RSS Feed for Thị trường dầu khí thế giới và suy nghĩ về ngành Dầu khí Việt Nam (Kỳ 2) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ sáu 29/03/2024 03:30
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Thị trường dầu khí thế giới và suy nghĩ về ngành Dầu khí Việt Nam (Kỳ 2)

 - Việt Nam không nên đặt kế hoạch sản lượng khai thác dầu thô ngày một cao khi giá trên thị trường thấp hơn giá hoàn vốn, hạn chế khai thác dầu nội địa phục vụ cho xuất khẩu để tiết kiệm tài nguyên dành cho nhu cầu dầu trong tương lai khi giá dầu cao trở lại, đồng thời khai thác triệt để lợi thế về lợi nhuận do giá dầu nhập khẩu thấp mang lại để hạ giá thành sản phẩm, mở rộng ngành nghề sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập khu vực và quốc tế.

Thị trường dầu khí thế giới và suy nghĩ về ngành Dầu khí Việt Nam (Kỳ 1)

TS. TRẦN NGOC TOẢN, Đại Học Duy Tân Đà Nẵng

Kỳ 2: Suy nghĩ về ngành Dầu khí Việt Nam

Kinh tế nước ta đang bắt đầu tăng trưởng trở lại với GDP dự báo sẽ đạt mức chung quanh 6,5% trong năm 2016. Nhu cầu dầu khí nội địa và của các nước trong khu vực sẽ tăng.

Giá dầu thô và các sản phẩm dầu vẫn ở mức thấp còn kéo dài và với địa vị là nước nhập khẩu dầu ròng tương đối lớn, điều này mang lại nhiều lợi ích cho nước ta hơn là thiệt hại.

Tình hình Biển Đông còn nhiều diễn biến khó lường, địa chất dầu khí Việt Nam phức tạp và tiềm năng trữ lượng ở mức trung bình, nhiều mỏ nhỏ, chi phí thăm dò - khai thác tương đối cao, tiềm lực tài chính và công nghệ chưa cao, cạnh tranh trong khu vực ngày càng tăng, đó là những thách thức lớn mà ngành dầu khí Việt Nam phải đối mặt.

Để vượt qua các thách thức đó, chúng tôi cho rằng, nước ta không nên đặt kế hoạch sản lượng khai thác dầu thô ngày một cao khi giá trên thị trường thấp hơn giá hoàn vốn, hạn chế khai thác dầu nội địa phục vụ cho xuất khẩu để tiết kiệm tài nguyên dành cho nhu cầu dầu trong tương lai khi giá dầu cao trở lại và tăng cường phát triển các mỏ khí, đưa nhanh sản lượng khí đốt lên cao, đồng thời khai thác triệt để lợi thế về lợi nhuận do giá dầu nhập khẩu thấp mang lại để hạ giá thành sản phẩm, mở rộng ngành nghề sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập  khu vực và quốc tế. Vấn đề thiếu thu nhập cho ngân sách nhà nước nên tìm con đường khai thác thế mạnh của tất cả mọi ngành kinh tế, của tất cả các giải pháp tài chính, để thay thế cho thu nhập từ bán dầu với giá rẻ. Mục tiêu đẩy mạnh hoạt động thăm dò - khai thác ra vùng nước sâu cũng như ra nước ngoài nên cân nhắc kỹ lưỡng, thận trọng để giải quyết khó khăn thiếu vốn đầu tư cũng như giảm thiểu rủi ro vì chi phí cao và trước mắt lợi nhuận không lớn, thậm chí là lỗ vốn.

Trong hoạt động thượng nguồn trong nước nên tổng kết hiệu quả các dạng hợp đồng đã áp dụng, nghiên cứu thêm các loại hợp đồng mới hoăc chưa áp dụng ở nước ta để đa dạng hóa các hình thức hợp tác và áp dụng phù hợp vào điều kiện địa chất, đặc điểm địa lý, giá trị tiềm năng, tình hình an ninh, quan hệ quốc tế, lợi ích quốc gia… của từng khu vực, từng bể trầm tích. Về nội dung hoạt động nên tập trung vốn đầu tư cho tìm kiếm-thăm dò gia tăng trữ lượng thu hồi, tăng cường phát hiện các tầng chứa triển vọng mới, các mỏ mới trên đất liền và trên thềm lục địa, tăng cường gia tăng hệ số thu hồi dầu khí ở các mỏ bằng các giải pháp khoa học - công nghệ tiến bộ, bên cạnh các nghiên cứu mới cần tái phân tích tổng hợp các dữ liệu địa chất, địa vật lý, khoan, khai thác, xâydựng công trình cũ theo nhiều giả thiết để chọn ra mô hình tối ưu cả về kỹ thuật lẫn kinh tế.

