RSS Feed for Điện cho miền Nam và những vấn đề cấp bách cần giải quyết | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 18:44
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Điện cho miền Nam và những vấn đề cấp bách cần giải quyết

 - Những năm qua, nhu cầu điện của miền Nam luôn cao, chiếm xấp xỉ một nửa nhu cầu điện của toàn quốc. Để đảm bảo việc cung cấp điện cho miền Nam thì giải pháp cần thực hiện đầu tiên là hoàn thiện và phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Hoàn thiện thể chế phát triển bền vững năng lượng Việt Nam
Chiến lược năng lượng quốc gia: Những vấn đề cần quan tâm
Năng lượng bền vững ở Việt Nam: Thách thức và kiến nghị phát triển

ThS. TÔ QUỐC TRỤPhó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Năng lượng - VESC

Dựa trên cơ sở hiện trạng hệ thống điện Việt Nam và các dự án nguồn, lưới điện đang triển khai đầu tư đến thời điểm này, nhu cầu điện của đất nước và danh mục các dự án nguồn lưới điện đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2030 được xác định tại Quyết định số 428/QĐ-TTg Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (QHĐ VII Điều chỉnh) ngày 18/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời thu thập những thông tin tin cậy liên quan đến khả năng tự cân đối cung cầu điện của miền Nam, có thể đi đến nhận định là trong ngắn hạn đến năm 2020, cũng như dài hạn đến năm 2030 miền Nam nước ta luôn tiềm ẩn rủi ro thiếu điện.

Dưới đây là phân tích những nguyên nhân dẫn đến nhận định này, từ đó tìm ra giải pháp khả thi nhất để khắc phục rủi ro có thể xảy ra.

Một là: Tiến độ cung cấp khí cho phát điện và việc xây dựng các dự án khí, điện tại miền Nam không đảm bảo tiến độ và tính đồng bộ.

Khí lô B, việc lùi tiến độ cấp khí từ Quý I/2020 sang Quý II/2021 và khả năng cấp khí đạt được khoảng 5 tỷ m3/năm chỉ đáp ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện Ô Môn I, II, III và Kiên Giang I, II, chưa tính cấp bù cho Cà Mau.

Khí PM3 - Cà Mau, khả năng lượng khí phát điện chỉ đạt khoảng 1,6 tỷ m3/năm cho giai đoạn 2016-2021. Từ năm 2022 trở đi nguồn khí này suy giảm nên phải tìm giải pháp bổ sung từ các nguồn khí khác.

Khí Nam Côn Sơn, giai đoạn 2016-2024, cần bảo đảm khả năng cấp khí cho phát điện khoảng 6,8 tỷ m3/năm và giai đoạn từ năm 2015 là trên 5 tỷ m3/năm. Trường hợp không đáp ứng, cần có giải pháp phát triển mỏ khí tại khu vực này, đồng thời xem xét triển khai phương án nhập LNG.

Hai là: Tình hình triển khai các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) chạy than tại miền Nam đang phải đối mặt với những bất lợi sau:

Các dự án NMNĐ có thể bị chậm tiến độ không đáp ứng đưa vào vận hành theo yêu cầu của QHĐ VII điều chỉnh gồm: Duyên Hải III 2x600MW, Long Phú I 2x600MW, Sông Hậu I 2x600MW, Duyên Hải III Mở rộng 1x660MW, Duyên Hải II 2x600MW, Sông Hậu II 2x1000MW, Long Phú II 2x660MW, Long Phú III 3x600MW.

Các dự án NMNĐ cho đến thời điểm này vẫn chưa xác định hình thức đầu tư và chủ đầu tư gồm: Long An I 2x600MW, Long An II 2x800MW, Tân Phước I 2x600MW, Tân Phước II 2x600MW. Gần đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có văn bản báo cáo Bộ Công Thương đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ giao EVN làm chủ đầu tư bốn dự án NMNĐ này. Trong đó, hai Dự án NMNĐ Tân Phước I và Tân Phước II tỉnh Tiền Giang không sử dụng nhiên liệu than mà chuyển đổi sang công nghệ nhà máy điện tua bin khí hỗn hợp (TBKHH) sử dụng LNG nhập khẩu. Tuy nhiên đến thời điểm này chưa thấy có văn bản chấp nhận của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án NMNĐ Bạc Liệu I 2x600 MW, địa điểm Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu; Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu đề nghị loại bỏ khỏi QHĐ VII điều chỉnh và Thủ tướng Chính phủ đã chấp nhận.

