rằng thương mại của Liên Xô phần lớn được thúc đẩy bởi kinh tế. Các đồng minh của Mỹ - đặc biệt là Anh cũng phản đối lời kêu gọi của Mỹ hạn chế thương mại chiến lược với khối XHCN và các nỗ lực khác nhằm hạn chế triển vọng thương mại của họ với Liên Xô. Những quan điểm khác nhau này chứng tỏ sự mơ hồ trong các ý định của Liên Xô. Với sự cạnh tranh trong Chiến tranh Lạnh và địa vị của Liên Xô là một nền kinh tế tập trung do nhà nước điều hành, động cơ của Moscow được cho là không rõ ràng.

Khi Liên Xô bắt đầu phát triển các đường ống dẫn dầu và khí đốt đến châu Âu, sự phụ thuộc năng lượng của châu Âu vào Nga đã trở thành mối quan tâm đặc biệt của Washington. Trong những năm 1960, Tây Âu chỉ nhập khẩu 6% lượng dầu từ khối Liên Xô. Nhưng một đường ống dẫn dầu mới được lên kế hoạch - chạy suốt từ vùng viễn đông của Nga, qua một số quốc gia châu Âu, bao gồm Ukraine và Ba Lan, và kết thúc ở Đức - cho thấy Liên Xô hy vọng sẽ thay đổi điều đó. Viễn cảnh về sự phụ thuộc lớn hơn, cũng như những lo ngại chiến lược khác, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Washington.

Năm 1963, chính quyền Kennedy đã cố gắng đình chỉ việc xây dựng đường ống dẫn dầu Druzhba, hay còn gọi là “Hữu nghị” bằng cách đẩy một lệnh cấm vận đối với đường ống có đường kính rộng sang các nước liên kết với Liên Xô. Biết rằng không thể dừng dự án một mình, Mỹ đã gây áp lực buộc các đồng minh - đặc biệt là Tây Đức, nước xuất khẩu đường ống lớn, phải tham gia.

Trong khi Anh từ chối, Tây Đức miễn cưỡng đồng ý, cho phép NATO cấm vận một phần. Tuy nhiên, đường ống đã được hoàn thành một năm sau đó với chỉ một chút chậm trễ.

Năm 1981, Liên Xô đang xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Siberia đến Tây Âu. Xem đây là một mối đe dọa khác, chính quyền Reagan đã cố gắng thuyết phục các đồng minh châu Âu như Pháp và Đức tham gia lệnh cấm vận không chỉ thiết bị đường ống cho dự án mà còn cả tài chính. Họ từ chối và Mỹ đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt nhằm ngăn các công ty châu Âu cung cấp tiền hoặc thiết bị cho dự án. Quyết định của Mỹ đã gây ra một cuộc khủng hoảng nội bộ phương Tây, gieo rắc sự chia rẽ giữa Mỹ và châu Âu, dẫn đến việc rút lui các lệnh trừng phạt chỉ vài tháng sau đó.

Hậu quả của việc phụ thuộc năng lượng vào Nga bắt đầu bộc lộ sau khi Liên Xô tan rã năm 1991 và sự nổi lên của V.Putin một thập kỷ sau đó. Không giống như những người tiền nhiệm, Putin đã thể hiện sự sẵn sàng kết hợp các mục tiêu kinh tế và địa chính trị trong chính sách năng lượng của Nga.

Ví dụ, vào giữa những năm 2000, Ukraine vẫn nhận được các lô hàng khí đốt được trợ cấp mạnh mẽ từ Nga giống như khi nước này là một phần của Liên Xô vài năm trước đó. “Cách mạng Cam” gần cuối năm 2004 đã dẫn đến việc lật đổ một nhà lãnh đạo ủng hộ Điện Kremlin, thay thế bằng một người tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với phương Tây. Một năm sau, Gazprom yêu cầu Ukraine trả đầy đủ giá thị trường cho khí đốt của mình.

Khi Ukraine từ chối, Nga đã hạn chế dòng chảy của khí đốt qua các đường ống - chỉ để lại lượng khí đủ để thực hiện các hợp đồng với các nước Tây Âu. Đối với nhiều nhà quan sát, động thái này dường như nhằm gây bất ổn cho chính phủ thân phương Tây ở Kyiv. Sau đó, nó cũng được sử dụng làm cơ sở cho các tuyên bố rằng Ukraine là một quốc gia trung chuyển khí đốt không đáng tin cậy, điều này đã giúp xây dựng hỗ trợ cho một đường ống mới có tên Nord Stream dẫn trực tiếp khí đốt từ Nga sang Đức.

Đường ống dẫn dầu đó được khai trương vào năm 2011 và dẫn đến khoản lỗ hàng năm cho Ukraine là 720 triệu USD phí vận chuyển. Nord Stream cũng làm tăng đáng kể sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga, đến năm 2020, nước này cung cấp ước tính 50% đến 75% lượng khí đốt tự nhiên, tăng từ 35% vào năm 2015. Khí đốt tự nhiên không chỉ được sử dụng cho ngành công nghiệp năng lượng mà còn để sưởi ấm và sản xuất điện ở Đức.

