RSS Feed for Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 16) | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ tư 22/01/2025 08:14
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 16)

 - Với hơn 15 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện phát sinh hiện nay và con số này là khoảng 30 triệu tấn/năm vào năm 2020, do vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay của các nhà máy nhiệt điện đốt than là tìm đầu ra tiêu thụ lượng tro, xỉ. Nhưng để tháo gỡ rào cản pháp lý, tạo đột phá giải quyết vấn đề tro, xỉ, các cơ quan chức năng cần sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro, xỉ (tránh việc "đánh đồng" với những quy định về quản lý, xử lý các loại chất thải rắn khác).

Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 1)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 2)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 3)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 4)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 5)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 6)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 7)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 8)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 9)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 10)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 11)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 12)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 13)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 14)
Vì sao Việt Nam cần phát triển nhiệt điện than? (Bài 15)

BÀI 16: CHÍNH SÁCH CHO TRO, XỈ VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG

Việt Nam hiện có 20 nhà máy nhiệt điện đốt than đang hoạt động, với tổng công suất lắp đặt khoảng 13.110MW, chiếm khoảng 30% công suất của hệ thống điện quốc gia.

Theo Quy hoạch điện VII (điều chỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 428/QĐ-TTg), giai đoạn 2016 - 2030, nhu cầu tiêu thụ điện tăng trưởng bình quân khoảng 9 - 10%/năm, gấp khoảng 1,5 lần tăng trưởng GDP.

Xét về công suất lắp đặt và sản lượng điện hằng năm: năm 2020 nhiệt điện than chiếm tỉ lệ gần 41% về công suất và 49% về điện năng; năm 2025, các tỉ lệ này tương ứng sẽ là 48% và 55% và đến năm 2030 là khoảng 41% và 53%. Phát triển các nhà máy nhiệt điện than đóng vai trò chính, đảm bảo cung cấp đủ nguồn điện ổn định và an toàn cho hệ thống.

Nhiều nhiệt điện đã xử lý được khí thải và chất thải rắn

Nhiệt điện đốt than (NĐT) có hai nguồn thải đáng quan tâm nhất là khí thải và tro, xỉ (chất thải rắn) sinh ra trong quá trình đốt cháy than trong lò đốt. Ngoài ra còn có nguồn thải nhiệt của nước làm mát bình ngưng. Không tính yếu tố nhiệt độ thì nước sau khi làm mát bình ngưng có thành phần chủ yêu không thay đổi so với trước khi làm mát. Thành phần chính của khí thải nhà máy nhiệt điện đốt than là các hợp chất khí CO2, CO, NOx và SOx… có thể còn có một số kim loại bay hơi. Thành phần xỉ chủ yếu là các chất vô cơ không cháy hết thu được ở đáy lò (có cả than chưa cháy hết) chiếm khoảng 15-20% tổng lượng tro, xỉ; tro bay thu được ở hệ thống lọc bụi tĩnh điện chiếm khoảng 80-85% tổng lượng tro, xỉ.

Hiện hệ thống xử lý khí thải (SOx) bằng nước biển được lắp đặt ở một số nhà máy có điều kiện sử dụng nước biển (FGD), các nhà máy còn lại là sử dụng đá vôi với lò tầng sôi và đá vôi với lò than phun.

Hiện chỉ có 2 nhà máy (Phả Lại 1 và Ninh Bình) với công nghệ cũ nên không lắp đặt hệ thống xử lý SOx. Với NOx, việc khử NOx bằng biện pháp kết hợp vòi đốt NOx thấp với xử lý xúc tác có chọn lọc SCR được áp dụng phổ biến ở lò đốt than phun, nhiệt độ buồng đốt cao. Hệ thống lọc bụi tĩnh điện (ESP) đã lắp đặt ở tất cả các nhà máy đang hoạt động với hiệu suất dao động từ 99,7% đến 99,8%.

Với đặc thù công nghệ của nhiệt điện đốt than, khi khởi động lò hơi, hoặc khi công suất lò thấp, các nhà máy phải đốt kèm dầu FO, HFO hoặc DO. Lúc này, hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ, khi đó người dân sẽ quan sát thấy hiện tượng khói đen tại miệng ống khói.

Để khắc phục tình trang trên, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các nhà máy nhiệt điện đốt than chủ động đầu tư cải tiến thiết bị, công nghệ lọc bụi tĩnh điện để đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào vận hành ngay khi khởi động lò, thay thế nhiên liệu đốt lò phụ từ dầu FO sang dầu DO.

Đến nay Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 3 đã có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay từ giai đoạn khởi động lò, giảm thiểu lượng khí thải ra bên ngoài.

Về xử lý tro, xỉ, khối lượng tro, xỉ phát sinh của nhiệt điện than phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng than. Với than cám Altracide nội địa, tỉ lệ tro chiếm tới 30% lượng than sử dụng, trong khi đó với hầu hết than nhập khẩu (bitium) tỉ lệ này là dưới 10% (khoảng 8%).