Ba là: Chủ trương ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo cho sản xuất điện là hết sức cấp thiết và đúng đắn. Tuy nhiên, trong Danh mục các dự án nguồn điện vào vận hành giai đoạn 2016-2030 tại Quyết định Phê duyệt QHĐ VII Điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ chưa thấy xuất hiện ở miền Nam với các nguồn điện từ năng lượng tái tạo có công suất và điện năng lớn.

Đáng chú ý nhất là 3 dự án điện gió của Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Du lịch Công Lý, với tổng công suất 341MW, gồm Khai Long Cà Mau (100MW), Bạc Liêu giai đoạn 2 (142MW) và Sóc Trăng (99MW) cũng chỉ cung cấp sản lượng điện khoảng 1,2 tỷ kWh/năm thua xa sản lượng điện có thể đạt được là 7,8 tỷ kWh/năm của các dự án NMNĐ Bạc Liêu I (2x600MW) đã loại bỏ.

Quyết định Phê duyệt QHĐ VII điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ cũng đã xét đến trường hợp các nguồn điện năng lượng tái tạo có thể không đạt được tiến độ và quy mô công suất như kỳ vọng là 27.000 MW vào năm 2030 nên đã phải tính đến khả năng phát triển 3 dự án NMNĐ chạy than. Trong đó có hai dự án đặt tại miền Nam là Tân Phước II 2x600MW và Bạc Liêu I 2x600MW.

Bốn là: Việc nhập khẩu điện từ Lào và Campuchia để cấp điện cho miền Nam được đánh giá là khả thi và thuận lợi:

Thứ nhất: Lào đang thực hiện kế hoạch đầu tư hệ thống truyền tải điện liên kết các nguồn điện ở Bắc Lào và Nam Lào thành một hệ thống thống nhất, nên EVN có thể ký kết hợp đồng mua bán điện với một chủ thể duy nhất là Công ty Điện lực Lào (EDL) mà không phải ký hợp đồng mua bán điện với từng dự án của Lào. Khả năng công suất nguồn có thể nhập khẩu từ Lào được dự kiến là năm 2020: 1000MW, năm 2025: trên 3000 MW và năm 2030: trên 5000MW.

Thứ hai: EVN đã làm việc với Công ty Điện lực Campuchia (EDC) cho kết quả có thể nhập khẩu vào các tháng mùa mưa thông qua đường dây 220kV Châu Đốc - Ta Keo, giai đoạn đến năm 2018 có thể đạt 50~150MW, giai đoạn 2018-2020 có thể tăng đến 200~300MW với điểm kết nối từ KompongCham về Tây Ninh, giai đoạn sau năm 2020 hướng nhập khẩu từ Đông Bắc Campuchia (Ratanakiri) vì đây có tiềm năng thủy điện lớn (khoảng 2000MW) đưa điện về Pleiku và Đăk Nông.

Tuy nhiên giải phải nhập khẩu điện từ hai nước láng giềng này đang gặp rào cản lớn vì có nhiều đánh giá cho rằng nếu giải pháp được thực hiện sẽ là hệ lụy ảnh hưởng xấu đến Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của nước ta. Thậm chí có ý kiến cho rằng “đây là giải pháp hạ sách gây khốn đốn cho người dân miền Nam và là tội đồ gián tiếp làm bào mòn lãnh thổ của Tổ quốc”.

Ủy ban Sông Mê Kông (MRC) đã có đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC) đưa ra các thẩm định quan trọng đối với kế hoạch xây dựng 11 đập thủy điện trên dòng chính của Sông Mê Kông, sau khi so sánh với các lợi ích kinh tế thu được từ năng lượng trong tương lai với những tổn thất về môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng dân cư ven sông và an ninh lương thực đã đi đến đề xuất là “Các quyết định về việc xây dựng đập nên trì hoãn thêm 10 năm nữa để có nghiên cứu sâu hơn và có đầy đủ thông tin về rủi ro cũng như biện pháp khắc phục”.

