RSS Feed for Phản biện bài báo "An ninh năng lượng: Rào cản và đề xuất chính sách" | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ bảy 28/12/2024 16:37
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Phản biện bài báo "An ninh năng lượng: Rào cản và đề xuất chính sách"

 - Mới đây, trên một số trang báo có đăng bài viết "An ninh năng lượng ở Việt Nam: Những rào cản và đề xuất chính sách" của Nguyễn Minh Quang - Nghiên cứu sinh (NCS) Tiến sĩ về An ninh môi trường - Việt ISS (Hà Lan), Giảng viên Khoa Sư phạm - Trường Đại học Cần Thơ. Qua bài báo này, Tạp chí Năng lượng Việt Nam nhận thấy, những nhận xét, đánh giá của NCS là rất hời hợt, thiếu luận cứ về ngành năng lượng Việt Nam, có thể dẫn dắt dư luận theo chiều hướng cực đoan... Dưới đây là những phản biện về một số vấn đề cụ thể (phần chữ in nghiêng là trích nguyên văn của tác giả Nguyễn Minh Quang).

Nhiệt điện than ven biển: Cái khó ló cái khôn
Quy hoạch điện VII: Kẻ hủy diệt sức khỏe và môi trường?
"Đôi lời về phát triển điện than" trên Tạp chí Năng lượng Việt Nam

TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - HỘI ĐỒNG PHẢN BIỆN TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

1. Theo kế hoạch phát triển năng lượng đến 2030 Việt Nam sẽ phải sản xuất 55GW (55 tỷ kW) điện từ các nhà máy nhiệt điện. Điều này có nghĩa là ít nhất trong 20 năm tới, nhiệt điện vẫn là nguồn cung năng lượng trọng yếu của đất nước. Như vậy, sự lệ thuộc vào nguồn than nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc) và gánh nặng tài chính khổng lồ cho nhập khẩu là rất lớn. Với mức trung bình 10 triệu tấn than phải nhập khẩu mỗi năm, những rủi ro về môi trường, thất thoát nguồn ngoại tệ và lệ thuộc an ninh năng lượng là nguy hiểm hơn những gì mà những con số thống kê đang phản ánh.

Theo Quy hoạch Điện VII hiệu chỉnh đến năm 2030 nguồn nhiệt điện than có tổng công suất là 55 GW, sản xuất 304 TWh, tiêu thụ  gần 130 triệu tấn than, trong đó khoảng 70 triệu tấn nhập khẩu từ thị trường quốc tế (hiện nay, than nhập vào Việt Nam chủ yếu từ Indonesia (42%), Australia (25%), Nga (17%) chứ không phải từ Trung Quốc (7%)).

Trên thực tế, hiện nay một số nhà máy nhiệt điện than của Việt Nam (như Hải Phòng, Quảng Ninh, Vĩnh Tân 4) sử dụng công nghệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, đây là công nghệ do các tập đoàn nổi tiếng thế giới thuộc các nước G7 (như ABB, Alstom, Siemens…) đặt tại Trung Quốc chế tạo nên các thông số kỹ thuật khá tốt và đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, chứ không phải công nghệ lạc hậu do Trung Quốc thải ra mang sang ta lắp đạt như một số người đã nêu trong các bài viết, hoặc phát biểu của mình.

2. Việt Nam hiện nay đang được xếp là nước tiêu thụ than đá cho sản xuất điện lớn thứ 20 thế giới. Nhưng với kế hoạch đạt 55GW cùng với hàng loạt dự án xây mới nhà máy nhiệt điện đến 2030, Việt Nam sẽ vươn lên là nước tiêu thụ than lớn thứ 8, bằng với mức tiêu thụ của Nga và Indonesia cộng lại mặc dù dân số Việt Nam lúc đó dự tính chỉ bằng 2/3 của Nga và 1/3 của Indonesia.

Hiện nay, nước Nga có tổng công suất các nhà máy điên là 215 GW (đứng thứ 4 thế giới, sau Trung Quốc, Mỹ và Nhật). Trong đó, nhiệt điện than chiếm 29% (hơn 62 GW) và dự kiến tăng đến 75% vào năm 2020. Còn Indonesia hiện nay có tổng công suất các nhà máy điên khoảng 60 GW với 54,6% (32,5 GW) nhiệt điện than và dự kiến tăng đến 64% thì làm sao mà tiêu thụ than cho nhiệt điện than của hai nước này cộng lại mới bằng tiêu thụ của Việt Nam vào năm 2030 được (???), một đánh giá quá phí lý và hàm hồ.

3. Trong một bài phát biểu hồi tháng 5/2016, Chủ tịch World Bank Jim Young Kim cho rằng kế hoạch mà Việt Nam đang thực hiện để xây mới hàng loạt nhà máy nhiệt điện trên khắp đất nước như hiện nay sẽ là “cơn ác mộng” cho chính Việt Nam và là “thảm họa cho cả hành tinh”. Trong khi đó, một nghiên cứu do nhóm học giả từ Đại học Harvard và Greenpeace năm 2017 cũng chỉ ra rằng ô nhiễm do nhà máy nhiệt điện than ở Việt Nam đang giết chết 4.300 người mỗi năm và con số này sẽ tăng lên 25.000 người nếu cả 14 dự án nhiệt điện ở ĐBSCL đi vào hoạt động.

Đây là những thông tin hoàn toàn vô căn cứ, bởi vì: một vị Chủ tịch của tổ chức tài chính lớn nhất có uy tín nhất hành tinh (World Bank) không thể có nhận xét võ đoán rằng Việt Nam với 55 GW nhiệt điện than, tiêu thụ gần 130 tiệu tấn than phát thải khoảng 335 triệu tấn CO2 vào năm 2030 sẽ là "cơn ác mộng" cho chính đất nước này và là "thảm họa cho cả hành tinh". Trong khi vào năm 2015 Trung Quốc phát thải 10,6 tỷ tấn CO2 và Mỹ phát thải trên 5 tỷ tấn. Còn việc đưa ra những con số về số người Việt Nam chết do nhiệt điện than thì hết sức thiếu căn cứ xác đáng. Luận điệu này đã được Green ID Việt Nam đề cập tại một số lần hội thảo và đã bị các nhà khoa học chất vấn mà không thể đưa ra được sự giải đáp và chứng minh nào có thể chấp nhận được.

4. Vì EVN cần mua điện với mức giá thấp nhất có thể để đảm bảo lợi nhuận trung gian khi bán lại cho người tiêu dùng khiến mức giá Nhà nước cho phép hiện nay thấp hơn rất nhiều so với giá kỳ vọng của nhà đầu tư (Nhà nước đề xuất mức 7,8 cent/1kW trong khi mức có thể hấp dẫn được nhà đầu tư phải từ 9,8cent/1kW trên đất liền và 11,8cent/1kW trên biển).

Hiện nay, theo quy định của Chính Phủ, EVN mua vào giá điện gió là 7,8 USCent/kWh, điện mặt  trời là 9,35 UScent/kWh, giá mua điện bình quân của các nguồn điện khác là 5,33 UScent/kWh. Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân của EVN là 7,6 UScent/kWh. Những số liệu này đã chứng minh điều ngược lại so với nhận xét của tác giả.

5. Trong khi chờ công nghiệp năng lượng tái tạo cất cánh, Việt Nam cần quan tâm lựa chọn đầu tư phát triển năng lượng từ khí thiên nhiên. Nguồn khí tự nhiên ở vùng biển Việt Nam khá dồi dào cần được khai thác để thay thế các nhà máy nhiệt điện than hiện nay. Điều này vừa tạo ra nguồn điện năng giá rẻ hơn so với việc nhập khẩu than để sản xuất điện đồng thời giảm đáng kể lượng khí CO2 phát thải gây ô nhiễm môi trường do khí tự nhiên chỉ sản sinh ra CO2 bằng 1/5 so với than đá và cũng không tạo ra phế phẩm khác như khi đốt than.

Đây là điều mà Chính phủ Việt Nam đã hết sức quan tâm và có chính sách rõ ràng về việc sử dụng triệt để nguồn khí khai thác trong nước và nguồn LNG nhập khẩu cho sản xuất điện. Cụ thể là tháng 1/2017 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết Định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 với mục tiêu đảm bảo thu gom 100% sản lượng khí của các lô/mỏ mà PVN và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam. Nghiên cứu, tìm kiếm thị trường và đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng kho cảng để sẵn sang nhập khẩu LNG. Dành 70 - 80% sản lượng khí (thiên nhiên và LNG) cho sản xuất điện. Thực tế, hiện nay giá điện khí thiên nhiên không rẻ hơn giá điện than và phát thải CO2 của nguồn điện khí chỉ giảm được 40% so với nguồn điện than chứ không phải bằng 1/5 như bài báo của NCS Quang viết.

Ngoài ra, trong bài viết của tác giả Quang còn đưa ra những nhận xét, đánh giá và đề xuất về phát triển nguồn năng lượng tái tạo, nguồn thủy điện, nhập khẩu điện từ các nước láng giềng… là những vấn đề mà Tạp chí Năng lượng Việt Nam đã đề cập đến một cách hết sức bài bản với những luận cứ đáng tin cậy về khoa học và kinh tế tại loạt bài viết trong năm 2016-2017.

Thiết nghĩ, nếu NCS Quang, trong quá trình thực hiện luận án của mình, giành thời gian tham khảo các tài liệu trong nước về thực trạng và triển vọng phát triển ngành năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng của Việt Nam thì đã không có những nhận xét, đánh giá và đề xuất hời hợt, thiếu căn cứ và võ đoán như đã nêu trong bài viết này. 

Tài liệu tham khảo:

1. Báo cáo triển vọng Năng lượng Việt Nam năm 2017 - Tài liệu do Bộ Công thương Việt Nam và Danish Energy Agency biên soạn.

2. Nhập khẩu than của Việt Nam: Hiện trạng và xu thế (Tạp chí Năng lượng Việt Nam, 16/4/2018)

3. Current situation of coal-fired power plants in Russian Federation and the Implementation Options of Clean Coal Technologies.

4. Electricity Power Development in Indonesia

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động