RSS Feed for An ninh năng lượng nhìn từ góc độ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối | Tạp chí Năng lượng Việt Nam Thứ ba 19/03/2024 12:56
TRANG TTĐT CỦA TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM

An ninh năng lượng nhìn từ góc độ chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối

 - Hiện nay cũng như trong nhiều năm tới, ngành Dầu khí Việt Nam có vai trò quan trọng trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhất là trong bối cảnh giá dầu thô vẫn là một tác động chính trên thị trường tài chính toàn cầu. Đây là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam, nhất là trong điều kiện nền kinh tế có độ mở ngày càng lớn, đang hội nhập sâu rộng với khu vực và quốc tế, thì việc bảo đảm an ninh năng lượng của ngành dầu khí không thể tách rời vấn đề điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối. Bởi vì, ngành này sử dụng một khối lượng vốn ngoại tệ rất lớn cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thanh toán quốc tế với doanh số cao, gắn liền với sự biến động của các loại ngoại tệ chủ chốt trên thị trường tài chính quốc tế.

Vì sao các công ty dầu khí cần xem xét lại mô hình hoạt động cơ bản?
Dầu khí trong tương lai năng lượng Việt Nam
Định hướng phát triển bền vững ngành công nghiệp khí Việt Nam
Vai trò của dầu khí trong cơ cấu năng lượng thế giới



PGS, TS. NGUYỄN ĐẮC HƯNG

Một số quan điểm về vai trò an ninh năng lượng quốc gia của ngành dầu khí Việt Nam

Vai trò lớn nhất về an ninh năng lượng quốc gia của ngành dầu khí, đó là, đưa nền kinh tế Việt Nam sớm có thể tự túc, chủ động hoàn toàn xăng dầu đã qua chế biến, không phải nhập khẩu từ Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan và Trung Quốc... Đồng thời, hằng năm có thể gia tăng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia từ chính hoạt động lọc hóa dầu trong nước. Hơn thế nữa, tiến tới Việt Nam tham gia là nhà cung cấp, xuất khẩu xăng dầu đã qua chế biến trên thị trường quốc tế.

Vai trò an ninh năng lượng quốc gia của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) không chỉ là vấn đề xăng dầu mà còn là ngành cung cấp sản lượng điện khá lớn cho nền kinh tế với tốc độ nhanh, góp phần giảm sản lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Tiến tới Việt Nam sớm chấm dứt nhập khẩu, phụ thuộc điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Bên cạnh trực tiếp sản xuất điện cho nền kinh tế, ngành dầu khí còn cung cấp khí cho các nhà máy nhiệt điện khác hoạt động.

Nhìn rộng hơn, vai trò an ninh năng lược quốc gia còn ở phạm vi Việt Nam tự túc được hoàn toàn nhu cầu khí đốt của nền kinh tế; tự túc toàn bộ nhu cầu phân đạm và các sản phẩm hóa dầu khác, mở rộng tới mức tối đa dịch vụ ngành dầu khí, không phải nhập khẩu, không phải thuê dịch vụ dầu khí của nước ngoài, tham gia có vị thế cao hơn vào thị trường năng lượng toàn cầu.

Một vị thế quan trọng hơn nữa, đó là giảm nhập khẩu và tiến tới dừng hoàn toàn nhập khẩu xăng dầu, phân đạm, khí đốt, các sản phẩm hóa dầu và tham gia xuất khẩu, góp phần giảm nhập khẩu, tăng xuất khẩu, thay đổi cán cân thương mại, thay đổi cán cân vãng lai, gia tăng quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, tạo nền tảng vững chắc cho ổn định tỷ giá và an ninh tài chín quốc gia, tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước, phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng.