Từ các phân tích trên thấy được rõ ràng rằng để đảm bảo việc cung cấp điện cho miền Nam thì giải pháp cần thực hiện đầu tiên là hoàn thiện và phát triển hệ thống truyền tải điện quốc gia, đặc biệt là nâng cấp các dàn tụ bù 500kV trên toàn tuyến đường dây 500kV Bắc - Trung-Nam để đảm bảo truyền tải công suất ổn định, tin cậy và an toàn theo chiều từ miền Bắc, miền Trung vào miền Nam nhằm khai thác hiệu quả các nguồn điện của miền Bắc, miền Trung đáp ứng nhu cầu phụ tải ngày càng tăng tại miền Nam. Xây dựng thêm các đường dây 500kV ở một số khu vực tại các miền và liên miền đấu nối các trung tâm điện lực với các trung tâm phụ tải.

Dưới đây là hai lý do chính chứng minh đề xuất này là hợp lý và cần triển khai cấp bách.

Lý do thứ nhất: Những năm qua nhu cầu điện của miền Nam luôn cao nhất, chiếm xấp xỉ một nửa nhu cầu điện của toàn quốc. Năm 2001: nhu cầu điện của toàn quốc là 30,920 tỷ kWh; miền Bắc 12,084 tỷ kWh (39,08%); miền Trung 3,042 tỷ kWh (9,84%), miền Nam 15,794 tỷ kWh (51,08%). Số liệu tương ứng của một số năm sau đó như sau:

Năm 2005: 52,999 tỷ kWh; 20,074 tỷ kWh (37,87%); 4,979 tỷ kWh (9,4%); 27,946 tỷ kWh (52,73%).

Năm 2010: 98,108 tỷ kWh; 38,499 tỷ kWh (39,24%); 9,536 tỷ kWh (9,72%); 50,073 tỷ kWh (51,04%).

Năm 2015: 161,578 tỷ kWh; 68,668 tỷ kWh (42,5%); 15,372 tỷ kWh (9,51%); 77,538 tỷ kWh (47,99%).

Lý do thứ hai: Hệ thống điện miền Bắc và hệ thống điện miền Trung luôn có dự phòng công suất thô; nhiều nguồn điện có công suất lớn và vừa tại hai miền này đã đưa vào vận hành, đang và sẽ được phát triển.

- Miền Bắc (i) Về thủy điện, ngoài các nhà máy thủy điện (NMTĐ) công suất lớn và vừa đã có đang vận hành như Hòa Bình (8x245MW), Sơn La (6x400MW), Tuyên Quang (3x114MW), Bản Chát (2x110MW), Nậm Chiến 1 (2x100MW), Thác Bà (3x40MW), Nho Quế (2x55MW)…; hoàn thành xây dựng các NMTĐ Lai Châu (3x400MW), Huội Quảng (2x260MW), Trung Sơn (4x65MW)… trong năm 2016 này, tiếp tục phát triển Dự án NMTĐ Hòa Bình mở rộng (2x245MW)…

(ii) Về nhiệt điện than, ngoài các NMNĐ đã có đang vận hành như Ninh Bình (4x25MW), Phả Lại I (4x110MW), Phả Lại II (2x300MW), Uông Bí mở rộng I&II (2x315MW), Hải Phòng I&II (4x300MW), Quảng Ninh I&II (4x300MW), Nghi Sơn I (2x300MW), An Khánh (2x60MW), Mông Dương I (2x600MW), Mông Dương II (2x600MW)…; theo danh mục nguồn điện của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII Điều chỉnh các dự án NMNĐ than đưa vào vận hành giai đoạn 2016-2030 gồm có Thái Bình I (2x300MW), Thái Bình II (2x600MW), Thăng Long (2x300MW), Na Dương II (1x110MW), Công Thanh (1x600MW), Hải Dương (2x600MW), Cẩm Phả III (2x220MW), Nghi Sơn II (2x600MW), Nam Định (2x600MW), Hải Phòng III (2x600MW), Quảng Ninh III (2x600MW). Gần đây nhất Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho bổ sung vào QHĐ VII Điều chỉnh hai dự án NMNĐ than là Đức Giang (2x50MW) Lào Cai để cấp điện cho nhà máy hóa chất của Công ty Cổ phần Hóa chất Đức Giang và An Khánh - Bắc Giang (650MW) do Tập đoàn An Khánh làm chủ đầu tư thay cho Dự án NMNĐ Lục Nam (2x50MW) nêu trong QHĐ VII Điều chỉnh.