Với 20 nhà máy NĐT đang vận hành có tổng công suất khoảng 13.110 MW, lượng nhiên liệu tiêu thụ khoảng 40 triệu tấn than/năm sẽ phát sinh lượng tro, xỉ thải mỗi năm khoảng 15,5 triệu tấn (trong đó khoảng 80-85% tro bay và 15-20% xỉ đáy lò) sử dụng tổng diện tích bãi thải xỉ khoảng 700ha. Chất lượng tro, xỉ nhiệt điện phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng than nhiên liệu và công nghệ đốt, công nghệ khử SOx và phương pháp thải xỉ (khô, hay ướt). Các nhà máy công nghệ đốt than phun phải sử dụng than nhiệt trị cao, hàm lượng chất bốc trong than thấp nên chất lượng tro, xỉ cao (tỉ lệ than chưa cháy hết trong tro thấp, thường chỉ còn từ 7%-8%) có thể sử dụng trực tiếp làm phụ gia ximăng hoặc vật liệu xây dựng không nung.

Còn thiếu các quy chuẩn để sử dụng tro, xỉ than

Với hơn 15 triệu tấn tro, xỉ nhiệt điện phát sinh hiện nay và con số này là khoảng 30 triệu tấn/năm vào năm 2020, ưu tiên hàng đầu hiện nay của các nhà máy nhiệt điện đốt than là tìm đầu ra tiêu thụ lượng tro, xỉ này. Tháo gỡ rào cản pháp lý là nút thắt quan trọng, đột phá giải quyết vấn đề tro, xỉ.

Tro bay của các nhà máy nhiệt điện thuộc đối tượng nghi ngờ (có khả năng) là chất thải nguy hại (Thông tư 36/2015/TT-BTNMT) là rào cản pháp lý, cũng là rào cản “tâm lý” ứng xử của cơ quan quản lý và của người dân đối với tro, xỉ nhiệt điện. Lấy mẫu và phân tích mẫu tro, xỉ phát sinh của tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than hiện nay, kết quả chứng minh tro, xỉ của các nhà máy này không phải chất thải nguy hại (nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 07:2009/BTNMT về ngưỡng chất thải nguy hại).

Vấn đề đặt ra hiện nay là nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch không nung và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng khác có khả năng sử dụng tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện làm nguyên liệu sản xuất nhưng lại không đủ điều kiện tiếp nhận tro, xỉ theo Nghị định số 38/2015/NĐ-CP (do không có giấy xác nhận bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường trước khi chính thức hoạt động).

Thiếu các Quy chuẩn kỹ thuật đối với tro, xỉ làm vật liệu xây dựng, vật liệu san nền. Do đó, vấn đề xử lý, tiêu thụ tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện sẽ được giải quyết sớm nếu các cơ quan chức năng sớm ban hành các quy chuẩn kỹ thuật về tro, xỉ làm vật liệu xây dựng và sử dụng trong công trình xây dựng, cũng như những chính sách đặc thù về quản lý tro, xỉ (tránh việc đánh đồng với những quy định về quản lý, xử lý các loại chất thải rắn khác).

Mặt khác, chúng ta thiếu quy định về hạch toán chi phí giá thành xử lý tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện vào tính giá điện làm cho các nhà máy nhiệt điện không thể tự mình đầu tư giây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng từ tro, xỉ. Thủ tướng Chính phủ ngày 12.4.2017 đã ban hành quyết định 452/QĐ-TTg phê duyệt đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và trong các công trình xây dựng. Theo đó, trong thời gian tới, để đẩy nhanh tiến độ xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu các nhà máy NĐT đang hoạt động phải lập Đề án xử lý, tiêu thụ tro xỉ trình Bộ Công Thương phê duyệt trước ngày 31.12.2018.

Siết chặt quản lý, giám sát môi trường

Việt Nam hiện áp dụng Quy chuẩn QCVN22:2009/BTNMT để tính ngưỡng phát thải cho các nhà máy nhiệt điện. Với trình độ công nghệ và thiết bị hiện nay, việc xử lý khí thải của các nhà máy nhiệt điện hoàn toàn có thể đáp ứng được. Tuy nhiên, những thay đổi về cấp quản lý hành chính của một số địa phương có nhà máy nhiệt điện đóng trên địa bàn, đòi hỏi các nhà máy phải cải tiến nâng cao hiệu suất của hệ thống xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu của thay đổi hệ số như các nhà máy nhiệt điện Hải Phòng, Uông Bí, Quảng Ninh và Phả Lại.

Các chủ đầu tư là EVN, PVN và TKV cần đôn đốc các nhà máy nhiệt điện cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, để có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động. Đối với các dự án nhiệt điện đang triển khai phải tiến hành thay đổi thiết kế hệ thống lọc bụi tĩnh điện để đáp ứng yêu cầu đưa hệ thống lọc bụi vào hoạt động ngay khi khởi động lò và hoàn thành việc cải tiến trên trước khi đưa dự án vào hoạt động chính thức.

Đến nay đã có một số nhà máy hoàn thành việc cải tiến hệ thống lọc bụi tĩnh điện, có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào hoạt động ngay khi khởi động lò như: Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2…

Đối với các nhà máy sắp đi vào hoạt động, việc áp dụng công nghệ siêu tới hạn đã cải thiện tối đa hiệu suất năng lượng, giảm thiểu tối đa lượng khí thải và chất thải rắn phát sinh trên 1kW điện.

TRẦN VĂN LƯỢNG - CỤC TRƯỞNG CỤC KỸ THUẬT AN TOÀN VÀ MÔI TRƯỜNG CÔNG NGHIỆP (BỘ CÔNG THƯƠNG)

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động