Vai trò của điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối đối với hoạt động kinh doanh của ngành Dầu khí Việt Nam

Trước tiên, có thể thấy, hầu hết máy móc, thiết bị, công nghệ, phụ tùng… của ngành Dầu khí Việt Nam phải nhập khẩu từ nước ngoài. Ngay cả những phần thiết bị, linh kiện, cấu kiện sản xuất, gia công được trong nước phần lớn cũng phải nhập khẩu nguyên liệu, phụ kiện từ nước ngoài. Bên cạnh đó, tư vấn, thiết kế phần lớn cũng do công ty nước ngoài thực hiện, việc thuê chuyên gia của ngành dầu khí cũng đều là người nước ngoài, phải chi trả bằng ngoại tệ, hay tính lương trên cơ sở ngoại tệ. Do đó, nhu cầu vốn ngoại tệ và sử dụng ngoại tệ thường xuyên của ngành dầu khí là rất lớn, đứng đầu về nhu cầu ngoại tệ trong các ngành kinh tế của Việt Nam.

Không những thế, các dự án, các hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển của ngành Dầu khí Việt Nam có tỷ lệ lớn là phải mua bảo hiểm của các công ty bảo hiểm nước ngoài, phải sử dụng bằng ngoại tệ. Dầu thô do ngành Dầu khí Việt Nam khai thác được xuất khẩu, bán cho nước ngoài đương nhiên là thu bằng ngoại tệ, với các đồng tiền cụ thể theo các hợp đồng thương mại quốc tế. Việc nhập khẩu xăng dầu, khí đốt và các sản phẩm hóa dầu đương nhiên là phải sử dụng toàn bộ bằng ngoại tệ.

Về phân chia lợi nhuận của các dự án liên doanh quốc tế của PVN cho đối tác nước ngoài cũng thực hiện bằng ngoại tệ. Số lợi nhuận này sau đó phía đối tác liên doanh chuyển ra nước ngoài. Khi họ có nhu cầu ngoại tệ đương nhiên các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cần phải đáp ứng, bán kịp thời cho họ để chuyển ra nước ngoài. Mà thường là, khi chuyển ra, số ngoại tệ phải đáp ứng là khá lớn.

Hàng loạt doanh nghiệp khác thuộc PVN như: khí hóa lỏng, điện, phân đạm, xơ sợi, hóa chất, dịch vụ dầu khí… khi vay vốn đầu tư hay triển khai dự án đầu tư, phần lớn là vốn ngoại tệ, nhưng nguồn thu bán hàng và cung ứng dịch vụ trong nước thì lại thu toàn bộ bằng nội tệ - Đồng Việt Nam (VNĐ). Do đó, khi trả nợ, phải được cân đối bán ngoại tệ để thực hiện hợp đồng tín dụng theo cam kết.

Ngược lại, nguồn thu của Chính phủ Việt Nam, của ngân sách Nhà nước được chia hàng năm trong các liên doanh dầu khi bằng ngoại tệ, được Bộ Tài chính hỗ trợ một phần cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong cân đối ngoại tệ chung của nền kinh tế, nhất là khi cần ngoại tệ cho nhập khẩu xăng dầu đã chế biến để tiêu thụ thị trường trong nước. Nguồn thu lớn bằng ngoại tệ của ngành Dầu khí Việt Nam cũng là cơ sở để NHNN tăng cường quỹ dự trữ ngoại tệ hằng năm của quốc gia, cơ sở để ổn định tỷ giá, góp phần bảo đảm anh ninh năng lượng quốc gia.

Bảng số 1: Một số chỉ tiêu hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu của PVN giai đoạn 2014 - 2019. Đơn vị tính: triệu tấn, tỷ đồng.

STT

Chỉ tiêu

2014

2015

2016

2017

2018

2019 **

1

Khai thác dầu thô

17,39

18,75

17,23

14,20

13,97

6,50

2

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất

42.920

30.070

25.900

33.510

47.100

   -

3

Nộp ngân sách toàn tập đoàn

178.100

115.100

90.200

74.570*

121.300

49.700

4

Thực hiện vốn đầu tư

81.626

77.567

47.283

78.000

40.900

21.000

4.1

Vốn chỉ sở hữu

53.841

55.761

24.745

61.586

     -

   -

4.2

Vốn vay

18.415

21.806

15.690

16.414

     -

   -

4.3

Vốn khác

9.370

-

6.848

-

     -

   -

 

Nguồn: Báo cáo hoạt động kinh doanh của PVN. (*) Số liệu này khác với con số công bố năm 2018; (**) Số liệu ước 6 tháng năm 2019.

