RSS Feed for Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Chủ nhật 22/12/2024 18:54
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thủy điện Việt Nam: Tiềm năng và thách thức

 - Với tiềm năng lớn và được quan tâm khai thác từ rất sớm nên thủy điện đã đóng góp một phần rất đáng kể vào sản xuất điện ở Việt Nam. Bài viết này trình bày một cách tổng quát về hiện trạng khai thác, ứng dụng, các vấn đề bất cập và kiến nghị một số giải pháp nhằm góp phần phát triển bền vững thủy điện, trong đó có thủy điện nhỏ ở Việt Nam.

Phát triển thủy điện nhỏ: Tại sao không?

PGS.TS. ĐẶNG ĐÌNH THỐNG, Hội đồng Khoa học, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam

Tiềm năng thủy điện

Lãnh thổ Việt Nam nằm trong vùng nhiệt đới, có lượng mưa trung bình hàng năm cao, khoảng 1.800 - 2.000mm. Với địa hình miền Bắc và biên giới miền Tây đồi núi cao, phía Đông là bờ biển dài trên 3.400km nên nước ta có hệ thống sông ngòi khá dày đặc với hơn 3.450 hệ thống. Và với điều kiện tự nhiên thuận lợi như vậy nên tiềm năng thuỷ điện (TĐ) của nước ta tương đối lớn. Theo tính toán lý thuyết, tổng công suất TĐ của nước ta vào khoảng 35.000MW, trong đó 60% tập trung tại miền Bắc, 27% phân bố ở miền Trung và 13% thuộc khu vực miền Nam. Tiềm năng kỹ thuật (tiềm năng có thể khai thác khả thi) vào khoảng 26.000MW, tương ứng với gần 970 dự án được quy hoạch, hàng năm có thể sản xuất hơn 100 tỷ kWh, trong đó nói riêng thuỷ điện nhỏ (TĐN) có tới 800 dự án, với tổng điện năng khoảng 15 - 20 tỉ kWh/năm.

Đến năm 2013, tổng số dự án TĐ đã đưa vào vận hành là 268, với tổng công suất 14.240,5 MW. Hiện có 205 dự án với tổng công suất 6.1988,8 MW đang xây dựng và dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015-2017. Như vậy, theo kế hoạch, đến năm 2017, có 473 dự án sẽ đưa vào khai thác vận hành, với tổng công suất là 21.229,3 MW, chiếm gần 82% tổng công suất tiềm năng kỹ thuật của thủy điện. Năm 2012, các nhà máy TĐ đóng góp 48,26% (13.000 MW) và 43,9% (tương ứng 53 tỷ kWh) điện năng cho ngành điện.

Có thể nói, cho đến nay các dự án TĐ lớn có công suất trên 100MW hầu như đã được khai thác hết. Các dự án có vị trí thuận lợi, có chi phí đầu tư thấp cũng đã được triển khai thi công. Còn lại trong tương lai gần, các dự án TĐ công suất nhỏ sẽ được đầu tư khai thác.

Hiện nay, ngoài các dự án lớn do EVN đầu tư, có nguồn vốn và kế hoạch thực hiện đúng tiến độ, thì các dự án vừa và nhỏ do chủ đầu tư ngoài ngành điện thường chậm tiến độ hoặc bị dừng. Lý do của tình trạng các dự án chậm tiến độ hoặc bị dừng là do: (1) Nền kinh tế nước ta trong thời gian qua gặp khó khăn; (2) Các dự án không hiệu quả, không đủ công suất như trong quy hoạch và nghiên cứu khả thi, hoặc chi phí đầu tư quá cao, khó khăn trong việc hoàn vốn; (3) Các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, hoặc chủ đầu tư không có kinh nghiệm quản lý dự án, tự thi công dẫn đến chất lượng công trình kém và thời gian kéo dài; (4) Một số dự án gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, chặt phá rừng trên diện rộng, ảnh hưởng đến hạ du... bị thu hồi, tạm loại ra khỏi quy hoạch.

Ở nước ta, TĐ chiếm một tỷ trọng cao trong cơ cấu sản xuất điện. Hiện nay, mặc dù ngành điện đã phát triển đa dạng hóa nguồn điện, nhưng TĐ vẫn đang chiếm một tỷ trọng đáng kể. Năm 2014, TĐ chiếm khoảng 32% trong tổng sản xuất điện. Theo dự báo của Qui hoạch phát triển điện đến năm 2020 với tầm nhìn 2030 hay gọi tắt là Qui hoach điện VII (QHĐ VII) thì đến các năm 2020 và 2030 tỷ trọng TĐ vẫn còn khá cao, tương ứng là 23%.

Ngoài mục tiêu phát điện, các nhà máy TĐ còn có nhiệm vụ cắt và chống lũ cho hạ du trong mùa mưa bão, đồng thời cung cấp nước phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh trong mùa khô.

Thủy điện nhỏ

Theo phân cấp của Việt Nam, các nguồn TĐ có công suất đến 30MW thì được phân loại là TĐN. Các nguồn TĐ có công suất lớn hơn gọi là TĐ lớn.

Tuy nhiên, theo Tổ chức TĐN của Liên hiệp quốc (Small Hydropower UNIDO), thì các nguồn TĐ có công suất từ 200 kW - 10 MW gọi là TĐN, còn các nhà máy có công suất từ 10 MW - 100 MW là TĐ vừa. Như vậy, theo phân loại của Việt Nam thì TĐN (công suất £ 30MW) đã bao gồm các TĐ vừa. Điều này có nghĩa là đối với các dự án TĐN có công suất trên 15MW cũng cần phải chú ý thẩm định nghiêm túc về qui hoạch, thiết kế, xây dựng và về các tác động môi trường và xã hội.

Như đã biết, các dự án TĐ lớn có thể gây ra những tác động tiêu cực về môi trường và xã hội. Các dự án này cần có hồ chứa rất lớn nên dẫn đến mất rất nhiều diện tích đất đai, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp; hàng nghìn vạn hộ dân phải di dời, tái định cư; một khu vực văn hóa trong diện tích lòng hồ bị chôn vùi; lượng phát thải khí nhà kính (chủ yếu là mê tan) được tạo ra do các sinh vật bị ngập trong hồ gây ra...

Khác với TĐ lớn, TĐN có qui mô nhỏ, các tác động về môi trường và xã hội thường không lớn nên nó được xếp vào các nguồn năng lượng tái tạo. Ở các công trình TĐN, quy mô công trình thường là đập thấp, đường dẫn nhỏ, khối lượng xây dựng không lớn, diện tích chiếm đất không nhiều và vì vậy mà diện tích rừng bị chặt phá phục vụ công trình cũng không lớn. Mỗi trạm TĐN thường chỉ có 2-3 tổ máy, máy biến áp, trạm phân phối điện và đường dây tải điện 35 kV hoặc 110 kV. Các nhà máy TĐN nếu có hồ chứa thì dung tích cũng bé hoặc không có hồ chứa. Nhiều nhà máy chạy bằng lưu lượng cơ bản của sông suối thông qua xây dựng đập dâng. Vì lý do đó nên TĐN không làm được nhiệm vụ chống lũ cho hạ lưu.

Theo đánh giá, tiềm năng TĐN của VN vào khoảng 4.000MW, trong đó loại nguồn có công suất từ 100kW-30MW chiếm 93- 95%, còn loại nguồn có công suất dưới 100kW chỉ chiếm 5 - 7%, với tổng công suất trên 200MW. 

Về hiệu quả kinh tế thì TĐN không bằng thuỷ điện lớn. Theo thống kê từ các công trình TĐ đã và đang vận hành thì suất đầu tư TĐN vào khoảng 25 - 30 tỉ đồng/MW, trong khi đối với TĐ lớn là 20 - 25 tỉ đồng/MW (tính theo mặt bằng giá năm 2011).

