RSS Feed for Bình luận về đề xuất bổ sung các dự án điện gió vào Quy hoạch | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ năm 28/03/2024 18:53
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

Bình luận về đề xuất bổ sung các dự án điện gió vào Quy hoạch

 - Bộ Công Thương vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung quy hoạch các dự án điện gió. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là: Để khắc phục nguy cơ thiếu điện tại miền Nam, nhưng lại thực hiện cân bằng công suất cho cả nước, nên không thể xác định được khu vực này thiếu điện bao nhiêu và vào năm nào? Các nguồn lớn vào chậm, song nếu yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thì tình hình sẽ ra sao?


Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng xem xét bổ sung QH các dự án điện gió


TS. NGUYỄN MẠNH HIẾN - TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM


Nghị quyết 55/NQ-TƯ của Bộ Chính trị đã nêu rõ nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong phát triển nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) là: “Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm thay thế tối đa các nguồn năng lượng hóa thạch. Ưu tiên khai thác, sử dụng triệt để và hiệu quả các nguồn NLTT…”. 

Trên tinh thần đó, mới đây Bộ Công Thương đã có Văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐ VII ĐC) các dự án điện gió, với tổng công suất đến năm 2025 là 6.030 MW cho kịch bản cơ sở và 11.630 MW kịch bản cao chủ yếu tại các khu vực phía Nam để tránh nguy cơ thiếu điện miền Nam trong những năm tới do một số dự án nhiệt điện than, khí chậm tiến độ.

Về nội dung báo cáo, chúng tôi có một số ý kiến bình luận như sau:

1/ Không nên đưa ra kịch bản cao, vì vấn đề tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả đã trở thành quốc sách như NQ 55 đã nêu. Hơn nữa, theo số liệu thống kê, tổng sản lượng điện năng sản suất và mua, cũng như tổng sản lượng điện thương phẩm của toàn quốc từ năm 2017 đến 2020 (trong đó năm 2019 đồng bằng sông Cửu Long bị hạn hán nghiêm trọng do hiện tượng El nino) đều thấp hơn so với kịch bản cơ sở trong QHĐ VII ĐC, cụ thể:

Năm

2017

2018

2019

2020

Tổng sản lương thực tế (TWh)

198

219

240

251 (dự kiến của EVN)

Tổng sán lượng theo QHĐ VII ĐC (TWh)

200

221

243

265

Tổng điện năng t/ phẩm thực tế (TWh)

174,7

192,7

209

228

Tổng điện năng thương phẩm theo QHĐ (TWh)

176

194

214

235



2/ Để khắc phục nguy cơ thiếu điện tại miền Nam, nhưng lại thực hiện cân bằng công suất cho cả nước, nên không thể xác định được khu vực này thiếu điện bao nhiêu và vào năm nào? Các nguồn lớn vào chậm, song nếu yêu cầu các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thì tình hình sẽ ra sao?

Chẳng hạn, dự án nhà máy điện Sông Hậu 1 (2x600 MW) theo QHĐ VII ĐC thì đưa vào vận hành năm 2019, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành nên Ban Chỉ đạo Quốc gia về phát triển Điện lực yêu cầu PVN phải đẩy nhanh tiến độ đưa vào vận hành năm 2021.

3/ Dưới đây là một số phân tích, đánh giá khả năng tiếp nhận và truyền tải của hệ thống lưới điện các khu vưc có các dự án điện gió được đề xuất đối với kịch bản cơ sở.

Theo tính toán trong báo cáo, đến năm 2025 toàn quốc sẽ có 6.030 MW điện gió, nếu trừ đi 350 MW hiện có, thì từ nay đến 2025 phải xây dựng 5.680 MW mà chủ yếu được đưa vào vận hành tháng 11 năm 2021 - nghĩa là nguồn công suất này sẽ phát huy tác dụng từ năm 2022 trở đi.