Con số vốn vay cho thực hiện đầu tư hàng năm ở bảng nói trên không biết đã phản ánh đầy đủ số nợ vay của tất cả các công ty, đơn vị thành viên của PVN hay chưa, đồng thời cũng không thể hiện rõ bao nhiêu là vay bằng ngoại tệ và bao nhiêu là vay bằng nội tệ, nhưng dù sao đó cũng là con số lớn (tương đương 700 đến 800 triệu USD), nên biến động tỷ giá giữa ngoại tệ và VNĐ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của PVN, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, đến an ninh năng lượng quốc gia.

Trong những năm gần đây, giá dầu trên thị trường thế giới biến động mạnh theo chiều hướng giảm, tác động lớn đến hoạt động kinh doanh và triển khai các dự án của PVN. Gần đây nhất, năm 2018 các doanh nghiệp dầu khí của Việt Nam bị tác động rất lớn của diễn biến giá dầu trên thị trường thế giới. Giá dầu thô thay đổi chóng mặt, từ mức đỉnh 80 USD/thùng rơi xuống còn quanh mức 45 USD/thùng. Diễn biến này đã tác động lớn tới kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng đáng mừng là theo chiều hướng tích cực.

Năm 2018, PVN nộp ngân sách Nhà nước đạt 121,3 nghìn tỷ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017.

Tổng sản lượng khai thác dầu khí năm 2018 đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5% kế hoạch năm. Sản xuất đạm ước tính cả năm đạt 1,63 triệu tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm.

Tổng doanh thu toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 626,8 nghìn tỷ đồng, vượt 96 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm, tăng 25,9% so với năm 2017. Nộp NSNN toàn Tập đoàn năm 2018 đạt 121,3 nghìn tỷ đồng, vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017.

Gia tăng trữ lượng dầu khí năm 2018 đạt 5 - 10 triệu tấn, khai thác dầu khí 22,06 triệu tấn, khai thác dầu thô 12,37 triệu tấn, khai thác khí 9,69 tỷ m3, sản xuất đạm 1.575 nghìn tấn.

Kết quả đó cho thấy, an ninh năng lượng quốc gia của PVN khá rộng, bao gồm cả điện, phân đạm và rộng hơn đó là giảm thâm hụt cán cân vãng lai, cán cân thanh toán quốc tế và tăng quỹ dự trữ ngoại hối, bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ, ổn định tỷ giá trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Trong năm 2018, giá trị đầu tư của PVN đạt 40,9 nghìn tỷ đồng để triển khai thực hiện các dự án đầu tư. Bên cạnh đó, trong năm vừa qua, PVN cũng đã tập trung huy động mọi nguồn lực để xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn theo đúng đề án đã được Chính phủ phê duyệt. Trong năm 2018, đã có 6 dây chuyền của Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ đi vào hoạt động trở lại.

Năm 2018, PVN đã cổ phần hóa (CPH) 3 đơn vị thành viên gồm Tổng Công ty Điện lực Dầu khí (PVPower); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) và Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) thu về thặng dư khoảng 7.450 tỷ đồng cho nhà nước.

Trong 6 tháng đầu năm 2019, giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng diễn biến theo 2 hướng, tăng mạnh trong hơn 4 tháng đầu năm và giảm từ giữa tháng 5 đến tháng 6/2019. Tuy nhiên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình tài chính của PVN tiếp tục tăng trưởng. 

