Phát triển điện gió, mặt trời ở Việt Nam: Nhìn từ công tác quy hoạch
08:25 | 14/01/2019
Đổi mới tư duy, cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch
Phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam: Điều kiện cần và đủ
PGS, TS. NGUYỄN CẢNH NAM - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo có tiềm năng ở nước ta, trong đó có điện gió, điện mặt trời được Đảng, Chính phủ đặc biệt quan tâm từ năm 2007 trong "Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050" phê duyệt theo Quyết định số 1855/2007/QĐ-TTg ngày 27/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2007 của Bộ Chính trị. Trong đó đề ra mục tiêu: "Phấn đấu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 3% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2010; khoảng 5% vào năm 2020 và khoảng 11% vào năm 2050". Chủ trương đó phù hợp với xu hướng chung trên thế giới, nhằm hướng tới nền kinh tế xanh - các bon thấp và phát triển bền vững.
Trong phạm vi bài này, chúng tôi sẽ đề cập đến việc phát triển điện gió, điện mặt trời tại Việt Nam từ góc nhìn công tác quy hoạch.
Trong quy hoạch (QH) phát triển điện lực quốc gia (QG) giai đoạn 2006-2015 có xét đến năm 2025 theo Quyết định số 110/2007/QĐ-TTg (Quy hoạch điện 6) không đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển điện gió, điện mặt trời mà chỉ nêu chung quy mô công suất thủy điện nhỏ và điện năng lượng tái tạo (NLTT) tăng giảm không ổn định theo từng năm trong Phụ lục Danh mục dự án, cụ thể là: năm 2012: 150 MW, 2013: 305 MW, 2014: 500 MW, 2015: 200 MW, 2016: 150 MW, 2017: 250 MW, 2018-2019: 0; 2020: 100 MW, 2021: 100 MW (miền Bắc), 2022: 250 MW (miền Bắc và miền Trung), 2023: 250 MW, 2024: 250 MW (năng lượng mới và tái tạo), 2025: 250 MW (năng lượng mới và tái tạo). Trên thực tế đó chủ yếu chỉ là quy mô công suất thủy điện nhỏ.
Trong QH phát triển điện lực QG giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 1208/2011/QĐ-TTg (QH điện 7) chỉ đề ra mục tiêu cụ thể về điện gió mà không có điện mặt trời, trong đó công suất điện gió đến năm 2020 đạt khoảng 1.000 MW, năm 2030 khoảng 6.200 MW; tỷ trọng điện gió sản xuất tăng từ 0,7% năm 2020 lên 2,4% năm 2030.
Tuy nhiên, trong Danh mục dự án tại Phụ lục chỉ nêu chung quy mô công suất ngày càng tăng theo từng năm mà không nêu cụ thể danh mục dự án điện NLTT nói chung và điện gió, điện mặt trời nói riêng (kể cả số lượng dự án cũng không có):
Cụ thể, năm 2011 công suất điện gió và NLTT: 30 MW; 2012: 100 MW; 2013: 130 MW; 2014: 120 MW; 2015: 150 MW; 2016: 200 MW; 2017: 200 MW; 2018: 200 MW; 2019: 230 MW; 2020: 300 MW; 2021: 400 MW; 2022: 450 MW; 2023: 500 MW; 2024: 550 MW; 2025: 600 MW; 2026: 600 MW; 2027: 700 MW; 2028: 800 MW; 2029: 950 MW; 2030: 1.150 MW.
Trong khi đó, QH điện 7 có riêng 1 danh mục cụ thể các dự án thủy điện vừa và nhỏ cho giai đoạn 2011-2017 với tổng số 37 dự án vừa và 7 "chùm" dự án nhỏ với tổng công suất tổng cộng 3.087 MW, nhờ đó tạo đà cho phát triển "nhảy vọt" thủy điện vừa và nhỏ trong giai đoạn này, mặc dù hầu hết các dự án thủy điện nhỏ có quy mô công suất dưới 10 MW, thậm chí dưới 5MW - tức là bằng, hoặc nhỏ hơn quy mô công suất dự án điện gió, điện mặt trời quy mô nhỏ.