Nord Stream hiện chịu trách nhiệm cho một phần ba tổng lượng khí đốt xuất khẩu của Nga sang châu Âu. Kết quả là, xuất khẩu khí đốt của Nga sang châu Âu đạt mức kỷ lục vào năm 2021 - bất chấp những nỗ lực của Mỹ nhằm tăng cường xuất khẩu khí đốt hóa lỏng khí đốt tự nhiên sang châu Âu.

Châu Âu đã nhìn thấy những hậu quả tiềm tàng của sự phụ thuộc này vào tháng 12/2021, khi Nga giảm xuất khẩu khí đốt sang châu Âu khi cuộc khủng hoảng liên quan đến Ukraine đang nóng lên. Mặc dù về mặt kỹ thuật, Nga vẫn đáp ứng các hợp đồng của mình, nhưng nước này đã ngừng bán khí đốt bổ sung như trước đây.

Trong khi ý định của Putin vẫn chưa rõ ràng, thì Mỹ lại dẫn đầu các nỗ lực ngăn chặn kìm chân Nga. Thậm chí Mỹ còn áp dụng các biện pháp trừng phạt tàn khốc, ngăn chặn đường ống mới chạy từ Nga đến Đức hay Nord Stream 2. Nhưng châu Âu, và cụ thể là Đức - vốn đã phụ thuộc rất nhiều vào Nga về năng lượng khiến họ trở nên dễ bị tổn thương do lịch sử Nga từng đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước láng giềng. Điều này có thể làm suy yếu khả năng của phương Tây trong việc thực hiện một chiến dịch trừng phạt phối hợp.

Ví dụ, một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông có thể là một thảm họa đối với Đức và lo sợ về nó có thể làm suy yếu sự sẵn sàng hành động chống lại Nga của Đức. Có thể thấy một ví dụ gần đây về sự mềm mỏng tiềm tàng của Đức đối với Nga là việc Thủ tướng Đức Olaf Scholz không tán thành việc dừng đường ống Nord Stream 2 như một biện pháp trừng phạt. Việc Nga sử dụng thương mại và năng lượng để tạo ra sự phụ thuộc đã giúp Nga trở thành một thế mạnh - một điều mà Mỹ và các đồng minh châu Âu của họ lại chỉ có giới hạn.

Giá năng lượng tăng kỷ lục:

Theo báo trực tuyến Đức Dw.com (DW), các biện pháp trừng phạt của phương Tây đang đe dọa và đưa nền kinh tế Nga vào thế kẹt. Các biện pháp trừng phạt sẽ gây chấn động trên toàn thế giới từ châu Phi đến châu Âu dưới hình thức lạm phát cao hơn và tình trạng thiếu lương thực. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết, Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã phát động một “cuộc chiến kinh tế” chống lại Nga, đề cập đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow đã khiến nước này bị cắt đứt khỏi thị trường tài chính quốc tế.

Cái gọi là chiến tranh kinh tế đã khiến Nga đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính với việc đồng rúp lao dốc xuống mức thấp kỷ lục so với đô la Mỹ, khiến người Nga lo ngại đến xếp hàng tại các máy ATM với hy vọng rút được tiền mặt. Tuy nhiên, không chỉ Nga cảm thấy sức ép của các lệnh trừng phạt của phương Tây, vốn được tung ra để đáp trả cuộc chiến của Tổng thống Nga V. Putin chống lại Ukraine. Các lệnh trừng phạt đang làm tổn thương các quốc gia khác, từ Ai Cập đến Đức, vốn phụ thuộc nhiều vào lúa mì và khí đốt tự nhiên của các bên tham chiến.

Giá dầu và khí đốt tự nhiên tăng vọt sau một đợt trừng phạt khác của phương Tây đối với Nga vào cuối tuần qua khi các thương nhân chuẩn bị cho sự gián đoạn nguồn cung từ Nga, một trong những nhà xuất khẩu dầu khí lớn nhất thế giới và Ukraine, quốc gia trung chuyển khí đốt chính của Nga. Cho đến nay, các lệnh trừng phạt vẫn chưa nhắm trực tiếp vào lĩnh vực năng lượng, nhưng các thương nhân lo ngại rằng Moscow có thể trả đũa bằng cách hạn chế xuất khẩu dầu và khí đốt, và các lệnh trừng phạt của phương Tây cuối cùng có thể được mở rộng để gây tổn hại trực tiếp đến lĩnh vực năng lượng Nga, con ngỗng vàng của đất nước này.

Louise Dickson, nhà phân tích thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy, cho biết: “Nguồn cung cấp năng lượng của Nga có rất nhiều rủi ro, do bị Nga giữ lại làm vũ khí hoặc bị loại khỏi thị trường do các lệnh trừng phạt”.