Nhìn rộng hơn về vai trò an ninh năng lượng quốc gia của ngành Dầu khí Việt Nam tới đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện hàng năm hiện nay có thể thấy, tính chung 5 tháng đầu năm 2019, sản lượng điện sản xuất cả nước ước đạt 89.865,7 triệu kWh, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp khoảng 42.726 triệu kWh, tăng 12,2%, các đơn vị khác ngoài EVN là 47.726 triệu kWh, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có PVN. Đáng chú ý, điện nhập khẩu từ Trung Quốc trong tháng Năm là 225 triệu kWh và sau 5 tháng là 1.258 triệu kWh, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Vì vậy, dưới góc độ an ninh năng lượng quốc gia, nếu PVN đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện giai đoạn đến năm 2020 và mở rộng, phát triển thêm các dự án điện, đưa vào hoạt động cho giai đoạn đến năm 2025, thì chắc chắn sẽ góp phần hạn chế việc nhập khẩu điện từ Trung Quốc.

Nhu cầu vốn đầu tư và các dự án quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia giai đoạn đến năm 2020

Theo kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hoạt động đầu tư của TPVN tiếp tục tục tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: Tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện; Chế biến dầu khí; Dịch vụ dầu khí. Tổng nhu cầu đầu tư của Tập đoàn trong giai đoạn 2016 - 2020 là 782.000 tỷ đồng, tương đương vào khoảng 34 tỷ USD. Tất nhiên không phải toàn bộ số vốn đầu tư đó là bằng ngoại tệ, vì có những phần chi trả trong nước bằng nội tệ. Nhưng giả thiết khoảng 70% nhu cầu vốn đầu tư đó bằng ngoại tệ, thì trong giao đoạn 2016 - 2020 số ngoại tệ phải đáp ứng theo tỷ giá các năm 2016 - 2020 lên tới 23 tỷ USD, đây là con số không hề nhỏ. 

Nhu cầu vốn đầu tư tại từng lĩnh vực cụ thể với rất nhiều dự án cụ thể của giai đoạn đến năm 2020, cho thấy rõ tầm quan trọng đối với an ninh năng lượng quốc gia, đối với sự phát triển của ngành Dầu khí Việt Nam, cũng như đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Các lĩnh vực và các dự án, cùng nhu cầu vốn đầu tư cụ thể như sau:

Thứ nhất: Lĩnh vực tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí: Đây là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, do đó PVN tập trung nhiều nguồn lực cho lĩnh vực này (trong giai đoạn 2016-2020 là khoảng 348.143 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 192.491 tỷ đồng).

PVN tiếp tục đầu tư vào các dự án trong nước và nước ngoài để đảm bảo thực hiện thành công các chỉ tiêu lớn. Cụ thể, gia tăng trữ lượng khoảng 35-45 triệu tấn quy dầu/năm, trong đó, mức độ gia tăng trữ lượng trong nước đạt 25-30 triệu tấn quy dầu/năm. Mức độ gia tăng trữ lượng nước ngoài đạt 10-15 triệu tấn quy dầu/năm. Khai thác dầu thô đạt khoảng 16-17 triệu tấn/năm. Khai thác khí đạt khoảng 10 tỷ m3/năm. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu của PVN trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ hai: Phát triển công nghiệp khí: Các hoạt động đầu tư của PVN trong giai đoạn 2016-2020 được thực hiện chủ yếu bởi đơn vị thành viên, tổng nhu cầu đầu tư đạt khoảng là 116.007 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 38.277 tỷ đồng.

Thứ ba: Phát triển công nghiệp điện: Trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp điện của PVN đạt khoảng là 147.827 tỷ đồng, trong vốn chủ sở hữu 44.348 tỷ đồng.