Cụ thể, đến tháng 9/2016 về thủy điện nhỏ: đã vận hành phát điện 245 công trình (2.373,2 MW, bình quân 9,7 MW/dự án); đang thi công xây dựng 162 dự án (2.082,16 MW, bình quân 12,85 MW/dự án); đang nghiên cứu đầu tư 230 dự án (2.275,50 MW, bình quân 9,9 MW/dự án); chưa cho phép nghiên cứu đầu tư 56 dự án (293,88 MW, bình quân 5,2 MW/dự án), đã loại bỏ 463 dự án (1.404,68 MW, bình quân 3 MW/dự án) [1].
Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015) đề ra mục tiêu chung về sản xuất điện từ NLTT là: Tăng sản lượng điện NLTT từ khoảng 58 tỷ kWh năm 2015 (chiếm 35% tổng sản lượng điện sản xuất) lên đạt khoảng 101 tỷ kWh vào năm 2020 (chiếm 38%), khoảng 186 tỷ kWh vào năm 2030 (chiếm 32%) và khoảng 452 tỷ kWh vào năm 2050 (chiếm 43%).
Mục tiêu nêu trên bao gồm cả thủy điện các loại, trong khi tiềm năng thủy điện về cơ bản đã được khai thác gần đến mức giới hạn, đặc biệt vấn đề phát triển thủy điện nhỏ và vừa tại thời điểm đó đang trong quá trình thực hiện kiểm tra, rà soát theo Nghị quyết số 62/2013/QH13 của Quốc hội (khoá XIII) về tăng cường công tác quản lý QH, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện.
Theo đó, sau 3 năm (từ 2013-2016) thực hiện rà soát QH theo Nghị quyết 62 của Quốc hội, Bộ Công Thương và các địa phương đã loại khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện (DATĐ) bậc thang (655 MW) và 463 DATĐ nhỏ (1.404,68 MW) do tác động tiêu cực lớn đối với môi trường, hiệu quả thấp, ảnh hưởng quy hoạch/dự án ưu tiên khác. Đồng thời, không xem xét quy hoạch 213 vị trí tiềm năng thủy điện (349,61MW), chưa kể có 59 dự án (421,88 MW) đang được tiếp tục rà soát về hiệu quả kinh tế và các điều kiện khác có liên quan [1].
Lẽ ra trong bối cảnh đó, Chiến lược phải cụ thể hóa mục tiêu theo hướng ưu tiên phát triển điện gió, điện mặt trời được coi là có tiềm năng lớn để thay thế cũng như làm cơ sở cho việc lập QH điện nhằm đáp ứng mục tiêu đề ra trong Chiến lược này là: "Phát triển và sử dụng nguồn NLTT góp phần thực hiện mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh".
Đề án Điều chỉnh QH phát triển điện lực QG giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 theo Quyết định số 428/2016/QĐ-TTg ngày 18/3/2016 (QH điện 7 điều chỉnh) có đề ra mục tiêu cụ thể về phát triển điện NLTT (không kể thủy điện) nói chung và điện gió, điện mặt trời nói riêng đến năm 2030 như sau:
Một là: Ưu tiên phát triển nguồn NLTT cho sản xuất điện; tăng tỷ lệ điện năng sản xuất từ các nguồn NLTT (không kể nguồn thủy điện lớn và vừa, thủy điện tích năng) đạt khoảng 7% năm 2020 và trên 10% năm 2030.
Hai là: Đưa tổng công suất nguồn điện gió từ mức 140 MW hiện nay lên khoảng 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và khoảng 6.000 MW vào năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện gió chiếm tỷ trọng khoảng 0,8% (2,12 tỷ kWh) vào năm 2020, khoảng 1% (4 tỷ kWh) vào năm 2025 và khoảng 2,1% (12 tỷ kWh) vào năm 2030.