Theo Hiệp hội xe hơi Mỹ (AAA), giá xăng tại Mỹ cao hơn khoảng 1 USD so với một năm trước, với mức trung bình trên toàn quốc là 3,61 USD/gallon. Giá năng lượng tăng gây khó khăn cho người tiêu dùng, mặc dù tốt cho các nhà sản xuất, kể cả ở Mỹ. Đối với Iran, quốc gia đã đóng cửa nền kinh tế toàn cầu trong nhiều năm, nhu cầu về dầu từ các nguồn khác có thể giúp các cuộc đàm phán dỡ bỏ các lệnh trừng phạt diễn ra suôn sẻ.

Cũng có những lo ngại rằng việc đóng cửa các ngân hàng lớn của Nga khỏi hệ thống thanh toán SWIFT có thể khiến việc mua dầu và khí đốt của Nga trở nên phiền phức hơn. Các ngân hàng châu Âu Societe Generale và Credit Suisse được cho là đã ngừng cấp vốn cho tất cả các mặt hàng từ Nga. Điều đó đang khiến nhiều người ở châu Âu lo lắng, nơi có hơn một phần ba nguồn cung cấp khí đốt và khoảng một phần tư lượng dầu từ Nga. Bất kỳ sự gián đoạn nào trong việc cung cấp khí đốt có thể khiến người châu Âu không có đủ khí đốt để sưởi ấm ngôi nhà của họ và với hóa đơn tiền điện cắt cổ vì các công ty sẽ phải tranh giành nhiên liệu để sản xuất điện.

Nhà phân tích Jim Reid của Deutsche Bank nói với các khách hàng: “Cho đến nay các lệnh trừng phạt dường như đang triệt tiêu năng lượng”.

Theo trang tin trực tuyến Mỹ CNBC số ra ngày 1/3, hậu quả của xung đột và cấm vận Nga khiến giá dầu WTI của Mỹ vọt lên mức cao nhất kể từ năm 2013, còn giá dầu Brent vượt ngưỡng 110 USD/thùng trước thềm cuộc họp bàn về sản lượng trong tháng 4 của OPEC+, bao gồm Nga, vào tuần 2 của tháng 3/2022. Giá dầu WTI giao kỳ hạn trên thị trường châu Á lúc 14h10 chiều 2/3 đã tăng hơn 6%, giao dịch ở mức 109,98 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2013. Trong phiên giao dịch 1/3, hợp đồng dầu này tăng 8,03% lên mức 103,41 USD/thùng. Giá dầu Brent cũng tăng 6,2% lên mức 111,56 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 7/2014. Trong phiên giao dịch hôm 1/3, giá dầu tăng 7,15% lên mức 104,97%. Cả giá dầu WTI và Brent đều đã vượt qua ngưỡng 100 USD/thùng vào ngày 25/2, lần đầu tiên kể từ năm 2014, sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, dấy lên lo ngại về nguồn cung vốn đã eo hẹp.

“Vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, giá dầu thô không ngừng tăng cao vì thị trường dầu đang rất eo hẹp. Giá dầu Brent có thể cán mốc 120 USD/thùng nếu thị trường bắt đầu cho rằng các lệnh trừng phạt sẽ được áp dụng đối với năng lượng của Nga” - Ed Moya, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Ed Moya tại công ty tư vấn Mỹ Oanda Corporation nói trước báo chí.

Cũng theo CNBC, hôm 1/3, các nước thành viên của Cơ quan Năng lượng Quốc tế đã công bố kế hoạch giải phóng 60 triệu thùng dầu dự trữ nhằm hạ nhiệt giá dầu. Theo đó, Mỹ có thể giải phóng 30 triệu thùng. Nga là nhà sản xuất và xuất khẩu dầu khí chủ chốt, đặc biệt là sang châu Âu. Cho đến hiện tại, lĩnh vực năng lượng của nước này vẫn chưa bị trừng phạt trực tiếp. Song những tác động từ các lệnh trừng phạt tài chính cũng khiến một số đối tác nước ngoài đang lưỡng lự cân nhắc./.

KHẮC NAM - CHUYÊN GIA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM (THEO: TCC/NYT/FYC/DW/CNBC- 2/2022)

Link tham khảo:

1/ https://theconversation.com/how-russia-hooked-europe-on-its-oil-and-gas-and-overcame-us-efforts-to-prevent-energy-dependence-on-moscow-174518

2/ https://www.nytimes.com/2022/03/01/business/economy/russia-ukraine-sanctions-economy.html

3/ https://finance.yahoo.com/news/russias-economy-would-be-hit-hardest-by-energy-sanctions-with-little-toll-on-eu-think-tank-212606002.html

4/ https://www.dw.com/en/how-could-russia-sanctions-impact-you/a-60959319

5/ https://www.cnbc.com/2022/03/02/us-oil-jumps-to-highest-since-2013-tops-109-a-barrel.html

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động