Dầu khí và ‘giấc mơ sống còn’ của Campuchia
06:55 | 11/11/2019
Khoan dầu tại một mỏ do KrisEnergy vận hành ở Vịnh Thái Lan. (Ảnh được cung cấp bởi KrisEnergy).
Lô A - tô nhượng dầu mỏ hứa hẹn nhất - giấc mơ sống còn của Campuchia. Mỏ dầu tô nhượng Apsara, nếu khai thác hết, sẽ giúp đa dạng hóa một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu hàng may mặc - và đầu tư ngày càng tăng của Trung Quốc.
Giống như nhiều nước láng giềng khác ở Đông Nam Á, Campuchia đã nhận được hàng tỷ các khoản đầu tư và vay nợ liên quan đến việc thúc đẩy cơ sở hạ tầng thuộc chương trình Vành đai và con Đường của Bắc Kinh. Xuất khẩu dầu có thể làm cho đất nước Campuchia trở nên mạnh mẽ hơn về tài chính, bao gồm cả việc giảm bớt thâm hụt 12% tài khoản vãng lai. Và một khi nhà máy lọc dầu đã bị trì hoãn lâu ngày được xây dựng, thì cũng có thể làm giảm nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ.
Đó là một con đường dài. Ngành dầu mỏ của Campuchia đã bị bao vây, trì trệ hàng thập kỷ khi các tập đoàn năng lượng có hạng trên thế giới, từ hãng Chevron (Hoa Kỳ) cho đến PTT (Thái Lan), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đến rồi đi.
Nhưng đến nay Chính phủ Campuchia đang đặt hy vọng vào KrisEnergy một công ty có trụ sở tại Singapore và tin tưởng rằng công ty sẽ khai thác mỏ dầu đầu tiên của đất nước này vào cuối năm nay.
Mặc dù sản lượng dầu của Lô A dự kiến ban đầu là khiêm tốn, nhưng Chính phủ hy vọng đây sẽ là bước đầu tiên trong việc phát triển ngành dầu khí của Campuchia. Cũng cần lưu ý rằng, các cuộc đàm phán với Thái Lan về các lĩnh vực ngoài khơi được cho là giàu tiềm năng dầu khí đã khởi động lại, trong khi một công ty Canada đang chuẩn bị tăng cường thăm dò trên đất liền.
Tuy nhiên, có một vấn đề với KrisEnergy - là năm 2014 Công ty này đã trả 65 triệu đô la cho cổ phần kiểm soát của Chevron tại Lô A hiện đang vật lộn để duy trì hoạt động và mới đây đã được tòa án cho phép ba tháng để cơ cấu lại gánh nặng nợ nần.
Vào ngày 29 tháng 10 vừa qua, một tia sáng xuất hiện sau khi KrisEnergy tuyên bố bán một tài sản dầu mỏ tại Indonesia và việc bán tài sản này là một phần trong chiến lược của Công ty "để tập trung nguồn lực tài chính hạn chế vào việc tối ưu hóa hoạt động tại các tài sản sản xuất hiện có".
KrisEnergy dự báo giai đoạn đầu tiên của dự án sẽ mang lại khoảng 8.000 thùng dầu thô mỗi ngày và khoảng 8,5 triệu thùng trong suốt vòng đời của nó. Các giai đoạn bổ sung sẽ theo sau.
Sự hấp dẫn đối với Campuchia là rõ ràng. Sản xuất từ trữ lượng dầu ước tính 30 triệu thùng của Lô A sẽ giúp giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, đặc biệt là khi nhà máy lọc dầu do Trung Quốc hậu thuẫn sẽ hoàn thành vào năm 2022.
Nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ của Campuchia đã tăng 10% trong năm 2018 lên 2,5 triệu tấn (số liệu chính thức được trích dẫn bởi chương trình truyền thông địa phương).
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra bây giờ là liệu KrisEnergy có thể đáp ứng khung thời gian 24 tháng được công bố trong quyết định đầu tư cuối cùng vào tháng 10 năm 2017 hay không?
Với tổng số nợ 476,8 triệu đô la và đang ở mức 110%, vị thế tiền mặt của nó bị "hạn chế nghiêm trọng" - KrisEnergy nói với các cổ đông trong một bài thuyết trình vào tháng 9.
"Ban quản lý đã sử dụng hết tất cả các lựa chọn có sẵn trong tầm kiểm soát của mình và doanh nghiệp vẫn vượt quá đòn bẩy và bị đánh giá thấp" - bài thuyết trình nêu rõ. Giao dịch cổ phiếu của nó đã bị đình chỉ kể từ tháng 8/2019.