Ba là: Đưa tổng công suất nguồn điện mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên khoảng 850 MW năm 2020, khoảng 4.000 MW năm 2025 và khoảng 12.000 MW năm 2030. Điện năng sản xuất từ nguồn điện mặt trời chiếm tỷ trọng khoảng 0,5% (1,3 tỷ kWh) năm 2020, khoảng 1,6% (6,4 tỷ kWh) năm 2025 và khoảng 3,3% (19 tỷ kWh) năm 2030.
Nhưng trong Danh mục các dự án nguồn điện tại Phụ lục mới chỉ nêu tên một số dự án điện gió, điện mặt trời đến năm 2020.
Cụ thể, Điện gió Khai Long - Cà Mau: 100 MW, Điện gió Bạc Liêu giai đoạn 3: 142 MW, Điện gió Sóc Trăng: 99 MW; Điện mặt trời Thiên Tân 1: 300MW, Thiên Tân 2: 400 MW và Thiên Tân 3: 300 MW. Còn lại chỉ nêu chung nguồn điện NLTT (thủy điện nhỏ, điện gió, mặt trời, sinh khối, v.v...) đến năm 2030 với quy mô công suất từng năm: năm 2016: 260 MW; 2017: 360 MW; 2018: 520 MW; 2019: 450 MW; 2020: 470 MW; 2021: 790 MW; 2022: 1.200 MW; 2023: 1.000 MW; 2024: 1.200 MW; 2025: 1.200 MW; 2026: 1.800 MW; 2026: 2.160 MW; 2027: 2.910 MW; 2028: 3.240 MW; 2029: 3.350 MW; 2030: 3.530 MW.
Không những không nêu danh mục mà cả số lượng dự án là bao nhiêu cũng không có, chứng tỏ con số tổng công suất điện NLTT trong QH 7 điều chỉnh (kể cả QH điện 6 và QH điện 7) chỉ ước tính từ mục tiêu đáp ứng nhu cầu mà chưa biết cụ thể ở đâu, bao nhiêu, khi nào.
Với danh mục như vậy thì không thể là căn cứ để các nhà đầu tư triển khai thực hiện trong thực tế, vì theo quy định tại Thông tư số 16/2017/TT-BCT "Chủ đầu tư chỉ được lập dự án đầu tư điện mặt trời có trong các quy hoạch", kể cả các dự án điện gió cũng vậy. Cho nên, mỗi dự án mới đều phải xin Bộ Công Thương để lập thủ tục bổ sung QH mới được triển khai.
Từ những phân tích nêu trên cho thấy, các QH điện quốc gia vừa qua có thể nói chưa quan tâm thích đáng đến phát triển điện gió, điện mặt trời, việc đề ra mục tiêu, định hướng phát triển hai nguồn điện này còn quá sơ sài, chung chung, nếu không phải là mang tính "chiếu lệ", "tượng trưng", thì cũng là "chờ" để bổ sung sau, mặc dù quy hoạch có vai trò là căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện đầu tư các dự án.
Về QH điện gió quy định trong Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg ngày 29/6/2011 và QH điện mặt trời quy định trong Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ngày 11/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ thì tình hình thực hiện như sau:
Ngày 08/3/2013, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 06/2013/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện gió (gồm QH QG và cấp tỉnh). Tuy nhiên, nội dung QH điện gió QG quy định trong Thông tư này mới chỉ là quy định về điều tra, đánh giá tiềm năng điện gió chứ chưa phải là QH phát triển điện gió, với mục tiêu xác định rõ danh mục các dự án điện gió để làm cơ sở cấp phép đầu tư và triển khai thực hiện. Chỉ trong nội dung QH điện gió cấp tỉnh có quy định về quy hoạch khu vực cho phát triển điện gió và danh mục các dự án điện gió gồm các yêu cầu: Diện tích và ranh giới các khu vực cho phát triển điện gió; quy mô công suất của các dự án điện gió.