Ngoài ra, PVN cũng đang phấn đấu đưa vào vận hành các nhà máy nhiệt điện: Thái Bình 2, Long Phú 1, Sông Hậu. Riêng dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2017 - 2018, nhưng đến nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số tổ chức tín dụng đã ngừng giải ngân vốn vay, thiếu tiền cho tiếp tục triển khai thi công. Hai dự án khác: Long Phú 1 và Sông Hậu 1 cũng chậm tiến độ. Còn dự án Quảng Trạch 1, đã chuyển sang cho EVN làm chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, theo kế hoạch, PVN tiếp tục nghiên cứu đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí theo chiến lược và quy hoạch phát triển ngành khí, điện Việt Nam. 

Thứ tư: Phát triển công nghiệp chế biến dầu khí: Trong giai đoạn 2016-2020, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực chế biến dầu khí của PVN đạt khoảng 107.903 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 32.788 tỷ đồng. Mục tiêu đặt ra đến năm 2020, công suất chế biến của các nhà máy lọc dầu đạt 16,5 triệu tấn dầu thô/năm, đáp ứng 60-70% nhu cầu phân đạm cả nước. Một số dự án tiêu biểu có thể kể đến như: Nhà máy Đạm Cà Mau; Tổ hợp hóa dầu miền Nam; Liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn; Dự án nâng cấp, mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất…

Thứ năm: Phát triển ngành dịch vụ dầu khí: Đối với lĩnh vực dịch vụ dầu khí, PVN đặt mục tiêu thu hút tối đa các thành phần kinh tế tham gia phát triển dịch vụ để tăng nhanh tỷ trọng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu Tập đoàn. Theo đó, trong giai đoạn 2016 - 2020, nhu cầu đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Tập đoàn đạt 62.952 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 18.886 tỷ đồng. Mục tiêu phấn đấu đến 2020 đáp ứng 60 - 70% nhu cầu dịch vụ khoan và kỹ thuật giếng trong nước; cơ bản đáp ứng nhu cầu dịch vụ khảo sát địa chấn, địa chất công trình, khảo sát sửa chữa công trình ngầm; 80 - 90% nhu cầu trong nước về dịch vụ xây lắp dầu khí biển; 80 - 90% dịch vụ tàu chuyên ngành dầu khí, dịch vụ tàu chứa, xử lý và xuất dầu thô.

Tác động của điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối đến hoạt động kinh doanh của PVN và an ninh năng lượng Việt Nam

Hoạt động kinh doanh của ngành dầu khí nói chung và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng có liên quan trực tiếp đến các ngân hàng thương mại, đến điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối. Do tính đặc thù, các nguồn thu ngoại tệ của PVN hầu hết được chuyển đổi sang VNĐ, hạch toán bằng nội tệ trong báo cáo tài chính. Khi thanh toán và chi trả cho phía nước ngoài phải chuyển đổi lại sang ngoại tệ. Việc chuyển đổi này phải thông qua hoạt động mua bán ngoại tệ với ngân hàng thương mại (NHTM), theo tỷ giá thị trường và theo quy định quản lý ngoại hối hiện hành của Chính phủ Việt Nam. Do đó, có thể khẳng định, mọi biến động của thị trường tài chính quốc tế, diễn biến của giá dầu thô và diễn biến của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới cũng như biến động của VNĐ đều ảnh hưởng đến tình hình tài chính của PVN, cũng như các dự án, các liên doanh và các công ty thuộc.

Bởi vậy, có thể khẳng định, hoạt động ổn định của PVN, an ninh năng lược của Việt Nam có quan hệ mật thiết với điều hành chính sách tiền tệ và quản lý ngoại hối do Ngân hàng Nhà nước thực thi.

