RSS Feed for Cần thay đổi phương pháp tính tiền khai thác tài nguyên nước | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 26/12/2024 23:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Cần thay đổi phương pháp tính tiền khai thác tài nguyên nước

 - Việc áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như Dự thảo (lần 2) Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì sọan thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường ngành Điện lực (giá bán lẻ điện tăng gần 13%) và các doanh nghiệp thủy điện (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bằng 54% doanh thu bán điện)... Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA) nêu vấn đề.

Thủy điện Hố Hô cũng chỉ là nạn nhân của lũ Hương Khê
Nên công bằng với thủy điện

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, qua nghiên cứu các nội dung quy định theo Dự thảo (lần 2) Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước có ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của các đơn vị hội viên thuộc Hiệp hội, nhất là các doanh nghiệp thủy điện. Do vậy, ngày 5/12/2016, VEA đã có văn bản góp ý, kiến nghị tới Chính phủ, các bộ, ngành chức năng nhiều nội dung quan trọng về vấn đề này.

Công thức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước

Theo quy định tại Dự thảo, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho thủy điện được xác định theo công thức sau: T = W x G x M  (1). Trong đó, T - Tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước; đơn vị tính là đồng Việt Nam. W - Sản lượng điện năng quy định tại Điều 7 của Nghị định này. G - Giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Điều 8 Nghị định này, đơn vị tính là đồng/đơn vị lượng nước khai thác. M - Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước quy định tại Điều 5 Nghị định này, đơn vị tính là phần trăm (%).

Trường hợp công thức trên được áp dụng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước sẽ ảnh hưởng rất lớn đến giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện. 

Theo VEA, trước hết là ảnh hưởng lớn đến chi phí mua điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, giá bán điện cho các khách hàng sử dụng điện.

Công suất các nguồn thủy điện hiện nay khoảng 14.500 MW, sản lượng thủy điện sản xuất năm 2015 là 60,5 tỷ kWh. Các nhà máy thủy điện hiện nay có tuổi bình quân khoảng 10 năm (tính cho các nhà máy và cũ), các nhà máy thủy điện được thiết kế với tuổi thọ lên đến 100 năm, hoặc lâu hơn. Như vậy, thời gian hoạt động còn lại của các nhà máy thủy điện hiện nay lên đến vài chục năm.

Tuy nhiên, thời hạn cấp Giấy phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước biển tối đa chỉ là 15 năm (quy định tại các Khoản 1 và 2, Điều 21 Nghị định số 201/2013/NĐ-CP). Thời hạn này được sử dụng để tính tác động của phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước đến ngành điện và các doanh nghiệp.

Như vậy, sản lượng khai thác thủy điện để tính tiền cấp quyền khai thác:  W = 60,5 x 15 = 907,5 tỷ kWh. Giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước hiện nay (giá bán điện thương phẩm bình quân) G = 1622 đ/kWh. Mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (theo Dự thảo): M = 2%. Áp dụng công thức (1), tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các nhà máy thủy điện hiện có: T = 907,5 x 1622 x 2% = 29.439,3 tỷ đồng.

Với sản lượng điện thương phẩm của hệ thống điện quốc gia năm 2015 là 143,34 tỷ kWh. Như vậy, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho một kWh điện năng là: 29.439,3/143,34 = 205,4 đ/kWh, tăng 12,7% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành.

Mặc khác theo lập luận của VEA, với quy định này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện.

Giả thiết, doanh nghiệp thủy điện có nhà máy thủy điện có công suất 10 MW, sản lượng điện bình quân hàng năm là 40 triệu kWh (bằng số giờ vận hành công suất lắp máy bình quân chung trong toàn hệ thống). Giả thiết thời gian vận hành còn lại của nhà máy cũng là 15 năm.

Như vậy, sản lượng khai thác thủy điện để tính tiền cấp quyền khai thác:   W = 40 x 15 = 600 triệu kWh. Áp dụng công thức (1), tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho nhà máy thủy điện là: T = 600 x 1622 x 2% = 19,5 tỷ đồng.

Các nhà máy thủy điện hiện bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam với giá bình quân khoảng 900 đ/kWh. Như vậy, doanh thu bình quân hàng năm của nhà máy thủy điện là: 900 đ/kWh x 40 triệu kWh = 36.000 triệu đồng = 36 tỷ đồng.

Như vậy, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bằng 54% doanh thu bình quân của nhà máy thủy điện. Việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thủy điện.

Nhận xét về nội dung Dự thảo

Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, việc ban hành Nghị định quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước là cần thiết nhằm thực hiện các quy định tại Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/06/2012 của Quốc hội và Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Tài nguyên nước.

Tuy nhiên, đối với các nhà máy thủy điện, nếu áp dụng công thức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như quy định tại Điều 6 của Dự thảo sẽ tác động đến sản xuất, kinh doanh của ngành Điện lực nói chung cũng như của các doanh nghiệp thủy điện nói riêng như phân tích ở phần trên.

Không những thế, công thức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước chưa đề cập đến tài nguyên nước sử dụng để sản xuất điện mà chỉ đề cập đến sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thủy điện. Thực tế, điện năng sản xuất của các nhà máy thủy điện không chỉ phụ thuộc vào lượng nước sử dụng, mà còn phụ thuộc rất lớn vào chiều cao cột nước (độ chênh mức nước thượng lưu và hạ lưu). Như vậy, quy định tại Dự thảo chưa phản ánh được đúng bản chất của việc khai thác tài nguyên nước.

Việc sử dụng tài nguyên nước để sản xuất điện tại các nhà máy thủy điện khác nhiều với việc sử dụng tài nguyên nước trong các ngành, các lĩnh vực khác. Nước qua nhà máy thủy điện, sau khi sản xuất ra điện được trả nguyên vẹn về hạ du, không mất đi (đối với các nhà máy thủy điện chuyển nước, nước sau nhà máy thủy điện cũng được chuyển hoàn toàn sang lưu vực khác). Trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt,… nước bị mất đi một phần và toàn bộ, không được trả lại nguyên vẹn cho hạ du.

Do vậy, quan điểm của VEA là cần xem xét đặc điểm này khi tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các ngành, lĩnh vực khác nhau.

Trong công thức tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho thủy điện; sản lượng điện năng (W) được tính theo đơn vị điện năng (kWh); trong khi giá tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước (G), đơn vị tính là đồng/đơn vị lượng nước khai thác. Như vậy, các đơn vị này chưa phù hợp nhau.

Theo phân tích tại điểm 2 mục này, W cần được tính theo lượng nước sử dụng. Có thể quy đổi điện năng thủy điện sản xuất về tổng lượng nước sử dụng qua chỉ tiêu suất tiêu hao nước bình quân (m3/kWh) của từng nhà máy thủy điện.

Kết luận và kiến nghị 

Từ những phân tích, lập luận nêu trên, VEA nhận thấy việc áp dụng tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước như Dự thảo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (giá bán lẻ điện tăng gần 13%) và các doanh nghiệp thủy điện (tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước bằng 54% doanh thu bán điện).

Cụ thể là các doanh nghiệp thủy điện hiện đã phải nộp nhiều loại phí và thuế (thuế tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng…) liên quan đến việc sử dụng nước cho mục đích kinh doanh thủy điện. Trong khi đó nhiều ưu đãi đầu tư bị cắt giảm, chi phí đầu tư cho quy trình làm sạch nước, chi phí lãi vay và việc không tăng được giá bán điện. Các doanh nghiệp thủy điện hiện đang phải chịu sức ép lớn về cân bằng tài chính, việc đưa thêm chi phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước với giá trị lớn sẽ dẫn tới phá sản, không trả được nợ lãi vay của hàng loạt doanh nghiệp thủy điện.

Về nguyên tắc, khi nhà nước tăng thu các khoản thuế và phí, chi phí tăng thêm này sẽ được đưa vào giá bán lẻ điện. Giá bán điện lẻ điện tăng cao như trên sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống sinh hoạt của các hộ dân.

Theo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, việc áp dụng phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước tương tự như quyền khai thác tài nguyên khoáng sản đối với khai thác khoáng sản là chưa hợp lý, bởi tài nguyên nước là nguồn tài nguyên có thể tái tạo, tài nguyên nước sau khi qua nhà máy thủy điện được trả nguyên vẹn về hạ lưu, không mất đi. Trong khi tài nguyên khoáng sản đã có giá trị ngay cả khi chưa được khai thác và sau khi khai thác không thể tái tạo lại được.

Khác với doanh nghiệp khai thác khoáng sản, các doanh nghiệp thủy điện, nhất là các doanh nghiệp có hồ chứa lớn, ngoài nhiệm vụ phát triển còn có trách nhiệm chống lũ và điều tiết nước cho hạ lưu. Hiệu quả tổng hợp của thủy điện được chia sẻ cho các ngành, trong khi các chi phí (đầu tư, chi phí vận hành,…) đều do chủ đầu tư các công trình thủy điện chịu, không được chia sẻ chi phí như quy định tại nhiều quốc gia khác.

Trên cơ sở các nghiên cứu, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành ba nội dung như sau:

Thứ nhất: Phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước đối với trường hợp khai thác nước cho thủy điện được xác định trên cơ sở lượng tài nguyên nước sử dụng. Giảm mức thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước từ 2% xuống 0,2% (với mức này, giá bán điện lẻ tăng 1,3% là mức có thể chấp nhận được đối với khách hàng sử dụng điện).

Thứ hai: Cho phép các doanh nghiệp thủy điện nộp tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước theo từng năm, thay vì nộp một lần theo thời hạn của giấy phép khai thác.

Thứ ba: Đưa và Dự thảo quy định, đối với các doanh nghiệp có nhà máy thủy điện, phí cấp quyền khai thác tài nguyên nước khai thác được tính là một thành phần chi phí và được đưa vào giá bán điện cho các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động