Trong hoạt động nghiên cứu cần chú trọng hơn nữa các nghiên cứu sáng tạo công nghệ, phát minh, cải tiến kỹ thuật, quản lý, kinh tế, không nên chỉ chú trọng vào nghiên cứu dịch vụ vì mục đích tạo doanh thu. Để tiếp cận cập nhật với tiến bộ kỹ thuật của các nước phát triển phục vụ cho nhu cầu chuyển đổi dần sang các dạng năng lượng phù hợp với mục đích bảo vệ môi trường và đối phó với tình trạng cạn kiệt năng lượng hóa thạch cần dành kinh phí cho các nghiên cứu tổng hợp thông tin cũng như nghiên cứu pilot các dạng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, hoặc năng lượng thay thế như các viện dầu khí lớn trên thế giới đang làm.

Trong hoạt động hạ nguồn, tiếp tục đẩy nhanh xây dựng mới và mở rộng các nhà máy lọc-hóa dầu- xử lý khí-hóa khí, cũng như cơ sở hạ tầng cho hoạt động phân phối, vận chuyển dầu khí và sản phẩm lọc hóa dầu, cùng các loại hình dịch vụ đa dạng, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi ngành dầu khí dựa chủ yếu trên khai thác và bán tài nguyên thô sang ngành dầu khí vừa sản xuất, chế biến, vừa dịch vụ, kinh doanh dầu khí trong nước, trong khu vực và ở nước ngoài theo mô hình các quốc gia nghèo hoặc không có tài nguyên dầu khí.

Về quản lý nhà nước cũng như quản lý ngành, cần thay đổi kịp thời các nội dung không phù hợp với tình hình mới trong luật dầu khí, trong văn bản dưới luật, trong quy chế, quy trình, quy phạm   dầu khí cũng như trong cơ chế, chính sách quản lý ngành, giảm thiểu tối đa tệ nạn quan liêu, tham ô, lãng phí, tăng cường tính chịu trách nhiệm trước các quyết định của bất kỳ cấp quản lý nào. Quốc hội nên ban hành luật sử dụng doanh thu, tiền lãi, tiền nộp ngân sách… của các công ty dầu khí để loại bỏ việc sử dụng thiếu hiệu quả các nguồn thu từ tài nguyên vào các đề án chưa thật cấp thiết hoặc ít mang lại lợi ích quốc gia. Về tổ chức nên theo kinh nghiệm Nga, giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các công ty cổ phần, giảm mạnh các công ty quốc doanh, với vốn nhà nước 100% và khuyến khích thành lập các công ty tư nhân theo lĩnh vực chuyên môn, theo địa bàn hoạt động... dựa trên  nguyên tắc tôn trọng tính hệ thống, đồng bộ, vừa không quá tập trung cồng kềnh, vừa không quá phân tán, manh mún, đủ điều kiện để nâng cao tính chuyên môn hóa, hợp tác với nhau, loại bỏ tính chồng chéo, dẫn đến tình trạng cạnh tranh nội bộ làm mất sức mạnh của một tổ chức nằm chung trong một hệ thống sản xuất, kinh doanh, quản lý, vừa gây lãng phí trong đầu tư lẫn sử dụng nhân lực một cách không hiệu quả. Không đầu tư phát triển những hoạt động mà mình không có hiểu biết và kinh nghiệm chuyên môn. Coi trọng nguyên tắc xem khoa học - kỹ thuật là then chốt trong mọi việc làm cụ thể. Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo cả về kiến thức chuyên môn, kỹ năng làm việc, phong cách và kỹ luật lao động công nghiệp, dưới nhiều hình thức kể cả cử cán bộ ra làm việc ở các công ty dầu khí nước ngoài 5-10 năm, để trở thành chuyên gia giỏi, nếu họ đủ điều kiện dự thi tuyển quốc tế; sử dụng đúng con người, khuyến khích phát triển nhân tài cũng như nhân cách, coi đây là nội dung của văn hóa doanh nghiệp.

Kinh nghiệm của Việt Nam và thế giới thật dồi dào, đa dạng. Ngành dầu khí nước ta nên nghiên cứu, áp dụng để PVN, Petrolimex cùng các tổ chức kinh doanh, đào tạo, nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực năng lượng đặc thù này dù là của nhà nước hay tư nhân đều đủ sức, đủ bản lĩnh giành chiến thắng trong một thế giới vừa cạnh tranh quyết liệt, vừa hợp tác cùng có lợi trong một nền văn minh  mới hiện nay của nhân loại.

NangluongVietnam Online 

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động