Theo phân cấp hiện nay, việc cấp phép đầu tư các dự án TĐN thuộc thẩm quyền của UBND các tỉnh. Và cũng do qui mô nhỏ nên trong nhiều năm qua, nhiều địa phương đã buông lỏng quản lý, dẫn đến việc quy hoạch, thiết kế, thẩm định và vận hành không phù hợp nên nhiều dự án TĐN đã gây ra các tác động tiêu cực về môi trường xã hội không nhỏ cho người dân xung quanh các dự án.

Hiện trạng khai thác sử dụng TĐN

Ngoài các dự án TĐN đã được triển khai xây dựng và đang vận hành trước đây thì theo Qui hoạch phát triển TĐN (Quyết định số 3457/QĐ-BCT ngày 18/10/2005),  tổng số có 239 dự án, với tổng công suất là 1.520,67MW thuộc địa bàn của 24 tỉnh, trong đó có 3 tỉnh dẫn đầu về số lượng và công suất là Lâm Đồng, 45 dự án, 288 MW; Yên Bái, 29 dự án, 236,3 MW và Nghệ An, 18 dự án, 151,3 MW.

Đến năm 2011, nước ta đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành trên 200 dự án TĐ, với tổng công suất gần 35.000 MW, trong đó gần 90% về số lượng dự án là TĐN. Trong giải công suất này, khoảng gần 60% tổng công suất tiềm năng đã được khai thác sử dụng. Nói riêng, sản lượng điện năm 2011 phát ra từ các nhà máy TĐN đạt mức 7,845 tỉ kWh, chiếm 19% tổng lượng điện phát ra từ nguồn thuỷ điện, chiếm trên 7% sản lượng điện toàn hệ thống. Những đóng góp này của TĐN là rất có ý nghĩa.  

Về thiết bị, trong thời gian qua, các dự án TĐN gần như đều nhập thiết bị công nghệ của Trung Quốc, có chất lượng trung bình, giá thấp hơn các nước khác.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, qua nhiều năm xây dựng, phát triển thuỷ điện, lực lượng cơ khí trong nước cũng đã có những bước trưởng thành. Trong nước đã sản xuất, chế tạo và đưa vào sử dụng có hiệu quả các thiết bị cơ khí thuỷ công như: các cửa van đập tràn, cửa nhận nước, nhà máy, đường ống áp lực, cầu trục gian máy, máy biến áp các loại… Do vậy, cần tận dụng tốt các sản phẩm này và có chính sách khuyến khích nghiên cứu, phát triển, thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước.

Một số vấn đề bất cập

Theo phân loại của Việt Nam thì TĐN (công suất £ 30MW) đã bao gồm các TĐ vừa. Điều này có nghĩa là cũng cần phải xem xét, thẩm định nghiêm túc về tác động về môi trường và xã hội của các dự án TĐN có công suất lớn.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, do quan niệm về tính “nhỏ” của các dự án TĐN nên nhiều tỉnh đã không quan tâm đầy đủ đến công tác qui hoạch, cấp phép một cách quá dễ dàng đối với các dự án TĐN mà chưa quan tâm đúng mức đến công tác thẩm định nghiêm túc thiết kế, xây dựng, vận hành… TĐN trở thành “phong trào” mang tính tự phát, thiếu sự quản lý và chỉ đạo thống nhất ở khá nhiều tỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh miền Trung. Điều này chính là nguyên nhân của các sự cố về TĐN như phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ tràn lan; vỡ đập, gây ra lụt lội… dẫn đến những thiệt hại không nhỏ về kinh tế, xã hội và môi trường đối với các cộng đồng dân cư khu vực vùng sâu, vùng xa. Trong các năm 2012, 2013 TĐN đã trở thành vấn đề nóng trong nhiều kỳ họp của Quốc hội.