(iii) Về nhập khẩu điện của Trung Quốc, miền Bắc có lợi thế là mua điện của Trung Quốc thực hiện bằng hai cấp điện áp 220kV và 110kV qua 5 hướng: 220kV Lào Cai, Hà Giang và 110 kV Lào Cai, Hà Giang, Móng Cái. Các khu vực mua điện Trung Quốc đều vận hành độc lập với nhau và độc lập với lưới điện Việt Nam. Việc thực hiện mua điện này thường cao trong các tháng mùa khô và giảm trong các tháng mùa lũ.

- Miền Trung (i), Về thủy điện tại miền Trung bao gồm cả Khu vực Tây Nguyên, nhiều NMTĐ công suất lớn và vừa đang vận hành như Bá Thước (4x20MW), Hủa Na (2x90MW), Cửa Đạt (2x48,5MW), Bản Vẽ (2x160MW), Khe Bố (2x50MW), Quảng Trị (2x32MW), Hương Điền (2x27MW), Bình Điền (2x22MW), A Vương (2x105MW), A Lưới (2x85MW), Sông Côn (3x21MW), Sông Bung 4 (2x78MW), Sông Bung 4A (2x49MW), Sông Bung 5 (2x57MW), Đak Mi 4 (5x39MW), Sông Tranh 2 (2x95MW), Đak Drinh (2x62,5MW), Vĩnh Sơn (2x33MW), An Khê KaNak (173MW), Krông Hnăng (2x32MW), Sông Hinh (2x35MW), Sông Ba Hạ (2x110MW), Pleikrong (2x50MW), Ialy (4x180MW), Sê san 3 (2x130MW), Sê San 3A (2x54MW), Sê San 4 (3x120MW), Buôn Tua Srah (2x43MW), Buôn Kuôp (2x140MW), Srêpôk 3 (2x110MW), Srêpôk 4 (2x40MW), Srêpôk 4A (2x32MW)…; Theo QHĐ VII Điều chỉnh sẽ phát triển thêm một số dự án NMTĐ nữa là Sông Tranh 3 (62MW), Sông Tranh 4 (48MW), Đak Mi 2 (98MW), Đak Mi 3 (45MW), Dak Mi 1 (54MW), Thượng Kon Tum (2x110MW), Nậm Mô Việt Nam (95MW), Ialy mở rộng (360MW)…

(ii) Về nhiệt điện than, ngoài các NMNĐ đã có, đang vận hành như Vũng Áng I (2x600MW), Formosa Hà Tĩnh (6x150MW), Vĩnh Tân II (2x600MW), hiện đang thực hiện đầu tư các dự án NMNĐ trong Danh mục của Quyết định Phê duyệt QHĐ VII Điều chỉnh gồm có Vĩnh Tân IV (2x600MW), Vĩnh Tân I (2x600MW), Vĩnh Tân IV mở rộng (1x600MW), Vũng Áng II (2x600MW), Quảng Trạch I (2x600MW), Quỳnh Lập I (2x600MW), Vĩnh Tân III (3x660MW), Quảng Trị (2x600MW), Vân Phong I (2x660MW), Vũng Áng III #1,2 (2x600MW), Quỳnh Lập II (2x600MW), Quảng Trạch II (2x600MW), Vũng Áng III #3,4 (2x600MW).

(iii) Về nhà máy điện TBKHH chạy khí, theo QHĐ VII Điều chỉnh loại nguồn điện này được phát triển mạnh tại miền Trung sẽ đưa vào vận hành từ năm 2023 gồm có TBKHH miền Trung I (1x750MW), TBKHH Dung Quất I (1x750MW), TBKHH Sơn Mỹ II (3x750MW), TBKHH miền Trung II (1x750MW), TBKHH Dung Quất II (1x750MW), TBKHH Miền Trung III (1x750MW), TBKHH Sơn Mỹ I (3x750MW).

(iv) Sử dụng năng lượng tái tạo vào mục đích phát điện cũng được phát triển tại miền Trung; nhiều dự án thuộc phân ngành năng lượng tái tạo đã được đưa vào Danh mục của QHĐ VII Điều chỉnh như Nhà máy điện sinh khối KCP (2x30MW) tại Phú Yên, Nhà máy điện sinh khối An Khê (2x55MW) tại Quảng Ngãi; Điện gió Trung-Nam (90MW), Điện mặt trời Thiên Tân 1,2,3 (300+400+300MW) tại Ninh Thuận,…

Bốn đề nghị

Dưới đây nêu bốn đề nghị để giải pháp hoàn thiện hệ thống truyền tải điện quốc gia, nhằm đảm bảo cung cấp điện đủ và an toàn cho miền Nam đến năm 2030 đạt được kết quả.

Thứ nhất: Chấp nhận đề xuất của EVN bổ sung vào QHĐ VII điều chỉnh Danh mục Đường dây 500kV Vũng Áng - Dốc Sỏi - Pleiku 2 đưa vào vận hành trước năm 2020 nhằm tăng khả năng truyền tải điện Bắc - Trung của hệ thống truyền tải điện 500kV Bắc - Nam.

Giai đoạn đến năm 2030 xây dựng thêm các đường dây 500kV mạch kép từ Quảng Bình ra Nam Định qua Thanh Hóa, Thái Bình để đấu nối các nhà máy điện khu vực Bắc Trung Bộ. Các đường dây 500kV mạch kép từ Quảng Nam đến Tây Ninh qua Đăk Lăk để đấu nối các nhà máy điện TBKHH sử dụng mỏ khí Cá Voi Xanh và các đường dây 500kV từ khu vực Tây Nam Bộ về Thành phố Hồ Chí Minh để đấu nối các NMNĐ ở Tây Nam Bộ.

Thứ hai: Nghiêm túc thực hiện Quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phát triển mạnh các dự án điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối - sinh khí, điện địa nhiệt, điện thủy triều…Đặc biệt tại Nam Bộ và các khu vực cực nam Trung Bộ, Tây Nguyên.

Điều quan tâm là chuyên ngành điện thủy triều của Việt Nam đã được Tập đoàn GEM - Blue Shark Power System (Pháp) xác định tiềm năng, đánh giá Việt Nam là một trong 15 nước có trữ lượng lớn nhất thế giới, đặc biệt dọc bờ biển từ Huế đến Kiên Giang.

Các dự án năng lượng xanh công suất và sản lượng điện lớn và vừa nếu được xây dựng thành công và đưa vào vận hành tại các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Pleiku, Đăk Lăk, Kon Tum…không những góp phần giảm tác động xấu đến môi trường mà còn khắc phục được phần nào rủi ro thiếu điện do phải dừng hai dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.

Việc cung cấp điện cho các phụ tải khu vực Bắc Nam Bộ từ các nguồn điện năng lượng xanh này có thể thực hiện bằng các cấp điện áp thấp hơn, do đó giảm được vốn đầu tư vì không phải xây dựng các đường dây 500kV Điện hạt nhân I - Bình Dương, Điện hạt nhân I - rẽ Vân Phong - Vĩnh Tân, Điện hạt nhân II - rẽ Vân Phong - Điện hạt nhân I và Điện hạt nhân II - Chơn Thành được nêu tại QHĐ VII điều chỉnh.

Thứ ba: Là thành viên Ủy hội Sông Mê Kông (gồm bốn quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Việt Nam) lại đang cùng nghiên cứu về tác động của việc xây dựng các con đập trên dòng chính Mê Kông, vì vậy Việt Nam cần hết sức quan tâm và có đánh giá đầy đủ về giải pháp nhập khẩu điện cho miền Nam từ Lào và Campuchia. Các nước trong Ủy hội phải giải quyết tốt được các bất đồng còn tồn tại về tác động của phát triển thủy điện đến sinh kế của các cộng đồng sống ven sông, kinh tế và xã hội tại hạ lưu vực Mê Kông nói chung và đặc biệt đối với ĐBSCL của Việt Nam nói riêng.

Nói tóm lại, giải pháp nhập khẩu điện từ hai nước láng giềng này cụ thể như thế nào sẽ chỉ có thể được chấp nhận nếu không gây nên tác động xấu đến môi trường ĐBSCL của nước ta.

Thứ tư: Có biện pháp hữu hiệu để quản lý tốt các dự án điện, đảm bảo thực hiện được đúng tiến độ quy định tại Quyết định Phê duyệt QHĐ VII điều chỉnh của Thủ tướng Chính phủ. Sớm ban hành đầy đủ các cơ chế chính sách trong công tác đầu tư các dự án điện, chú ý đến đặc thù của từng loại dự án, nhất là các dự án cấp bách để khuyến khích hỗ trợ chủ đầu tư, đồng thời xử lý nghiêm các chủ đầu tư có dự án để chậm tiến độ.

NangluongVietnam Online

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động