Vấn đề ở đây là trong một QH gồm cả 2 giai đoạn: giai đoạn điều tra, đánh giá tiềm năng và giai đoạn xác định danh mục dự án mà 2 giai đoạn này lại không thể tiến hành đồng thời. Như vậy, giai đoạn 2 không những phải chờ kết quả giai đoạn 1 (chí ít phải được phê duyệt kết quả) mà còn phụ thuộc vào kết quả đó ra sao, cao thấp thế nào, đồng thời không kết hợp hài hòa với các QH nguồn điện khác trong tỉnh, trong vùng miền và trên phạm vi cả nước.
Chính vì vậy, đến nay không những chưa có Quy hoạch điện gió quốc gia mà mới chỉ có một số quy hoạch điện gió cấp tỉnh của một số tỉnh được Bộ Công Thương phê duyệt như: Bình Thuận (2012), Ninh Thuận (2013), Sóc Trăng (2014), Quảng Trị (2015), Bến Tre (2015), Bạc Liêu (2016), Cà Mau (2016). Tuy nhiên, trong QH điện gió của các tỉnh, danh mục dự án điện gió chỉ có đến năm 2020, trong đó của một số tỉnh các dự án chỉ nêu diện tích nghiên cứu mà không có công suất dự kiến. Ví dụ như Ninh Thuận, Sóc Trăng.
Vấn đề nữa là, các dự án điện gió tuy đã đưa vào QH điện lực cấp tỉnh và QH điện gió cấp tỉnh nhưng chỉ khi nào được bổ sung vào QH điện QG thì mới được thực hiện và điều đó lại trải qua một quá trình thủ tục bổ sung QH, chưa kể những hệ lụy và hậu quả do việc bổ sung QH gây ra.
Ngày 12/9/2017, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 16/2017/TT-BCT quy định về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển điện mặt trời cấp tỉnh. Tuy nhiên, cũng giống như quy định về QH điện gió cấp tỉnh, trong nội dung QH bao gồm cả xác định tiềm năng điện mặt trời lý thuyết, kỹ thuật, kinh tế và khả năng khai thác nguồn năng lượng mặt trời của tỉnh, trong khi lẽ ra QH phải được lập trên cơ sở đã xác định rõ tiềm năng nguồn điện mặt trời kỹ thuật và kinh tế.
Điều cơ bản là đến nay vẫn chưa có QH điện mặt trời QG và cấp tỉnh nào được phê duyệt và ban hành. Các dự án điện mặt trời "ra đời" được cái nào thì làm thủ tục bổ sung vào QH điện lực cấp tỉnh và QH điện QG, dẫn đến tình trạng quá đà hiện nay.
Với lý do chi phí đầu tư điện mặt trời hiện nay giảm rất mạnh, bằng 30% so với năm 2010, cho nên từ đầu năm 2017 đến nay (sau khi có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định giá điện mặt trời 9,35 cent/kWh), các dự án điện mặt trời đã "bùng nổ".
Theo số liệu đến hết tháng 9/2018 của Bộ Công Thương cho biết, 121 dự án điện mặt trời được phê duyệt bổ sung vào QH điện QG và QH điện lực cấp tỉnh với tổng công suất phát điện đến 2020 là 6.100 MW và 2030 là 7.200 MW, trong đó trên 70 dự án đưa vào vận hành trước tháng 6/2019 với tổng quy mô công suất trên 3.000 MW (các dự án có quy mô công suất đến 50 MW). Quy mô công suất này đã vượt nhiều so với quy mô phát triển điện mặt trời dự kiến đến năm 2020 trong QH điện 7 điều chỉnh.
Ngoài ra, còn 221 dự án đang xếp hàng chờ phê duyệt, tổng công suất đăng ký hơn 13.000 MW. Chưa kể, các dự án điện mặt trời chủ yếu tập trung tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên nơi có những điều kiện phù hợp về đất đai, lượng bức xạ mặt trời và phụ thuộc rất lớn vào thời tiết, nên việc bổ sung QH dẫn tới quá tải hệ thống truyền tải hiện có.
Mặt khác, nếu chủ đầu tư không triển khai dự án theo đúng tiến độ sẽ gây lãng phí tài nguyên và các hậu quả khác cho hệ thống điện.