Như đã nói ở trên, bản thân một công trình TĐN, diện tích chiếm đất và diện tích rừng sử dụng cho một công trình là tương đối nhỏ. Tuy nhiên, trong thực tế, diện tích rừng bị chặt phá nhiều do chủ đầu tư lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo và do làm đường giao thông đến công trình. Ngoài ra, một hệ lụy tiêu cực khác là khi đã có đường qua rừng thì lâm tặc đã lợi dụng để chặt phá rừng, vận chuyển, buôn bán gỗ lậu... làm cho diện tích rừng bị tàn phá lớn hơn nhiều lần diện tích cần cho nhà máy TĐN.

Theo qui định của Chính phủ, sau khi xây dựng xong công trình, chủ đầu tư phải tổ chức thi công khôi phục lại hiện trường như phá dỡ, thu dọn nhà xưởng, san lấp lại mặt bằng tất cả các vị trí đã đào bới, trồng lại rừng để bù vào diện tích rừng bị phá… Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư đã không chấp hành nghiêm túc các qui định này, dẫn đến môi trường ở các công trình TĐN bị tàn phá không hề nhỏ.

Một bất cập khác là do công tác điều tra, khảo sát nguồn thủy năng không đầy đủ nên một số nhà máy TĐN hoạt động với hệ số công suất rất thấp. Nhà máy chỉ vận hành được trong các tháng mùa mưa. Còn trong các tháng mùa khô công suất phát rất thấp, thậm chí không thể hoạt động.

Kết luận và kiến nghị

TĐ là một nguồn năng lượng sạch và tái tạo. Với tiềm năng khá lớn, nước ta cần triệt để khai thác, phát triển bền vững nguồn tài nguyên này để phục vụ công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng.

Để khai thác, phát triển TĐ bền vững thì từ công tác lập quy hoạch, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, thi công xây dựng công trình cho đến quản lý vận hành… phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình. Ngoài ra, cần bảo đảm chất lượng công trình cũng như phải có kịch bản ứng phó liên quan đến các sự cố đập và giảm nhẹ thiên tai cho cộng đồng.

Kiến nghị giải pháp nhằm góp phần vào sự phát triển bền vừng TĐ, trong đó có TĐN.

Tiếp tục rà soát quy hoạch, rà soát các công trình đang triển khai xây dựng để đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng yêu cầu về môi trường.

Đối với các chủ đầu tư thực hiện không nghiêm túc các yêu cầu đảm bảo chất lượng, an toàn công trình và đáp ứng yêu cầu về môi trường…  cần kiên quyết yêu cầu dừng thi công để khắc phục. Đồng thời, rà soát các dự án đã được cấp phép nhưng chưa triển khai, nếu năng lực của các chủ đầu tư không đảm bảo theo quy định cần thu hồi dự án.

Với các dự án đã hoàn thành nhưng chưa thực hiện đủ các yêu cầu của pháp luật quy định sẽ không cấp phép hoạt động điện lực. Tiếp tục rà soát quy trình vận hành hồ chứa, đề xuất điều chỉnh bổ sung nếu còn những nội dung không hợp lý. Kiên quyết xử lý những nhà máy thủy điện không thực hiện đúng quy trình vận hành đã được phê duyệt. Trong trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ đề nghị chuyển sang cơ quan chức năng để xử lý.

Tài liệu tham khảo

1.  QĐ 3454/QĐ-BCT ngày 18-10-2005.

2.  Ng. Đ. Cường, Đ. Đ. Thông và các tác giả khác: Hiện trạng khai thác, sử dụng năng lượng mới trên thế giới và các vấn đề đặt ra đối với VN. Báo cáo KHCN, Hà Nội 2015.

3.  Nguyễn Đức Đạt: Những vấn đề cần lưu ý trong đầu tư phát triển TĐ vừa và nhỏ. Nangluongvietnam, 18-7- 2012.

4. Tổng cục Năng lượng, (Bộ Công Thương).

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động