Với hơn 6.000 MW điện gió được phân bổ cho các khu vực như sau:

- Khu vực Bắc Trung bộ (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị): 940 MW.

- Khu vực Nam Trung bộ (chủ yếu Ninh Thuận, Bình Thuận): 1.000 MW.

- Khi vực Tây Nguyên: 1.190 MW.

- Khu vực Nam bộ (miền Đông và miền Tây): 2.900 MW.

Qua phân bố này có thể nhận thấy:

Thứ nhất: Việc phát triển 2.900 MW điện gió tại miền Đông và miền Tây Nam bộ được đưa vào vận hành năm 2021 sẽ có tác dụng rất hữu hiệu đối với miền Nam trong việc đối phó với nguy cơ thiếu điện vào năm 2022 - 2023 - vì chúng nằm gần các trung tâm tiêu thụ điện lớn như: Cần Thơ, Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương…

Thứ hai: 940 MW điện gió tại Bắc Trung bộ không có vai trò gì đối với miền Nam, vì ở quá xa.

Thứ ba: Các dự án điện gió tại Nam Trung bộ, với tổng công suất 1.000 MW cùng với khoảng 30% công suất là 600 MW không tải hết của các dự án điện mặt trời đã đi vào hoạt động (tổng công suất hơn 2.000 MW), cần xây dựng hệ thống lưới điện 500 kV (trạm nâng áp lên 500 kV 1.800 MVA và khoảng 200 km đường dây tải điện 500 kV) để tải hết 1.600 MW về khu vực Đồng Nai.

Thứ tư: Gần 1.200 MW điện gió tại Tây Nguyên sẽ được tải bằng các đường dây 220 kV về các trạm 500 kV Pleiku (sẽ nâng công suất từ 2x 450 MVA lên 2x900 MW) và Đak Nông (cũng nâng công suất từ 2x450 MVA lên 2x900 MVA).

Tuy nhiên, trong phương án này vẫn chưa tính đến công suất nhập khẩu từ Nam Lào vào năm 2022 (theo hợp đồng mua bán điện ký kết giữa EVN và các công ty điện lực của Lào) với tổng công suất 409 MW từ các thủy điện Nam Emoun). Nguồn điện này tải bằng hệ thống lưới điện 220 kV về trạm 500 kV Pleiku nâng lên 500 kV để tải về khu vực miền Nam (từ trạm 500 kV Pleiku về miền Nam hiện đã có 4 mạch 500 kV trong đó 2 đường dây mạch đơn và 1 đường dây mạch kép).

Như vậy, trạm 500 kV Pleiku dù được mở rộng lên 2x900 MVA cũng không tải hết công suất của các dự án thủy điện, điện gió và điện nhập khẩu từ nam Lào.

4/ Qua những phân tích trên đây có thể thấy, để tránh nguy cơ thiếu điện tại miền Nam giai đoạn 2021-2024, nên ưu tiên xem xét phát triển các dự án điện gió tại miền Đông và miền Tây Nam bộ (2.900 MW) kết hợp với yêu cầu bảo đảm tiến độ các dự án Sông Hậu 1 (2x600 MW) vào năm 2021 (như kiến nghị của Ban chỉ đạo Quốc gia về phát triển điện lực), nhập khẩu điện từ Lào năm 2022, tua bin khí hỗn hợp (TBKHH): Nhơn Trạch 3 và 4 (2x750 MW) năm 2023, TBKHH Ô Môn 3 (1.050 MW) năm 2023 và TBKHH Bạc Liêu (3.200 MW) với các tổ máy đầu tiên vào vận hành năm 2023 như đã dự kiến.

Còn tại khu vực Bắc Trung bộ, theo chúng tôi, chỉ nên xem xét phát triển một số dự án điện gió chủ yếu để đáp ứng nhu cầu tại địa phương. Riêng các dự án điện gió tại Nam Trung bộ và Tây Nguyên nên giãn bớt tiến độ cho phù hợp với khả năng nâng cấp lưới truyền tải./.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động