Thứ nhất: Về tỷ giá, trước diễn biến của Nhân dân tệ và một số đồng tiền chủ chốt trong khu vực châu Á thời gian qua cũng như hiện nay, một số ý kiến cho rằng: Việt Nam cần chủ động phá giá nhẹ Đồng Việt Nam để kích thích xuất khẩu, vì Đồng Việt Nam lên giá khá so với Nhân dân tệ và một số đồng tiền khu vực. Tuy nhiên, việc phá giá nhẹ Đồng Việt Nam không chắc đã tác động kích thích xuất khẩu vì còn tùy thuộc vào thị trường, vào sức cạnh tranh hàng xuất khẩu của Việt Nam đến thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, tăng tỷ giá tác động ngay đến giá xăng dầu, sản phẩm hóa dầu nhập khẩu, đến máy móc thiết bị, nguyên nhiên liệu, phụ tùng nhập khẩu nói chung và của ngành dầu khí nói riêng, cũng như tác động đến vay nợ nước ngoài. Song chỉ cần khi tỷ giá biến động 1%, thì số nợ nước ngoài của PVN tính theo VNĐ đã tăng thêm hàng trăm tỷ đồng.

Thứ hai: Về lãi suất. Hiện nay lãi suất cho vay của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đang còn khá cao so với khu vực, Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất cho vay, nhưng thực tế diễn biến thời gian qua cũng như hiện nay cho thấy, lãi suất không giảm, thậm chí tăng, tác động ngay đến chi phí của ngành dầu khí, đến thực hiện các dự án thuộc an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ ba: Hạn mức tín dụng. Các dự án đang, sẽ triển khai của PVN và các đơn vị thành viên đều có quy mô lớn, có ý nghĩa quan trọng, song nếu các NHTM vì khống chế hạn mức tín dụng, hết hạn mức cho vay, không giải ngân, hay không cho vay, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến tiến độ dự án, đến an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ tư: Dự trữ ngoại tệ và khả năng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các dự án dầu khí. Khi có nguồn thu ngoại tệ thì phải bán cho các NHTM, đồng thời khi có nhu cầu chi trả cho đối tác nước ngoài phải mua khối lượng ngoại tệ rất lớn. Nên việc tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho PVN có vai trò rất quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Thứ năm: Dịch vụ bảo lãnh và thanh toán quốc tế của các ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Hoạt động bảo lãnh dự thầu, bảo lãnh thanh toán, bảo lãnh thi công… các dự án dầu khí trong và ngoài nước của PVN có liên quan rất mật thiết đến bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia của Việt Nam. 

Thứ sáu: Giải ngân đảm bảo tiến độ thực hiện dự án. Một số dự án đang trong quá trình triển khai của ngành Dầu khí Việt Nam gặp phải một số sai phạm, thất thoát vốn, đội chi phí, hiệu quả đầu tư không như dự kiến ban đầu, thời gian kéo dài, khả năng thu hồi vốn thấp, nên một số NHTM Việt Nam ngừng giải ngân vốn cho vay dự án.

Một số khuyến nghị

1/ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cần chủ động, mạnh dạn tiếp tục xây dựng các dự án mới về thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Cần chủ động, tích cực làm việc với các NHTM Việt Nam về cân đối vốn ngoại tệ, vốn vay cho các nhu cầu tài chính của mình. Tăng cường hợp tác với các NHTM Việt Nam về quản lý tài khoản, quản lý các dòng tiền thanh toán một cách có hiệu quả, giảm tỷ trọng các khoản tiền gửi không kỳ hạn để trên các tài khoản thanh toán, nâng cao hiệu quả quản lý thanh khoản. Cần phối hợp với một số NHTM lớn của Việt Nam để được tư vấn, phòng ngừa rủi ro tỷ giá, trong điều kiện những diễn biến trên thị trường tài chính, thị trường năng lượng quốc tế, đồng Nhân dân tệ và USD rất khó lường hiện nay cũng như trong thời gian tới.

PVN cần rút ra bài học về những sai phạm, những nguyên nhân gây ra thất thoát, lãng phí, dự án bị trì hoãn, bị kéo dài, NHTM Việt Nam ngừng giải ngân, trên cơ sở đó có những biện pháp chấn chỉnh kịp thời.