KrisEnergy đang chuyển số tiền mặt còn lại của mình về Campuchia để đấu thầu khởi động sản xuất.
Một phát ngôn viên của Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia cho biết: Chính phủ nhận thức được những rắc rối của KrisEnergy và đã không sửa tiến độ thời gian dự kiến để sản xuất.
Nếu Lô A không hoạt động, Campuchia sẽ có các nguồn dầu tiềm năng khác.
Mỏ dầu khí Lô A - giấc mơ sống còn của Campuchia.
Công ty Tài nguyên Angkor (trước đây gọi là Angkor Gold), đang giữ giấy phép thăm dò hoạt động duy nhất khác ở Campuchia. Một công ty Canada, có lợi ích khai thác tại nước này, đã được trao quyền thăm dò 01 trong 19 lô trên đất liền của Campuchia vào tháng 8/2019. Nhưng triển vọng của nó cũng không rõ ràng.
"Bước tiếp theo của chúng tôi sẽ là đàm phán hợp đồng phân chia sản phẩm (PSA) của chúng tôi với Chính phủ Campuchia" - Giám đốc điều hành của Angkor Resources, Stephen Burega nói với Nikkei, sau đó công ty sẽ tiến hành công tác khảo sát rộng rãi. "Đơn giản là còn quá sớm để nói vào thời điểm này là liệu có hydrocarbon ở vị trí có kích thước đủ lớn để được xem xét khai thác hay không" - Burega nói thêm.
Vùng có tiềm năng dầu khí quan trọng hơn được đánh giá là Khu vực Yêu cầu Chồng lấn (OCA), một vùng nước rộng 27.000 km2 tại Vịnh Thái Lan được Thái Lan và Campuchia tuyên bố chủ quyền.
Một đường dây ngoại giao của Hoa Kỳ năm 2008 đã chỉ ra rằng: Trong khi Chevron nghi ngờ về lợi nhuận của Lô A, thì tập đoàn này lại rất muốn được đảm bảo một thỏa thuận trong OCA nếu tranh chấp được giải quyết.
Tuy nhiên, tiến độ trên mặt trận đó đã bị đình trệ kể từ năm 2009, khi Thái Lan đình chỉ một thỏa thuận để cùng khảo sát khu vực. Chỉ mới gần đây, bộ trưởng năng lượng của các nước đã gặp nhau và bày tỏ mong muốn tiếp tục thảo luận về OCA.
Trong một bước tiến mới, Chính phủ Campuchia năm nay đã ban hành Luật Dầu khí được chờ đợi từ lâu.
Dự luật này gồm 72 điều khoản quy định một giới hạn 30 năm đối với các thỏa thuận dầu khí, và có thể yêu cầu gia hạn thêm 15 năm. Nó cũng quy định thời hạn 7 năm để thăm dò và 5 năm để các nhà thầu hoàn thành phát triển mỏ.
Luật này là một "bước tiến" làm rõ lập trường của Chính phủ về sự tham gia của nước ngoài vào lĩnh vực dầu khí - theo Maxfield Brown, quản lý của đơn vị tình báo kinh doanh cho Công ty luật Dezan Shira & Associates, thì các khung thời gian phần lớn phù hợp với thông lệ chung.
Nhưng Brown thấy một nguyên nhân cho mối quan tâm. Điều 31 của Luật mới trao cho chính phủ quyền yêu cầu tới 25% cổ phần sản xuất của nhà thầu để đáp ứng nhu cầu trong nước và quyền trưng dụng 100% trong trường hợp "khẩn cấp cung cấp quốc gia".
"Tại thời điểm này, cả nhu cầu nội địa và khẩn cấp cung cấp vẫn chưa được xác định và để lại nhiều khoảng trống để giải thích trong giai đoạn tạm thời" - Brown nói.
Để giấc mơ dầu mỏ của Campuchia tồn tại hiện nay, trừ phi có những tiến bộ đáng kể tại các OCA. Tuy nhiên, việc thu hút những người chơi lớn để chia sẻ giấc mơ có thể sẽ vẫn là một thách thức - theo Jean-Baptiste Berchoteau nhà phân tích nghiên cứu tại WoodMackenzie.
"Rất nhiều công việc địa chất vẫn có thể được thực hiện ở trong nước" - ông nói.
"Mặc dù khó có thể thu hút những nhà đầu tư lớn, nhưng chúng tôi tin rằng Campuchia có thể là một sân chơi thú vị cho những nhà đầu tư nhỏ hơn trong khu vực với 'khẩu vị rủi ro' phù hợp" - Jean-Baptiste Berchoteau nhấn mạnh.
TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN (BIÊN DỊCH TỪ BÁO NIKKEI)