Do vậy, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 174/TB-VPCP ngày 10/5/2018, thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng về việc bổ sung một số dự án nhà máy điện mặt trời vào QH điện 7 điều chỉnh cần được xem xét tổng thể để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong quản lý QH, bảo đảm sự phù hợp về yêu cầu cung cấp điện, khả năng đấu nối và vấn đề sử dụng đất cho các dự án.
Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo cụ thể danh mục các dự án nhà máy điện mặt trời đã phê duyệt bổ sung vào QH phát triển điện lực các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; tăng cường quản lý QH đối với các dự án đã được bổ sung QH, bảo đảm phát triển các dự án theo đúng tiến độ, không theo phong trào. Đồng thời, khẩn trương hoàn thành xây dựng QH phát triển điện mặt trời QG theo chỉ đạo của Thủ tướng, báo cáo Thủ tướng trước ngày 15/7/2018.
Tóm lại, qua những phân tích nêu trên cho thấy, các QH điện QG vừa qua rất bị động về các dự án điện gió, điện mặt trời, từ chỗ trước đây đều hầu như chưa có, đến nay thì lại xếp hàng chờ đợi bổ sung.
Như vậy, QH điện biến thành sổ đăng ký cập nhật dự án theo thực tế chứ không phải đề ra định hướng đi trước đón đầu để thực hiện trong thực tế. Điều đó do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do những bất cập trong hệ thống chiến lược và QH ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng (quá phức tạp, có quá nhiều loại chiến lược, QH nhưng không ăn khớp với nhau), do việc xác định tiềm năng các nguồn tài nguyên năng lượng, trong đó có tiềm năng điện gió, điện mặt trời còn nhiều hạn chế (chưa biết thực tế có bao nhiêu, ở đâu, như thế nào). Mặt khác, do cơ chế, chính sách chưa phù hợp, chưa kịp thời dẫn đến tình trạng lúc thì "tắt" lúc lại "bùng phát" dự án (năm 2011 mới có Quyết định số 37/2011/QĐ-TTg về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió và giá điện gió là 7,8 cent/kWh còn quá thấp nên đến năm 2018 nâng lên 8,5 cent/kWh đối với điện gió trên đất liền và 9,8 cent/kWh đối với điện gió trên biển theo Quyết định số 39/2018/TTg. Còn điện mặt trời mãi tới năm 2017 mới có Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg ban hành cơ chế khuyến khích, trong đó giá điện mặt trời là 9,35 cent/kWh).
Kết luận, kiến nghị
Để thúc đẩy phát triển nguồn điện nói chung và điện gió, điện mặt trời nói riêng một cách chủ động, hợp lý, tin cậy, đảm bảo cân đối, hài hòa, an toàn, ổn định và hiệu quả của hệ thống điện, theo chúng tôi, chúng ta cần phải giải quyết một số vấn đề chính sau.
Thứ nhất: Đồng bộ hóa chiến lược, QH toàn ngành năng lượng và từng phân ngành năng lượng thành một hệ thống thống nhất, đồng bộ, quan hệ chặt chẽ hữu cơ với nhau từ chiến lược đến QH, trong đó lấy QH điện làm trung tâm với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng.
Theo đó, khắc phục tình trạng "đề ra cho có" trong hệ thống chiến lược, QH năng lượng hiện nay là: Chiến lược năng lượng (2007) và Chiến lược phát triển điện (2004) đề ra chỉ để làm vì chứ không có QH phân ngành năng lượng nào, kể cả QH điện tuân theo. Ngay Chiến lược NLTT phê duyệt năm 2015 cũng không dựa vào Chiến lược năng lượng (2007), đến lượt bản thân nó cũng không được QH điện 7 điều chỉnh năm 2016 cũng như các QH điện gió, điện mặt trời lấy làm căn cứ.
Theo quy định trong Luật Quy hoạch năm 2017 có vấn đề là:
1/ Căn cứ để xây dựng QH ngành quốc gia gồm có: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực trong cùng giai đoạn phát triển; QH cao hơn; QH thời kỳ trước. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực nói chung và ngành năng lượng nói riêng: liệu còn có chiến lược năng lượng và chiến lược các phân ngành năng lượng: điện, than, dầu, khí, NLTT, điện hạt nhân hay không? Nếu có thì nội dung, thời kỳ, phương pháp lập thế nào? Mối quan hệ giữa chúng ra sao?
2/ Ngành năng lượng và liên quan đến ngành năng lượng có các loại QH sau: QH tổng thể về năng lượng; QH phát triển điện lực; QH hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu, khí đốt; QH thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ (trong đó có quặng urani làm nguyên liệu nhà máy điện hạt nhân); QH thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản (trong đó có than, dầu, khí); QH phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; QH phát triển điện hạt nhân (cả 2 QH này theo quy định của Luật Năng lượng Nguyên tử).
Vấn đề ở đây là QH tổng thể về năng lượng và Chiến lược năng lượng liệu có trùng nhau, hay có gì khác nhau không hay chỉ là thay tên đổi họ? Nếu đã là QH thì nội dung phải đáp ứng yêu cầu và tiêu chí về QH, nhất là phải đề ra được danh mục các dự án đầu tư, có như thế mới là căn cứ để triển khai thực hiện.
Nếu như vậy, với phạm vi và quy mô của ngành năng lượng liệu có khả năng thực hiện được không, giống như trường hợp QH thăm dò, khai thác khoáng sản chung cả nước quy định trong Luật Khoáng sản (2010) đến nay không những không xây dựng được mà các Nghị định cũng không thể hướng dẫn xây dựng QH này.
Thiết nghĩ, đối với ngành năng lượng không cần QH tổng thể về năng lượng mà chỉ nên có Chiến lược năng lượng tổng thể được xây dựng một cách bài bản, trong đó đề ra mục tiêu, định hướng cho toàn ngành năng lượng và mục tiêu, định hướng cụ thể cho từng phân ngành năng lượng đảm bảo tin cậy, cân đối, hài hòa, hiệu quả phù hợp với tiềm năng thực tế các nguồn tài nguyên năng lượng nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội nói chung của đất nước trong từng thời kỳ. Trên cơ sở đó xây dựng QH từng phân ngành năng lượng: điện, dầu, khí, than, NLTT và năng lượng hạt nhân (chủ yếu liên quan đến điện hạt nhân), trong đó QH than, QH dầu khí và QH NLTT (gồm cả điện gió, điện mặt trời) được coi là các QH có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành để tích hợp vào QH điện quốc gia.
Quy hoạch NLTT nên tách thành 2 loại: QH tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên NLTT và QH NLTT giống như trường hợp tài nguyên nước gồm có QH tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước và QH tài nguyên nước, hoặc tài nguyên khoáng sản có QH điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản và QH thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng các loại khoáng sản.
Tiếp theo, trong QH điện dứt khoát phải đề ra danh mục các dự án điện gió, điện mặt trời cụ thể đảm bảo tin cậy. Vì suy cho cùng cái để thực hiện QH là danh mục các dự án chứ không phải phần lời. Có thể rút gọn phần lời nhưng không thể rút gọn danh mục dự án. Hơn nữa dẫu cho danh mục dự án quá dài thì cũng còn hơn về sau phải làm bổ sung hàng loạt dự án với các thủ tục phức tạp, quá trình kéo dài tốn kém thời gian, chi phí và còn gây ra các hệ lụy khác cho hệ thống điện.
Nói một cách dân giã, danh mục các dự án chính là địa điểm các ao cá để đặt mồi (chính sách giá, thuế) vào đúng chỗ để cá (các nhà đầu tư) đến săn mồi (lập dự án), tiếp theo là tạo đường đi (thủ tục pháp lý về đầu tư xây dựng, giao đất, giải phóng mặt bằng, v.v...) cho cá đến địa điểm "ao cá" để ăn mồi (thực hiện dự án kiếm lời).