2/ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thường xuyên theo dõi sát diễn biến vĩ mô trên thế giới, diễn biến giá xăng dầu tên thị trường quốc tế, tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, tiếp tục hướng dòng vốn tín dụng đến các lĩnh vực ưu tiên (như chế biến, khai thác, chế tạo thiết bị ngành dầu khí, chế biến các sản phẩm hóa dầu, điện, phân bón, sản xuất các mặt hàng thay thế hàng nhập khẩu). Cần có các biện pháp tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong nền kinh tế nói chung và ổn định lãi suất đối với ngành dầu khí nói riêng. Trung lập quan điểm trong điều tỷ giá, nên gắn việc điều hành tỷ giá với USD kết hợp với theo dõi sát diễn biến của NDT, kiên định mục tiêu không điều chỉnh tỷ giá cuốn theo sự biến động của NDT, tiếp tục củng cố vị thế của VND. Xem xét bỏ hạn mức tín dụng đối với các NHTM đáp ứng được các tiêu chí của Basel II, đảm bảo được các tỷ lệ an toàn theo quy định. Giám sát, đôn đốc các NHTM đảm bảo kế hoạch tăng vốn theo lộ trình, phối hợp với Bộ Tài chính về phương án tăng vốn cho các NHTM Nhà nước, kể các các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa. Chủ động mua bán ngoại tệ với các NHTM, cân đối đáp ứng nhu cầu bán ngoại tệ, mua ngoại tệ tại các thời điểm khác nhau của ngành dầu khí; tiếp tục tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

3/ Chính phủ và các bộ, ngành của Việt Nam cần có các biện pháp cụ thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các dự án được phê duyệt cho đến năm 2020 và mở rộng các dự án cho đến năm 2025. Cần có biện pháp sát thực tiễn hơn nâng cao hiệu quả đầu tư công, đầu tư các dự án lớn ở cả trong và ngoài nước; kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng, vốn tín dụng cho các doanh nghiệp thi công các dự án về năng lượng, dịch vụ dầu khí.

4/ Các tổ chức tín dụng cần chủ động đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn ngoại tệ. Các NHTM cần đầu tư nâng cao năng lực bảo lãnh và chất lượng thanh toán quốc tế, tiếp tục đầu tư hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, phát triển các dịch vụ ngân hàng tiện tích theo thông lệ quốc tế, phát triển dịch vụ tư vấn, hỗ trợ ngành Dầu khí Việt Nam quản lý có hiệu quả các nguồn tiền, các nguồn vốn.

Một số NHTM Việt Nam cần xem xét tiếp tục giải ngân vốn vay cho các dự án thuộc PVN bị tạm dừng giải ngân thời gian qua, để dự án tiếp tục được triển khai thi công, hoàn thiện, sớm đi vào hoạt động. Điều này không chỉ giúp dự án có dòng tiền, tiếp tục triển khai các hạng mục còn lại trên công trường mà còn giúp các tổ chức tín dụng sớm thu hồi được khoản vay (bởi dự án có hoàn thành, đi vào vận hành sớm ngày nào thì mới có doanh thu, có dòng tiền để trả nợ vay).

5/ Bộ Tài chính cần chủ động cân đối đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho NHNN đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế nói chung, nhu cầu ngoại tệ trong một số thời điểm của ngành dầu khí nói riêng. Tiếp tục cải cách hành chính, cải cách hoạt động, áp dụng thương mại điện tử trong các hoạt động: Thuế, hải quan, kho bạc, quản lý công sản và các hoạt động khác có liên quan.

6/ Các bộ, ngành có liên quan cần có biện pháp tạo điều kiện, giúp đỡ PVN triển khai thi công các dự án đúng tiến độ, thúc đẩy cổ phần hóa đúng kế hoạch.

Đặc biệt, với dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, các cơ quan tố tụng cũng cần phải xem xét giải phong tỏa khoản tiền của Tổng thầu EPC tại OceanBank, bởi tính đến thời điểm hiện tại, vụ án đã được khép lại./.

nangluongvietnam.vn/

Có thể bạn quan tâm

Các bài mới đăng

Các bài đã đăng

[Xem thêm]
Phiên bản di động