Khởi động quá trình lựa chọn nhà đầu tư dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná
10:25 | 17/04/2025
![]() Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn, Văn phòng Chính phủ vừa có Văn bản gửi các bộ liên quan - theo chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu và có ý kiến về báo cáo kiến nghị của Tạp chí Năng lượng Việt Nam về thúc đẩy tiến độ, đảm bảo hiệu quả đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Ninh Thuận 2, gửi Bộ Công Thương tổng hợp. Được biết, hiện các bộ: Công Thương, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường đang nghiên cứu, tổng hợp về nội dung này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ. |
Theo Quyết định số 215/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận, ngày 14/4/2025: Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná có mục tiêu hình thành một nhà máy điện công suất 1.500 MW, đi kèm với kho cảng LNG công suất từ 1 đến 1,2 triệu tấn LNG/năm. Cùng với dự án điện là các hạng mục phụ trợ cũng sẽ được triển khai nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Dự án sẽ được thực hiện trên diện tích đất khoảng 28,06 ha và mặt nước 111,70 ha (tại xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận).
Quy mô và vốn đầu tư:
1. Đầu tư 1 nhà máy nhiệt điện tua bin khí chu trình hỗn hợp sử dụng khí LNG, công suất 1.500 MW.
2. Đầu tư hệ thống kho cảng LNG và tái hóa khí, công suất cầu cảng dự kiến từ 1-1,2 triệu tấn LNG/năm, bao gồm 1 bồn chứa (khoảng 220.000 m3) và hạ tầng kỹ thuật cho riêng một kho chứa LNG và hệ thống tái hóa khí.
3. Xây dựng 1 bến cảng nhập khí LNG.
4. Đê chắn sóng phía Đông dài 2.400m, các công trình hạ tầng phụ trợ phục vụ cảng nhập LNG.
Vốn đầu tư của dự án vào khoảng 56.006,27 tỷ đồng.
Tiến độ thực hiện:
- Thời gian lựa chọn nhà đầu tư sẽ diễn ra từ quý 1/2025 đến quý 4/2025.
- Giai đoạn chuẩn bị đầu tư từ quý 1/2026 đến quý 4/2026.
- Công trình chính của dự án sẽ được khởi công vào quý 4/2026, và đưa vào hoạt động từ quý 1/2030.
Công nghệ và các chính sách hỗ trợ:
- Dự án Nhà máy Nhiệt điện LNG Cà Ná sử dụng công nghệ tua bin khí chu trình hỗn hợp, với hiệu suất trên 58,5% theo tiêu chuẩn ISO, nhằm bảo đảm hiệu quả sử dụng năng lượng và tuân thủ quy định bảo vệ môi trường. Theo UBND tỉnh Ninh Thuận: Đây là một trong những yêu cầu tiên quyết đối với việc triển khai dự án, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả lâu dài.
- Dự án sẽ được triển khai theo các quy định hiện hành về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Trong đó, các nhà đầu tư sẽ được hưởng các chính sách hỗ trợ phù hợp. Các điều kiện về an ninh, quốc phòng cũng sẽ được xem xét và đảm bảo trong quá trình thực hiện dự án.
Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận là đơn vị mời thầu và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng) để đảm bảo quá trình lựa chọn nhà đầu tư minh bạch, đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, tài chính và an ninh.
Được biết, hiện nay các công tác cuối cùng để phê duyệt và bán hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư đã hoàn tất./.
BBT TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM