RSS Feed for Hợp tác chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 24/12/2024 19:43
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Hợp tác chiến lược, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

 - Trong ngành năng lượng Việt Nam có ba tập đoàn lớn là: Dầu khí Việt Nam (PVN), Điện lực Việt Nam (EVN), Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) giữ vai trò chủ chốt, vừa là động lực cung cấp đủ năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáng lẽ từ lâu đã được liên kết với nhau chặt chẽ, trước tiên là tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn giữa ba phân ngành (điện, than, dầu - khí), tiếp đến là cung cấp nhiên liệu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung (các trung tâm nhiệt điện, cảng than), trao đổi kinh nghiệm quản lý dự án, vận hành các nhà máy...

>> Năm yếu tố khách quan dẫn đến hợp tác chiến lược giữa ba phân ngành năng lượng
>> PVN, EVN và TKV ký thỏa thuận hợp tác chiến lược
>> Kinh doanh của EVN đã có lãi, nhưng phía trước còn nhiều thách thức lớn
>> Ngành Dầu khí Việt Nam trước thách thức an ninh năng lượng quốc gia
>> 8 nhiệm vụ chính của EVN trong năm 2013
>> Bảy nhóm giải pháp phát triển ngành Than năm 2013

 

TRẦN VIẾT NGÃI, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - VEA

Lý do rất dễ hiểu, bởi ba phân ngành này có sự liên quan với nhau hết sức mật thiết (ngành Than và Dầu khí đảm bảo đầu vào cho ngành Điện, sản phẩm của ngành Điện lại là đầu vào của nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành Than và Dầu khí). Ngoài ra, trong nhiều năm qua, 2 ngành Than và Dầu khí cũng đã được Chính phủ giao đầu tư phát triển nhiều nhà máy điện để hỗ trợ EVN tạo thêm nhiều nguồn điện mới, bổ sung thêm công suất cho toàn hệ thống điện quốc gia.

"Đáng lẽ từ lâu, EVN, PVN và TKV đã được liên kết với nhau chặt chẽ, trước tiên là tổ chức xây dựng chiến lược, quy hoạch dài hạn giữa ba phân ngành (điện, than, dầu - khí), tiếp đến là cung cấp nhiên liệu, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dùng chung (các trung tâm nhiệt điện, cảng than), trao đổi kinh nghiệm quản lý dự án, vận hành các nhà máy..." 

Việt Nam chúng ta có số dân gần 90 triệu người, tiêu thụ điện tính theo đầu người hiện chỉ đạt 1.170kWh/năm, tổng công suất toàn hệ thống mới chỉ mới đạt 27.000 MW. Có thể nói, Việt Nam là một trong những nước có mức tiêu thụ điện thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Điện sản xuất và mua ngoài (năm 2012) là 117,59 tỷ kWh, điện thương phẩm 105,33 tỷ kWh, giá bán điện bình quân 1.361 VNĐ/kWh.

Trong phê duyệt Quy hoạch điện VII (QHĐ VII), Chính phủ đã lấy mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tổng công suất nguồn điện cả nước phải đạt được 75.000 MW, với điện năng là 330 tỷ kWh. Đây là mức tăng mang tầm chiến lược rất cao của Đảng, Chính phủ, là thách thức đối với ngành năng lượng Việt Nam.

Để thực hiện nhiệm vụ trọng đại này, nhất thiết cần phải có sự liên kết, hợp tác chiến lược lâu dài và bền vững của ba tập đoàn kinh tế số một của đất nước. Ở đây không có khái niệm là ba tập đoàn liên kết để tạo nên sự “độc quyền”, mà sự liên kết này nhằm đảm bảo sự phối hợp liên hoàn, nhằm khắc phục những tồn tại mất cân đối giữa đầu vào và đầu ra của ba phân ngành này.

Mặt khác, sự hợp tác này sẽ khắc phục được những mâu thuẫn trong các khâu sản xuất kinh doanh, cung cấp nhiên liệu và kinh doanh điện năng… Nếu ba tập đoàn này không liên kết mang tính chiến lược chặt chẽ và bền vững thì QHĐ VII khó đạt được mục tiêu đã đề ra. Do vậy, việc đầu tiên là cần có sự gắn bó trong  nghiên cứu lập quy hoạch tổng thể về ba phân ngành năng lượng này với một tầm nhìn trước mắt và tầm nhìn lâu dài.

Theo tính toán, nguồn than cung cấp cho điện từ nay tới 2015 phải đảm bảo 55 triệu tấn than và tới năm 2020 phải là 76 triệu tấn than cho sản xuất điện. Trong QHĐVII, ngoài các nhà máy thủy điện, hiện EVN, PVN, TKV đang đầu tư xây dựng và còn phải xây dựng thêm 52 nhà máy nhiệt điện chạy than, với tổng công suất là 36.000 MW, được bố trí đều từ miền Bắc tới miền Nam. 

Nhưng hiện tại, công suất khai thác tối đa của ngành Than mới chỉ đạt 40 triệu tấn/năm, trong đó, than dành cho điện chỉ khoảng 20 triệu tấn/năm. Ngành Than đang tìm mọi phương án vốn, giải pháp khoa học kỹ thuật, nhân lực để xây dựng các mỏ mới, cải tạo các mỏ cũ. Trên thực tế, hiện các mỏ lộ thiên đã hết, còn lại chủ yếu là khai thác hầm lò, có độ sâu từ 400-500m, điều kiện khai thác hết sức khó khăn.

Với năng lực của ngành Than hiện tại thì không thể đảm bảo được nguồn than cho QHĐ VII. Do vậy, bắt đầu từ năm 2015 trở đi, Việt Nam phải tính đến phương án nhập than và tổ chức quy hoạch hệ thống cảng than, đường sá, băng chuyền… phù hợp với các nhà máy nhiệt điện. Việc quy hoạch các cảng than để vận chuyển than là một thách thức rất lớn, một mình ngành Than không thể thực hiện được mà cần phải có sự hợp tác của EVN, PVN.

Vấn đề liên kết thứ hai là tổ chức quy hoạch hệ thống khí của Việt Nam để đến năm 2020 và sau 2020, ngành Dầu khí Việt Nam đảm bảo cung cấp đủ khí cho các trung tâm điện lực chạy khí như: Cà Mau, Ô Môn, Phú Mỹ - Bà Rịa và Nhơn Trạch… Hiện tại, nguồn khí chỉ mới đáp ứng khoảng 40% công suất của các nhà máy, do đó vào mùa khô phải huy động một lượng công suất lớn chạy dầu làm cho chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao. Nếu không có sự liên kết giữa ngành Dầu khí với ngành Điện thì việc cung cấp khí sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Một vấn đề cần liên kết nữa là về giá điện. Hiện giá điện của chúng ta đang còn thấp so với khu vực và thế giới. Nhiều năm qua, EVN đã bị lỗ nhiều chục nghìn tỷ đồng do phải chạy dầu vào mùa khô, vấn đề này cần sự phối hợp giải quyết mối quan hệ hài hoà giữa giá các dạng năng lượng.

Trong quy hoạch ngành Dầu khí, lượng khí tự nhiên chúng ta đang sử dụng trong tương lai là rất hạn chế, nên cần phải nghiên cứu nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG). Do vậy, cần có sự tính toán, tổ chức quy hoạch sử dụng LNG cho các nhà máy điện chạy khí để xây dựng hệ thống hạ tầng nhập LNG. Đây là vấn đề quan trọng cần có sự phối hợp, liên kết chặt chẽ để hỗ trợ lẫn nhau giữa EVN và PVN.

Trong lĩnh vực quản lý, vận hành hệ thống điện, vận hành quản lý các nhà máy điện (thủy điện, nhiệt điện, tua bin khí hỗn hợp và điện nguyên tử sau này, cũng như vận hành đường dây và trạm biến áp...), EVN đã có nhiều kinh nghiệm trong hàng chục năm qua. Do vậy, việc EVN hỗ trợ cho PVN, TKV trong đào tạo nhân lực quản lý vận hành là rất quan trọng và cần thiết hiện nay, cũng như sau này.

Về đầu tư các dự án trung tâm điện lực của QHĐ VII, nhiều dự án của 3 tập đoàn này có liên quan với nhau, nên việc hợp tác với nhau nhằm giải quyết tốt vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng dùng chung, cũng như hỗ trợ vốn, hỗ trợ cán bộ quản lý dự án cũng là điều hết sức bức thiết.

Còn vấn đề hợp tác trong lĩnh vực truyền thông, 3 tập đoàn kinh tế này là thành viên thuộc Hiệp hội Năng lượng Việt Nam (VEA). Hiệp hội có Tạp chí Năng lượng Việt Nam, Trang thông tin điện tử NangluongVietnam.vn (Diễn đàn kinh tế, khoa học, kỹ thuật, tiếng nói hợp nhất: Năng lượng Việt Nam).

Mục tiêu của công tác truyền thông ở đây là kịp thời phản ánh những vướng mắc, khó khăn, những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động của 3 tập đoàn cùng liên kết với Hiệp hội Năng lượng Việt Nam. Ngoài thông tin của 3 tập đoàn ra, còn có nhiều thông tin về nhận định, dự báo, về hoạt động năng lượng của các nước trên thế giới, như đổi mới công nghệ, đổi mới trang thiết bị, phát triển năng lượng tại tạo và nhiều lĩnh vực khác mà 3 tập đoàn cần quan tâm. Bên cạnh đó là thông tin phản biện, kiến nghị chủ trương, chính sách phát triển ngành, đính chính những thông tin không chính xác, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, cũng như trong vận hành, kinh doanh để đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế và an ninh năng lượng quốc gia.

Theo chúng tôi, đây là 3 tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước trong quá trình hoạt động có sự kiểm tra giám sát của Đảng, Chính phủ, các bộ chức năng, các ngành liên quan, do đó việc hợp tác chiến lược ở đây không thể có chuyện “liên kết độc quyền”, mà là sự hợp tác hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau, tạo điều kiện cho nhau trong nhiều lĩnh vực hoạt động, nhằm đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ mà của Đảng, Chính phủ đã giao phó.

NangluongVietnam.vn

CÁC BÀI VIẾT BẠN ĐỌC QUAN TÂM

Góc nhìn trái chiều về tên lửa Triều Tiên
Ba câu hỏi về kiểm soát quyền lực
Thách thức đầu tiên dành cho nữ Tổng thống Hàn Quốc
Chiến lược Á tâm của Hoa Kỳ vẫn tiếp diễn
Tranh chấp lãnh hải: Chỉ có thể giải quyết bằng lòng tự trọng quốc gia
Trung Quốc bước vào thời đại Tập Cận Bình
Lý Quang Diệu nói về Trung Quốc bằng giọng khác

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động