Tuy nhiên, việc phát triển điện gió, điện mặt trời phải đảm bảo có lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, tránh tình trạng bùng phát như trường hợp thủy điện nhỏ trước đây và điện mặt trời, điện gió hiện nay.
Thứ hai: Để có căn cứ tin cậy cho việc lập QH điện, trong đó có điện gió, điện mặt trời phải tổ chức điều tra, đánh giá tiềm năng điện gió, điện mặt trời trên địa bàn cả nước đảm bảo đạt mức tiềm năng kỹ thuật và kinh tế với quy mô phục vụ đủ cho việc huy động vào lập QH nguồn điện gió, điện mặt trời theo yêu cầu và mục tiêu đề ra trong QH điện từng thời kỳ. Để thực hiện tốt vấn đề này, Nhà nước cần xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn về công tác điều tra, đánh giá, xác định tiềm năng nguồn điện gió, điện mặt trời gồm 3 nội dung: Trình tự và nội dung nghiên cứu, điều tra, khảo sát, đánh giá, xác định tiềm năng; Tiêu chí đánh giá tiềm năng lý thuyết, kỹ thuật và kinh tế; Thủ tục phê duyệt.
Theo tinh thần đó, việc điều tra, đánh giá tiềm năng điện gió, điện mặt trời phải được tiến hành trên thực địa, xác định rõ địa điểm, diện tích, ranh giới tại những khu vực có tiềm năng điện gió, mặt trời gắn liền với QH sử dụng đất, mặt nước và các QH liên quan khác đảm bảo các tiêu chí về tiềm năng kỹ thuật, tiềm năng kinh tế đáp ứng yêu cầu lập dự án và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, xét duyệt; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia tiềm năng điện gió, điện mặt trời tin cậy phục vụ lập QH điện và quản lý khai thác.
Trên cơ sở quy định đã ban hành, Nhà nước tổ chức thực hiện, đồng thời có cơ chế chính sách thích hợp khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia công tác điều tra, đánh giá tiềm năng điện gió, điện mặt trời phục vụ công tác lập QH điện nói chung và các dự án điện gió, điện mặt trời nói riêng trong từng thời kỳ.
Thứ ba: Về cơ chế, chính sách và pháp luật đầu tư xây dựng điện gió, điện mặt trời, đi đôi với chính sách giá điện gió, điện mặt trời đủ sức hấp dẫn, nhưng phải đảm bảo ổn định. Mặt khác, cần phải hoàn thiện, đổi mới chính sách thuế, phí và thủ tục pháp lý đầu tư xây dựng, đất đai, v.v... cho phù hợp để thúc đẩy thực hiện nhanh các dự án theo QH đã đề ra.
Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng Luật NLTT để thể chế hóa việc phát triển NLTT nói chung và điện NLTT nói riêng, trong đó có điện gió và điện mặt trời (giống như Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Tài nguyên nước, v.v...). Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về công nghệ và thiết bị điện NLTT, thành lập các đơn vị tư vấn, chuẩn bị nguồn nhân lực đủ năng lực điều tra, đánh giá tiềm năng tài nguyên, lập và triển khai dự án, quản lý, vận hành công trình, tạo lập nguồn tài chính bền vững cho phát triển điện NLTT, xây dựng cơ chế giá linh hoạt... Có chiến lược hợp tác với các đối tác quốc tế để phát triển cơ khí, công nghiệp phụ trợ điện NLTT cũng như thực hiện các dự án điện NLTT.
Tiếp theo, cùng với xu thế giảm chi phí đầu tư điện gió, điện mặt trời ngày càng nhanh, việc đầu tư thực hiện dự án cũng cần đổi mới theo hướng phải tổ chức đấu thầu để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực và đảm bảo tính cạnh tranh nhằm không ngừng giảm giá thành điện gió, điện mặt trời, góp phần nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM
Tài liệu tham khảo:
[1] Đã tạm dừng thi công, đình chỉ hàng loạt dự án thủy điện nhỏ - Dân trí, 23/10/2016 - 10:00.